Blogger Trung Quốc: Việt Nam chỉ mất 10 năm chuyển mình thành nước xuất khẩu lương thực

Hữu Hiển |

Một blogger trên trang QQ (Trung Quốc) vừa có bài viết lý giải tại sao Việt Nam chỉ mất 10 năm chuyển mình từ một nước thiếu ăn thành nước xuất khẩu lương thực vào những năm 1980.

Việt Nam thừa lương thực từ thời xa xưa

Việt Nam nằm ở phía đông của bán đảo Đông Dương, từ xa xưa đã là vùng sản xuất lương thực chính, đặc biệt là cây lúa nước, với nghề trồng lúa nước rất nổi tiếng.

Cuốn sách viết về các loại sản vật nổi tiếng "Dị vật chí" của Trung Quốc mô tả rằng: "lúa Giao Chỉ chín vào mùa hè và mùa đông, người nông dân sau một năm lại trồng lại". Hơn nữa, lượng gạo dư thừa vào thời điểm đó còn được gửi đến các khu vực lân cận. (Theo Wikipedia, Giao Chỉ là tên gọi địa danh bắt nguồn từ Trung Quốc để chỉ miền Bắc Việt Nam vào thời Bắc thuộc. Đây cũng là tên gọi mà nhà Tống bên Trung Quốc gọi nhà nước ta thời Đinh và thời Lý từ năm 981 đến 1164).

Vì vậy, theo Nizijiejieyaonuli - tác giả bài viết trên trang QQ của Trung Quốc, hàng ngàn năm trước, Việt Nam đã dư thừa lương thực để đáp ứng nhu cầu của chính mình.

Vào thời cận đại, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, Việt Nam đã mở rộng diện tích trồng lúa. Theo tài liệu ghi chép lại, vào thời điểm đó tại vùng đồng bằng sông Cửu Long – vùng trồng lúa nước lớn nhất Việt Nam - đã có 2,2 triệu ha đất canh tác, với khoảng 35% sản lượng lúa được xuất khẩu. Lúc bấy giờ, đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng đã trở thành "vựa lúa" của bán đảo Đông Dương và là "công cụ kiếm tiền" của thực dân Pháp.

Blogger Trung Quốc: Việt Nam chỉ mất 10 năm chuyển mình thành nước xuất khẩu lương thực - Ảnh 1.

Vùng trồng lúa nước tại đồng bằng sông Hồng.

Từng phải "chạy gạo" trước khi xuất khẩu trở lại

Nhưng sau Chiến tranh thế giới thứ hai và nhiều thập kỷ kháng chiến, trong vòng 30 - 40 năm, Việt Nam từ một nước xuất khẩu lương thực đã trở thành một nước cần viện trợ lương thực.

Một vụ việc điển hình là tình hình lũ lụt nặng nề ở cả hai miền Nam - Bắc vào năm 1978 đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung ứng lương thực. Theo tư liệu của báo Tuổi trẻ, sản lượng lương thực Nhà nước huy động trong năm 1979 chỉ còn được 1,45 triệu tấn, sút giảm nghiêm trọng so với 2,04 triệu tấn năm 1976. Sản lượng lúa đầu người, tức nồi cơm người dân, cũng giảm từ 211 kg/người năm 1976 xuống còn 157 kg/người năm 1980.

Trong hồi ký của mình, nguyên Phó thủ tướng Trần Phương viết: "Nhiệm vụ nặng nhất của Chính phủ và của Phó thủ tướng phụ trách lưu thông hồi ấy là chạy gạo. Nhu cầu gạo ăn và thóc giống mỗi năm phải đảm bảo tối thiểu 300 kg thóc/đầu người. Dưới mức ấy phải "vác rá" đi xin viện trợ của các nước anh em hoặc vay nợ để mua lương thực".

Theo tác giả bài viết trên trang QQ, từ năm 1989, cuộc khủng hoảng lương thực tại Việt Nam đã kết thúc và bắt đầu xuất khẩu lương thực ra thế giới (năm 1989 xuất khẩu 1,5 triệu tấn). Đến năm 2018, tổng sản lượng lương thực của Việt Nam đã đạt mức 50 triệu tấn.

Blogger Trung Quốc: Việt Nam chỉ mất 10 năm chuyển mình thành nước xuất khẩu lương thực - Ảnh 2.

4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt 2,05 triệu tấn với giá trị 1 tỷ USD.

Vậy Việt Nam đã làm thế nào để lật ngược tình thế, từ một nước thiếu lương thực vào cuối những năm 1970 đã trở thành nước xuất khẩu lương thực chỉ trong 10 năm?

Trong 10 năm, diện tích trồng trọt tăng 10%

Theo tác giả bài viết trên trang QQ, thứ nhất, tại Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, nhiều hợp tác xã đã áp dụng hình thức "khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động" từ năm 1980. Điều này đã kích thích sự hăng hái lao động của nông dân Việt Nam.

Thứ hai, lưu vực sông Mê Kông và sông Hồng của Việt Nam hầu hết đều là đất đai màu mỡ, lại thường xuyên được bồi đắp thêm một lượng lớn phù sa, giúp mở rộng diện tích đất trồng trọt, điều này cũng kéo theo sự gia tăng sản lượng lương thực. Theo tác giả bài viết, 6,19 triệu ha diện tích đất trồng trọt vào năm 1976 của Việt Nam trong vòng 10 năm đã tăng lên mức 6,83 triệu ha, tương đương 10%.

Thứ ba, Việt Nam đã nghiên cứu, lai tạo nhiều giống lúa chất lượng cao và đưa vào gieo cấy, thay thế giống lúa thuần địa phương năng suất thấp, góp phần tăng năng suất, chất lượng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Đặc biệt, các giống lúa mới còn có thể trồng được ba vụ trong một năm.

Blogger Trung Quốc: Việt Nam chỉ mất 10 năm chuyển mình thành nước xuất khẩu lương thực - Ảnh 3.

Áp dụng khoa học công nghệ giúp tăng năng suất lúa tại Việt Nam.

Ngoài những nguyên nhân chính này, theo tác giả bài viết, sự tiến bộ của khoa học công nghệ, sự hỗ trợ về chính sách của chính phủ Việt Nam và việc trồng thay thế một số loại ngũ cốc đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực trong thời gian ngắn chỉ khoảng 10 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại