Hồi giữa tháng 11, hai người bạn trọ chung phòng cũng mắc Covid-19 phải đi cách tập trung, riêng chị Thủy test nhanh âm tính.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM) cho biết những trường hợp miễn nhiễm Covid-19 như chị Thủy không hiếm gặp. Các nhà khoa học đã có nhiều khảo cứu và chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo đó:
Thứ nhất, họ corona virus liên quan đến nhiều bệnh, ví dụ như cúm, cảm lạnh, Covid-19. Nếu một người từng bị cảm lạnh, cơ thể đã có miễn dịch với corona, được lưu lại bằng tế bào trí nhớ miễn dịch. Khi tiếp xúc với mầm bệnh là Covid-19, tế bào trí nhớ được kích hoạt, chủ động đào thải virus ra ngoài, trước khi chúng gây triệu chứng. Đây gọi là miễn dịch chéo.
Thứ hai là do hệ thống miễn dịch của từng cá nhân. Những người có sức đề kháng mạnh sẽ tấn công và tiêu diệt virus, không cho chúng nhân bản ngay khi virus vừa xâm nhập. Họ có thể không nhiễm bệnh, hoặc nhiễm với triệu chứng và mức độ rất nhẹ, nhanh khỏi, khi xét nghiệm thường không thấy virus.
Ngoài ra, những người đã tiêm chủng đủ vaccine phòng Covid-19, lượng kháng thể sinh ra đủ mạnh thì nguy cơ nhiễm bệnh cũng thấp hơn so với người chưa tiêm. Hiệu lực vaccine làm giảm khoảng 80% số người lẽ ra mắc bệnh.
Nguyên nhân thứ 4 rất phổ biến, đó là người này từng mắc và khỏi bệnh trước thời điểm tiếp xúc với F0 hiện tại. Theo ông Dũng, xét nghiệm Covid-19 là xét nghiệm kháng nguyên - tìm virus trong mũi, hầu họng. Trong khi đó, nhiều người mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ (thường nhầm thành sổ mũi, dị ứng thời tiết theo mùa, hắt hơi mùa lạnh). Cộng với hệ miễn dịch khỏe mạnh hoặc đã sẵn kháng thể do tiêm vaccine mà cơ thể xử lý quá tốt, bệnh khỏi nhanh. Do đó khi xét nghiệm không thấy sự hiện diện của virus trong mũi họng, thông tin trên báo VnExpress.