Tình hình Mali tiếp tục diễn biến rối ren sau khi tướng quân đội Assimi Goita hôm qua (19/8) tự xưng là người đứng đầu chính quyền quân sự sau khi dẫn đầu nhóm binh sĩ nổi loạn tấn công thủ đô Bamako và bắt giữ Tổng thống, Thủ tướng, cùng các quan chức chính phủ nước này. Cộng đồng quốc tế lên tiếng kêu gọi khôi phục trật tự hiến pháp tại Mali, đồng thời yêu cầu lực lượng đảo chính ngay lập tức thả tự do cho các quan chức bị bắt giữ.
Người dân xuống đường ở Bamako ngày 11/8, đòi Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita từ chức. Ảnh: Reuters.
Trong lần xuất hiện đầu tiên kể từ hôm 18/08, Đại tá quân đội Assimi Goita hôm qua tự xưng là Chủ tịch Ủy ban cứu quốc của nhân dân (CSNP) được thành lập sau cuộc đảo chính và cam kết tiếp tục duy trì “các dịch vụ nhà nước”. Mặc dù lực lượng binh biến liên tục khẳng định vai trò của Ủy ban cứu quốc của nhân dân là để bảo vệ người dân Mali, song cộng đồng quốc tế vẫn chỉ trích gay gắt hành vi đảo chính và cho rằng binh biến chỉ càng khoét sâu thêm những căng thẳng chính trị vốn đã âm ỉ cháy tại nước này từ lâu.
Cuộc binh biến hôm 18/08 được xem là đỉnh điểm của nhiều tháng khủng hoảng chính trị, cũng như các cuộc biểu tình kéo dài phản đối tình trạng an ninh xuống cấp và tham nhũng tràn lan tại Mali.
Từ tháng 7 vừa qua, Phong trào đối lập tháng 5 (M5-RFP) tổ chức biểu tình diện rộng yêu cầu Tổng thống Kết-ta từ chức, coi đây là điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc thương lượng giải quyết các khác biệt chính trị trong tương lai.
Bất chấp việc Cộng đồng các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Liên minh châu Phi và cộng đồng quốc tế thời gian qua nỗ lực triển khai các biện pháp trung gian hòa giải nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang,song tình hình Mali thậm chí tiếp tục tiến triển theo chiều hướng xấu khi nhóm binh lính tự xưng là Ủy ban cứu quốc của nhân dân vừa tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới. Và mặc dù Phong trào đối lập tháng 5 đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với nhóm binh lính đảo chính, song vẫn tuyên bố sẽ hợp tác với chính quyền quân sự thúc đẩy "một lộ trình" chuyển tiếp chính trị tại Mali.
Các binh sỹ Mali tại ngoại ô thủ đô. (Ảnh: Mediaguinee).
Lo ngại tình hình chính trị rối ren ở Mali có thể gây mất ổn định khu vực Sahel, Liên minh châu Phi đã lập tức đình chỉ tư cách thành viên của Mali nhằm đáp lại cuộc đảo chính của các binh sĩ. Chủ tịch Liên minh châu Phi cực lực phản đối sự thay đổi chính phủ Mali một cách “vi hiến”, đồng thời yêu cầu quân đội Mali ngay lập tức trả tự do cho Tổng thống, Thủ tướng và các thành viên chính phủ.
Trong khi, Cộng đồng các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cũng lên án mạnh mẽ vụ binh biến ở Mali, cảnh báo sẽ có một loạt hành động đáp trả, bao gồm tạm thời loại Mali khỏi các cơ quan hoạch định chính sách của khối, hay việc các quốc gia thành viên của khối này sẽ đóng cửa biên giới trên bộ và trên không với Mali, đồng thời yêu cầu áp đặt trừng phạt các đối tượng tham gia binh biến.
Trong ngày hôm nay (20/8), Cộng đồng các quốc gia Tây Phi sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh bất thường để thảo luận về tình hình chính trị-xã hội ở Mali. Nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Mali của Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi và Liên minh châu Phi đã ngay lập tức được nhiều nước lên tiếng ủng hộ, trong đó có Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vừa khẳng định: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan hành động vì lợi ích cơ bản của đất nước và người dân Mali, giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại hòa bình, khôi phục trật tự bình thường càng sớm càng tốt, đảm bảo sự ổn định và thống nhất đất nước”.
Sức ép quốc tế đối với lực lượng tiến hành đảo chính tại Mali vẫn không ngừng gia tăng khi thêm Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ phối hợp với Liên Hợp Quốc và Cộng đồng các quốc gia Tây Phi để kêu gọi đối thoại tại Mali. Hiện giới lãnh đạo châu Âu đang rất quan ngại rằng, làn sóng bạo lực tại Mali sẽ khiến thêm rất nhiều người rơi vào cảnh mất nhà cửa, thúc đẩy làn sóng di cư về phía bờ biển các nước châu Âu, đặt thêm gánh nặng cho châu lục này giữa thời điểm đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.
Đất nước Mali suốt nhiều tháng qua sa lầy trong cuộc khủng hoảng chính trị dường như không có lối thoát, với làn sóng biểu tình phản đối chính phủ ngày một dâng cao. Cuộc binh biến vừa nổ ra, theo nhìn nhận của giới quan sát, là hệ quả tất yếu của những bất ổn chồng chất lâu nay tại quốc gia Tây Phi này.
Nhìn lại, Mali đã trải qua 8 năm khủng hoảng, bắt đầu với việc các phiến quân nắm quyền kiểm soát miền Bắc nước này năm 2012, khiến bạo lực lan rộng và tình hình kinh tế - xã hội ngày càng bấp bênh. Mặc dù nhận được sự hỗ trợ tích cực từ quốc tế, đặc biệt là Pháp và nhóm G5-Sahel, song với những bất ổn vốn có do chưa thể ngăn chặn được chiến dịch vũ trang kéo dài suốt nhiều năm qua do các nhóm nổi dậy tiến hành, sự yếu kém trong công tác quản lý, chống tham nhũng, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và giờ lại cộng thêm những diễn biến chính trị phức tạp mới, càng đẩy Mali rơi vào hố sâu khủng hoảng./.