Bạn không cần phải là một chuyên gia tài chính để nhận thấy rằng Bitcoin là bong bóng đang chờ nổ. Chỉ trong 8 năm, Bitcoin đã tăng giá từ 39 đồng lên hơn 18.000 đô và tăng gấp đôi trong vài ngày gần đây, khiến dư luận vô cùng xôn xao.
Sự tăng giá chóng mặt của Bitcoin, không chắc là tốt hay xấu, biểu hiện một sự sụp đổ của niềm tin vào xã hội loài người: tránh xa các thể chế tài chính được chính phủ lập ra và đặt hy vọng các hệ thống hoạt động dựa trên thuật toán.
Ngày ngày, chúng ta tin vào bản đồ của Google để tìm đường, lên Tinder để kiếm người yêu, dùng Foody để chọn món ngon, để những thuật toán điều khiển máy bay, lái ô tô, phẫu thuật, giao dịch tài chính...Thậm chí, nếu một công việc có thể được tự động hóa hoàn toàn bằng máy móc, chúng ta sẽ sẵn sàng loại bỏ hoàn toàn con người, giống như camera an ninh đang làm với các bác bảo vệ.
Nếu nhìn theo góc độ này, thì sự ra đời của Bitcoin mới là thứ chậm theo kịp công nghệ. Kể từ khi dạng tiền thô sơ nhất được phát minh cách đây hơn 100.000 năm, đây lần đầu tiên chúng ta mới có hi vọng vào một loại tiền không dính líu gì đến niềm tin (kèm theo sự ngu ngốc, cảm tính, bốc đồng) của loài người.
Bitcoin là một phần của xu hướng dịch chuyển niềm tin này. Suy cho cùng, chính những sai lầm của cuộc khủng khoảng tài chính 2009 khiến cả thế giới chao đảo đã truyền cảm hứng cho sự phát minh của Bitcoin.
Từ trước đến nay, các đại gia ngân hàng được hỗ trợ bởi những cường quốc kinh tế vốn là tượng đài của sự đáng tin trong giới tài chính. Nhưng chính họ lại cho thấy mình là những kẻ cẩu thả, vô lương tâm, tiêu xài hoang phí tiền của người dân.
Trong con mắt một nhà lập trình, hệ thống tiền tệ không khác gì một bộ mã chưa được chạy thử nghiệm, đặt quá nhiều niềm tin lên ý tưởng rằng con người sẽ cư xử lý trí. Và giống như bất kỳ một phần mềm "đểu" nào, sập là chuyện đương nhiên khi các điều kiện thay đổi
Không chỉ thế, các chính phủ đáng tin nhất cũng không phải lúc nào cũng thể hiện mình là một người đáng tin cậy. Nạn siêu lạm phát của Venezuela khiến tài sản của người dân chỉ còn là đống giấy lộn là một ví dụ còn có thể tha thứ.
Nhưng như nước Mỹ, vệ binh của thế giới tài chính, vẫn còn đang chìm trong 20 nghìn tỷ đô nợ, luôn ở trong tình trạng sụp đổ bất cứ lúc nào. Liên minh Châu Âu thì vẫn đang còn sốc trước kế hoạch rời bỏ của Anh như dự định và chứa đầy rủi ro vì những đấu đá giữa các nước thành viên.
Chẳng nghi ngờ gì khi các công dân thế giới đi tìm một sự lựa chọn khác.
Những fan cuồng Bitcoin không hoàn toàn mất lòng tin vào các thể chế do loài người tạo ra. Họ chỉ không chọn tin rằng con người có thể giữ lời hứa của mình. Theo như Satoshi Nakamoto, người hoặc một nhóm những người được cho là đã sáng tạo ra Bitcoin, chỉ ra "vấn đề cốt lõi của tiền tệ hiện nay là con người buộc phải có lòng tin thì nó mới hoạt động được."
Nói thế không phải để thần tượng hóa Bitcoin. Khả năng cao là Bitcoin sẽ không bao giờ có thể dùng làm tiền để mua thịt ngoài chợ vì độ dao động hoang dại của nó, nhưng Bitcoin có thể là một tài sản tích lũy giá trị để sau này bạn có thể bán đi.
Nhưng Bitcoin đã tạo ra một cuộc cách mạng mới về niềm tin. Giống như chúng ta đã từng đặt niềm tin thần thánh, và khoa học đã chỉ ra các thần không có thật, sau đó lại đặt niềm tin vào con người, và bị chính những đồng loại phản bội, bây giờ là lúc mọi người đặt trọn niềm tin vào thuật toán.
Tham khảo Tim Wu