*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới.
Chiều 16/4, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã ký công văn hỏa tốc về việc tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của UBND tỉnh về triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 đến hết ngày 22/4.
Chủ tịch tỉnh Nghệ An yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung trên.
Trước đó, sáng cùng ngày, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh tổ chức cuộc làm việc và thống nhất việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh bắt đầu đi làm bình thường từ ngày 17/4, nhưng phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch tại công sở.
Riêng lực lượng vũ trang thực hiện theo đúng chỉ đạo của ngành dọc.
Ngành giáo dục tỉnh Nghệ An tiếp tục cho học sinh nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.
Trong thời gian nghỉ học, Sở GD&ĐT tỉnh tiếp tục chỉ đạo các trường triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến và một số hình thức khác để đảm bảo việc học của học sinh không bị gián đoạn.
Cũng trong ngày 16/4, Sở GTVT tỉnh đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe tiếp tục dừng hoạt động các loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, chạy hợp đồng, du lịch, taxi, xe buýt.
Riêng các loại xe phục vụ chở công dân cách ly, xe công vụ, các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất tiếp tục được hoạt động.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink và Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Asazuma Shinichi đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Chiều ngày 16/4, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ đã diễn ra lễ trao tặng vật tư y tế của Chính phủ và nhân dân Việt Nam hỗ trợ Chính phủ, nhân dân Nhật Bản (với tổng trị giá 100.000 USD, bao gồm khẩu trang và các vật tư y tế sản xuất tại Việt Nam) và lễ trao tặng vật tư y tế của Chính phủ và nhân dân Việt Nam hỗ trợ Chính phủ, nhân dân Hoa Kỳ (bao gồm 200.000 khẩu trang vải kháng khuẩn sản xuất tại Việt Nam) để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng trao tặng 50.000 khẩu trang y tế cho Văn phòng Nội các Nhật Bản và 50.000 khẩu trang y tế cho Văn phòng Nhà Trắng.
Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đại diện các Bộ, ngành liên quan.
Phát biểu tại lễ trao tặng vật tư y tế hỗ trợ Chính phủ, nhân dân Nhật Bản, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam và Nhật Bản đã sớm triển khai hợp tác trong các khuôn khổ song phương và đa phương nhằm đối phó với dịch bệnh, trong đó có việc phối hợp tổ chức thành công Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN + 3 ngày 14/4/2020 vừa qua, đóng góp thiết thực vào những nỗ lực chung chống dịch COVID-19 của khu vực và quốc tế.
Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh số khẩu trang, vật tư y tế trao tặng lần này là tấm lòng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, thể hiện sự sẻ chia và sự đoàn kết với Chính phủ và nhân dân Nhật Bản trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19; bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abe Shinzo và Chính phủ Nhật Bản, với nỗ lực, quyết tâm của người dân, Nhật Bản sẽ sớm vượt qua đại dịch.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, hiên Mỹ có ít nhất 639.664 ca dương tính với virus corona và 30.985 ca tử vong do dịch bệnh.
Hiện tại, Mỹ đã thay đổi cách tính và sẽ thêm cả những trường hợp được cho là tử vong do COVID-19 vào tổng số. Vì vậy, trong những ngày tới, số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ có thể sẽ tăng mạnh.
Số liệu ở Mỹ hiện tại bao gồm cả 50 bang, Washington, các vùng lãnh thổ khác của Mỹ cũng như các trường hợp từ nước ngoài trở về.
Theo số liệu từ Bộ Y tế Anh, hiện nước này đã có 100.000 ca dương tính với virus corona. Đây là kết quả thu được từ 327.608 mẫu xét nghiệm của người dân nước này.
Tổng số ca tử vong ở Anh là 13.729 trường hợp.
Tương lai của hàng không thời COVID-19 ?
Mới đây, hãng hàng không Emirates đã bắt đầu tiến hành các xét nghiệm COVID-19 từ máu của các hành khách ngay tại sân bay trước khi chuyến bay diễn ra. Đây có lẽ là dấu hiệu về tương lai dành cho hành khách di chuyển bằng đường hàng không
Theo thông cáo của Emirates, các xét nghiệm máu nhanh COVID-19 đầu tiên đã diễn ra hôm 15/4 tại sân bay quốc tế Dubai với các hành khách trên một chuyến bay tới Tunisia. Tất cả đều được xét nghiệm trước khi khởi hành.
Xét nghiệm do Cơ quan Y tế Dubai tiến hành tại khu vực check-in theo nhóm ở ga số 3 và kết quả có trong 10 phút.
Emirates cho biết, họ là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới tiến hành các xét nghiệm như vậy.
"Chúng tôi đang thực hiện các kế hoạch nhằm tăng cường năng lực xét nghiệm trong tương lai và mở rộng sang các chuyến bay khác", Adel Al Redha, Giám đốc điều hành Emirates khẳng định trong thông cáo.
"Điều này sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi tiến hành các xét nghiệm tại chỗ và cung cấp xác nhận cho những hành khách trên đường tới những nước yêu cầu có chứng nhận xét nghiệm COVID-19".
Emirates không đề cập tới việc liệu hành khách có bị từ chối lên máy bay tùy theo kết quả xét nghiệm hay không.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ngoài 12 tỉnh, thành có nguy cơ cao thì 16 tỉnh có nguy cơ cũng được Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đến hết 22/4 và sẽ điều chỉnh tùy diễn biến dịch Covid-19.
Ngày 16/4, thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4 về phòng, chống dịch Covid-19 nêu rõ, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Cụ thể, nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh.
Sài Gòn đông đúc trong những ngày cuối của đợt cách ly toàn xã hội 14 ngày. Ảnh: Hải Long.
Các địa phương này tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng đến ngày 22 hoặc 30/4/2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.
Đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng, bảo đảm lưu thông hàng hóa.
Nhóm địa phương có nguy cơ gồm 16 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang.
Các địa phương này cần thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16 đến hết ngày 22/4 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22/4 tùy diễn biến dịch bệnh.
Tại cuộc họp hôm qua (15/4) của Thường trực Chính phủ, tỉnh Hà Giang vẫn còn ở nhóm các tỉnh có nguy cơ thấp, nhưng hôm nay tỉnh này đã phát hiện 1 ca dương tính với Covid-19 nên Hà Giang đã được xếp vào nhóm các địa phương có nguy cơ.
Nhóm có nguy cơ thấp gồm 35 tỉnh còn lại. Yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện theo chỉ thị 15 của Thủ tướng.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Giữa lúc Đức chuẩn bị gỡ bỏ các giới hạn nhằm hạn chế sự lây lan của virus, số ca lây nhiễm virus corona ở Đức đã tăng trong 2 ngày liên tiếp.
Viện nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm Robert Koch (RKI) cho biết hôm nay đã có thêm 2.866 ca dương tính mới với virus, nâng tổng số ca dương tính tại nước này lên 130.450. Số ca nhiễm mới ngày 15/4 là 2.486 trường hợp.
Số ca tử vong hàng ngày cũng tăng trong 2 ngày liên tiếp. Trong ngày 15/4, có 285 trường hợp tử vong, con số tử vong tại Đức trong ngày hôm nay là 315 ca.
Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur cho biết hôm nay nước này đã ghi nhận thêm 92 trường hợp người dân tử vong do virus, nâng tổng số ca tử vong lên 4.869 trường hợp.
Tổng số ca nhiễm bệnh ở Iran hiện tại là 77.995 trương hợp.
Cựu Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon, ứng viên của Đảng Dân chủ đồng hành cầm quyền, mừng chiến thắng sau khi kết quả bầu cử được công bố. Ảnh: Yonhap
Hoạt động kiểm phiếu diễn ra tại các điểm bỏ phiếu. Ảnh: Yonhap
Kết quả tổng tuyển cử Hàn Quốc do Yonhap công bố sáng 16/4 cho thấy, liên minh đảng Dân chủ đồng hành (DP) cầm quyền ở Hàn Quốc đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử 300 thành viên Quốc hội diễn ra một ngày trước đó.
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức trên thế giới trong bão dịch COVID-19 được coi là một cuộc trưng cầu dân ý với năng lực lãnh đạo của Tổng thống Moon và chính phủ của ông, trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang nỗ lực giải quyết một số bài toán lớn như suy thoái kinh tế, quan hệ liên Triều và gần nhất là đại dịch COVID-19.
Bất chấp những lo ngại rằng đại dịch lan rộng sẽ khiến tỉ lệ bỏ phiếu thấp đi, hàng chục triệu cử tri Hàn Quốc đã đến các điểm bỏ phiếu cả trong ngày bỏ phiếu sớm và ngày bỏ phiếu chính thức, thực hiện quyền bầu cử của mình trong cuộc tổng tuyển cử 4 năm một lần.
Theo Yonhap, hơn 29 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu, nâng tỉ lệ cử tri lên 66,2%, cao nhất trong 28 năm qua. Đây cũng là lần đầu tiên, cử tri Hàn Quốc đi bỏ phiếu mà phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, như đeo khẩu trang, đeo găng tay, đứng cách nhau 1 mét, xịt khử trùng.
Kết quả do Yonhap công bố cho thấy, liên minh cầm quyền của ông Moon Jae-in gồm đảng DP cùng đảng vệ tinh Dân chủ đã giành được 180 ghế, tương đương 3/5 tổng số ghế Quốc hội, vượt xa Đảng đối lập UFP cùng đảng vệ tinh Tương lai với 103 ghế.
Với kết quả này, liên minh cầm quyền có thể thông qua các dự luật nhanh chóng mà không cần sự hỗ trợ từ các bên khác, tránh được xung đột chính trị nảy sinh trong cải cách các dự luật, theo Yonhap.
Các chuyên gia cho rằng, chính cách ứng phó nhanh chóng, hiệu quả, được lòng dân của chính phủ ông Moon Jae-in trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã giúp ông ghi điểm trong lòng cử tri, nhận được phản ứng tốt từ người dân.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Hàn Quốc hồi cuối tháng 1 qua, giới chức Hàn Quốc đã thành công trong việc triển khai xét nghiệm quy mô lớn, khoanh vùng ổ dịch, làm chậm đà lan rộng của dịch bệnh, và duy trì mức bệnh nhân nhiễm mới thấp hơn 30 người trong suốt gần 1 tuần qua.
GS Lawrence Gostin, giám đốc Trung tâm Y tế Công cộng và Nhân quyền của WHO. Ảnh: Đại học Havard
Đại dịch Covid-19 sẽ hành quân qua châu Phi (cận Sahara) và cả tiểu lục địa Ấn Độ giống như một trận tuyết lở - GS Lawrence Gostin, giám đốc Trung tâm Sức khỏe Cộng đồng và Nhân quyền của WHO, cảnh báo như vậy qua đài BBC.
GS Gostin nhấn mạnh: "Ngay cả khi Mỹ và Châu Âu kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 của họ, nếu có "cơn thịnh nộ" của dịch ở các nơi khác trên thế giới - với xã hội toàn cầu hiện nay mà chúng ta đang sống - nó sẽ quay trở lại châu Âu và Mỹ lần nữa. Trên thực tế, tôi có thể dự đoán rằng nếu dịch vượt khỏi tầm kiểm soát ở những quốc gia có thu nhập thấp, chúng ta sẽ thấy ở Mỹ và châu Âu có một đợt sóng dịch thứ hai, rồi thứ ba và thậm chí là đợt thứ tư của dịch Covid-19".
Covid-19 đã quét qua châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ trong những tháng gần đây nhưng vẫn chưa lây nhiễm mạnh đến người dân ở châu Phi hoặc tiểu lục địa Ấn Độ .
Các chuyên gia y tế nhận định hai lục địa này đã phát dịch chậm một tuần so với Mỹ và châu Âu và đang có sự gia tăng các trường hợp nhiễm ở mức đáng báo động, CTV News đưa tin.
Các quan chức châu Phi trong những ngày gần đây đã kêu gọi thế giới hỗ trợ tài chính cho họ hàng tỉ USD và cải thiện vị thế của họ trong cuộc cạnh tranh mua sắm các thiết bị y tế cần thiết.
Liên minh châu Phi đã chỉ định bốn đặc phái viên để huy động sự hỗ trợ và tạo ra một nền tảng để giúp 54 quốc gia trong lục địa này mua số lượng lớn hàng hóa y tế với giá mềm hơn.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế thế giới cũng lo ngại về khả năng của chính phủ và hệ thống y tế ở các nước thu nhập thấp có thể không ngăn chặn được sự bùng phát của dịch Covid-19 sắp tới, báo The Sun đưa tin.
Phát biểu của GS Gostin được đưa ra sau quyết định của Tổng thống Trump về việc rút tiền tài trợ của Mỹ cho WHO vì cách xử lý dịch và những vấn đề dịch liên quan tới Trung Quốc.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
CNN dẫn nguồn tạp chí y khoa Nature cho biết có thể virus SARS-CoV-2 có cơ chế lây lan khác với "họ hàng" là virus SARS.
Sau khi tổng hợp dữ liệu từ 414 mẫu dịch họng từ 94 bệnh nhân - từ lúc triệu chứng bùng phát cho tới 32 ngày sau đó - các nhà khoa học của nghiên cứu viết: "Chúng tôi thấy khối lượng virus trong các mẫu dịch ở họng cao nhất vào thời điểm bắt đầu có triệu chứng, và điều này có thể hiểu là bệnh nhân dễ lây bệnh cho người khác nhất vào thời điểm trước hoặc ngay khi có triệu chứng ban đầu".
Có thể thấy, giai đoạn dễ lây lan nhất có thể sẽ bắt đầu từ 2 tới 3 ngày trước khi triệu chứng bệnh xuất hiện. Số lượng virus mà người bệnh phát tán ra bên ngoài dường như giảm sau khi bệnh nhân ốm nặng hơn và dần dần giảm cho tới ngày thứ 21 sau khi nhiễm bệnh. Không có sự khác biệt đáng kể trong số lượng virus giữa nam và nữ, các nhóm tuổi và các nhóm bệnh lý khác nhau. Các biện pháp phòng tránh như cách ly và giãn cách có thể giảm một lượng lớn nguy cơ lây nhiễm từ người sang người.
Sự lây lan của virus corona chủng mới dường như khác biệt với SARS và giống với bệnh cúm nhiều hơn. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, khả năng lây nhiễm của SARS bắt đầu tăng khoảng 7-10 ngày sau khi có triệu chứng bệnh trong khi bệnh nhân cúm thường dễ lây cho người khác nhất khi họ bắt đầu phát bệnh.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Các biện pháp phong tỏa ở châu Âu đóng vai trò làm giảm đáng kể mức độ ô nhiễm trên khắp châu Âu trong tháng qua - theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Mức độ khí thải NO2 đã giảm khoảng 50% ở nhiều đô thị - ESA báo cáo ngày 16/4, nhấn mạnh sự sụt giảm này tương ứng với "các biện pháp cách ly nghiêm khắc được thi thi trên khắp châu Âu".
Sự cải thiện chất lượng không khí thể hiện đặc biệt rõ ràng tại Pháp, Tây Ban Nha và Italy - những nước đã áp đặt biện pháp phong tỏa cứng rắn trong vài tuần qua.
Paris chứng kiến mức giảm 54% nồng độ NO2 trong không khí so với giai đoạn 13/3-13/4/2019. Mức giảm ở Madrid, Milan và Rome vào khoảng 45%.
Phát biểu trong cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc chiều nay, 16/4, người phát ngôn Triệu Lập Kiên nói: "Lập trường của Trung Quốc về nguồn gốc và con đường lan truyền virus corona là rõ ràng. Chúng tôi luôn giữ quan điểm rằng đây là một vấn đề khoa học, cần được nghiên cứu bởi các nhà khoa học và các chuyên gia y tế."
Đại diện chính phủ Trung Quốc nói rằng nước này "sẽ tiếp tục làm việc với các nước, hỗ trợ và gắn kết với nhau để chiến thắng cuộc chiến giữa nhân loại với dịch bệnh truyền nhiễm".
Phát ngôn của ông Triệu Lập Kiên nhằm phản ứng thông điệp được tổng thống Trump đưa ra trước đó. Ông Trump nói rằng "câu chuyện này càng được biết đến nhiều hơn", đề cập giả thuyết virus corona chủng mới (SARS-Cov-2) bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán - tâm dịch Covid-19 ở Trung Quốc, chứ không phải từ chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán.
Ông Nguyễn Minh Sơn, sinh năm 1962, là người thứ 2.607 tử vong tại Đức do Covid-19 và là người Việt đầu tiên ở đây mất vì dịch bệnh này.
Các nhà khoa học Đức xin thi thể của ông Sơn để phục vụ công tác nghiên cứu đối với virus SARS-Cov-2 và đã được gia đình chấp thuận.
Trả lời báo Tuổi trẻ, anh Phạm Hoài Nam - em rể ông Minh Sơn - cho biết, gia đình sau khi họp bàn đã quyết định chấp thuận đề nghị của bệnh viện ở thành phố Munich, Đức, về việc hiến thi thể ông Nguyễn Minh Sơn.
Ngày 14/4, thi thể ông Sơn đã được các nhà khoa học Đức tiến hành mổ để nghiên cứu, với hy vọng tìm ra quá trình xâm nhập vào cơ thể, cũng như cơ chế tấn công, phá hoại của virus SARS-Cov-2 đối với các bộ phận trong cơ thể người.
Công việc nghiên cứu dự kiến kéo dài trong 2-3 tuần, sau đó bệnh viện sẽ hỏa thiêu thi thể và chuyển tro cốt về để gia đình mai táng.
Xin mời độc giả theo dõi toàn bộ bài viết tại đây
Ngày 16/4, một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng nước này Shinzo Abe đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo đó, chính quyền các tỉnh, thành sẽ có quyền yêu cầu các trường học và nhiều doanh nghiệp đóng cửa cho đến hết kỳ nghỉ Tuần lễ vàng, tức là ngày 6/5 tới. Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp toàn quốc về dịch bệnh được ban bố ở Nhật Bản.
Ngày 7/4 vừa qua, Thủ tướng Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành tại Nhật Bản, gồm thủ đô Tokyo cùng với các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Ông Neil Ferguson, cố vấn chính phủ-chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Hoàng gia London, Anh, nhận định Vương quốc Anh nhiều khả năng cần phải duy trì giãn cách xã hội cho đến khi thế giới tìm ra được vắc xin chống lại dịch bệnh Covid-19.
Mọi chuyện sẽ không trở lại bình thường. Chúng ta sẽ phải duy trì giãn cách xã hội ở mức độ nào đố - một mức độ giãn cách xã hội đáng kể, nhiều khả năng là vô thời hạn, cho đến khi chúng ta có được vắc xin.
"Chúng ta có tương đối ít không gian xoay xở, nếu chúng ta nới lỏng các biện pháp hạn chế quá nhiều thì ta sẽ phải chứng kiến làn sóng lây nhiễm tái bùng phát."
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo tương tự nhà dịch tễ học Anh. Theo nhóm nghiên cứu tại Trường Y tế công T.H. Chan Harvard, Mỹ có thể phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội - bao gồm các lệnh yêu cầu người dân ở nhà và đóng cửa trường học - đến năm... 2022, nếu không sớm tìm ra vắc xin hoặc phác đồ hiệu quả để điều trị Covid-19.
Dù vậy, các nghiên cứu này trái ngược với những nghiên cứu đang được Nhà Trắng ủng hộ, nói rằng đại dịch có thể kết thúc trong mùa hè này.
"Đại dịch Covid-19 sẽ "hành quân" qua châu Phi (cận Sahara) và cả tiểu lục địa Ấn Độ giống như một trận tuyết lở" - GS Lawrence Gostin, giám đốc Trung tâm Sức khỏe Cộng đồng và Nhân quyền của WHO, cảnh báo như vậy qua đài BBC.
Covid-19 đã quét qua châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ trong những tháng gần đây nhưng vẫn chưa lây nhiễm mạnh đến người dân ở châu Phi hoặc tiểu lục địa Ấn Độ.
Các chuyên gia y tế nhận định hai lục địa này đã phát dịch chậm một tuần so với Mỹ và châu Âu và đang có sự gia tăng các trường hợp nhiễm ở mức đáng báo động, CTV News đưa tin.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Bộ Y tế Singapore cho biết nước này xác nhận 447 ca mắc Covid-19 mới trong ngày thứ Tư, 15/4. Đây là số nhiễm mới được báo cáo trong 1 ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở Singapore, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.699.
404 trong số ca mới có liên hệ với các cụm lây nhiễm đã xác định - phần lớn trong đó là lao động nước ngoài cư trú trong các ký túc xá.
Thông cáo của bộ trên cũng cho hay, số ca nhiễm bình quân mỗi ngày ở Singapore đã tăng đáng kể "từ 48 ca/ngày hồi tuần trước đến 260 ca/ngày trong tuần vừa qua".
Giới chức Singapore đã tiến hành biện pháp di chuyển lao động nước ngoài vào các khu vực nhà ở tạm thời như doanh trại quân đội hay các chung cư bỏ trống của chính phủ, nhằm ứng phó tình trạng ca nhiễm leo thang.
Viện Robert Koch - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức - ngày 16/4 thông báo nước này xác nhận 315 trường hợp tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ. Đây là lần đầu tiên Đức ghi nhận trên 300 người chết trong 1 ngày kể từ khi dịch bùng phát.
Đức ghi nhận 2.866 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca được xác nhận lên 130.450.
Trong vài ngày qua, Đức đã ghi nhận ít ca nhiễm mới hơn so với số người hồi phục. Trong 24 giờ qua, Đức báo cáo có 4.500 bệnh nhân đã được điều trị khỏi.
Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan cho biết Nhóm Các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí chi hơn 7.000 tỷ USD nhằm bảo vệ thị trường lao động, các doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, sau cuộc họp trực tuyến giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 do Saudi Arabia chủ trì, Bộ trưởng al-Jadaan cho hay các bên khẳng định ủng hộ sáng kiến giãn nợ cho những nước nghèo nhất. Ngoài ra, G20 cam kết bảo vệ thị trường việc làm cho người lao động, duy trì ổn định hệ thống tài chính toàn cầu, đồng thời khẳng định quyết tâm vượt qua đại dịch COVID-19.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Al-Jadaan lạc quan rằng thế giới sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, nếu tiếp tục phối hợp các nỗ lực đối phó với dịch COVID-19, cũng như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trong tương lai.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle đến cảng Toulon ngày 12/4/2020 (Ảnh: AP)
Hơn 600 thủy thủ thuộc hạm đội của tàu sân bay Charles de Gaulle, Pháp, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-Cov-2 - Bộ lực lượng vũ trang Pháp ngày 15/4 cho biết.
Theo thông cáo của bộ này, 668 thành viên các tàu thuộc nhóm tàu hải quân kể trên đã bị nhiễm Covid-19, trong tổng số 1.767 thủy thủ từ mẫu hạm Charles de Gaulle cùng các tàu hộ tống đã được làm xét nghiệm. Phần lớn thủy thủ nhiễm bệnh được xác định phục vụ trên tàu sân bay.
Tàu sân bay Charles de Gaulle và chiến hạm Chevalier Paul đã trở về cảng Toulon vào hôm 12/4, sau khi phát hiện 50 ca nhiễm.
Giới chức Mỹ ngày càng chắc chắn rằng ổ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của nước này có liên quan tới các phi hành đoàn, chứ không phải do chuyến thăm chính thức đến Việt Nam vào tháng trước.
Theo tờ Wall Street Journal số ra ngày 15/4, các quan chức Mỹ cho rằng các hoạt động ra vào của các máy bay trên tàu này là nguyên nhân khiến các thủy thủ đoàn nhiễm bệnh, chứ không liên quan tới chuyến thăm Đà Nẵng, Việt Nam, từ ngày 4-9/3 vừa qua.
Sau đó, một số thủy thủ đã có dấu hiệu bị ốm và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, không có thành viên nào trong số 5.000 người trên tàu được cho là đã nhiễm virus gây bệnh trước ngày 24 và 25/3, tức hai tuần sau chuyến thăm Đà Nẵng. Do thời gian ủ bệnh của COVID-19 là 14 ngày, điều này đã loại trừ khả năng chuyến thăm trên là nguồn lây bệnh cho tàu sân bay này.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Thống kê của Bộ Y tế Chile đã đưa cả những trường hợp tử vong do Covid-19 vào danh sách bệnh nhân hồi phục, với lý do rằng người chết "không còn lây nhiễm" cho người khác.
Bộ trưởng Y tế Chile Jaime Manalich ngày 13/4 nói rằng nước này có 898 bệnh nhân "không còn truyền nhiễm, không phải là nguồn lây nhiễm" và được tính là những ca đã hồi phục.
"Đây là những người đã hoàn thành 14 ngày kể từ khi được chẩn đoán [nhiễm SARS-Cov-2] hoặc là không may qua đời," ông Manalich nói.
Thông tin kể trên đã gây sốc trong dư luận quốc gia Nam Mỹ, trong khi bộ trưởng Manalich khẳng định phương pháp thống kê này được dựa trên những đề xuất từ "các chuyên gia quốc tế".
Chile báo cáo ca Covid-19 đầu tiên vào hôm 3/3. Dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng trong các tuần sau đó. Thống kê của Đại học John Hopkins đến sáng nay, 16/4 (giờ Việt Nam), cho thấy Chile đã có 8,273 ca nhiễm Covid-19 và 94 người tử vong.
Ngày 15/4, lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran thông báo đã chế tạo thành công một thiết bị thông minh có khả năng hỗ trợ tốt trong việc chẩn đoán và phát hiện nhanh SARS-CoV-2 từ xa.
Phát biểu tại buổi lễ công bố, Tư lệnh Vệ binh cách mạng Hồi giáo-Thiếu tướng Salami cho biết thiết bị này hoạt động dựa trên nguyên tắc phát hiện từ trường thông qua một loại virus lưỡng cực được trang bị sẵn ở bên trong thiết bị. Khi hoạt động thiết bị có thể phát hiện SARS-CoV-2 ở phạm vi bán kính 100 mét trong vòng 5 giây, qua đó có thể giúp phát hiện nhanh các khu vực và bề mặt nhiễm virus, đồng thời chẩn đoán nhanh cho những người nhiễm bệnh mà không cần lấy mẫu máu của họ để xét nghiệm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ hỗ trợ máy thở cho những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chẳng hạn như Nga.
Lập luận rằng Mỹ đang được trang bị rất nhiều máy thở để đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ gửi thiết bị này tới những nơi bị ảnh hưởng nặng nề, chẳng hạn như Nga. Tuyên bố này của ông Trump ngay lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích.
"Tôi nghĩ Nga sẽ cần máy thở. Họ đang chứng kiến thời điểm khó khăn tại Moscow. Chúng ta sẽ giúp đỡ họ", ông Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào hôm qua (15/4). Nhà lãnh đạo Mỹ cũng ngỏ ý muốn giúp đỡ Italy và Tây Ban Nha – 2 quốc gia châu Âu bị dịch bệnh hoành hành dữ dội nhất trong 2 tháng qua, mặc dù Mỹ đã vượt cả 2 nước này về số ca mắc lẫn ca tử vong.
Thống đốc Washington Jay Inslee đã ký lệnh vào tối thứ Tư, giờ địa phương, cho phép tiểu bang thả hàng trăm tù nhân trong tuần tới do những lo ngại về sức khỏe do dịch Covid-19 gây ra.
Quyết định này được đưa ra theo lệnh của Tòa án Tối cao bang Washington sau khi một số tù nhân tại một cơ sở an ninh ở Monroe đã xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Theo quy định này, tất cả các tù nhân phạm tội không liên quan đến bạo lực và tình dục dự kiến được ra tù vào ngày 29/6 năm nay đều đủ điều kiện để được trả tự do sớm. Quy định không cho biết chính xác có bao nhiêu tù nhân sẽ được trả tự do, nhưng một tài liệu tòa án đệ trình hôm thứ Hai cho biết, bang dự kiến sẽ thả sớm từ 600 đến 950 tù nhân.
Bang Washington đã ghi nhận ít nhất 10.942 trường hợp nhiễm Covid-19, bao gồm 552 trường hợp tử vong.
Hôm thứ Tư, trong cuộc họp báo hàng ngày, Tổng thống Trump cho biết, chính phủ Mỹ đang cố gắng làm rõ liệu virus SARS-CoV-2 có bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc hay không.
Hiện nguồn gốc của virus vẫn là bí ẩn. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hôm thứ Ba cho biết, tình báo Mỹ cho biết, khả năng virus Corona có nguồn gốc tự nhiên chứ không phải từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cả 2 khả năng này đều chưa chắc chắn.
Fox News đưa tin, nhiều nguồn tin của Chính phủ cho rằng việc lây truyền virus ban đầu là do dơi lây sang người trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Do các biện pháp giữ an toàn kém, một nhân viên phòng thí nghiệm bị nhiễm bệnh. Người này sau đó đến chợ hải sản, nơi virus lây lan.
Khi được hỏi về báo cáo này, ông Trump cho hay, ông đã biết điều này và đang xem xét thấu đáo về sự việc.
Một tài liệu của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang và Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) bị rò rỉ, hé lộ kế hoạch nước Mỹ mở cửa trở lại trước ngày 1-5. Trong khi đó, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong.
Theo tài liệu đề ngày 10-4 nêu trên, từ ngày 1-5 đến ngày 15-5 sẽ xúc tiến việc sản xuất hàng loạt bộ dụng cụ xét nghiệm và thiết bị bảo hộ. Sau đó, cuộc sống sẽ trở lại bình thường tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương.
Một báo cáo phản hồi của CDC có trong tài liệu bị rò rỉ cho biết ưu tiên là mở lại các cơ sở cộng đồng chăm sóc trẻ em, bậc tiểu học và trung học và trại hè địa phương, cho phép lực lượng lao động trở lại làm việc.
Vào ngày 14-4, Tổng thống Donald Trump cho biết tại một cuộc họp báo của Nhà Trắng rằng kế hoạch mở cửa lại đất nước đã gần hoàn tất. Tuy nhiên, ông Trump khi đó không đề cập về cách thức và thời điểm mở lại đất nước. Trước đó, hồi tháng 3, ông mong muốn mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ vào lễ Phục sinh. Nhà Trắng cho biết là đang chuẩn bị các kế hoạch riêng và dự kiến sẽ sớm công bố các kế hoạch đó.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Vào cuối tháng 2, một phụ nữ 39 tuổi đã lên chuyến bay từ Doha, Qatar đáp xuống sân bay quốc tế John F. Kennedy. Cô vừa kết thúc một chặng đường dài từ nơi khởi hành Iran về đến thành phố New York, mang theo chủng virus corona đã khiến dịch bệnh hoành hành ở Trung Quốc và nhiều nước châu Âu vào thời điểm bấy giờ.
Mãi đến một tuần sau, ngày 1/3, New York mới xác nhận nữ hành khách là trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên. Ngày 2/3, thống đốc Andrew Cuomo và thị trưởng Bill de Blasio mở cuộc họp báo, tuyên bố các nhà điều tra dịch tễ học sẽ theo dõi mọi cá nhân tiếp xúc với "bệnh nhân số 1". Tuy nhiên cuộc điều tra chỉ là lời hứa suông.
Một ngày sau, vị luật sư từ New Rochelle - vùng ngoại ô thành phố New York - dương tính với virus corona; gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn tiểu bang. Bởi vì luật sư này chưa từng ra nước ngoài, điều đó cho thấy dịch đã lây lan trong cộng đồng.
Lúc đó, các nhà điều tra mới vào cuộc và lần theo dấu vết "gieo rắc virus" của vị luật sư. Tuy nhiên, dù bệnh nhân đã đi qua những con phố đông nghẹt ở quận Mahattan sầm uất, chính quyền vẫn chỉ tập trung điều tra vùng ngoại ô. Thị trưởng New York còn khuyên người dân không cần quá lo lắng.
New York không thể ngờ virus corona đã lặng thầm lây lan khắp mọi ngóc ngách, từ trung tâm thành phố đến các khu vực lân cận và xa hơn. Dù vậy, nhà chức trách vẫn giữ vững sự tự tin tuyệt đối về khả năng chống dịch của mình.
Đã có một số trường hợp mắc bệnh - họ thừa nhận, tuy nhiên vẫn đinh ninh New York sở hữu các bệnh viện tốt nhất thế giới. Các kế hoạch đã sẵn sàng và được "luyện tập" kĩ càng, dù là trên bàn giấy. Cuối cùng, chẳng phải New York đã trụ vững qua dịch Ebola, Zika, H1N1 và cả sự kiện khủng bố ngày 11/9 hay sao?
Nhưng đến ngày 2/3/2020, thống đốc Cuomo đã phải thừa nhận sự thất bại trong công tác phòng chống dịch Covid-19:
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva hôm thứ 4 (15/4), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ông "rất tiếc" về quyết định "ngừng tài trợ" cho WHO của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo hãng thông tấn Anadolu.
"Mỹ là người bạn hào phóng và lâu năm của WHO, và chúng tôi hy vọng rằng mối quan hệ này có thể tiếp tục duy trì", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters
Ông Ghebreyesus cũng nhấn mạnh rằng vai trò của WHO không chỉ dừng lại ở đại dịch COVID-19, mà còn liên quan tới nhiều "cuộc chiến" với bệnh dịch khác của nhân loại:
"Với sự hỗ trợ của người dân và chính phủ Mỹ, WHO đã nỗ lực cải thiện và nâng cao sức khỏe của người dân tại nhiều quốc gia nghèo nhất, dễ tổn thương nhất trên thế giới.
Chúng tôi không chỉ chiến đấu với COVID-19, mà chúng tôi còn chiến đấu với nhiều vấn đề khác như bệnh bại liệt, sởi, sốt rét Ebola, HIV, lao, suy dinh dưỡng, ung thư, tiểu đường, sức khỏe tâm thần, v.v...
Chúng tôi cũng phối hợp với nhiều quốc gia để tăng cường hệ thống y tế của họ và nâng cao khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế tại các quốc gia này".
Đề cập tới quá trình đánh giá về phản ứng trước đại dịch COVID-19, Tổng Giám đốc WHO cho biết việc đánh giá sẽ được tiến hành "vào thời điểm thích hợp" bởi các thành viên của WHO và các cơ quan độc lập để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm.
Các bản đánh giá độc lập "chắc chắn" sẽ chỉ ra những điểm thiếu sót và những bài học kinh nghiệm "cho tất cả chúng ta", ông nói.
"Chúng tôi nghe nói, hiện nay giữa các quốc gia đang cãi cọ qua lại những chỉ trích liên quan đến dịch bệnh Covid-19, giống như là đánh bóng bàn," thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, trả lời báo giới ngày 15/4.
"Đây là chuyện khiến chúng tôi khó lòng lý giải."
Thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov
Phản ứng của điện Kremlin được đưa ra sau khi những bình luận chê bai xuất hiện trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, gọi Nga là "nguồn nhập khẩu ca bệnh [Covid-19] lớn nhất" vào Trung Quốc.
Trong bài xã luận đăng tải tối thứ Hai, 13/4, tờ Thời báo Hoàn Cầu - thuộc quản lý của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo - gọi Nga là quốc gia mới nhất "không làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nhập khẩu từ bên ngoài".
Theo Hoàn Cầu, trong giai đoạn Covid-19 tác động nghiêm trọng đến các nước châu Âu vào hơn 1 tháng trước, Nga từng đem lại ấn tượng rằng có thể ngăn chặn thành công virus corona mới (SARS-Cov-2) xâm nhập lãnh thổ của mình. Đến ngày 2/3 Nga mới xác nhận ca nhiễm đầu tiên trong nước, nước này cũng áp đặt biện pháp hạn chế đi lại rất nghiêm ngặt đối với công dân Trung Quốc, song tất cả đã trở thành "công cốc".
"Người Trung Quốc đã chứng kiến Nga từ 'nước phòng dịch tốt nhất' biến thành điểm bùng phát dịch mới. Điều này đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh: Trung Quốc phải phòng chống nghiêm ngặt ca bệnh nhập cảnh, tránh bùng phát làn sóng thứ hai của dịch," Hoàn Cầu viết.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo quyết định được Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra sau phiên họp với Thủ hiến 16 bang tại Đức trong chiều 15/04, lệnh giãn cách xã hội tại Đức sẽ được kéo dài đến ngày 3/5 nhưng kể từ đầu tuần sau, các cửa hàng có diện tích dưới 800m2, các cửa hàng bán ô tô, xe đạp và các hiệu sách sẽ được mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, tại tất cả các cửa hàng này, nhân viên và khách hàng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định vệ sinh, an toàn như phải đứng cách xa nhau ít nhất 1,5m và không tiếp xúc vật lý trực tiếp.
Đến ngày 4/5, Đức sẽ mở cửa trở lại các trường học và các tiệm cắt tóc. Các sự kiện tụ tập đông người như lễ hội hay các trận bóng đá tiếp tục bị cấm đến ngày 31/08. Các hoạt động tôn giáo tiếp tục tạm ngưng cho đến khi có thông báo mới. Người dân Đức được khuyến cáo đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng và khi đi mua sắm trong các cửa hàng.
Đến ngày 30/4, chính phủ Đức sẽ tổ chức một phiên họp khác với lãnh đạo 16 bang để rà soát tình hình và đưa ra các quyết định cụ thể hơn, trước khi nước Đức hết thời hạn giãn cách xã hội vào ngày 3/5.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ảnh: Bloomberg
Trong tuyên bố ngày 15/4, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã một lần nữa cảnh báo về nguy cơ khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc quá sớm, và khẳng định nước này sẽ tiếp tục phong tỏa trong nhiều tuần tới dù đã kiểm soát được dịch bệnh khá tốt.
"Nếu chúng ta tái mở cửa quá sớm, thì mọi cố gắng từ trước tới nay của chúng ta sẽ đổ sông đổ bể", nhà lãnh đạo Canada cho biết.
Cuối ngày 15/4, Canada ghi nhận tổng cộng 28.205 ca nhiễm và 1.008 ca tử vong do COVID-19 - thấp hơn nhiều so với Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu.
Tuy nhiên, ông Trudeau cho biết lệnh phong tỏa tại nước này sẽ tiếp tục được áp dụng ít nhất tới ngày 1/5: "Sẽ thật khủng khiếp nếu chúng ta nới lỏng các hạn chế quá sớm, và phải hứng chịu một làn sóng dịch bệnh lớn lần thứ 2".
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 7/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 14/4, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã gửi công hàm tới các cơ quan chức năng Nga đề nghị hỗ trợ tối đa cho công dân Việt Nam trong việc khám, xét nghiệm và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Kể từ trường hợp đầu tiên nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng người Việt ở thủ đô Moskva được công bố cuối tháng 3 vừa qua, đến nay số lượng người mắc bệnh trong cộng đồng người Việt tại Nga, đặc biệt là ở Moskva, đã tăng nhanh.
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga cập nhật từ cộng đồng, đến ngày 15/4, có khoảng 100 trường hợp người Việt tại Nga nhập viện điều trị bệnh viêm phổi thông thường và viêm phổi do virus SARS-CoV-2. Trong số này, có ít nhất 80 trường hợp tại Moskva tự cho biết đã nhận được kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Đáng chú ý, nhiều người do tình hình sức khỏe ổn định được đề nghị điều trị tại nhà theo khuyến cáo của các bác sĩ.
Tình hình dịch bệnh gia tăng trong thời gian gần đây ở LB Nga cũng như trong cộng đồng người Việt khiến nhiều người lo lắng. Đại sứ quán Việt Nam đã trao đổi với các cơ quan chức năng LB Nga đề nghị tiếp tục dành cho công dân Việt Nam sự giúp đỡ y tế cần thiết và kịp thời trong việc khám, xét nghiệm và điều trị bệnh COVID-19.
Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã thường xuyên thông báo đến cộng đồng người Việt, đồng thời triển khai hỗ trợ cần thiết khi có yêu cầu.
6 giờ sáng ngày 16/4, sau 24 giờ ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 268 trường hợp.
Ca bệnh: 268 (BN268): Bệnh nhân nữ, 16 tuổi, quốc tịch Việt Nam, dân tộc Mông, trú tại một thôn hẻo lánh ở gần biên giới giáp Trung Quốc của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Gia đình bệnh nhân có 3 anh trai làm việc tự do bên kia biên giới.
Ngày 7/4, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở và được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện tại bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ảnh: AP
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày thứ 4 (15/4 - theo giờ Washington) tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng nước Mỹ đã "qua đỉnh dịch".
"Mặc dù chúng ta vẫn phải tiếp tục cảnh giác, nhưng rõ ràng chiến lược mạnh tay của chúng ta đã có hiệu quả", Tổng thống Trump cho biết. "Trận chiến vẫn tiếp tục, nhưng các dữ liệu cho thấy toàn nước Mỹ đã vượt qua đỉnh dịch xét về số ca nhiễm mới".
Theo lời nhà lãnh đạo Mỹ, số ca nhiễm mới được ghi nhận trong vòng 24h đã có chiều hướng giảm ở bang New York - tâm dịch lớn nhất nước Mỹ và hiện có số ca nhiễm nhiều hơn mọi quốc gia khác trên thế giới.
Trong khi đó, đường cong dịch bệnh tại Denver và Detroit cũng đã được "làm phẳng", và các thành phố khác như Baltimore và Philadelphia đã có "nhiều tín hiệu cho thấy họ đạt được thành công lớn". "Có ít nhất 20 tiểu bang - thực tế là 29 tiểu bang - đang ở trong trạng thái rất tốt", ông Trump nói.
Theo đó, ông Trump cũng đã tiết lộ kế hoạch thảo luận về việc tái mở cửa vào ngày thứ 5 (16/4). Ông dự định sẽ cùng các thống đốc tiểu bang bàn bạc về vấn đề này, sau đó ủy quyền cho họ quyết định thời điểm tái mở cửa từng bang.
Theo dữ liệu được cập nhật trên trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h sáng ngày hôm nay (16/4), đã có thêm 83.830 ca nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh viêm phổi cấp (COVID-19) được ghi nhận trên toàn cầu, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới lên 2.081.733 người.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 đã tăng thêm 7.898 trường hợp, nâng tổng số người thiệt mạng do dịch bệnh này lên 134.499 người.
Với hơn 30.000 ca nhiễm mới và gần 2.500 ca tử vong mới, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19. Tình hình vẫn đáng lo ngại tại một số quốc gia có hơn 4.000 ca nhiễm mới trong 24h qua như Tây Ban Nha (6.599), Pháp (4.560), Anh (4.603), và Thổ Nhĩ Kỳ (4.281).
Nguồn: worldometers.info