Theo truyền thông quốc tế, ông Kim từng thảo luận về cải cách kinh tế theo mô hình của Việt Nam trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào cuối tháng 4/2018.
Theo Bloomberg, trường hợp Việt Nam không chỉ cung cấp một mô hình về quá trình nâng cấp nền kinh tế mà còn là quá trình hồi phục và duy trì sức mạnh.
Khoảng 10 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam đưa ra chương trình cải cách “Đổi mới” với tầm nhìn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cho thấy những thành công rực rỡ.
Chương trình khuyến khích đầu tư nước ngoài, giảm trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước và nông dân bán nông sản dư thừa. “Họ đã đi một quãng đường dài. Giờ Việt Nam có hơn 12 thỏa thuận thương mại tự do và một nền kinh tế tăng trưởng trung bình 6,6% từ năm 2000” – Bloomberg viết.
Theo bài báo, một số điểm chung của hai nước là cả hai đều trải qua cuộc chiến tranh với Mỹ. Việt Nam bắt đầu quá trình hòa giải bằng cách giúp giải quyết các trường hợp tù binh hoặc người mất tích trong chiến tranh, và ông Kim cũng bắt đầu có bước đi tương tự. Tổng thống Bill Clinton loại bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam vào năm 1994, khởi đầu quá trình bình thường hóa quan hệ mà Triều Tiên có thể đi theo.
Bên cạnh đó, cả hai đều nằm ở những khu vực có những cơ hội thương mại lớn. Theo Bloomberg, Triều Tiên hiện tại có những điểm tương đồng với Việt Nam những năm 1980, với những khó khăn về kinh tế và mối quan hệ với thế giới.
Theo ngân hàng trung ương Hàn Quốc, GDP Triều Tiên giảm 3,5% năm 2017, mức lớn nhất trong vòng 20 năm, trước khi các lệnh trừng phạt quốc tế thắt chặt hơn vào năm 2018. “Kinh tế Triều Tiên thực tế mạnh hơn Hàn Quốc ở một số lĩnh vực trong những năm 1970, nhưng bị chậm lại phía sau kể từ đó.” – Bloomberg viết.
Dưới sự lãnh đạo của ông Kim, các thị trường và doanh nghiệp tư nhân Triều Tiên được mở rộng để lấp đầy khoảng trống bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước. Những nhà quan sát lạc quan hơn tập trung vào sự trở lại của hệ thống ra quyết định tập trung, sự xuất hiện của các doanh nhân và ngành dịch vụ mới nổi ở Triều Tiên.
Tuy nhiên Triều Tiên và Việt Nam cũng có những điểm khác biệt. Khoảng 90% hàng xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc – nước đồng thời là nhà cung cấp chính của Triều Tiên về năng lượng và thực phẩm. Đối với Việt Nam, ngoài Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cũng là những đối tác lớn.
Khí hậu và địa hình của Việt Nam tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển mạnh, trong khi tài sản giá trị nhất của Triều Tiên được cho là các khoáng sản như than và sắt và các ngư trường. Dân số Việt Nam lớn hơn khoảng 4 lần dân số Triều Tiên và diện tích đất lớn hơn khoảng 2,5 lần.
Video: Cuộc sống thường ngày ở Triều Tiên giữa vòng vây cấm vận
Hàn Quốc và Trung Quốc, những người hàng xóm gần nhất với Triều Tiên cũng đều bước qua giai đoạn chuyển đổi từ những nền kinh tế dựa vào nông nghiệp thành các cường quốc sản xuất toàn cầu trong quãng thời gian vài thập niên.
Theo Bloomberg, ông Kim cũng ủng hộ chiến lược ban đầu của Trung Quốc khi tạo ra các đặc khu kinh tế - những khu vực được chỉ định để phát triển thương mại, có những quy định khác với những phần còn lại như giảm thuế. Ông đã tăng số lượng các khu vực như vậy lên gấp hơn 5 lần kể từ khi nối tiếp cha mình làm lãnh đạo vào năm 2011.
Đối với Hàn Quốc, một phái đoàn cấp cao từ các tập đoàn gia đình thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của nước này – đã đến Bình Nhưỡng năm 2018 để gặp các quan chức cấp cao. Tuy nhiên bộ máy độc lập của ông Kim có thể sẽ cẩn trọng không muốn dựa quá nhiều vào Trung Quốc hay mang ơn đối với Hàn Quốc, Bloomberg nhận định.
Bài báo cho rằng, đối với Việt Nam, những gì Triều Tiên có thể quan sát là làm thế nào để tích hợp đầu tư và phát triển kĩ năng chuyên môn từ nước ngoài, với hình mẫu chào đón các công ty đa quốc gia đã mang lại những thành quả lớn cho nền kinh tế.
Việt Nam đã di chuyển đi lên trong chuỗi giá trị từ sản xuất cấp thấp sang sản xuất công nghệ cao với những công ty toàn cầu, gia tăng chỉ số thuận lợi kinh doanh trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và ghi danh vào bảng chỉ số đổi mới của Bloomberg. Nỗ lực mở cửa của chính phủ đã giúp Việt Nam thu hút 22 tỷ USD tài trợ từ Ngân hàng Thế giới tính đến năm 2016.