Cuối năm 2022, UBND tỉnh Bình Định đã cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận Nhà đầu tư cho Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn).
Khu liên hợp Gang thép Long Sơn dự kiến được xây dựng trên diện tích 486 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 53.500 tỷ đồng (chia thành 3 giai đoạn đầu tư), công suất 5,4 triệu tấn/năm, bao gồm các sản phẩm thép cơ khí chế tạo chất lượng cao, thép xây dựng, thép cuộn.
Nhà đầu tư cũng đang triển khai lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Khu bến cảng Phù Mỹ - là cảng chuyên dùng phục vụ cho bốc xếp hàng hoá, nguyên liệu sản xuất của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và hướng đến cảng tổng hợp trong tương lai. Tổng vốn đầu tư khoảng 10.500 tỷ đồng cho 13 bến cảng và có thể tiếp nhận được tàu 250.000 tấn vào làm hàng. Khi cả 2 dự án đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Dự án cũng giải quyết được số lượng lớn lao động tại địa phương: Tạo việc làm cho khoảng 7.500 – 8.000 người khi Khu liên hợp Gang thép Long Sơn hoàn thành cả 3 giai đoạn đầu tư.
Phối cảnh dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn)
Về những bước chuẩn bị của địa phương cho dự án này, Báo Điện tử VOV phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn.
PV: Thưa ông, hiện nay, nhà đầu tư đã có thuyết minh gì về dự án này, đặc biệt là vấn đề công nghệ sản xuất thép, bởi vẫn có ý kiến lo ngại sẽ xảy ra một sự cố giống như Formosa Hà Tĩnh?
Ông Phạm Anh Tuấn: Công nghệ sản xuất thép là công nghệ chung của thế giới chứ không phải của riêng quốc gia nào, giống như ô tô. Việc lặp lại như Formosa chắc chắn sẽ không xảy ra. Vì toàn bộ nước thải đều tuần hoàn, nhưng kiểu gì cũng có tác động tới môi trường. Xây dựng khách sạn hay khu resort cũng đều ảnh hưởng môi trường. Vấn đề là hạn chế tối đa, đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra.
Chỉ có điều, bây giờ ở Bình Định còn nhiều luồng suy nghĩ khác nhau khi xác định là làm du lịch thì có làm những dự án như thế không. Còn nói về môi trường thì làm bất cứ một cái gì cũng đều ảnh hưởng tới môi trường, chỉ là mức độ như thế nào thôi. Bài toán môi trường đối với dự án thép là bài toán quan trọng nhất. Bộ TNMT cũng rất quan tâm vấn đề này và sẽ làm rất kỹ. Nếu như các bộ, ngành thông qua thì chắc chắn tỉnh sẽ ủng hộ dự án này.
Lo ngại thứ hai là khuyến cáo về nguồn cung của thép đã nhiều hay chưa? Bài toán này thì dành cho nhà sản xuất, họ phải nghiên cứu. Phía nhà đầu tư nói rằng họ đã tính toán rồi và sẽ làm nhiều loại sản phẩm khác nhau. Bài toán vốn thì họ cũng đã thu xếp được 20%, số còn lại là vay từ ngân hàng theo lộ trình.
Bờ biển Lộ Diêu còn rất hoang sơ
PV: Có lo ngại về việc xây dựng nhà máy thép sẽ xâm phạm vào bãi tắm của dân và di tích cột mốc tàu không số và phương án tái định cư được tính toán như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Anh Tuấn: Tỉnh Bình Định có 134km bờ biển mà dự án chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Dự án phải di dời 563 hộ dân, còn di tích tàu không số thì sẽ được bảo tồn.
Tỉnh dự kiến có 3 khu tái định cư, dân thích ở khu nào thì đăng ký khu đó. Đối với đền bù, ngoài chính sách chung thì tỉnh xây dựng chính sách riêng cho từng hộ dân. Nghĩa là ngoài chính sách của Nhà nước về bồi thường thì còn những vấn đề khác phối hợp với doanh nghiệp như đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ con cái đi học… để bà con yên tâm.
Tỉnh phải làm xong mọi thủ tục, đặc biệt là phương án bồi thường thì sẽ gặp dân. Chính sách bồi thường được chia thành 2 loại: chính sách của nhà nước và phần hỗ trợ thêm của doanh nghiệp. Làm xong rồi, dự án rõ nét rồi, có khu tái định cư rồi thì mới gặp dân. Trong đầu tháng 3 sẽ hoàn thành các phương án này. Về nguyên tắc, chính sách bồi thường của nhà nước là giống nhau. Đây là dự án đặc thù, di dời dân và doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ thêm, đào tạo chuyển đổi nghề, hoặc khi di chuyển…
Bia tưởng niệm đoàn tàu không số tại đây được chủ đầu tư dự án cam kết bảo tồn và nâng cấp.
PV: Bước đầu, phía địa phương nắm bắt tâm tư của bà con khu vực dự án như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Anh Tuấn: Nói chung là bà con ủng hộ, đồng thuận. Vì thực ra, nói về mặt kinh tế đây là dự án tốt. Ngoài việc thu ngân sách của dự án hàng năm theo dự báo từ 5.000 – 10.000 tỷ (khi lấp đầy dự án). Bên cạnh đó còn có các hệ sinh thái đi kèm phục vụ cho nó. Bản thân địa phương ở đó họ cũng rất mong chờ.
Đối với địa phương, Bình Định xác định có 3 đột phá và 5 trụ cột cho nên không tập trung vào một lĩnh vực nào cả. Du lịch là 1 trong 5 trụ cột gồm: công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Đồng thời, lấy cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển cực tăng trưởng phía bắc tỉnh làm các khâu đột phá.
Như Hoài Nhơn, khi làm được dự án thép thì sẽ làm được đô thị, vì nhân công, người dân, các doanh nghiệp phụ trợ đi kèm… sẽ dồn về đó. Về logistics cũng phát triển được vì trong dự án có một cảng chuyên dụng cho nhà máy thép, sau này có thể trở thành cảng dịch vụ (nếu có nhu cầu).
PV: Xin cảm ơn ông!
Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn: Lãnh đạo, nhân dân Hoài Nhơn rất ủng hộ, trông đợi dự án Khu Liên hợp gang thép Long Sơn
Để khai thác hết tiềm năng, nâng cấp đô thị Hoài Nhơn từ loại 4 lên loại 3, từ thị xã lên thành phố thì còn nhiều thách thức. Trong khi đó thu ngân sách để chi thường xuyên của địa phương chỉ mới đạt được hơn 40% tổng chi. Thị xã làm gì để phát triển? Cái mang lại nguồn thu rõ ràng nhất, lớn nhất là công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Lĩnh vực nông nghiệp ở đây mạnh nhất là đánh bắt hải sản nhưng nguồn lợi thủy sản cũng đang dần cạn kiệt rồi. Bước đột phá của Hoài Nhơn chỉ có thể là công nghiệp, nhưng các cụm công nghiệp ở đây hoạt động cũng rất khó khăn, khó lấp đầy vì mình xa cảng, xa trung tâm, nguồn nhân lực chất lượng thấp. Khu công nghiệp thì khó khả thi. Có 12 cụm công nghiệp thì chỉ có 5 cụm phát triển được còn lại kêu gọi lấp đầy rất khó khăn. Du lịch thì cũng rất khó phát triển, mặc dù có một số tiềm năng như cảnh quan biển.
Dự án Khu Liên hợp gang thép Long Sơn và cảng Phù Mỹ đầu tư ở đây nếu được cơ quan chức năng cho làm và làm được, làm hiệu quả là điều rất có ý nghĩa với địa phương, là tiền đề đặc biệt quan trọng để Hoài Nhơn đột phá về phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị bền vững, đảm nhiệm vai trò là cực tăng trưởng của 04 đơn vị hành chính cấp huyện phía Bắc tỉnh.
Lãnh đạo, nhân dân Hoài Nhơn rất ủng hộ, trông đợi dự án này. Quan điểm của lãnh đạo Hoài Nhơn là hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục tiếp theo. Để hỗ trợ được họ thì nhiệm vụ của địa phương rất quan trọng là tuyên truyền, vận động sự đồng tình, ủng hộ của người dân./.