Ngày 7-9, tại cuộc họp báo thường kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở TTTT Bình Thuận tổ chức, ông Võ Thành Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, thừa ủy quyền của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh vừa có công văn gởi Sở TN&MT liên quan đến dự án nhận chìm 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện Lực Vĩnh Tân 1 trên vùng biển Tuy Phong.
The đó, Bộ TN&MT đã có công văn chấp thuận cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được đổ toàn bộ khối lượng nạo vét gần 1 triệu m3 sang khu vực lấn biển của Dự án cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Do đó UBND tỉnh không xem xét, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm vật chất ở biển theo giấy phép 1517 mà Bộ TN&MT đã cấp cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 ngày 23-6.
Buổi giao ban báo chí thường kỳ tháng 9 tỉnh Bình Thuận sáng gna2y 7-9. Ảnh: P.N
UBND tỉnh giao Sở TN&MT tiếp tục theo dõi nội dung chỉ đạo của Bộ TN&MT để chủ động triển khai kế hoạch phối hợp giám sát, quan trắc môi trường trong hoạt động nạo vét và đổ vật chất nạo vét thuộc phạm vi trách nhiệm theo quy định.
Về thông tin của Bộ Công thương chia việc xử lý khoảng hơn 4 triệu m3 bùn cát nạo vét thành ba giai đoạn, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã xác định những vị trí sạt lở ven biển có thể tiếp nhận vật chất nạo vét mà không cần phải nhận chìm xuống biển.
Và đây là phương án sử dụng vật chất nạo vét phù hợp, khả thi nếu Bộ TN&MT, Chính phủ đồng ý.
Cụ thể, có ba vị trí ưu tiên hiện nay là bờ biển thôn Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Tân) cách Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân khoảng 2 km đang bị sạt lở với chiều dài khoảng 800 m, xâm thực vào đất liền 20-30 m.
Việc xâm thực này làm hư hỏng hàng loạt nhà dân cùng công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 114 hộ dân sinh sống ven bờ biển.
Cạnh đó là bờ biển thôn Vĩnh Tiến, cách Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 km, cũng bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài lên đến khoảng 2.992 m, xâm thực vào đất liền 10-30 m, gây mất ổn định nhà cửa của người dân và công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu dân cư giáp bờ biển.
Đồng thời việc xâm thực này làm hư hỏng các công trình hạ tầng kỹ thuật của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôm giống dọc bờ biển.
Địa điểm thứ ba là bờ biển khu phố 13, 14 (thị trấn Liên Hương), cách Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân 15 km, bị sạt lở với chiều dài khoảng 1.200 m, xói sâu vào đất liền 50-100 m đã làm sập hoàn toàn 25 căn nhà và đang tiếp tục đe dọa đến sự ổn định của hàng trăm căn nhà khác cùng công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư.
Trước đó Pháp Luật TP.HCM cùng nhiều tờ báo đã có nhiều bài viết phản biện liên quan đến việc Bộ TN&MT cấp phép cho nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất nạo vét của Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong (gần khu bảo tồn biển Hòn Cau, Bình Thuận).
Sau khi tiếp thu phản biện từ báo chí, Chính phủ đã chỉ đạo cho Viện Hàn Lâm KHCN Việt Nam khảo sát, đánh giá lại toàn bộ các tác động đến môi trường tự nhiên cũng như đời sống xã hội khu vực này.
Giữa tháng 8 - 2017 Chính phủ đã quyết định dừng dự án nhận chìm và đưa khối vật chất này về Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.