Binh biến Zimbabwe: Ông Mugabe nghi ngờ tướng lĩnh lên kế hoạch lật đổ tại Trung Quốc

Thi Anh |

"Ông Mugabe rất lo ngại về khả năng đảo chính", một báo cáo tình báo đề ngày 23/10 nhấn mạnh, "Ông Mugabe được cảnh báo sẵn sàng cho một cuộc nội chiến".

Reuters đã chắp ghép các sự kiện dẫn tới sự ra đi của ông Mugabe và thấy rằng hành động của quân đội là kết quả của nhiều tháng chuẩn bị, của một kế hoạch kéo dài từ Harare tới Johannesburg cho đến Bắc Kinh.

Đối đầu cay đắng

Từ những tài liệu tình báo thu được của Cơ quan Tình báo Trung ương Zimbabwe (CIO), hồi tháng 9 Reuters đã đưa tin rằng, quân đội đang hậu thuẫn cho Emmerson Mnangagwa, lúc đó là Phó Tổng thống, để kế nhiệm Mugabe khi thời cơ đến.

Các tài liệu đề cập chi tiết tới việc ông Mnangagwa có thể hợp tác với đối thủ chính trị của ông Mugabe để khôi phục tình hình kinh tế. Việc này đã gây tranh cãi trong các nhóm chính trị và truyền thông của Zimbabwe.

Tình trạng đối đầu cay đắng trở nên căng thẳng giữa Mnangagwa và Grace, vợ ông Mugabe, một ứng viên khác của vị trí tổng thống. Bà Grace được G40, một bộ phận của đảng cầm quyền ZANU-PF ủng hộ.

Binh biến Zimbabwe: Ông Mugabe nghi ngờ tướng lĩnh lên kế hoạch lật đổ tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Ông Mugabe và bà Grace. Ảnh: Reuters

Đầu tháng 10, Mnangagwa cho biết, ông đã được đưa tới bệnh viện ở Nam Phi sau một âm mưu đầu độc hồi tháng 8. Mnangagwa không cáo buộc ai. Còn Grace nhanh chóng phủ nhận và cho rằng đối thủ của mình đang tìm kiếm sự cảm thông. Bà Grace chỉ coi Mnangagwa là nhân viên của chồng mình, theo tờ Herald.

Căng thẳng chồng chất, ông Mugabe ngày càng hoang tưởng về sự trung thành của tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga, một quân nhân gạo cội, một cựu chiến binh từng tham gia vào cuộc chiến những năm 1970 của Zimbabwe.

Tình báo của ông Mugabe đã cảnh báo với ông rằng quân đội sẽ không chấp nhận để bà Grace lên làm Tổng thống. "Mugabe rất lo ngại về khả năng đảo chính", một báo cáo tình báo đề ngày 23/10 nhấn mạnh, "Mugabe được cảnh báo sẵn sàng cho một cuộc nội chiến".

"Mã Đỏ" được kích hoạt

Đến cuối tháng 10, ông Mugabe triệu tập Chiwenga để đối chất, theo tài liệu đề ngày 30/10. Ông Mugabe đã chất vấn vị tư lệnh về mối quan hệ của ông với Mnangagwa và tuyên bố: Đối đầu với Grace có thể sẽ phải trả giá bằng mạng sống.

Cũng trong cuộc gặp này, ông Mugabe đã yêu cầu Chiwenga thề trung thành với bà Grace nhưng ông này từ chối.

Binh biến Zimbabwe: Ông Mugabe nghi ngờ tướng lĩnh lên kế hoạch lật đổ tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Mugabe và tư lệnh Chiwenga (trái). Ảnh: Reuters

Sau một cuộc gặp căng thẳng khác với ông Mugabe vào 5/11, ông Chiwenga rời Harare để tới Trung Quốc, thực hiện chuyến công du nằm trong lịch trình.

Hôm sau, ông Mugabe cách chức Mnangagwa và khai trừ ông ra khỏi đảng ZANU-PF, phong trào đấu tranh mà Mnangagwa đã phục vụ từ khi còn trẻ. Đối với các tướng lĩnh, ông Mugabe đã đi quá xa. Quân đội ngay lập tức kích hoạt báo động "Mã Đỏ", tình trạng sẵn sàng chiến đấu mức cao nhất.

Ngay sau khi Mnangagwa bị cách chức, nguyên tắc an toàn dành cho ông và tư gia bị rút lại. Mnangagwa tiết lộ trong thông cáo 21/11 rằng, "Lúc đó tôi muốn rời khỏi đất nước ngay lập tức".

Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc can dự vào tình hình Zimbabwe.

"Tôi chỉ có thể nói rằng chuyến thăm của ông ấy (ông Chiwenga) tới Trung Quốc ở thời điểm này là hoạt động trao đổi quân sự song phương theo thỏa thuận của Trung Quốc và Zimbabwe. Là quốc gia có quan hệ thân thiết với Zimbabwe, chúng tôi theo dõi rất sát tình hình ở đây", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Sảng trả lời báo giới ngày 15/11.

Từ Harare, ông Mnangagwa tìm cách vượt qua biên giới, vào Mozambique, rồi từ đó đáp máy bay tới Trung Quốc. Nguồn tin của Reuters cho biết, ông Mnangagwa đã gặp tư lệnh quân đội Chiwenga ở đó. Reuters chưa xác thực được thông tin nhưng theo báo cáo tình báo hôm 13/11, ông Mugabe nghi ngờ rằng tướng lĩnh của ông chuẩn bị lật đổ ông từ Trung Quốc.

Vì mối nghi ngờ này, và những thông tin nghe ngóng được, ông Mugabe đã triệu tập các quan chức cảnh sát trung thành với mình, Augustine Chihuri và Innocent Matibiri để ra lệnh bắt giữ Chiwenga khi ông này về tới Harare.

Hai quan chức này đã tập hợp một nhóm gồm 100 cảnh sát và đặc vụ. Tuy nhiên kế hoạch bị rò rỉ và những người ủng hộ Chiwenga đã tìm cách tổ chức một nhóm khác gồm hàng trăm đặc nhiệm và đặc vụ để đảm bảo an ninh khi máy bay chở tư lệnh hạ cánh. Một số còn cải trang thành người vận chuyển hành lý, vũ khí được họ giấu dưới áo khoác.

Nhận ra sự chênh lệch quá lớn, nhóm của Chihuri đã quyết định rút lui, để ông Chiwenga về nước mà không gặp trở ngại gì.

Diễn biến cuộc "đảo chính không đổ máu"

Hai ngày sau, Chiwenga và một nhóm tư lệnh quân đội yêu cầu họp với Mugabe tại tư dinh chính thức của tổng thống ở Harare. Họ nói rằng họ rất "lo lắng" trước quyết định cách chức ông Mnangagwa và yêu cầu ông Mugabe kiềm chế vợ mình cũng như nhóm G40 của bà, những người mà họ cho là đang cố tìm cách chia rẽ quân đội.

Sau đó vài giờ, ông Chiwenga cho mời các phóng viên tới căn cứ quân sự gần Harare để ra một thông cáo. "Chúng ta cần nhắc nhở những kẻ đang đứng sau các hành vi phản bội rằng khi sự việc liên quan tới việc bảo vệ cuộc cách mạng của chúng ta, quân đội sẽ không ngại ngần mà tiến lên", ông Chiwenga đọc thông cáo.

Chiều hôm sau, 6 xe chở quân bọc thép đã tiến về phía trụ sở Vệ binh Tổng thống ở ngoại ô Harare. Lúc đó, cư dân thành phố vẫn chưa biết chuyện gì đang diễn ra.

Binh biến Zimbabwe: Ông Mugabe nghi ngờ tướng lĩnh lên kế hoạch lật đổ tại Trung Quốc - Ảnh 4.

Phương tiện quân sự trên đường phố Zimbabwe. Ảnh: Reuters

Khoảng 18h ngày 14/11, đoàn xe hộ tống Mugabe hướng về phía dinh thự "Mái xanh", một tổ hợp kiên cố của ông ở ngoại ô. Trong khi đó, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh xe bọc thép di chuyển trên đường phố và những đồn đoán về một cuộc đảo chính.

Quá lo lắng, Grace đã điện đàm, yêu cầu một bộ trưởng trong nội các chặn WhatsApp và Twitter nhưng người này đã đáp rằng đó là việc của Bộ trưởng An ninh Quốc gia Kembo Mohadi. Ông Mugabe còn hỏi vọng vào: "Có thể làm gì được không?" nhưng vị bộ trưởng vẫn lặp lại câu trả lời như trên rồi đột ngột ngắt máy.

Những quan chức thân cận với Mugabe (hầu hết đều thuộc nhóm G40) không hề biết chuyện gì đang diễn ra. Bộ trưởng Thông tin gọi điện cho Bộ trưởng Quốc phòng để hỏi han nhưng không thu được kết quả gì. Bộ trưởng Quốc phòng sau đó lại gọi cho Tư lệnh quân đội Chiwenga nhưng ông này chỉ nói sẽ gọi lại sau.

Các bộ trưởng trong nhóm G40 lần lượt bị các binh lính tiếp cận và bắt giữ. Trong khi họ còn đang loay hoay tìm hiểu câu chuyện thì người của Chiwenga đã tiếp cận dinh thự của ông Mugabe. Ông Mugabe tiếp tục bám trụ lấy chiếc ghế tổng thống thêm 1 tuần nữa, còn Chiwenga và các lực lượng của ông thì tìm cách thiết kế một đường lùi cho tổng thống.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Zimbabwe bị bắt giữ.

Trong cuộc họp căng thẳng với các quan chức quân sự hàng đầu vào 16/11, ông Mugabe yêu cầu tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga: "Đem hiến pháp tới đây và cho tôi biết trong đó viết gì"- nguồn tin của Reuters thuật lại.

Một cố vấn đem bản sao hiến pháp trình lên và trong đó đề rõ, Tổng thống là Tổng tư lệnh của lực lượng vũ trang Zimbabwe. Ông Chiwenga ngập ngừng đáp lời rằng, Zimbabwe đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng, buộc quân đội phải can thiệt. Và theo nguồn tin, ông Mugabe vặn lại rằng, quân đội mới là vấn đề trước khi đề nghị cùng nhau tìm giải pháp.

Cuộc gặp này đã đánh dấu khởi đầu cho cuộc đôi co suốt 5 ngày giữa một bên là Mugabe, hiến pháp và bên kia là quân đội, đảng cầm quyền và người dân Zimbabwe.

Phải tới ngày 21/11, khi Quốc hội Zimbabwe bắt đầu quá trình luận tội, ông Mugabe mới quyết định bỏ cuộc. Cuối cùng, sau 37 năm cầm quyền, ông Mugabe ra đi. Trong đơn từ chức có viết, ông từ chức vì "lo lắng cho hạnh phúc của nhân dân Zimbabwe".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại