Big4 ngân hàng rao bán nhiều tài sản “khủng” để xử lý nợ xấu

Mạnh Đức |

Trong nửa đầu tháng 8, Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV đã đăng bán nhiều khoản nợ, tài sản thế chấp có giá trị lên tới hàng trăm, nghìn tỷ đồng.

Big4 ngân hàng rao bán nhiều tài sản “khủng” để xử lý nợ xấu - Ảnh 1.

Kể từ đầu tháng 8 đến nay, Agribank đã có gần 100 thông báo liên quan đến việc xứ lý nợ và tài sản đảm bảo. Trong đó, có nhiều khoản nợ và tài sản đảm bảo giá trị lớn được ngân hàng này rao bán.

Chỉ riêng Chi nhánh Agribank Trung Yên vừa qua đã thông báo bán đấu giá 4 khoản nợ lớn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. 

Cụ thể, Chi nhánh này đã đăng bán khoản nợ của Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc với giá khởi điểm là hơn 281,6 tỷ đồng. Ba khoản nợ còn lại là của Công ty TNHH đầu tư bất động sản Quang Trung (giá khởi điểm là 71,3 tỷ đồng), Công ty TNHH tư vấn xây dựng Anh Thắng (giá khởi điểm 70,9 tỷ đồng) và Công ty cổ phần thương mại xây dựng Nam Đô (giá khởi điểm 21,2 tỷ đồng).

Trước đó, Agribank đã rao bán 7 khoản nợ của các doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng. Các khoản nợ trên có tài sản đảm bảo là các bất động sản thuộc Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải nằm trong Tổ hợp quần thể du lịch, giải trí quy mô gần 34 ha và hơn 20 km đường biển tại Bãi Trường, thuộc xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Dự án do chủ đầu tư là Tập đoàn Tân Hoàng Minh khởi công từ cuối 2021 với tổng mức đầu tư 24.000 tỷ đồng - dự án tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí bao gồm tòa căn hộ khách sạn, hệ thống resort, hệ thống shophouse, biệt thự...

Kể từ đầu tháng 8 tới nay, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng đăng tải gần 30 thông báo về xử lý nợ, tài sản thế chấp trên website chính thức. Trong đó, nhiều khoản nợ xấu có giá trị lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng được thế chấp bằng nhiều bất động sản.

Đơn cử, VietinBank chi nhánh TP. HCM mới đây thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần NIVL với giá trị tạm tính đến ngày 8/8/2023 (theo tỷ giá quy đổi ngày 8/8/2023 là 23.802 VND/USD) là gần 312,6 tỷ đồng (gồm cả tiền VNĐ và USD). Trong đó, nợ gốc 137,4 tỷ đồng; nợ lãi trong hạn và quá hạn là hơn 175,1 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên bao gồm quyền sử dụng 1.800m2 đất ở cùng với 8.372,7m2 đất sản xuất kinh doanh và 4.471,9m2 đất trồng cây lâu năm tại Phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Nga cùng chồng là ông Nguyễn Xuân Mẫn. Tài sản đảm bảo cũng bao gồm quyền sử dụng 4.500m2 đất sản xuất kinh doanh tại Phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Chủ sở hữu là Công ty TNHH Việt Ấn.

Hồi đầu tháng 8, VietinBank cũng thông báo đấu giá lần 9 khoản nợ của CTCP Nosco Shipyard. Giá trị khoản nợ là hơn 4.800 tỷ đồng và 48 triệu USD (tương đương khoảng 1.130 tỷ đồng). Như vậy tổng giá trị khoản nợ lên đến gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 2.349 tỷ đồng và gần 23,3 triệu USD.

Ngân hàng đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ này là hơn 2.134 tỷ, giảm 760 tỷ đồng so với giá khởi điểm lần đầu và chỉ bằng khoảng 1/3 giá trị khoản nợ.

VietinBank cho biết, tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là quyền sử dụng đất và tài sản, toàn bộ máy móc thiết bị gắn liền với 1.024.902 m2 đất thuê tại Thôn 4, xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh thuộc dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco Vinalines.

Đồng thời, bảo đảm cho khoản nợ này cũng gồm tài sản gắn liền với đất và toàn bộ quyền và lợi ích liên quan đến 1.637 m2 đất tại ngõ 278 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP. Hà Nội thuộc sở hữu của CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (NOS, tên cũ CTCP Vận tải Biển Bắc); và toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (tên cũ là Công ty Cổ phần Vận tải Biển Bắc), Công ty NVS Holding Pte.Ltd, bà Nguyễn Thị Minh Hải, ông Lại Văn Sinh, bà Ngô Thị Ngọc Hân, ông Nguyễn Cảnh Việt và bà Nguyễn Thị Thúy Nga tại Nosco ShipYard.

Tại Vietcombank, ngân hàng này vừa thông báo phát mại nhà máy sản xuất container tại khu công nghiệp KCN Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương với giá khởi điểm hơn 268 tỷ đồng.

Ngày 11/8, ngân hàng này cũng đăng bán 1 nhà máy chế biến thủy sản khô tại TP Đà Nẵng với giá khởi điểm hơn 49 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng rao bán 30 Quyền sử dụng đất liền kề với nhau với tổng diện tích là 2,14 hecta, trong đó có 300 m2 đất ở; 21.105 m2 đất cây lâu năm tại Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Giá khởi điểm cho số tài sản này là 30 tỷ đồng.

Kể từ đầu tháng 8 đến nay, BIDV cũng có hơn 20 thông báo xử lý nợ, tài sản đảm bảo. Trong đó, nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo có giá trị hàng chục tỷ đồng như: Tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tân Thuận Phát (giá khởi điểm 82,2 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất gạch ngói không nung Phú Hưng Long (giá khởi điểm 24,9 tỷ đồng),….

Nợ xấu nhóm Big4 tăng mạnh trong nửa đầu năm

Các ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng mạnh trong nửa đầu năm 2023.

Theo đó, nợ xấu nội bảng BIDV đã tăng tới hơn 47% trong 6 tháng qua, đạt con số gần 26.000 tỷ đồng vào cuối quý II. Với sự gia tăng nhanh chóng của nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của BIDV đã tăng từ mức 1,16% hồi cuối năm 2022 lên mức 1,59%. Trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 217% xuống còn 153%.

VietinBank có khoảng 17.300 tỷ đồng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6, tăng 9,5% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của nhà băng này tăng từ 1,24% hồi đầu năm lên mức 1,27%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 188% xuống còn 169%.

Là một ngân hàng có chính sách thận trọng, song nợ xấu nội bảng của Vietcombank số cũng tăng hơn 25 trong nửa đầu năm lên gần 9.800 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên mức 0,83%.

Tương tự, nợ xấu Agribank tăng 14% lên 29.680 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 1,8% lên 2,03%.

Việc nợ xấu tăng ở hầu hết các ngân hàng trong nửa đầu năm đã được giới phân tích dự báo từ trước do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, dẫn đến khả năng trả nợ của nhiều khách hàng bị suy giảm.

Ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 24/4 đến hết ngày 30/6/2024, được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng cũng như người đi vay ''dễ thở'' hơn trong giai đoạn khó khăn, tuy nhiên việc nợ xấu tăng lên là điều khó tránh khỏi.

Theo dữ liệu của WiGroup, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (NPL) của toàn ngành đã tăng mạnh trong quý II đạt mức 2,04%, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi sự gia tăng của nợ nhóm 2 trong quý I (tăng 27% so với cùng kỳ) đã phản ánh lên tỷ lệ nợ xấu trong quý này.

Nhóm phân tích dự báo, áp lực nợ xấu của ngân hàng trong hai quý cuối năm vẫn sẽ tăng cao do bộ đệm dự phòng của ngân hàng đã mỏng đi trong quý này, đạt mức 102,8% và thị trường BĐS gặp khó về thanh khoản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại