Trung Quốc hành xử kiểu "qua cầu rút ván": Được lợi nhỏ trước mắt, gánh họa lớn lâu dài

Hồng Anh |

Ngày 18/12, Trung Quốc đã kỉ niệm 40 năm "Cải cách và Mở cửa" - chính sách đã giúp nền kinh tế nước này phát triển thần kì trong suốt 4 thập kỷ sau đó.

* Bài viết được đăng tải trên chuyên trang Bloomberg, thể hiện quan điểm và góc nhìn của cây viết Mihir Sharma.

---

Kinh tế Trung Quốc phát triển như vũ bão sau "Cải cách và Mở cửa"

Chủ trương của ông Đặng Tiểu Bình đã giúp đưa hàng trăm triệu người dân thoát khỏi diện hộ nghèo, biến trung tâm công nghiệp của Trung Quốc thành công xưởng của thế giới, và đưa Trung Quốc trở thành một trong những cường quốc thuộc top đầu trên thế giới.

Tuy nhiên, có lẽ vào thời điểm đó, không ai - thậm chí là cả ông Đặng Tiểu Bình - có thể dự đoán về những điều Trung Quốc đã đạt được ngày hôm nay, với những con số đặc biệt ấn tượng như số lượng doanh nghiệp tư nhân một chủ (sole proprietor) tăng hơn 500 lần, và các doanh nghiệp sở hữu tư nhân tăng gấp 339 lần so với năm 1978.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm là 9,5%, kinh tế Trung Quốc hiện nay chiếm khoảng 15% kinh tế toàn cầu, trong khi trước cải cách thì con số này chỉ vỏn vẹn 1,8%.

Các số liệu chính thức cho thấy việc Trung Quốc cải cách và mở cửa nền kinh tế đã giúp hơn 700 triệu người dân thoát khỏi diện nghèo, con số này chiếm hơn 70% tỉ lệ giảm nghèo trên toàn thế giới.

Theo ông Achim Steiner, người đứng đầu Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), nhận định: "Các thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được đều xuất sắc cả về tầm cỡ và thời gian thực hiện. Chưa nước nào làm được điều đó".

Ông Eugenio Bregolat Obiols, Đại sứ Tây Ban Nha tại Trung Quốc cho biết, chủ trương cải cách và mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình không chỉ thay đổi Trung Quốc, mà còn đem lại sự thay đổi trên toàn thế giới.

Ai đóng góp nhiều nhất cho thành công của Trung Quốc?

Những thành tựu ấy đúng là rất đáng tự hào, nhưng dường như giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay có phần hơi quá tự mãn về mô hình quản trị và các chính sách của mình, theo Bloomberg. Trong khi đó, những quốc gia khác đã dần nhận ra rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc và đường lối của họ không phải là yếu tố duy nhất làm nên thành công của nước này.

Thực tế, yếu tố chủ yếu làm nên "phép màu" kinh tế này là những công dân Trung Quốc đã lao động chăm chỉ và cần cù trong suốt 40 năm qua - từ những chủ doanh nghiệp, bất kể lớn hay nhỏ, cho đến những người lao động nhập cư...

Trung Quốc hành xử kiểu qua cầu rút ván: Được lợi nhỏ trước mắt, gánh họa lớn lâu dài - Ảnh 2.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Trung Quốc, thể hiện qua chỉ số GDP qua các năm từ 1978-2017. Nguồn: Bloomberg.

Bên cạnh đó, "phần còn lại" của thế giới cũng góp phần rất lớn vào thành công của Trung Quốc, thế nhưng họ đang dần nhận ra rằng mình chưa được đền đáp xứng đáng cho điều đó.

Ví dụ, các tập đoàn lớn trên thế giới quyết định đặt cược và đầu tư vào Trung Quốc, đã đóng góp rất lớn và làm nên chỗ đứng của Trung Quốc trên trường thế giới ngày nay.

Ngoài ra, cũng phải kể để việc nhiều chính phủ trên thế giới đã "tạo điều kiện" để Trung Quốc phát triển trong hệ thống thương mại toàn cầu, với hy vọng quốc gia châu Á này sẽ trở nên tự do hơn, hội nhập hơn trên sân chơi toàn cầu.

Tuy nhiên, thỏa thuận ngầm ấy - rằng các nhà đầu tư nước ngoài có thể thu được lợi nhuận tại Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ thay đổi để trở thành hình tượng quốc gia được nhiều nước kì vọng - đã bị phá vỡ.

Dưới thời lãnh đạo Tập Cận Bình, những kì vọng trên đã trở nên gần như vô vọng. Các doanh nghiệp nước ngoài lo lắng rằng họ sẽ bị cho ra rìa khi Trung Quốc bước sang giai đoạn phát triển mới; còn chính phủ các nước thì nhận ra rằng họ đang phải đương đầu với một "gã khổng lồ" cứng đầu hơn rất nhiều so với tưởng tượng.

Trung Quốc hành xử kiểu qua cầu rút ván: Được lợi nhỏ trước mắt, gánh họa lớn lâu dài - Ảnh 4.

Đầu tư nước ngoài đã góp công lớn trong việc thay đổi "diện mạo" nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Muốn đi xa, Trung Quốc không thể tiếp tục "qua cầu rút ván"

Tuy nhiên, theo Bloomberg, nếu Trung Quốc hành xử kiểu "qua cầu rút ván", không biết trân trọng những người bạn của mình, thì chắc chắn họ sẽ tụt hậu so với thế giới.

Điều này được thể hiện khá rõ ràng trong lĩnh vực kinh tế: Mặc dù thị trường nội địa Trung Quốc có tiềm năng lớn, nhưng điều đó không có ích gì với những lĩnh vực nghiên cứu công nghệ cao, như trí thông minh nhân tạo.

Quả thực, nếu không thể được áp dụng trên quy mô toàn cầu, thì Trung Quốc sẽ không thể thu được lợi nhuận từ những công nghệ mà họ tự nghiên cứu và phát triển.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ không thể đạt được thành công như kì vọng trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nếu như họ không có hệ thống tài chính mở và hội nhập hơn, cùng với những đánh giá chi tiết về rủi ro tiềm tàng của quyết định cải cách.

Một ví dụ điển hình cho lập luận trên chính là sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Một mặt, Bắc Kinh có thể thu được lợi nhuận từ các quốc gia này khi đầu tư vốn và nhân lực phù hợp. Mặt khác, dự án này cũng có thể khiến Trung Quốc phải gánh lấy những rủi ro từ những nước vay nợ mình.

Một điều nữa cần nói đến, đó chính là an nguy của chính các công dân Trung Quốc cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng trên con đường cải cách của nước này.

Vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính của tập đoàn viễn thông Huawei xảy ra gần đây chính là lời nhắc nhở đối với chính quyền Bắc Kinh: Nếu muốn tiến xa hơn, thì Trung Quốc không thể đi một mình, mà buộc phải trở nên hòa thuận hơn với các đối tác của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại