*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Cập nhật diễn biến dịch Covid-19 trên cả nước ngày 30/10.
Theo Sở Y tế, tính từ 18h ngày 29-10 đến 18h ngày 30-10, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 42 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 4 ca tại cộng đồng, 31 ca tại khu cách ly và 7 ca tại khu phong tỏa. Trong đó có 20 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, 9 người tiêm 1 mũi và số còn lại chưa đủ tuổi tiêm chủng.
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 30/10: 2.204. Tổng số ca được điều trị khỏi: 818.336.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.831 ca, trong đó:
- Thở oxy qua mặt nạ: 1.965
- Thở oxy dòng cao HFNC: 454
- Thở máy không xâm lấn: 107
- Thở máy xâm lấn: 290
- ECMO: 15.
Ngày 30.10, Sở Y tế TP.HCM sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 của ngành y tế. Tại buổi sơ kết, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong 2 tháng cuối năm (tháng 11 và 12) TP.HCM tiêm vét vắc xin Covid-19 mũi 1 và mũi 2 cho người dân. Đến cuối tháng 11 sẽ tiêm đầy đủ 2 mũi cho trẻ em.
TP HCM triển khai tiêm văc xin cho trẻ em.
Và đề xuất trong 2 tháng cuối năm, TP.HCM tiêm nhắc mũi 3 cho nhóm có nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra, dự kiến năm 2022, TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Đồng thời, đề xuất dự kiến tiêm mũi 3, mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.
Tính từ 16h ngày 29/10 đến 16h ngày 30/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.227 ca nhiễm mới, trong đó 03 ca nhập cảnh và 5.224 ca ghi nhận trong nước (tăng 335 ca so với ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố (có 2.293 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.042), Đồng Nai (679), Bình Dương (665), Bạc Liêu (404), Kiên Giang (298), An Giang (231), Tiền Giang (223), Tây Ninh (203), Sóc Trăng (190), Đắk Lắk (146), Long An (106), Cần Thơ (95), Trà Vinh (82), Bình Thuận (79), Ninh Thuận (69), Gia Lai (69), Đồng Tháp (67), Hà Nội (56), Bến Tre (46), Hậu Giang (42), Cà Mau (40), Vĩnh Long (35), Phú Thọ (34), Thừa Thiên Huế (27), Khánh Hòa (26), Bà Rịa - Vũng Tàu (25), Nam Định (24), Nghệ An (23), Bình Phước (23), Bắc Ninh (22), Hà Nam (20), Quảng Nam (19), Bình Định (16), Thanh Hóa (15), Quảng Trị (10), Phú Yên (10), Quảng Ngãi (8 ), Lâm Đồng (7), Đắk Nông (7), Kon Tum (7), Vĩnh Phúc (6), Bắc Giang (5), Quảng Bình (5), Hà Tĩnh (4), Thái Bình (3), Hải Phòng (3), Lai Châu (3), Hưng Yên (2), Đà Nẵng (2), Quảng Ninh (1).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: An Giang (-89), Hà Giang (-60), Bình Dương (-32).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tiền Giang (+148), Ninh Thuận (+69), TP. Hồ Chí Minh (+65).
Xem chi tiết tại đây: https://soha.vn/ngay-30-10-co-...
Chiều 30/10, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong ngày, thành phố phát hiện thêm 42 ca mắc Covid-19, trong đó, 4 ca ở cộng đồng, 31 ca ở khu cách ly và 7 ca ở khu phong tỏa.
Phân bố theo quận, huyện gồm: Quốc Oai (18), Mê Linh (13), Đống Đa (3), Hà Đông (2), Hoàng Mai (2), Hoàn Kiếm (2), Nam Từ Liêm (1), Đông Anh (1).
Chiều 30/10, ngành y tế TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 sau đợt dịch thứ 4 tại thành phố (bắt đầu từ 27/4 - 30/9).
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, trong đợt dịch thứ 4, hơn 80.000 nhân viên y tế đã tham gia phòng chống dịch tại thành phố. Trong đó, khoảng 25.000 cán bộ, nhân viên y tế của cả nước đến hỗ trợ.
"Đây là sự huy động lớn chưa từng có đội ngũ thầy thuốc, ngành y tế tham gia cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử phát triển của ngành. Lực lượng y tế thành phố và lực lượng chi viện trên cả nước đã trải qua thời khắc cam go nhất, đau thương và mất mát vô cùng lớn", ông Thượng nói.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM (Ảnh: TTBC TP.HCM)
Dịch bệnh tại TP.HCM đã có những chuyển biến tích cực từ 1/10, đây cũng là thời điểm triển khai Chỉ thị 18 trên toàn thành phố về nới lỏng và mở cửa, phục hồi kinh tế.
Theo ông Thượng, thời điểm cuối tháng 8, trung bình thành phố có 340 ca COVID-19 tử vong/ngày, luôn ở mức 3 con số thì nay đã giảm xuống 2 con số. Ngày 29/10 là 32 ca tử vong, 30/10 còn 30 ca.
Tương ứng với số ca tử vong giảm, số ca mắc mới cũng giảm và số ca xuất viện lớn hơn ca nhập viện. Đến nay, thành phố còn khoảng 38.000 F0 được chăm sóc tại nhà, bệnh viện. Tổng số bệnh nhân xuất viện là khoảng 177.000 người.
"Số F0 đang điều trị tại bệnh viện tầng 2,3 chiếm 30%, F0 điều trị tại nhà chiếm 70%. Có thể khẳng định thành phố đã vượt qua đỉnh dịch. Tổng cộng 16 bệnh viện dã chiến đã được thành lập, với khoảng 13.000 giường", VTC News ghi lời ông Thượng.
Chiều 30-10, bác sĩ Đỗ Xuân Lộc - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk - cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận 3 học sinh mắc Covid-19. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục truy vết, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Trung tâm Y tế huyện Ea Kar lấy mẫu xét nhiệm cho các trường hợp liên quan. Ảnh M.N
Hiện, lực lượng y tế tiến hành truy vết và tổ chức xét nghiệm cho toàn trường với gần 800 học sinh và giáo viên. Tất cả đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và hiện đang chờ kết quả PCR. Riêng lớp 2A, nơi con anh T. học, đã được cách ly tập trung tại trường. Do các cháu còn nhỏ, cơ quan chức năng cho phép mỗi học sinh có 1 phụ huynh ở lại để chăm sóc, báo Người lao động đưa tin.
Theo Sở Y tế TP.Hải Phòng, sáng nay, 30.10, thành phố phát hiện 1 ca nhiễm Covid-19 đang lưu trú ở Q.Đồ Sơn, tên là N.Q.D (31 tuổi).
Theo báo cáo của UBND P.Vạn Hương (Q.Đồ Sơn), ngày 22.10, anh D. đi máy bay từ TP.HCM ra Hà Nội rồi bắt taxi về khách sạn Mely Hotel (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) ở.
Ngày 23.10, anh D. đi công chứng dịch thuật tại Công ty Cổ phần dịch thuật Đào tạo Du lịch Việt Nam ở P.Nhân Chính, rồi đón xe ôm ra bến xe Mỹ Đình bắt xe về Hải Phòng. Do không bắt được xe nên anh D. đến khu vực cổng Trường đại học Hà Nội bắt xe "dù" về TP.Hải Dương (tỉnh Hải Dương).
Về đến TP.Hải Dương, anh D. ăn cơm cùng nhiều người rồi đi taxi "dù" về Hải Phòng, khai báo y tế ở chốt kiểm soát ga Dụ Nghĩa. Tại đây, anh D. khai báo đi từ Hải Dương về. Sau khi qua chốt, anh D. được taxi đưa về khu vực tượng đài nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng) lên xe bus Thịnh Hưng về Q.Đồ Sơn lúc 18 giờ 30 ngày 23.10. Khi đến Quán Ngọc thuộc Q.Đồ Sơn, anh D. xuống đi xe ôm về nhà ở số 3/8 đền Nghè (P.Vạn Hương, Q.Đồ Sơn).
Sáng 24.10, anh D. đến tiệm tạp hóa đối diện chợ Cầu Vồng (Q.Đồ Sơn) mua đồ. Sáng 25.10, anh D. đến phòng Quản lý xuất nhập cảnh của Công an TP.Hải Phòng ở đường Trần Bình Trọng (Q.Ngô Quyền). Khi đến đây, anh D. nhận được điện thoại của bố đẻ về việc chính quyền địa phương yêu cầu anh D. về cách ly tại nhà 7 ngày.
Theo chính quyền địa phương, khi về nhà, anh D. không tự giác khai báo, thông tin của anh này là do người dân báo cho chính quyền, ghi nhận trên báo Thanh niên.
Sáng 30/10, thông tin từ UBND huyện Quốc Oai (Hà Nội) đến 10h cùng ngày, CDC Hà Nội đã thông báo, huyện có thêm 17 ca mắc Covid-19.
Các ca bệnh này được phát hiện qua khám sàng lọc cộng đồng và các trường hợp liên quan F0. Trong đó, thị trấn có 14 ca và xã Ngọc Mỹ có 3 ca.
Như vậy tính từ ngày 24/10 đến nay, ổ dịch Quốc Oai ghi nhận 82 ca mắc Covid-19, trong đó có 68 ca thường trú tại huyện, 14 ca tại các địa phương khác. Đây được đánh giá là 'ổ dịch nóng nhất' thủ đô hiện nay.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ em ở huyện Quốc Oai.
Còn theo thông tin từ UBND huyện Mê Linh, đến trưa 30/10, địa phương ghi nhận thêm 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 là bà L.T.Y (sinh năm 1964), trú tại thôn Văn Quán, xã Văn Khê. Đây là ca bệnh thứ 2 ghi nhận tại xã Văn Khê trong ít ngày qua.
Sau ca bệnh đầu tiên được xác định có liên quan đến một bệnh nhân người Hà Giang, đến nay, toàn huyện Mê Linh đã ghi nhận 31 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, riêng tại thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng) có đến 29 ca.
Xem chi tiết tại đây: https://soha.vn/ha-noi-hai-o-d...
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản thông báo về tổ chức hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành phố (và ngược lại) đã công bố cấp độ dịch đạt cấp 1 và 2 theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Thời gian thực hiện kể từ nay cho đến khi có thông báo mới.
Theo đó, đối với hành khách, yêu cầu tuân thủ "Thông điệp 5K", khai báo di chuyển nội địa theo quy định thông qua ứng dụng PC-COVID; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố liên quan; xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…
Về xét nghiệm y tế, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp: Có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.
Ảnh: Báo Tin tức
Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa)... Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả).
Đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và người lao động làm việc tại các bến xe phải đáp ứng yêu cầu theo Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2021 của Bộ GTVT; đồng thời đã tiêm vaccine phòng COVID-19 ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của y tế hoặc chính quyền địa phương đủ điều kiện tham gia hoạt động; trường hợp, các tỉnh, thành phố khác có yêu cầu cao hơn về tiêm vaccine phòng COVID-19 thì áp dụng theo địa phương nơi đến; tự theo dõi sức khỏe cá nhân và kịp thời báo cáo khi có biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…
Đối với các đơn vị khai thác bến xe khách và kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, thực hiện theo dõi, cập nhật cấp độ dịch của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố liên quan để tổ chức hoạt động vận tải phù hợp với cấp độ dịch; tự đánh giá và hoạt động khi đáp ứng theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động GTVT an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID- 19; bố trí người lao động theo yêu cầu nêu trên; không bố trí làm việc đối với người lao động có biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở và thực hiện việc theo dõi, giám sát y tế đối với người lao động trở về từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) theo quy định của Bộ Y tế.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng khuyến khích đơn vị vận tải tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 7 ngày/lần cho người điều khiển phương tiện, nhân viên đi cùng trên phương tiện khi hoạt động vận tải từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố khác (trừ Long An, Bình Dương và Đồng Nai) cho đến khi có chỉ đạo mới.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, đến 10h ngày 30/10, huyện Quốc Oai ghi nhận thêm 17 ca dương tính SARS-CoV-2. Các bệnh nhân được phát hiện qua khám sàng lọc cộng đồng và các trường hợp liên quan F0, tập trung chủ yếu ở thị trấn Quốc Oai (14 ca) và xã Ngọc Mỹ (3 ca). Trong số này có 5 trẻ nhỏ từ 1-12 tuổi.
Huyện Quốc Oai xét nghiệm COVID-19 các trường hợp liên quan đến các ca F0
Tính từ 24/10 đến nay, huyện Quốc Oai ghi nhận 74 ca COVID-19, trong đó 66 ca thường trú tại huyện, 8 thường trú tại địa phương khác. Các ca COVID-19 ở huyện Quốc Oai đã lan rộng ra địa phương khác là thị trấn Quốc Oai, các xã Liệp Tuyết, Sài Sơn, Đông Yên, Cấn Hữu, Phượng Cách, Ngọc Mỹ, Tuyết Nghĩa.
Hiện lực lượng chức năng của huyện và địa phương đã điều tra truy vết và đưa đi cách ly y tế tập trung 539 F1, 40 F1 là trẻ em và người bệnh nền được cách ly tại nhà theo quy định, ra quyết định cách ly tại nhà 3.250 F2, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà gần 7.000 trường hợp F3, VTC News đưa tin.
Sáng 30-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho biết những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Việt Trì, các huyện Phù Ninh, Lâm Thao có diễn biến phức tạp. Trong đó có nhiều học sinh, giáo viên liên quan đến dịch bệnh.
Đến 18h ngày 29-10, toàn tỉnh ghi nhận 19 giáo viên và 184 học sinh mắc COVID-19, nhiều nhất là thành phố Việt Trì với 16 giáo viên và 123 học sinh.
Học sinh Trường THPT Công nghiệp Việt Trì trong một buổi học hồi tháng 9-2021 - Ảnh: Cổng TTĐT Phú Thọ
Riêng ngày 29-10, có 7 giáo viên Trường mầm non Chu Hóa và Trường mầm non Hoa Ban (thành phố Việt Trì), 14 học sinh ở thành phố Việt Trì, các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông mắc COVID-19.
Toàn tỉnh có 3.752 giáo viên, học sinh thuộc diện F1, gần 13.000 giáo viên, học sinh thuộc diện F2. Khoảng 10.000 giáo viên và học sinh đang phải cách ly.
Sáng 30.10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bạc Liêu cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp, ca nhiễm trong cộng đồng đang lây lan nhanh và liên tục tăng cao trong nhiều ngày qua.
Sáng cùng ngày, Bạc Liêu ghi nhận thêm 404 ca dương tính Covid-19, đây là ngày ghi nhận nhiều ca nhiễm bệnh Covid-19 từ trước đến nay ở tỉnh này. Trong đó có đến 149 trường hợp ghi nhận qua xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng
Khuya 29/10, Đội CSGT Hàng Xanh (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh) lập chốt tại vòng xoay Phạm Văn Đồng (phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức) để kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, sau gần 2 giờ lập chốt, tổ công tác đã kiểm tra hàng chục trường hợp người đi xe máy, trong đó ghi nhận 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Bị CSGT ra hiệu dừng xe kiểm tra, anh T.V. P (50 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) cho biết, anh đang chở con trai từ thành phố Thủ Đức về huyện Củ Chi, khi đến vòng xoay Phạm Văn Đồng thì được CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra hành chính và đo nồng độ cồn. Sau nhiều lần thổi vào máy, cán bộ CSGT ghi nhận được nồng độ cồn của anh P. là 0,231 miligam/lít khí thở.
Anh P. cho biết, mình đến gia đình bạn ở phường Linh Đông (thành phố Thủ Đức) vì mấy tháng nay không gặp nhau. “Biết gia đình tôi gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên hôm nay người bạn gọi tới nhà ở thành phố Thủ Đức để hỗ trợ cho tôi. Trong lúc ăn cơm tối ở nhà bạn, tôi có uống 2-3 lon bia”, anh P. nói.
Trước 5-11, Bộ Giao thông vận tải phải trình Thủ tướng kế hoạch nối lại các chuyến bay thường lệ quốc tế với các nước có hệ số an toàn cao - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh.
Trong thông báo kể trên, Phó thủ tướng đồng ý về nguyên tắc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi và đến từ các nước/vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Sau 1 năm 7 tháng, hàng không Việt Nam ngưng các chuyến bay quốc tế thông thường (từ tháng 3-2020), Việt Nam chuẩn bị nối lại các chuyến bay thường lệ quốc tế.
Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 29/10 là 2.169 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 816.132
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.990 ca, trong đó:
- Thở ôxy qua mặt nạ: 1.969
- Thở ôxy dòng cao HFNC: 587
- Thở máy không xâm lấn: 103
- Thở máy xâm lấn: 312
- ECMO: 19
Đến nay cả nước chỉ còn 434 ca COVID-19 phải thở máy, ECMO. Ảnh: SK&ĐS
Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 60 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.966 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
Đồ họa: Báo Tiền phong
Theo kế hoạch, ngày 15/11 tới, học sinh ở TP. Đà Nẵng sẽ đến trường học tập trung. Thành phố đã chuẩn bị 50.000 liều vaccine phòng COVID-19, ưu tiên tiêm cho nhóm từ 15 đến dưới 18 tuổi, tập trung học sinh lớp 10 đến lớp 12.
Dự kiến, ngày 15-11 tới, học sinh các cấp ở Đà Nẵng sẽ trở lại trường học. Ảnh: VOV
Dự kiến, đầu tháng 11/2021, Đà Nẵng sẽ triển khai tiêm vaccine, phấn đấu tiêm xong mũi 1 cho học sinh từ 15 đến dưới 18 tuổi, đảm bảo đủ 14 ngày trước khi đến trường học, thông tin đăng tải trên báo VOV.
CDC Hà Nội cho biết ngày 29-10 ghi nhận 47 ca mắc COVID-19 mới, chủ yếu ở các ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng, huyện Mê Linh, ổ dịch Sài Sơn, huyện Quốc Oai; ổ dịch Trần Quang Diệu, quận Đống Đa và người về từ các tỉnh có dịch.
Đáng chú ý, phần lớn người mắc đều đã tiêm từ 1-2 mũi vắc xin, tải lượng virus thấp (một số ở ngưỡng mà tại TP.HCM thì Bộ Y tế cho phép cách ly tại nhà). Ngày 29-10 là ngày Hà Nội ghi nhận nhiều ca dương tính nhất tính từ khi nới lỏng giãn cách.
Thông tin trên được PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết chiều 29/10 tại buổi tổ chức tập huấn trực tuyến cho 63 tỉnh, thành phố hướng dẫn triển khai chiến dịch. Cụ thể, Việt Nam tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ từ 12-17 tuổi (học sinh lớp 7-12), sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21 - 28 ngày). Bà Hồng cho biết, Bộ Y tế sẽ có quyết định riêng về việc phân bổ vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ.
Tối 29-10 đã diễn ra livestream "Dân hỏi – Thành phố trả lời" chủ đề: "Kiểm soát dịch và kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ - Những điều cần biết".
Khách mời gồm có ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM và bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM. Chương trình livestream diễn ra trong bối cảnh TP HCM cho phép dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ trong 2 ngày qua, riêng quận 7 và TP Thủ Đức được phục vụ đồ uống có cồn.
Các cơ sở kinh doanh phải đáp ứng tiêu chí về an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm, phục vụ 50% công suất và được mở đến 21 giờ hằng ngày.
Tại chương trình, bà Phạm Khánh Phong Lan lưu ý người dân không được mất cảnh giác vì F0 xung quanh còn nhiều.
"Trong cao điểm giãn cách, dịch vụ ăn uống bị ngưng toàn bộ, sau đó cho mở cửa từ từ bằng việc bán mang về. Hai ngày gần đây (từ 28-10), được phục vụ tại chỗ, riêng quận 7 và TP Thủ Đức được bán rượu bia (thức uống có cồn – PV) dưới dạng thí điểm.
Chương trình đối thoại diễn ra tối 29-10
Tôi hi vọng sau thời gian thí điểm thì các hoạt động kinh tế sẽ được mở cửa thêm chứ không phải trường hợp xấu là toàn thành phố đều cấm bán rượu bia tại chỗ do các chỉ số về phòng chống dịch như số ca nhiễm, số tử vong tăng lên" – bà Phong Lan nói.
Đối với người dân khi ăn uống ngoài hàng quán, bà Phong Lan khuyến cáo nên đeo khẩu trang tối đa, chỉ tháo khẩu trang khi đang ăn uống, sau đó lại đeo vào để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.
"Thật đáng tiếc nếu có người dân nào đó phải lặn lội xa xôi để đến quận 7, Thủ Đức để ăn nhậu, gặp gỡ bạn bè nhưng sau đó lại bị khuyến mãi thêm "con covid". Chúng ta đã chịu đựng trong nhiều tháng qua, bây giờ bà con nên cố gắng thêm để trước hết an toàn cho bản thân và tránh quá tải cho ngành y tế", báo Người lao động dẫn lời bà Lan.
Tại buổi đối thoại, đại diện Sở Y tế TP.HCM và Ban an toàn thực phẩm TP cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là chính người dân đi ăn quán phải hết sức cẩn trọng và bảo vệ sức khỏe cho mình. Thực tế, thí điểm tại 2 địa phương, nhưng chính người dân và lãnh đạo quận 7, TP Thủ Đức đều bị áp lực vì lo ngại các nơi… đổ về để uống bia, ghi nhận từ báo Thanh niên.
Ngày 29.10, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho biết trên báo Thanh niên, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp và lây lan nhanh.
Tính từ ngày 1.10 đến nay sáng 29.10, tỉnh ghi nhận 4.190 ca mắc mới, trong đó có 1.112 ca là người từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… trở về địa phương bằng phương tiện cá nhân. Nếu tính riêng trong 7 ngày qua (22 - 28.10), tỉnh ghi nhận gần 1.900 ca mắc mới và chỉ trong ngày 28.10 ghi nhận 320 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay.
Infographics: TTXVN