Bloomberg, DVZ (Đức) nhận định gì về triển vọng kinh tế Việt Nam?

Anh Vũ |

Báo DVZ cho rằng, ngay cả trước và trong giai đoạn dịch bệnh, Việt Nam đã thu hút được các khoản đầu tư từ các doanh nghiệp chuyển địa điểm sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị từ dệt may sang vi mạch. Còn theo Bloomberg, mặc dù có thể chịu một số tác động từ gián đoạn chuỗi cung ứng, song cơ hội phục hồi nhờ xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn.

Theo báo Giao thông Đức (DVZ), Việt Nam đã rất ấn tượng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đồng thời duy trì phát triển kinh tế và trở thành một thị trường đầy triển vọng.

Cụ thể, Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư ưa thích của các doanh nghiệp ngoại. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2020, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mức 2,9% - một trong những mức tăng trưởng cao trên thế giới. Dự báo năm 2021, con số này sẽ đạt 6,5%.

Đáng chú ý, theo báo cáo về Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021, các hoạt động sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu của Việt Nam đã phục hồi sớm, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Các chuyên gia nghiên cứu thị trường tại Transport Intelligence (TI) nhận định, Việt Nam được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Anh, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều này đã giúp Việt Nam tiếp cận với các thị trường như Canada và Mexico dễ dàng hơn.

Việt Nam đã thu hút được các khoản đầu tư từ các doanh nghiệp chuyển địa điểm sản xuất trong giai đoạn trước và ngay cả khi xảy ra đại dịch. Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã nâng cao chuỗi giá trị từ dệt may sang vi mạch, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác.

Ví dụ điển hình bao gồm loạt ông lớn như nhà cung cấp linh kiện của Apple - Foxconn, hay Pegatron, Panasonic đã mở rộng sản xuất tại Việt Nam, hoặc công bố kế hoạch sản xuất tại Việt Nam vào năm 2021. Theo báo cáo của TI, khoảng 40% lượng hàng hóa tại Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và EU.

Song, thách thức ở đây đó là liệu Việt Nam có cung cấp đủ lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp này, bên cạnh các thách thức như cơ sở hạ tầng, đường sá và bến cảng. Công ty bảo hiểm tín dụng quốc tế Atradius thông tin, Việt Nam cũng là một trong những thị trường có triển vọng tốt đối với các nhà xuất khẩu Đức.

Chuyên gia Thomas Langen của Atradius nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp đã chuyển các công đoạn sản xuất đơn giản sang Việt Nam nhờ chi phí lương thấp và các điều kiện đầu tư thuận lợi.

Bloomberg, DVZ (Đức) nhận định gì về triển vọng kinh tế Việt Nam? - Ảnh 1.

Theo Bloomberg, kết quả GDP quý 1/2021 tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước là minh chứng cho nền kinh tế Việt Nam vẫn đi đúng hướng nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong năm nay.

Chuyên gia kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho (Singapore), ông Vishnu Varathan cho hay, trong bối cảnh bất định trên toàn cầu và châu Á, Việt Nam được đánh giá là khả quan hơn hầu hết các nước trong khu vực.

Ông Vishnu kết luận, mặc dù có thể chịu một số tác động do gián đoạn chuỗi cung ứng, song "sự thiếu hụt nguồn cung chip có thể sẽ chuyển thành cơ hội cho Việt Nam bắt kịp sản xuất, từ đó xuất khẩu có khả năng tiếp tục thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại