Blogger truyền thông: Thông tư 38 sẽ "giữ cho môi trường mạng đỡ ô nhiễm hơn"

Hoàng Đan |

"Tính răn đe và khuyến nghị của Thông tư 38 sẽ khiến cư dân mạng có ý thức, có trách nhiệm hơn với các phát ngôn của mình...".

Khiến cư dân mạng có ý thức, trách nhiệm hơn

Thông tư 38 về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vừa được Bộ Thông tin và truyền thông ban hành được xem là cơ sở pháp lý để loại bỏ các nội dung có thông tin xấu, độc trên môi trường Internet tại Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long đánh giá, Thông tư 38 chính là một yếu tố "kỹ thuật" cần thiết để cơ quan quản lý có hành lang pháp lý đủ mạnh thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm "giữ cho môi trường mạng đỡ ô nhiễm hơn".

"Thông tin độc hại trên mạng tôi nghĩ có thể chia ra làm hai loại. Thứ nhất là do những đối tượng chủ ý đưa lên vì mục đích nào đó. Thứ hai là những thông tin mà chính bản thân người đăng phát, chia sẻ cũng không ý thức được rằng mình đang vi phạm.

Thông tư 38 sẽ là yếu tố cần thiết để cơ quan quản lý có hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý những phạm trên. có thể tác động tích cực và chắc chắn Thông tư sẽ có hiệu quả tích cực theo thời gian", blogger Ngọc Long nói.

Blogger truyền thông: Thông tư 38 sẽ giữ cho môi trường mạng đỡ ô nhiễm hơn - Ảnh 1.

Blogger Nguyễn Ngọc Long. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Long cũng cho hay, cùng các vụ việc đã được cơ quan chức năng xử lý nghiêm túc trước đây, cộng với truyền thông tích cực từ báo chí thì ý thức của người sử dụng mạng Internet đã và sẽ được nâng cao hơn.

"Từ đó, tính răn đe và khuyến nghị của Thông tư 38 này sẽ khiến "cư dân mạng" có ý thức, có trách nhiệm hơn với các phát ngôn của bản thân, thứ mà trước đây họ cho rằng cứ nói bừa phứa bạt mạng, chẳng sợ điều gì", blogger Ngọc Long chia sẻ.

Trước thời điểm Thông tư 38 được ban hành, có nhiều ý kiến cũng hỏi về việc phải làm gì để "đối phó" với những thông tin bôi nhọ, sai sự thật trên mạng xã hội.

"Câu trả lời của tôi là cần soạn thảo những Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường Internet rồi thực hiện các chiến dịch giáo dục nâng cao ý thức người dùng, cộng với thấu hiểu nguyên tắc cộng đồng của những nền tảng mạng xã hội mà người sử dụng bị "bêu xấu", kết hợp với một vài yếu tố kỹ thuật.

Nhưng thực sự, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bức tranh ghép vẫn thiếu một mảng lớn, và tôi kỳ vọng Thông tư 38 sẽ là miếng vá cuối cùng còn thiếu đấy", blogger Ngọc Long kỳ vọng.

Tạo lập môi trường mạng trong sạch

Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu (Hà Nội) cho hay, Thông tư 38 ra đời để quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 72/2013/NĐ- CP của Chính Phủ trong lĩnh vực cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Theo luật sư Thiệp, thực tế thời gian qua đã xuất hiện nhiều vụ việc các cá nhân và tổ chức bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay bị nói xấu, xuyên tạc trên mạng.

Cách giải quyết thông thường của những người bị xúc phạm là gửi đơn thư kêu cứu tới cơ quan Nhà nước hoặc phản ứng bằng cách phản pháo lại, thậm chí xúc phạm lại điều này tạo ra môi trường kém văn hóa trên mạng.

Luật sư Thiệp cũng thông tin, trên thế giới, khi có những khiếu nại, xử lý về việc thông tin sai sự thật, xúc phạm lẫn nhau trên mạng Internet, nhà chức trách sẽ buộc các đơn vị cung cấp dịch vụ thẩm tra, xử lý việc này.

Đối với các nhà cung cấp lớn như Facebook, Google hay Youtube, họ cũng có quy định bảo vệ quyền của người tham gia mạng xã hội, trong đó có quyền được tôn trọng và không bị xúc phạm.

Blogger truyền thông: Thông tư 38 sẽ giữ cho môi trường mạng đỡ ô nhiễm hơn - Ảnh 2.

Luật sư Lê Văn Thiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Với việc ban hành Thông tư 38 của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là căn cứ áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn những thông tin sai sự thật trên mạng như lăng mạ, bôi nhọ cá nhân, tin đồn... trên môi trường mạng tại Việt Nam.

Đồng thời, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dùng. Tôi cũng tin chắc chắn rằng, trong thời gian tới, Thông tư này sẽ giúp thiết lập lại, tạo ra môi trường trong sạch cho mạng Internet Việt Nam", luật sư Thiệp nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Thiệp, căn cứ vào quy định của Thông tư thì các cá nhân, tổ chức có khiếu nại về thông tin giả, xuyên tạc, bôi nhọ hoặc vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam có quyền và nghĩa vụ thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, cũng có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp khi bị phát hiện thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, đe dọa đến lợi ích quốc gia Việt Nam thì cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực thi ngay lập tức các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn thông tin vi phạm.

Yêu cầu không được cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam, đồng thời gửi yêu cầu xử lý thông tin vi phạm theo quy trình được nêu tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

Biện pháp chặn kỹ thuật chỉ được gỡ bỏ sau khi các thông tin vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, khi Tòa án tuyên xử doanh nghiệp đó thua kiện thì còn phải chịu trách nhiệm dân sự cũng như các khoản bồi thường thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại có yêu cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại