Khi "hộp mù đồ ăn thừa" trở thành trào lưu
Trong nhà hàng tại tầng 1 một trung tâm mua sắm lớn tại Bắc Kinh (Trung Quốc), từ sau 21h mỗi ngày, sẽ có 5 blind box (hộp mù) đồ ăn thừa được xếp gọn trong góc. Thay vì giá gốc từ 100 - 110 nhân dân tệ NDT (khoảng 340 - 370.000 VNĐ) thì lúc đó, những gói đồ ăn này chỉ có giá khoảng 40 NDT (khoảng 140.000 VNĐ) và được bán trong vòng một giờ đồng hồ.
Những hộp thức ăn thừa này không phải đồ ăn thừa của thực khách trong nhà hàng theo đúng nghĩa đen mà là đồ ăn vẫn chưa được bê ra khỏi bếp hay những thực phẩm sử dụng trong ngày chưa bán hết hoặc sắp hết hạn sử dụng. Chúng sẽ được nhân viên xếp một cách tùy ý vào trong túi và người mua sẽ không biết có gì bên trong cho đến khi mở ra.
Những hộp đồ ăn này thường có hạn sử dụng ngắn trong vòng từ 2 - 3 ngày hoặc thậm chí chỉ có hạn muộn nhất ngay trong ngày hôm sau. Thời hạn sử dụng đều được in rõ ngoài bao bì. Khoảng thời gian những hộp đồ ăn này được bày bán sẽ vào khung giờ từ 20 - 22 giờ tối.
Tương tự các mặt hàng khác, blind box đồ ăn thừa được bán chủ yếu thông qua các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc và tập trung mở rộng tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… Đa phần là đồ ăn từ các nhà hàng ở những trung tâm thương mại lớn hoặc những chuỗi nhà hàng lớn. Với việc bùng nổ của phương thức bán đồ ăn này trên mạng xã hội (MXH), việc ăn đồ ăn thừa không những không gây xấu hổ mà còn trở thành một trào lưu thời thượng.
Trên các nền tảng xã hội như Bilibili, Xiaohongshu và Douyin, hàng loạt video về việc sử dụng blind box đồ ăn thừa cho cả ba bữa trong ngày được đăng tải đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Với mức giá rẻ và sự bất ngờ mỗi lần mở hộp, không ít người đã bị thu hút bởi những hộp đồ ăn này.
Chỉ với một giá thành thấp (khoảng ⅓ giá thông thường) bạn đã có thể sở hữu những món ngon phong phú với số lượng lớn, đặc biệt là hoàn toàn bất ngờ - tựa như trúng xổ số nếu vào những món bạn yêu thích. Một xuất tiểu long bao chỉ có giá 7,9 NDT (khoảng 26.000 VNĐ), một khay sushi đầy đủ chỉ với giá 19,9 NDT (khoảng 67.000 VNĐ)...
Đã vài tháng qua, Trác Phàm liên tục sử dụng blind box đồ ăn thừa cho cả 3 bữa trong ngày. Căn cứ vào hạn sử dụng mà anh chia những thứ mình mua phù hợp cho ba bữa - bữa tối trong ngày cùng bữa sáng và bữa trưa ngày hôm sau:
"Hộp đồ ăn của tôi chỉ có giá 10 tệ (khoảng 30.000 VNĐ) đủ cho hai bữa ăn. Những món này không chỉ rẻ mà hương vị cũng không khác gì đồ bán ở nhà hàng."
Theo anh X. chia sẻ, sau khi mất việc, những blind box đồ ăn thừa đã trở thành nguồn thực phẩm chính của anh: “Khi tôi ở thời điểm nghèo nhất, blind box đồ ăn thừa bất ngờ xuất hiện và thực sự đã giúp đỡ cuộc sống của tôi một cách thiết thực.”
Kèm theo vẫn là những nỗi lo về chất lượng sản phẩm
Mỗi cửa hàng bán blind box đồ ăn thừa theo những cách khác nhau. Nhân viên bán hàng sẽ lựa chọn những đồ trong hộp dựa trên doanh số bán hàng tối hôm đó. Ngoại trừ việc tiết kiệm chi phí và có được những bất ngờ thú vị, blind box đồ ăn thừa còn được đón nhận bởi việc thân thiện với môi trường, tiết kiệm thực phẩm.
Theo giải thích của người chủ nhà hàng: “Mỗi blind box đồ ăn thừa buộc phải chứa những thứ khác nhau. Nếu được đóng gói giống nhau, người tiêu dùng sẽ nghi ngờ nhà hàng đang lừa họ”. Những người này cũng cho biết, đối tượng khách hàng thường là người trẻ tuổi, nhân viên văn phòng.
Cùng với đó, nhiều nhà hàng, cửa hàng cũng coi xu hướng bán blind box đồ ăn thừa là một cách quảng bá, thu hút khách hàng. Chủ một quán cà phê ở Nam Kinh (Trung Quốc) cho biết: “Việc tung blind box thức ăn thừa một mặt là để mở rộng quảng bá, mặt khác cho phép khách hàng sử dụng thử thêm nhiều mặt hàng khác của chúng tôi với giá thành tốt hơn.”
Tuy thời điểm hiện tại vẫn có khá ít bình luận tiêu cực về những blind box đồ ăn thừa nhưng nhiều người nghiên cứu mô hình kinh doanh này lo ngại sẽ gây ra nhiều vấn đề về việc quản lý sản phẩm và chất lượng.
Một người quản lý cửa hàng cho biết: "Trên thực tế, không có cách nào để khách hàng đánh giá chất lượng sản phẩm chúng tôi cho vào blind box. Những gì chúng tôi cho vào bên trong và chất lượng hoàn toàn phụ thuộc vào nhân viên bán hàng tại quầy.”
Nói cách khác, ở một số cửa hàng, mọi bất ngờ do một blind box thức ăn thừa mang lại đều đơn giản là do quyết định thuần túy cá nhân của nhân viên bán hàng hay thậm chí là tâm trạng của người đó, ngay quản lý cửa hàng hay chủ thương hiệu cũng khó có thể can thiệp. Ngoài ra, theo quản lý cửa hàng, việc đóng blind box đồ ăn thừa không phải là hình thức kinh doanh tốt cho cửa hàng:
“Trước đây, chúng tôi thường thực hiện hoạt động mua một tặng một trước khi đóng cửa hoặc giảm giá một nửa… Những phương thức này mang lại nhiều lợi nhuận hơn và cũng hấp dẫn hơn đối với khách hàng đi ngang qua”.
Trước sự phát triển của loại hình thực phẩm này, Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc mới đây đã cho biết sẽ sớm đưa ra những tiêu chuẩn ràng buộc cụ thể đối với người kinh doanh blind box đồ ăn thừa. Cùng với đó, hiệp hội cũng khuyến cáo người mua blind box thức ăn thừa cũng nên cố gắng chọn những thương hiệu nổi tiếng để được đảm bảo về chất lượng. Sau khi nhận hàng, nên lập tức kiểm tra chất lượng để tránh mua phải những thực phẩm hư hỏng, kém chất lượng.
Nguồn: huxiu.com