Binh lính Nga kể nã 'mưa đạn' không trấn áp nổi súng máy địch?
Ít ngày trước, một kênh tin tức trên ứng dụng Telegram đã đăng tải những dòng sau:
"Trong một thời gian dài họ (lính Nga) đã cố gắng trấn áp ổ súng máy đối phương bằng hỏa lực - nhưng không hiệu quả. Và rồi họ nhận ra chuyện gì đang diễn ra khi một trái đạn pháo nổ tung ở mục tiêu - khiến một chiếc giá ba chân với một khẩu súng máy văng ra...
Ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta (Nga) cần nhìn thấy 'kỳ quan công nghệ' này. Rốt cuộc, đây có thể là cách có thể cứu sống các tổ súng máy - những người là chồng, cha và con của ai đó.
Chúng ta chỉ cần đầu tư và đưa chúng vào quân đội càng nhanh càng tốt - để những người lính không phải nhờ tới sự giúp đỡ của bạn bè và các tình nguyện viên làm ra nó..."
Những ổ súng máy điều khiển từ xa này đã được các lực lượng Ukraine sử dụng trong thời gian dài, đầu tiên là để chống lại Dân quân Cộng hòa Nhân dân Donbass tự xưng (DPR) và nay là chống lại quân chính quy Nga.
Nơi nó được "rửa tội" chính là Avdiivka khét tiếng - pháo đài kiên cố nhất của phía Ukraine ở phía nam Donetsk. Nó cũng là thứ mà một tay súng DPR với bí danh Zhuk đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Rossiyskaya Gazeta vào tháng 8/2022 như sau:
"Mọi công sự của đối phương ở đây (Avdiivka) đều được tạo ra một cách cẩn thận. Các ổ hỏa lực được gia cố bằng thép và bê tông. Hơn nữa, các hệ thống vũ khí điều khiển từ xa thường xuyên được sử dụng.
Có thể miêu tả nó như thế này - một khẩu súng máy hạng nặng và một camera. Xạ thủ không ở gần đó mà quan sát từ xa bằng camera và bắn bằng cò điện.
Nếu mọi thứ được lắp đặt chính xác thì rất khó để phá hủy ổ hỏa điểm như vậy - không có người ở đó và sẽ không có ai bị thương. Chỉ có thể loại bỏ nó bằng một đòn đánh trực tiếp vào khẩu súng..."
"Niềm an ủi duy nhất" của người Nga
Điều đáng chú ý trong câu chuyện trên là loại vũ khí này không đến từ kho vũ khí tiêu chuẩn của NATO mà là thứ được các tình nguyện viên Ukraine chế tạo trong các xưởng cơ khí.
Ý tưởng về súng máy điều khiển từ xa đã được phía Ukraine thực hiện sau những sự kiện trong năm 2014. Những mẫu đầu tiên đã được lắp đặt ở Avdiivka ngay trong năm 2015 và chúng hoạt động rất hiệu quả.
Chúng đã được thử nghiệm tại chính khu công nghiệp Avdiivka - nơi khó khăn cho Nga đến mức sau 2 năm phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, phải sử dụng quân chính quy mới kiểm soát được.
Như những gì được miêu tả ở trên, ngày nay chúng vẫn được sử dụng tích cực ở đó.
Vào năm 2017, nhiều lời chế nhạo của độc giả Nga đã được đưa ra khi có thông tin đối phương bắt đầu sử dụng súng máy điều khiển từ xa ở Donbass (Donetsk và Luhansk), nhưng nay thì không còn ai có thể cười nổi nữa.
Ngược lại, một công ty thuộc Tập đoàn Nhà nước Rostec cuối cùng cũng đã tự mình phát triển và sản xuất một nền tảng điều khiển từ xa tối đa 1 km cho súng máy hạng nặng PKT.
4 khí tài đã được chuyển đến khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt và 5 khí tài nữa sẽ được giao vào cuối năm nay.
4 + 5 = 9 súng máy điều khiển từ xa. Và chúng chỉ là 1 giọt nước trong đại dương nếu so với nhu cầu thực sự của chiến tuyến khổng lồ.
Người Nga cho rằng, niềm an ủi duy nhất là dù sao thì ngành công nghiệp quốc phòng của họ cũng đã thức dậy.