Bằng quỹ phi lợi nhuận do mình và vợ lập nên, Bill Gates đã bận bịu suốt 20 năm qua để cải thiện tình trạng sức khỏe toàn cầu. Vào ngày 15/2/2020, trong buổi họp mặt khoa học hàng đầu của Hoa Kỳ, ông ấy tuyên bố rằng tiến bộ trong công nghệ chỉnh sửa gen và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cải thiện ngành y tế trong tương lai.
"Với những công nghệ tân tiến như trí tuệ nhân tạo và chỉnh sửa gen, chúng ta có cơ hội để tạo ra một thế hệ biện pháp y tế mới khả dụng cho tất cả mọi người trên thế giới. Và tôi rất phấn khích vì điều này", Gates phát biểu trong buổi họp mặt Khoa học Tiến bộ của Hiệp hội người Mỹ (AAAS).
Những loại công nghệ này hứa hẹn sẽ có tác động mạnh mẽ đến những thử thách mà Quỹ tài trợ Bill & Melinda Gates gặp phải.
Buổi họp mặt thường niên của AAAS
Để chống lại bệnh sốt rét và các loại bệnh do muỗi lây nhiễm, chúng ta có CRISPR-Cas9 và các phương pháp chỉnh sửa gen khác để thay đổi bộ gen của loài muỗi, khiến chúng không còn khả năng lan truyền ký sinh trùng gây bệnh. Quỹ tài trợ Gates đang đầu tư hàng chục triệu USD để thúc đẩy sự biến đổi gen này trên quần thể muỗi.
Số tiền nhiều hơn còn được sử dụng để nghiên cứu biện pháp chống lại bệnh hồng cầu hình liềm và HIV của loài người. Ông Gates nói rằng các loại công nghệ còn đang trong quá trình phát triển có thể tạo ra bước nhảy vọt trong phương pháp điều trị hệ miễn dịch, cần một lượng tiền lớn nữa để có thể tiến hành quá trình tách tế bào và dùng kỹ thuật di truyền biến đổi chúng, sau đó ghép chúng lại và mong rằng các tế bào sẽ ổn định.
Đối với bệnh hồng cầu hình liềm, "ý tưởng chính là tạo ra một phương pháp chỉnh sửa gen trong cơ thể sống. Chúng ta nhắm vào các tế bào tạo máu nằm phía dưới vùng tủy xương, bạn chỉ cần thực hiện một lần tiêm thuốc đơn giản và chỉnh sửa chúng với độ chính xác cao", Gates nói. Một phương pháp trị liệu trong cơ thể sống tương tự có khả năng cung cấp một "liều thuốc chữa lành thiết thực" cho các bệnh nhân HIV.
Sự phát triển ngày một nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo đã cho Gates hi vọng về tương lai. Ông nhận định rằng hiệu suất tính toán của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang nhân đôi mỗi ba tháng rưỡi. So sánh với Định luật Moore, một định luật dự đoán rằng hiệu suất chip điện tử sẽ gia tăng mỗi hai năm, thì tốc độ cải thiện của trí tuệ nhân tạo nhanh hơn đáng kể.
Biểu đồ so sánh hiệu suất AI (màu hồng) và Định luật Moore (màu xanh).
Một dự án đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm mối liên hệ giữa dinh dưỡng thuộc về người mẹ và cân nặng của trẻ sơ sinh. Các dự án khác sử dụng trình gen lưu lượng cao để đo đạc sự cân bằng giữa các loại vi khuẩn khác nhau trong ruột người. Hệ vi sinh vật được dự đoán là chiếm vai trò quan trọng trong các vấn đề sức khỏe khác nhau, như vấn đề ở đường tiêu hóa, bệnh tự miễn dịch và các tình trạng thần kinh đặc biệt.
"Lĩnh vực này cần công nghệ giải trình tự và khả năng xử lý dữ liệu cao cấp, bao gồm trí tuệ nhân tạo, mới có thể tìm ra được mối liên hệ", Gates nói. "Có quá nhiều công việc phải làm nếu như bạn phải nghiên cứu bằng giấy và bút hơn 100 nghìn tỷ sinh vật và một lượng lớn vật liệu di truyền. Nhưng đây lại là công việc tuyệt vời để mà giao cho AI làm".
Tương tự, "nội tạng trên một con chip" có thể đẩy nhanh quá trình nghiên cứu y sinh học mà không cần phải thí nghiệm lên con người.
"Nói một cách đơn giản, công nghệ này cho phép chúng ta tái tạo nội tạng của con người trong ống nghiệm sao cho cách hoạt động của chúng giống với các nội tạng bình thường trong cơ thể người", Gates nói.
Trong nhiều năm, quỹ tài trợ Gates đã cấp vốn cho một lượng dự án nội-tạng-trên-một-con-chip, bao gồm một thí nghiệm sử dụng cơ quan hạch bạch huyết nhân tạo để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của vắc xin. Ở thành phố Seattle, Hoa Kỳ, một liên doanh về công nghệ này, với cái tên Nortis, đã thương mại hóa thành công nhờ có sự trợ giúp của Gates.
Bill Gates giải thích về phương pháp mà công nghệ gen dùng để tác động đến loài muỗi
Nghiên cứu y tế công nghệ cao thường cần rất nhiều chi phí, nhưng Gates tranh luận rằng những công nghệ này sẽ cắt giảm chi phí cần thiết để cải thiện y sinh học trong tương lai.
Ông ấy cũng cho rằng quỹ nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận sẽ phải hỗ trợ các đất nước nghèo. Họ là những người rất cần công nghệ y tế tiên tiến, mặc dù, "về cơ bản, họ không có tiếng nói nào trên thị trường".
"Nếu các giải pháp của các nước giàu không giảm chi phí xuống... thì rất có thể chúng sẽ không bao giờ được thực hiện", Gates nói khi đang trả lời các câu hỏi từ Margaret Hamburg, người chủ trì hội đồng quản trị AAAS.
Nhưng nếu sự tăng trưởng của công nghệ y tế xảy ra trên toàn thế giới, Gates kiên quyết rằng nó sẽ tác động đến các thử thách to lớn khác của toàn thế giới, bao gồm sự bất bình đẳng ngày một tăng giữa người giàu và nghèo.
"Bệnh tật không chỉ là một dấu hiệu của sự bất bình đẳng", Gates nói, "nó còn là một nguyên nhân chủ chốt".
Một số vấn đề khác mà Gates nhắc đến:
- Đối với nông nghiệp, ở các nước đang phát triển, biến đổi khí hậu khiến cho các thử thách mà nông dân gặp phải ngày một nghiêm trọng. Hiện tượng khí hậu cực đoan xuất hiện thường xuyên có thể đem đến nhiều cơn lũ lụt và mùa hạn hán hơn, nhiều sâu hại cùng các loại bệnh có khả năng phá hủy cả mùa vụ. Gates nhắc đến các nỗ lực tại CGIAR (nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tệ), họ đang phát triển những giống ngô, lúa và nhiều loại cây trồng có sức chống chịu tốt hơn. Còn ở trường đại học Cambridge, họ đang phát triển loại đất màu mỡ hơn. Quỹ tài trợ Gates đã thiết lập một viện nghiên cứu mới với tên gọi là Gates Ag One để hỗ trợ cải thiện nông nghiệp.
- Gates nói rằng ông ấy rất lo lắng về hai xu hướng phân bố thông tin của y học. "Một hướng là thông tin sai lệch nhưng lại thường hấp dẫn hơn thông tin thực tế". Mối liên hệ không tồn tại giữa bệnh tự kỷ và vắc xin là một ví dụ điển hình. "Còn có một quan niệm phổ biến là nếu các chuyên gia phát biểu gì đó, liệu họ có thiên vị hay ngây thơ?" Gates nói. "Đây là một cuộc chiến. Liệu trong tương lai, quá trình này có bớt gay gắt hơn bây giờ hay không? Tôi không biết. Nhưng tại thời điểm hiện tại, nó trông không có gì là sẽ thay đổi".
- Gates nói rằng ông đồng ý với tầm nhìn của nhà tâm lý học Steven Pinker rằng thế giới đang trở nên tốt hơn. "Mặc dù có rất nhiều điều để lo... chúng ta không thể bỏ lơ những cải thiện phi thường đã xảy ra", Gates nói. "Nhiều người hoàn toàn không biết gì về lịch sử khi nghĩ rằng 20 hoặc 40 năm về trước, cuộc sống vốn tốt hơn. Điều đó hoàn toàn sai. Đúng là hiện tại có rất nhiều vấn đề lớn còn tồn tại. Nhưng nếu bạn là một người phụ nữ, hay bạn là người đồng tính, nếu bạn mắc phải một số chứng bệnh, nếu bạn sống ở các đất nước đang phát triển, 40 năm trước hoàn toàn tệ hơn hiện tại rất nhiều".
Theo Yahoo!Finance