*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Cập nhật diễn biến dịch Covid-19 trên cả nước ngày 19/10.
Ngày 19/10, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết trong ngày đã phát hiện 2 ca mắc Covid-19 và đã được đưa đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị. Các bệnh nhân được xác định sống tại đường Lê Duẩn (phường Tân Chính).
Trong tối 19/10, UBND phường Tân Chính (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cũng đã phát đi thông báo khẩn tìm người từng đến tham dự đám tang tại địa chỉ 259 đường Lê Duẩn, nơi 2 bệnh nhân mắc Covid-19 mới được phát hiện sinh sống.
"UBND phường thông báo khẩn đến các tổ chức, cá nhân từng đến dự đám tang tại địa chỉ 259 Lê Duẩn trong thời gian từ ngày 14 đến 16/10 khẩn cấp liên hệ trung tâm y tế gần nhất để được hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19", thông báo của UBND phường Tân Chính yêu cầu.
Thông báo tìm người từng đến viếng đám tang của UBND phường Tân Chính
Được biết, 1 trong 2 bệnh nhân là người về từ TP HCM và được yêu cầu cách ly tại nhà. Trong thời gian này, gia đình tổ chức đám tang cho người thân nên có đông người đến viếng. Ca bệnh còn lại là người anh trai trong gia đình.
Đồ họa: TTXVN
Ngày 19-10, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM (Sở TT&TT TP.HCM) đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Ngọc Phương Trinh về hành vi cung cấp thông tin trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật về việc chữa trị COVID-19 bằng giun đất (địa long). Mức xử phạt là 7,5 triệu đồng theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Nghị định 15/2020/NĐ-CP)
Trước đó, Sở TT&TT TP.HCM đã mời chủ tài khoản facebook và Fanpage Angela Phương Trinh lên làm việc vì đăng thông tin sai sự thật về phòng, điều trị COVID-19.
Bà Lê Ngọc Phương Trinh cùng bài đăng về giun đất. Ảnh: TL
Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM (Sở TT&TT TP.HCM) đã yêu cầu chủ tài khoản Angela Phương Trinh phải gỡ bỏ nội dung thông tin sai sự thật, gây hiểu nhầm về việc phòng, điều trị COVID-19 với sản phẩm từ địa long (giun đất), báo PL.TPHCM đưa tin.
Trong ngày 19/10, cả nước ghi nhận 75 ca tử vong tại TP.HCM (47), Bình Dương (11), Đồng Nai (5), Tiền Giang (3), Long An (2), An Giang (2), Bình Thuận (2), Cà Mau (1), Kiên Giang (1), Đồng Tháp (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 83 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.344 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
Tính từ 17h ngày 18/10 đến 17h ngày 19/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.034 ca nhiễm mới, trong đó 07 ca nhập cảnh và 3.027 ca ghi nhận trong nước (giảm 132 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố (có 1.220 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (907), Bình Dương (500), Đồng Nai (371), Sóc Trăng (200), An Giang (134), Tây Ninh (104), Kiên Giang (92), Tiền Giang (79), Đồng Tháp (65), Phú Thọ (59), Long An (51), Trà Vinh (45), Bạc Liêu (41), Cà Mau (39), Khánh Hòa (38), Lâm Đồng (34), Gia Lai (33), Cần Thơ (24), Thanh Hóa (23), Hà Nam (21), Bình Thuận (16), Vĩnh Long (15), Hậu Giang (14), Quảng Nam (12), Bến Tre (12), Hà Nội (11), Quảng Ngãi (11), Bình Định (10), Ninh Thuận (6), Nghệ An (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (5), Đắk Nông (5), Bắc Ninh (5), Quảng Bình (5), Hà Tĩnh (4), Ninh Bình (4), Nam Định (3), Bình Phước (3), Hải Dương (3), Phú Yên (3), Quảng Trị (3), Đà Nẵng (2), Sơn La (2), Thừa Thiên Huế (2), Lào Cai (1), Yên Bái (1), Lai Châu (1), Điện Biên (1), Thái Bình (1).
Chiều 19/10, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong ngày, thành phố ghi nhận thêm 5 ca dương tính SARS-CoV-2 đã được cách ly.
Trong số 5 ca này, phân bố theo quận, huyện gồm: Hà Đông (1), Thường Tín (1), Chương Mỹ (1), Ba Đình (1), Cầu Giấy (1).
Về phân theo chùm ca bệnh gồm: chùm về từ các vùng có dịch (4), chùm liên quan Việt Đức (1).
Chiều 19-10, ông Nguyễn Văn Tập - chủ tịch UBND huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long - xác nhận trên báo Tuổi trẻ, có sự việc đông đảo bà con trong huyện tập trung tại trung tâm y tế huyện để tranh nhau lượt tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Theo ông Tập, hiện trung tâm y tế huyện đang tổ chức tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca. Đồng thời cũng là 1 trong 10 điểm tiêm mũi 1 loại vắc xin Vero Cell của toàn huyện.
"Có thể bà con hiểu lầm là tiêm mũi 1 nên mới tập trung quá đông như vậy. Sau khi nắm thông tin, chúng tôi đã chỉ đạo công an huyện qua hỗ trợ trung tâm y tế vãn hồi trật tự" – ông Tập nói.
Tại phiên thảo luận tổ trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM chiều qua (18.10), Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết ngày 25.6.2021, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 09, nghĩa là thành phố ban hành chính sách an sinh sớm hơn Chính phủ, chứng tỏ thành phố rất quan tâm đến an sinh xã hội. Sau đó, Chính phủ có Nghị quyết 86 với mục tiêu không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ.
Ông Tấn giải thích nghị quyết của HĐND TP.HCM khẳng định không để ai thiếu ăn thiếu mặc chứ không phải yêu cầu tất cả mọi người đều được nhận đầy đủ chính sách. Bên cạnh hỗ trợ từ ngân sách thì còn có hỗ trợ từ mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM bế mạc trưa 19.10. NGUYÊN VŨ
"5 tháng qua, dịch bệnh ác liệt, kinh hoàng nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa có ai khốn khổ. Chúng ta đứng ở góc độ như thế mới thấy được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM, các sở, ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm", ông Tấn nói tại phiên thảo luận hôm qua.
Trưa nay (19.10), sau khi kỳ họp thứ 3, HĐND TPHCM khóa X bế mạc, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lê Minh Tấn đã trao đổi thêm với báo chí về phát ngôn gây tranh cãi này.
Ông Tấn tiếp tục khẳng định quan điểm "không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ" của TP.HCM và cho biết đến nay đã hỗ trợ hơn 10 triệu lượt người thông qua 3 gói hỗ trợ, hiện đang tiếp tục thực hiện gói 3.
Trước câu hỏi của phóng viên về phát ngôn được dư luận bàn tán, ông Tấn cho biết hôm qua tại phiên thảo luận tổ với khoảng 30 đại biểu và một số sở ngành cùng phóng viên báo, đài dự.
"Ý của tôi không phải như vậy không. Tại anh em nghe không rõ nên mới đăng vậy. Tôi không nói câu 'chưa có ai khốn khổ, khó khăn' mà ý của tôi là 'không để ai thiếu đói, thiếu mặc, khốn khổ'. Trách nhiệm của mình phải lo cho bà con như thế", ông Tấn nói lại cho rõ.
Thông tin được dẫn từ nguồn: https://thanhnien.vn/lam-ro-ph...
Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 3.200 cán bộ y tế bị lây nhiễm, 6 cán bộ tử vong trong khi đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.
Bà Bình cho biết, trong đợt dịch thứ tư, số ca mắc và ca tử vong, nhất ca bệnh nặng tăng hàng chục lần so với các đợt dịch trước. Điều này vượt quá khả năng của y tế địa phương. Bộ Y tế do đó phải điều động trên 20.000 cán bộ y tế từ khắp nơi trên cả nước chi viện cho tâm dịch là các tỉnh thành phía Nam.
Ngoài làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế còn đảm nhiệm thêm khối lượng công việc khổng lồ để tiêm chủng được 60 triệu mũi vắc xin và thực hiện hàng chục triệu lượt xét nghiệm.
"Lực lượng lao động y tế phải gánh vác một khối lượng công việc rất lớn, mỗi người làm gấp ít nhất 5 lần công việc hàng ngày vốn đã rất áp lực", PGS Bình nói.
Nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 6 TP.HCM trao đổi khi theo dõi một ca Covid-19 ở phòng cấp cứu - Ảnh: Phong Anh
Một khó khăn lớn với 20.000 cán bô y tế tăng cường ở phía Nam là sự khác biệt trong ăn uống sinh hoạt, điều kiện làm việc, sự thiếu thốn phương tiện bảo hộ và trang thiết bị y tế giai đoạn đầu.
Về tinh thần, thời gian cán bộ y tế phải xa cách gia đình lâu, có 20 cán bộ bố mẹ mất cũng không thể về đưa tang. Nhiều cán bộ có con cái ốm đau không thể về chăm sóc; nhiều hoàn cảnh đi chống dịch nhưng gia đình đặc biệt khó khăn, nhiều y bác sĩ phải điều trị bệnh nền trong quá trình chống dịch.
Áp lực công việc, áp lực tinh thần lớn, nhưng thu nhập lại giảm sút do hầu hết các bệnh viện đã thực hiện cơ chế tự chủ, không có nguồn thu vì người bệnh đến khám và điều trị giảm.
PGS Bình thông tin, Công đoàn Y tế Việt Nam đã đề xuất Tổng liên đoàn và Bộ Y tế quan tâm đề xuất Chính phủ phong liệt sĩ cho cán bộ y tế hy sinh khi làm nhiệm vụ chống dịch, thông tin được đăng tải trên báo Vietnamnet.
Sở Y tế Phú Thọ cho biết, từ 6h ngày 18/10 đến 6h ngày 19/10, địa bàn ghi nhận 36 ca dương tính SARS-CoV-2 mới. Trong đó, TP Việt Trì có 31 trường hợp (riêng xã Chu Hóa 28 ca), huyện Lâm Thao 5 trường hợp.
Như vậy, từ ngày 13/10 đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ phát hiện tổng số 128 ca Covid-19 trong cộng đồng. Địa bàn tỉnh hiện có 23 ổ dịch, gồm TP Việt Trì (12 ổ dịch, 98 ca), huyện Lâm Thao (7 ổ dịch, 22 ca) và huyện Phù Ninh (4 ổ dịch, 8 ca).
Sở Y tế Phú Thọ thông tin, đến nay chưa xác định được nguồn lây ban đầu, dự kiến sẽ còn tiếp tục phát hiện nhiều trường hợp F0 mới trong thời gian tiếp theo. Tỉnh truy vết được 1.176 F1, 6.527 F2, 1.604 F3; đang quản lý, theo dõi và áp dụng các biện pháp cách ly y tế phù hợp.
Ngày 18/10, Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản đề xuất 4 phương án cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Tuy nhiên, ngay sau đó, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội phủ nhận thông tin nói trên.
Cụ thể, theo văn bản 3582/BC-SGDĐT ngày 18/10, Sở GD-ĐT lựa chọn đề xuất phương án 1:
Học sinh đi học trở lại gồm toàn bộ học sinh các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn 18 huyện, thị xã.
Đối với 12 quận, học sinh học tại trường gồm học sinh các khối lớp 5, 6, 9, 10, 11, 12 của các trường tiểu học, THCS, THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Học sinh các khối lớp 1 , 2 , 3, 4, 7, 8 (địa bàn 12 quận) học trực tuyến tại nhà.
Các trường có vốn đầu tư nước ngoài; các trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng các kỹ năng; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài được hoạt động giảng dạy.
Học sinh các cấp mầm non sẽ tiếp tục nghỉ học tại nhà.
Tuy nhiên, trưa nay 19/10, trả lời trên Dân trí, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, phương án đề xuất cho học sinh đi học từ ngày 25/10 được đưa ra trước đó, tuy nhiên đã rút lại để xây dựng phương án mới.
Hiện Sở GD-ĐT Hà Nội đang chờ đánh giá mức độ dịch theo các cấp độ 1,2 của các xã, trên cơ sở đó mới xây dựng phương án cho học sinh đi học trở lại.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương vừa có báo cáo số 3582/BC-SGDĐT gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc đề xuất phương án cho học sinh trở lại trường học tập trong điều kiện bình thường mới tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trình Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt phương án cho học sinh một số khối lớp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn thành phố được trở lại trường học trực tiếp sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất bốn phương án như sau:
Phương án 1:
Đối với 18 huyện và thị xã, học sinh sẽ học tại trường, gồm toàn bộ học sinh của các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Đối với 12 quận, học sinh các khối lớp 5, 6, lớp 9, 10, 11 và lớp 12 học tại trường. Học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 7 và 8 học trực tuyến tại nhà. Cấp học mầm non tiếp tục nghỉ tại nhà.
Các trường có vốn đầu tư nước ngoài; các trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài được hoạt động giảng dạy.
Thời gian thực hiện từ ngày 25/10.
Phương án 2
Tổ chức học tại trường cho các học sinh khối lớp 5, 6, 9, 10, 11 và 12. Học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 7 và 8 học trực tuyến tại nhà. Cấp mầm non tiếp tục nghỉ học.
Các trường có vốn đầu tư nước ngoài; các trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài được hoạt động giảng dạy.
Thời gian thực hiện từ ngày 25/10.
Phương án 3
Tổ chức học tại trường cho toàn bộ học sinh các cấp, từ tiểu học đến trung học phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.
Học sinh cấp mầm non tiếp tục nghỉ tại nhà.
Các trường có vốn đầu tư nước ngoài; các trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài được hoạt động giảng dạy.
Thời gian thực hiện từ ngày 25/10.
Phương án 4
Học sinh tất cả các cấp học, từ mầm non đến trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố bắt đầu đi học trở lại từ học kỳ II năm học 2021-2022.
Các trường có vốn đầu tư nước ngoài; các trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài được hoạt động giảng dạy.
Thời gian thực hiện từ ngày 17/1/2022.
Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất chọn phương án 1 với các lý do: Thứ nhất là tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. Căn cứ các tiêu chí đánh giá, xác định cấp độ dịch của Bộ Y tế, toàn thành phố được xác định đang ở cấp độ 1, là cấp độ nguy cơ thấp.
Thứ hai là tỷ lệ đã tiêm một mũi vaccine phòng chống COVID-19 của cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt trên 95,5%, trong đó có 60% đã tiêm mũi hai.
Thứ ba là Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi học sinh quay trở lại trường học trong điều kiện bình thường mới.
Thứ tư là các nhà trường, cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy tắc 5K và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn liên ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi học sinh quay trở lại trường học trong điều kiện bình thường mới. Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục tạm thời chưa tổ chức ăn bán trú, chỉ thực hiện dạy một buổi/ngày cho đến khi có thông báo mới. Đối với các đơn vị đông học sinh, mật độ cao, sở khuyến khích các trường tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Sau một tuần học sinh trở lại trường học, căn cứ cấp độ dịch do ngành y tế quy định và tình hình thực tế dịch bệnh trên địa bàn, thành phố sẽ bố trí cho học sinh các khối lớp còn lại và cấp học mầm non trở lại trường học trực tiếp theo lộ trình để đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch.
Sở Giáo dục và Đào tào Hà Nội cũng kiến nghị hiện còn một số trường học được các địa phương huy động sử dụng làm khu cách ly phòng chống dịch, Sở đề nghị thành phố chỉ đạo ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có kế hoạch bàn giao địa điểm cho các nhà trường để chuẩn bị đón học sinh quay trở lại học tập, nội dung được đăng tải trên Vietnam+
Sáng 19/10, ngành y tế Hà Nội đã có thông báo chính thức về việc phân vùng nguy cơ dịch Covid-19 (vùng màu xanh - cấp độ 1 và vùng màu vàng - cấp độ 2).
Theo đó, bảng phân vùng này được tính theo phân bố ca bệnh tại cộng đồng từ ngày 27/4 cho đến nay.
Trong đó, tổng số xã phường vùng 1 (vùng màu xanh) của thành phố là 343. Tổng số xã, phường vùng 2 (vùng màu vàng) là 236. Tổng số xã phường vùng 3 và 4 là 0.
Xem chi tiết tại đây: https://soha.vn/nong-ha-noi-ch...
Nói về đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nhìn nhận: 'Cả TP đã trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm chưa từng có trong lịch sử của dịch bệnh'.
Ông Thượng đưa thông tin ngày cao điểm trong tháng là 28-8, số ca mắc mới lên đến 17.403 ca, cùng lúc đó TP phải chăm sóc cho hơn 104.000 F0, trong đó có gần 40.000 F0 nặng.
Đến nay, ngày 19-10, sau gần 3 tuần triển khai chỉ thị 18, tình hình dịch bệnh tại TP chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, số mắc mới mỗi ngày giảm dần sau ngày 1-10 đến ngày 19-10, TP chỉ còn 968 ca mắc mới, TP đang chăm sóc cho 28.000 F0.
Xem chi tiết tại đây: https://tuoitre.vn/giam-doc-so...
Sáng 19/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội cho biết, tính đến 6h sáng nay, cùng ngày trên địa bàn thành phố đã xác định có 1.872 người về từ các tỉnh, thành miền Nam.
Các trường hợp đi về này đã được lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện 22 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Cụ thể, về từ thành phố Hồ Chí Minh có 15 trường hợp phát hiện dương tính, Đồng Nai 4 trường hợp, Bình Dương 2 trường hợp, Tây Ninh 1 trường hợp.
Phân bố theo quận, huyện gồm Hà Đông (4), Thanh Xuân (3), Chương Mỹ (3), Mê Linh (2), Mỹ Đức (2), Đống Đa (2), Hoàng Mai (2), Hoàn Kiếm (2), Phúc Thọ (1), Phú Xuyên (1).
Xem chi tiết tại đây: https://soha.vn/ha-noi-phat-hi...
Ngày 18-10, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, cả ông Nguyễn Hồng Lĩnh- Bí thư Tỉnh ủy và ông Cao Tiến Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đều có ý kiến yêu cầu làm rõ và xử lý việc Công ty TNHH Changshin Việt Nam(gọi tắt là Công ty Changshin, đóng tại địa bàn) vì những dấu hiệu vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thuộc- Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu báo cáo về trường hợp "gây nguy cơ lây lan dịch bệnh" tại Công ty Changshin.
Theo đó, mới đây khi xét nghiệm Covid- 19, công ty này đã phát hiện 38 ca F0, 44 trường hợp F1. Nhưng thay vì thông báo cho chính quyền địa phương và ngành y tế để xử lý thì công ty lại không thông báo mà đã tự ý xử lý.
Công ty đã cho các trường hợp F1 về nhà mà không thông báo cho chính quyền địa phương. Sau đó, từ các F1 này có 4 người đã chuyển thành F0, trong đó 1 ca tại phường Trảng Dài- TP Biên Hòa và 3 ca ở xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu.
Ông Nguyễn Văn Thuộc đã đề nghị Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cần kiểm tra, giám sát xem công ty có thực hiện đúng các phương án mà Ban quản lý đã phê duyệt hay không.
Thông tin được dẫn từ nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/mo...
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nam Định, đến 18 giờ ngày 18-10, tại thôn Đằng Động, xã Yên Hồng, huyện Ý Yên đã ghi nhận có 21 trường hợp mắc Covid-19.
Chốt kiểm soát phòng chống dịch tại xã Yên Hồng, nơi ghi nhận 21 ca mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây
Trước đó, chiều ngày 17-10, UBND huyện Ý Yên nhận được tin báo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Ninh Bình về việc phát hiện 1 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 (là một phụ nữ tên H.; SN 1967, ngụ thôn Đằng Động, xã Yên Hồng).
Qua điều tra dịch tễ, gần 1 tháng qua, người này không ra khỏi xã, không đến vùng có dịch, không tiếp xúc với người từ vùng dịch về; hàng ngày bà có đi chợ làng vào các buổi sáng sớm, thỉnh thoảng có đi phụ hồ xây tường rào cho 1 gia đình ở cùng thôn.
Ngày 1-10, bà đi dự đám hiếu ở thôn Lộc Thượng (xã Yên Hồng), tiếp xúc với nhiều người. Ngày 10-10, bà H. sốt và đau họng, tự đi mua thuốc về uống không đỡ nên đã gọi y tá thôn đến khám, truyền dịch. Ngày 12-10 và ngày 14-10, bà đỡ sốt nhưng vẫn đau họng, thỉnh thoảng có ho. Ngày 12-10, bà H. đi ăn cỗ ở thôn Đằng Động, tiếp xúc nhiều người, không đeo khẩu trang.
Khoảng 9 giờ ngày 17-10, bà được người thân đưa đi khám bệnh tại Phòng khám Hoa Lư - Hà Nội (TP Ninh Bình). Tại đây, bà H. khai báo y tế và xét nghiệm test nhanh 2 lần đều dương tính SARS-CoV-2. Bà được lấy mẫu làm xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp RT-PCR, đến 16 giờ cùng ngày có kết quả khẳng định mắc Covid-19.
Ngay khi nhận được thông tin, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Ý Yên đã thần tốc truy vết, xác minh các trường hợp tiếp xúc gần, các trường hợp có liên quan đến bà H.. Ngay trong đêm 17-10, Trung tâm Y tế huyện Ý Yên lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 886/996 người dân thôn Đằng Động, xã Yên Hồng.
Đến chiều 18-10, ngành y tế địa phương đã xác định 20 người tiếp xúc với bà H. (đều trú tại thôn Đằng Động), dương tính SARS-CoV-2.
Sáng 19-10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Nghệ An, cho biết, tính từ 6 giờ ngày 18-10 đến 6 giờ ngày 19-10, Nghệ An ghi nhận 31 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 2 ca cộng đồng ở TP Vinh, những trường hợp còn lại đều nằm trong vùng phong tỏa hoặc đã được cách ly từ trước.
Trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng là anh P.Đ.T. (SN 2000), trú khối 3, phường Bến Thủy, TP Vinh. Ngày 16-10, anh T. có triệu chứng sốt, đau họng, mệt mỏi tự mua thuốc về nhà uống không đỡ. Sáng 18-10 anh T. đến trung tâm y tế phường Trung Đô khám và được làm test nhanh cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Ngay sau đó, anh T. được cách ly tại TYT và lấy mẫu xét nghiệm gửi CDC, chiều 18-10 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Ông Nguyễn Xuân Huân - Chủ tịch UBND phường Bến Thuỷ cho biết trên báo Nghệ An: "Ca bệnh mới này làm nghề shipper, có lịch trình di chuyển phức tạp. Theo điều tra truy vết ban đầu đã xác định được 25 F1, trong đó có 17 F1 là nhân viên cùng công ty với bệnh nhân này...".
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết sự kiện bệnh viện phong tỏa giữa tháng 6-2021 khi các nhân viên của bệnh viện nhiễm COVID-19 vừa được công bố trên EClinicalMedicine, tạp chí y khoa uy tín The Lancet.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Anh đã phối hợp thực hiện khảo sát chi tiết về biểu hiện lâm sàng, diễn tiến virus học, mức độ kháng thể trung hòa trên 62/69 nhân viên y tế đã tiêm đủ hai liều vắc xin COVID-19 vẫn bị nhiễm SARS-CoV-2.
Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đem hành lý vào bệnh viện chiều 12-6 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Kết quả cho thấy, dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca vẫn có thể bị nhiễm biến chủng Delta, có thể lây cho những người khác (gồm cả những người đã tiêm đủ liều vắc xin). Tất cả đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Tải lượng virus của chủng Delta có thể đạt đỉnh cao hơn chủng trước đây 251 lần. Thời gian PCR dương tính kéo dài (trung bình là 21 ngày, thay đổi từ 8-33 ngày).
Nhóm bị nhiễm có trị số "trung bình" nồng độ kháng thể trung hòa thấp hơn nhóm không nhiễm; nhưng xét trên từng cá thể thì vẫn có những cá thể có nồng độ kháng thể trung hòa cao khi bị nhiễm. Đồng thời, nồng độ kháng thể trung hòa cao hay thấp không liên quan gì với tải lượng virus trong mũi họng.
Vào giữa năm 2021, nhiều người tin rằng sau khi tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 thì sẽ an toàn, không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, điều này đã không còn đúng khi xuất hiện biến chủng Delta.
Thông tin được dẫn từ nguồn: https://tuoitre.vn/tin-sang-19...
Một tuần kể từ khi Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết 128 và Bộ Y tế ban hành Quyết định 4800 về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", mới hơn 20 trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chính thức công bố cấp độ dịch.
TP.HCM là một trong những địa phương chưa có báo cáo đánh giá cũng như chưa chính thức công bố cấp độ dịch theo nghị quyết mới này.
Dù chưa chính thức công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, trên thực tế, TP.HCM đã thực hiện tinh thần của nghị quyết này từ 1/10 - thời TP điểm áp dụng Chỉ thị 18.
Xem chi tiết tại đây: https://zingnews.vn/ly-do-tphc...
Ngày 18/10, Hà Nội ghi nhận 5 ca dương tính, trong đó 3 ca về từ các tỉnh phía nam và 1 ca là F1 của bệnh nhân dương tính tại Phú Thọ.
Hiện, Hà Nội đã bỏ quy định cách ly tập trung với hành khách bay về từ TP.HCM và các tỉnh phía nam, thay vào đó, hành khách chỉ cần tự theo dõi sức khoẻ tại nhà trong 7 ngày.
Chỉ trong 3 ngày, từ 15 - 17/10, Hà Nội đã ghi nhận 18 ca dương tính là người từ các tỉnh phía nam về thành phố.
Chiều 18-10, UBND thị xã Bỉm Sơn cho biết trong bốn ngày qua, thị xã có 37 học sinh, giáo viên mắc COVID-19, trong đó có 34 học sinh. Cơ quan chức năng đã truy vết được 2.455 trường hợp F1 là học sinh và 304 trường hợp F1 là giáo viên.
Sau khi cho hơn 15.000 học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, tránh lây lan trong cộng đồng và trường học, đến nay các trường học ở thị xã Bỉm Sơn chưa tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Theo Phòng giáo dục - đào tạo thị xã Bỉm Sơn, với phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học", đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của ngành, phòng đã có kế hoạch tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch COVID-19.
Trường tiểu học và THCS Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Với lớp 1 và lớp 2, nhà trường sẽ ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình, không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này.
Từ lớp 3 đến lớp 9, trường tổ chức dạy trực tuyến chủ đạo, dạy trên truyền hình bổ trợ, ưu tiên dạy trên truyền hình cho học sinh các lớp cuối cấp.
Các trường tiểu học, THCS, liên cấp tiểu học và THCS sẽ triển khai đến giáo viên hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến để thực hiện, đảm bảo cho hoạt động dạy học của thầy và trò trong các nhà trường. Phòng giáo dục - đào tạo thị xã sẽ tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên tiểu học, THCS.
Bậc học mầm non ngành không tổ chức dạy học trực tuyến, nhưng vẫn yêu cầu các nhà trường duy trì hoạt động kết nối với gia đình, trẻ em bằng kênh liên lạc phù hợp.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương, nhìn nhận Covid-19 là đại dịch nguy hiểm nhất của thế kỷ 21. Theo sự phân công của Bộ Y tế, ông Nguyễn Lân Hiếu được cử tham gia Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Bình Dương, nơi có rất nhiều khu công nghiệp với tỷ lệ mắc bệnh hơn 10% dân số.
Khi dịch bùng phát, số lượng ca mắc trong cộng đồng tại Bình Dương tăng nhanh, những ngày đầu trung bình 300-400 ca bệnh mới, sau đó có lúc lên tới 5.000-6.000 ca mỗi ngày. Số ca chuyển nặng cũng ngày càng tăng, trong khi chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị tầng 3 chỉ có 30 giường thở máy. Số bệnh nhân chưa tiêm vắc-xin tăng cao, đặc biệt là nhóm phụ nữ có thai. Do đó, việc kiểm soát dịch bệnh và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 gặp nhiều khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương, phát biểu
Từ thực tế này, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu thẳng thắn đề xuất: Xoá bỏ các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến. Hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường xã. Người nhiễm Covid-19 được tự chăm sóc theo bộ tiêu chí đã được Bộ Y tế ban hành. Khu vực bị nhiễm có thể cách ly hẹp. Nếu số lượng ca nhiễm tăng đột biến (hơn 10% số mẫu lấy ngẫu nhiên) có thể cách ly cả thôn hay xí nghiệp ấy. Đưa y tế vào bên trong để chăm sóc và theo dõi sức khỏe.
Đối với các ca tăng nặng, bệnh nền không ổn định hay người chưa tiêm có thể đưa sớm vào bệnh viện điều trị. Chiến lược này có thể áp dụng cho tất cả các địa phương tỷ lệ tiêm chủng cao như TP HCM, Bình Dương, Hà Nội ...
Ông Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị tách đôi bệnh viện với 2 lối đi riêng biệt cho người nhiễm hoặc không nhiễm Covid-19. Xác định bằng test nhanh sàng lọc. Người nghi nhiễm cần khẳng định bằng PCR ở vùng đệm. Nếu chắc chắn âm tính sẽ đưa vào khu điều trị thông thường. Xét nghiệm ngẫu nhiên mẫu đại diện cần làm thường xuyên cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà của họ nhằm tránh bỏ sót các ổ dịch trong bệnh viện.
Theo Nghị quyết 128/NQ-CP, có 4 cấp dịch gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình) tương ứng với màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao) tương ứng với màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao) tương ứng với màu đỏ. Đến 18/10/2021, đã có 19 tỉnh xác định cấp độ dịch là cấp 1; 14 tỉnh, thành phố xác định cấp độ 2; các tỉnh, thành phố còn lại chưa công bố cấp độ dịch. Infographic: TTXVN
Chiều tối 18/10, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, cho biết toàn bộ trường thuộc huyện Phù Ninh và Tam Nông sẽ dừng học trực tiếp kể từ ngày mai, 19/10.
Phù Ninh cho học sinh nghỉ do ghi nhận 7 ca dương tính, trong đó có hai học sinh (một ở trường Tiểu học Giấy Bãi Bằng và một ở trường THPT Tử Đà). "Với Tam Nông, tuy chưa xuất hiện F0, huyện này ghi nhận nhiều F1, chưa kể, nhiều học sinh từ huyện Lâm Thao, nơi đang có một chùm ca bệnh, sang đây học", ông Mạnh nói.
Như vậy, Phú Thọ hiện có 4 trong số 13 huyện, thành cho toàn bộ học sinh nghỉ học, gồm Phù Ninh, Tam Nông, Lâm Thao và TP Việt Trì. Tính đến trước 18h hôm nay, số giáo viên, học sinh mắc Covid-19 là 49. Trong đó, hai F0 ở Phù Ninh, một em ở Lâm Thao (THPT Phong Châu). Số còn lại bao gồm 43 học sinh và 3 giáo viên ở hai trường Tiểu học và THCS Chu Hoá (TP Việt Trì). Các trường hợp F1, F2 vẫn đang được rà soát.
Thông tin được dẫn từ nguồn: https://vnexpress.net/them-2-h...
Ngày 18-10, VKSND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã phê chuẩn lệnh khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lâm Minh Hiệp (SN 1994; ngụ huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) về hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Hiệp làm việc với cơ quan công an
Theo kết quả điều tra ban đầu, vào ngày 23-8, Hiệp tiếp xúc gần và biết một người tên N. dương tính với SARS-CoV-2. Thế nhưng, Hiệp vẫn về quê vợ tại ấp 1/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời mà không khai báo y tế vì sợ bị đưa đi cách ly tập trung.
Hậu quả, H. bị mắc Covid-19 và lây bệnh cho 5 người thân. Lực lượng chức năng đã truy vết hàng trăm F1, F2, F3 và phải phong tỏa 2 ấp trên địa bàn xã Khánh Bình.
Thông tin được dẫn từ nguồn: https://nld.com.vn/phap-luat/g...
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 18/10/2021 trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 33 ca dương tính COVID-19, trong đó thành phố Việt Trì 29 ca: xã Chu Hóa (28 ca), phường Dữu Lâu (1 ca); huyện Lâm Thao 4 ca: thị trấn Hùng Sơn (1 ca), xã Thạch Sơn (3 ca).
Tỉnh dự kiến bổ sung khoảng 35.000 liều vắc xin phòng COVID-19 Pfizer về Trung tâm Y tế thành phố Việt Trì để tiếp tục tổ chức tiêm chủng vắc xin, phấn đấu trên 95% dân số thành phố được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin COVID-19.
Ảnh minh họa.
Kể từ ngày 13/10/2021 đến nay, toàn tỉnh có 125 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh phát hiện 3 chùm lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện: chùm Lâm Thao - Chu Hóa (112 ca); chùm Bạch Hạc - Phù Ninh (9 ca); chùm Dữu Lâu - Gia Cẩm (4 ca). Đến thời điểm hiện tại, chưa xác định được nguồn lây ban đầu.
Toàn tỉnh hiện tại có 1.176 F1; 6.527 F2 và 1.604 F3 đang được quản lý, theo dõi và áp dụng các biện pháp cách ly y tế phù hợp.
Infographics: TTXVN
Trong thông cáo báo chí của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc phát đi chiều 18-10, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn áp dụng quyết định 2875, trong đó yêu cầu khách ngoại tỉnh ở vùng cấp độ 1 (vùng xanh) và cấp độ 2 (vùng vàng) đến Vĩnh Phúc phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì mới được vào tỉnh. Đồng thời khách du lịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-COV-2 bằng phương pháp test nhanh hoặc RT-PCR trong vòng 7 ngày.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu người dân đi từ vùng cấp độ 3 và cấp độ 4 về phải cách ly y tế tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm PCR 4 lần, sau đó tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày.
Việc Vĩnh Phúc áp dụng quy định trên được đánh giá là đang áp dụng cao hơn quy định mà Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Tương tự, tỉnh Thái Nguyên đến nay vẫn áp dụng quy định được ban hành từ ngày 30-9. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên vẫn yêu cầu người từ vùng xanh đến tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh trong vòng 72 giờ thì mới được vào tỉnh.
Đối với người từ vùng vàng: Trường hợp người đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 và có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 3 ngày và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR vào ngày thứ 3.
Các trường hợp còn lại (chưa tiêm hoặc tiêm 1 mũi) thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày tiếp theo và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR ít nhất 2 lần...
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 18-10, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Xuân Trường cho biết cơ quan chuyên môn đã xây dựng dự thảo để trình Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh. Chiều nay tỉnh họp, cho ý kiến và quyết định điều chỉnh các quy định chưa phù hợp nói trên.
Thông tin được dẫn từ nguồn: https://tuoitre.vn/tu-vung-xan...