Trong một bài báo được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải hôm 22/3, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Jo Chol-su đã chỉ trích Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield sau khi bà thúc giục cơ quan này thông qua biện pháp nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Jo cho biết: “Buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân là một lời tuyên chiến. Bất kỳ nỗ lực nào để làm việc này cũng sẽ bị đáp trả kiên quyết theo Chính sách Lực lượng hạt nhân của Bình Nhưỡng.”
Được ban hành vào tháng 9 năm ngoái, chính sách vạch ra 5 trường hợp mà trong đó Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm: Bị tấn công bởi nước ngoài, hoặc xảy ra một cuộc khủng hoảng thảm khốc đe dọa sự tồn vong của nhà nước, sự an toàn của người dân…
Trong cuộc họp của Liên Hợp Quốc hôm 20/3, Đại sứ Thomas-Greenfield cho biết Washington và các đồng minh phải theo đuổi việc phi hạt nhân hóa "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" của Triều Tiên, lặp lại lời kêu gọi của các chính quyền Mỹ trước đó.
Bình Nhưỡng từng nhiều lần khẳng định vũ khí của nước này chỉ được sử dụng nhằm mục đích phòng thủ và liên tục bác bỏ yêu cầu của Mỹ.
Đại sứ cũng cáo buộc Nga và Trung Quốc cản trở nỗ lực gây áp lực lên Triều Tiên, khi hai nước thường xuyên quay lưng với các nghị quyết do Mỹ thúc đẩy tại Hội đồng Bảo an. Đáp lại, Bắc Kinh và Mátxcơva cảnh báo rằng cách tiếp cận hiện tại của Washington khó có thể thành công, và sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.
Tình hình bán đảo Triều Tiên đã “nóng” lên đáng kể trong những tháng gần đây khi Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử vũ khí để đáp trả các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.
Trong khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt được những bước tiến ngoại giao hiếm hoi với Bình Nhưỡng, thì chính quyền đương nhiệm lại thể hiện lập trường cứng rắn hơn nhiều kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2021.