Vốn nổi tiếng là quốc gia có nhiều lao động trẻ em, Ấn Độ đã dần khống chế được tình hình trong những năm gần đây với các quy định chặt chẽ hơn về sử dụng lao động.
Thế nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều gia đình mất thu nhập, qua đó đẩy nhiều trẻ em quay trở lại những công việc khó khăn nặng nhọc.
Cô bé Maheshwari Munkalapally 16 tuổi cùng người em 15 tuổi của mình đã phải bỏ học khi dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Ấn Độ.
Mẹ của Munkalapally và những người chị của cô đã bị mất việc do các lệnh cách ly mùa dịch và hệ quả là những đứa trẻ còn đang trong tuổi ăn học bị buộc thôi đến trường để ra đồng kiếm sống.
"Làm việc dưới nắng hè là điều khó khăn bởi chúng em chưa bao giờ phải ra đồng. Nhưng chúng em buộc phải đi làm để có tiền mua lương thực", cô bé Munkapally nói.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu trẻ em bị buộc lao động trở lại vì đại dịch tại Ấn Độ nhưng các tổ chức xã hội đang ngày càng giải cứu nhiều trẻ em hơn khỏi các khu nhà máy, hầm mỏ hay đồng ruộng vốn bị thiếu lao động do lệnh cách ly.
Trên thực tế từ trước khi đại dịch diễn ra, Ấn Độ đã gặp khó khăn để giữ trẻ em được đến trường.
Nghiên cứu năm 2018 của DHL International GmBH cho thấy hơn 56 triệu trẻ em tại Ấn Độ không được đến trường, nhiều hơn tổng số trẻ em không được đi học của Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines cộng lại.
Hệ quả là nền kinh tế Ấn Độ ước tính thiệt hại khoảng 0,3% GDP, tương đương 6,79 tỷ USD vì một lượng lớn lao động trình độ thấp không được đào tạo từ bé.
Trong số hơn 56 triệu trẻ em không đến trường tại Ấn Độ, khoảng 10,1 bé là đang phải làm việc với vai trò là người kiếm thu nhập chính hoặc phụ cho gia đình.
Không riêng gì Ấn Độ, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cảnh báo đại dịch Covid-19 đang đẩy hàng chục triệu trẻ em trên thế giới bỏ học quay trở lại làm việc, qua đó xói mòn tất cả những nỗ lực chống bóc lột lao động trẻ em từ trước tới nay.
Theo ước tính của ILO, khoảng 60 triệu trẻ em trên thế giới sẽ rơi xuống cảnh nghèo đói trong năm nay vì đại dịch và buộc chúng quay trở lại những cơ sở làm việc tồi tàn để kiếm sống.
Một báo cáo của ILO kết hợp cùng Quỹ nhi đồng liên hiệp quốc (UNCF) cho thấy cứ 1% tăng trưởng trong tỷ lệ nghèo đói sẽ khiến lao động trẻ em tăng ít nhất 0,7%.
Số trẻ em không đến trường tại Ấn Độ cao vượt trội so với nhiều nước.
Thất thu về kinh tế
Ấn Độ hiện là quốc gia có dân số thuộc hàng trẻ nhất thế giới nhưng với ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, cả một thế hệ trẻ em của nền kinh tế này đang chịu tổn thương.
Việc không được học hành, rơi xuống cảnh nghèo khổ cùng nạn bóc lột sức lao động trẻ em sẽ khiến thế hệ trẻ nhỏ của nước này có thu nhập ít hơn khi trưởng thành cùng nhiều hệ lụy khác.
Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ 3 Châu Á cũng sẽ bị giảm năng suất do mất lượng lớn lao động có tay nghề vì bỏ học, thu nhập thấp làm giảm ngân sách cùng một khoản thất thu thuế cực nhiều do lao động trẻ em thường làm trong những mảng kinh tế màu xám.
Tệ hại hơn, đói nghèo gia tăng khiến chính phủ phải tốn nhiều nguồn lực hơn nhằm chăm sóc cho thế hệ chịu tổn thương vì đại dịch này.
Quay trở lại trường hợp của bé Munkalapally, khu vực em sống cấm thuê trẻ em dưới 18 tuổi làm việc trong các điều kiện nguy hiểm hoặc vất vả.
Thế nhưng những luật lệ này lại trở thành công cụ để các ông chủ ép tiền lương của lao động trẻ em, buộc chúng phải làm việc với mức lương bèo bọt.
Trong khi đó, những đứa trẻ dưới 18 tuổi như Munkalapally lại cần lao động để có thể kiếm sống mùa dịch.
Nhiều tổ chức phi chính phủ tại Ấn Độ thậm chí cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ khiến nạn bóc lột lao động bùng nổ mạnh mẽ do tầng lớp lao động trưởng thành bỏ về quê tránh dịch khiến các nhà máy thiếu nhân công trầm trọng.
Thậm chí khi lệnh cách ly chấm dứt, nhiều lao động trở lại làm việc cũng sẽ mang theo gia đình và việc để chúng tham gia các hoạt động sản xuất kiếm thêm thu nhập là điều không tránh khỏi.
Cô Venkatamma, mẹ của Munkalapally mặc dù không muốn con mình phải lao động vất vả từ bé nhưng chẳng còn cách nào khác. Số tiền họ kiếm được chẳng đủ ăn trong mùa dịch.
"Chúng tôi chẳng đủ tiền mua rau củ, gạo, gia vị, xà phòng… dù cả 4 người trong gia đình đều đi làm. Sẽ thật tốt nếu mọi chuyện trở lại như trước khi đại dịch diễn ra. Cuộc sống khi đó dù khó khăn nhưng vẫn đủ sống", cô Venkatamma ngậm ngùi.