Bình Thuận lấy hơn 600 ha rừng xây hồ thuỷ lợi Ka-Pét: Gỗ được xử lý như thế nào?

Duy Quang |

Sau khi hơn 600 ha rừng được phá bỏ để xây hồ thuỷ lợi Ka-Pét, những cây lâu năm sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ. Cơ quan chức năng đang làm thủ tục đấu thầu chọn đơn vị tư vấn định giá giá trị lâm sản để làm cơ sở tiến hành đấu giá.

Trồng lại gần 1.850 ha rừng

Sáng 6/9, đoàn công tác của Sở NN và PTNT tỉnh Bình Thuận do ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở dẫn đầu đã vào rừng thuộc khu vực thực hiện dự án hồ thuỷ lợi Ka-Pét ở huyện Hàm Thuận Nam để khảo sát thực tế.

Trước đó, đoàn công tác của Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận đã vào tới Phan Thiết. Tuy nhiên, lịch giám sát thay đổi nên không đi cùng đoàn khảo sát như dự kiến trước đó.

Bình Thuận lấy hơn 600 ha rừng xây hồ thuỷ lợi Ka-Pét: Gỗ được xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Khu vực Dự án hồ chứa nước Ka-Pét ở huyện Hàm Thuận Nam có nhiều loại gỗ quý hiếm.

Dự án hồ chứa nước Ka-Pét ở huyện Hàm Thuận Nam đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết đầu tư từ tháng 11 năm 2020 và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư vào tháng 6/2023.

Quy mô dự án gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ Wtb="51",21 triệu m3, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 874 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương gần 520 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 354 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2019 - 2025.

Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là gần 698 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp gần 680 ha và diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 18,01 ha. Đáng chú ý, trong gần 680 ha đất lâm nghiệp thì đất có rừng hơn 619 ha, gồm rừng đặc dụng gần 138 ha, rừng phòng hộ (0,51 ha), rừng sản xuất (440 ha), đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng (gần 41 ha) và đất không có rừng (hơn 60 ha).

Sau khi rừng được phá bỏ, những cây lâu năm sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ. Cơ quan chức năng đang làm thủ tục đấu thầu chọn đơn vị tư vấn định giá giá trị lâm sản để làm cơ sở tiến hành đấu giá. Đơn vị nào trúng thầu thì đẩy nhanh khai thác, bàn giao mặt bằng.

Hiện nay, khu rừng được hai chủ rừng là Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng-Ka Pét quản lý, có sự chung tay bảo vệ của cộng đồng người dân địa phương thông qua chính sách nhận khoán.

Diện tích rừng được khai thác để nhường đất cho dự án đang thuộc quản lý của 3 đơn vị, gồm Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng-Ka Pét, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Bình Thuận lấy hơn 600 ha rừng xây hồ thuỷ lợi Ka-Pét: Gỗ được xử lý như thế nào? - Ảnh 2.

Trong rừng có rất nhiều loại cây gỗ quý hiếm.

UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế đợt I với diện tích là 434 ha cho gần 145 ha rừng tự nhiên . Đối với phần diện tích cần trồng rừng thay thế còn lại 1.410 ha, Sở NN và PTNT Bình Thuận đang rà soát để mở rộng thêm vị trí trồng rừng thay thế bổ sung, đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế của dự án. Dự kiến tổng kinh phí trồng rừng thay thế là 177 tỷ đồng.

Bình Thuận được gì?

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, mục tiêu đầu tư dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II là 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết, phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của Bình Thuận.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, việc xây dựng hồ Ka-Pét để điều tiết nước trong năm, phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Dự án hồ chứa nước Ka-Pét là công trình quy hoạch liên hoàn, có tính chất bổ trợ nguồn nước cho các công trình thủy lợi khác, như hồ Sông Móng, đập dâng Ba Bàu… để phát huy hết diện tích đất canh tác.

Bình Thuận lấy hơn 600 ha rừng xây hồ thuỷ lợi Ka-Pét: Gỗ được xử lý như thế nào? - Ảnh 4.

Hồ chứa nước Ka-Pét sẽ được xây tại khu rừng sau khu dân cư hiện hữu của xã Mỹ Thạnh, cách chừng 2 km, kéo dài lên hướng núi rừng huyện Tánh Linh.

Dự án là một trong những công trình ưu tiên đầu tư theo chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ. Dự án còn nằm trong quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam bộ giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Bộ NN và PTNT.

Về lâu dài, hồ Ka Pét còn là nơi trung chuyển nước từ sông La Ngà về, bổ sung cho phía nam tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên, khó khăn nhất của dự án là khi xây dựng sẽ gây ngập lòng hồ với diện tích khoảng 718 ha, trong đó hơn 160 ha là rừng đặc dụng. Tại thời điểm lập báo cáo, hệ sinh thái trên cạn chủ yếu là rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nên còn khá nguyên vẹn. Hệ sinh thái khu vực dự án rất phong phú và đa dạng về số lượng loài.

Theo ĐTM, với dự án này cần phải có phương án giải phóng mặt bằng và trồng rừng thay thế phù hợp.

Dự án hồ chứa nước Ka-Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2019. Đến tháng 5/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Trong các nội dung điều chỉnh, diện tích sử dụng đất của dự án lên gần 698 ha, tăng gần 4,5 ha so với phê duyệt ban đầu. Trong đó, đất có rừng khoảng 620 ha (giảm 60,83 ha) gồm, đất rừng đặc dụng là 137,95 ha (giảm 24,6 ha), đất rừng phòng hộ là 0,51 ha (giảm 0,4 ha), đất rừng sản xuất là 440,4 ha (giảm 30,69 ha), đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha (giảm 5,13 ha).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại