Chiều ngày 11/5 vừa qua, sau điều chỉnh của liên bộ Công Thương - Tài chính, giá các mặt hàng xăng dầu đã đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, giá xăng RON 95-III đã giảm 1.320 đồng, xuống mức 21.000 đồng/lít, giá dầu diesel cũng giảm 600 đồng xuống 17.650 đồng/lít. Đây đã lần lần thứ 3 liên tiếp giá các loại mặt hàng này điều chỉnh giảm.
Đối với xăng RON 95-III, giá hiện tại là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023 trong khi giá dầu diesel thậm chí đã rơi xuống mức thấp nhất trong khoảng 1 năm rưỡi trở lại đây. Xu hướng này nếu tiếp diễn có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các nhà bán lẻ xăng dầu vốn đã bị thu hẹp trong quý đầu năm nay.
Bình quân mỗi ngày thu gần nghìn tỷ
Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cung cấp hàng chục triệu tấn sản phẩm cho người tiêu dùng mỗi năm.
Khoảng 70% thị phần xăng dầu dựa trên doanh thu nội địa hiện nằm trong tay 2 doanh nghiệp Nhà nước là Petrolimex (PLX) và PV Oil (OIL) . Dù mặt bằng giá xăng, dầu không quá thấp so với các quý trước nhưng cả 2 “ông lớn” này đều có phần thất thu trong quý đầu năm.
Petrolimex - nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước ghi nhận doanh thu thuần quý 1 đạt 67.432 tỷ đồng, nhích nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng là mức thấp nhất trong vòng 4 quý. Doanh thu thuần của PV Oil thậm chí đã giảm 3 quý liên tiếp xuống mức 20.538 tỷ đồng trong quý 1. Con số này thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế, doanh thu của Petrolimex và PV Oil vẫn là con số “khổng lồ” không chỉ với các doanh nghiệp cùng ngành mà còn với phần lớn doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. T ổng doanh thu của hai nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước trong quý đầu năm đạt xấp xỉ 88.000 tỷ đồng, tương đương bình quân mỗi ngày thu gần nghìn tỷ . Dù vậy, con số này vẫn là mức thấp nhất trong vòng 5 quý kể từ đầu năm 2022.
Lợi nhuận trái chiều
Tương tự doanh thu, lợi nhuận của Petrolimex và PV Oil cũng biến động trái chiều nếu so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế quý 1 của Petrolimex tăng đến 51% lên mức 667 tỷ đồng trong khi PV Oil lại báo lãi giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ xuống còn 265,6 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía Petrloimex, lợi nhuận tăng trưởng cao là nhờ hoạt động kinh xăng dầu trong điều kiện bình thường hơn so với cùng kỳ: (1) giá dầu thế giới không chịu tác động bất thường như khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vào tháng 2/2022; (2) cung xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước khá ổn định, các thương nhân thực hiện nhập mua xăng dầu theo đúng kế hoạch và đảm bảo hiệu quả. Ngoài ra, tỷ giá ngoại tệ biến động theo xu hướng giảm vào cuối quý cũng giúp tập đoàn có lãi chênh lệch tỷ giá thay vì bị lỗ như cùng kỳ.
Đối với PV Oil, doanh nghiệp lý giải lợi nhuận sau thuế quý 1 giảm so với cùng kỳ là do giá vốn và các chi phí phátsinh trong kỳ như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng.
Tồn kho giảm mạnh
Không chỉ kết quả kinh doanh, chiến lược tích trữ tồn kho của 2 nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước cũng có sự khác biệt. Giá trị hàng tồn kho của Petrolimex đã giảm 2.650 tỷ đồng sau quý đầu năm, xuống còn gần 14.600 tỷ đồng, thấp nhất từ đầu năm 2022.
Ngược lại, giá trị hàng tồn kho của PV Oil đã tăng 342 tỷ đồng sau quý 1 lên gần 3.300 tỷ đồng. Petrolimex và PV Oil đều trích lập dự phòng giảm giá không đáng kể cho khoản mục này vào cuối quý vừa qua.
Tính chung cả 2 doanh nghiệp, tổng lượng tồn kho tại thời điểm 31/3 đạt gần 17.900 tỷ đồng, giảm hơn 2.300 tỷ so với đầu năm và là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021. Tồn kho ở mức thấp giúp 2 nhà bán lẻ xăng dầu phần nào vơi bớt áp lực khi giá bán giảm mạnh từ đầu quý 2 đến nay. Dù vậy, nếu giá xăng, dầu tiếp tục xu hướng giảm, biên lợi nhuận gộp của Petrolimex và PV Oil chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhưng với mức độ khác nhau.