*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.269 ca/ngày
Chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo với các địa phương để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, so với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 15,1%, số tử vong tăng 24,3%, số ca khỏi bệnh tăng 66,5%, số đang điều trị tại bệnh viện tăng 8,3%, số ca nặng, nguy kịch tăng 16,2%.
So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 186,4%; số ca tử vong tăng 102,6%, số ca nặng, nguy kịch tăng 62,2%.
Dù vậy, Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng tăng nhanh ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần số mắc cộng đồng tăng tại 44 tỉnh, thành phố).
Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh to tiếng giữa hai mẹ con chủ nhà trọ và nữ sinh B.X (SN 2000) đang bị nhiễm Covid-19. Theo lời chia sẻ của cô gái này, chủ nhà trọ đã có hành vi bạo lực, mắng chửi và đuổi cô ra khỏi nhà.
Ông Tạ Vũ Hòa, Trưởng Công an phường 10, quận 6, TP.HCM nói: "Cô X. là sinh viên đã đến nhà mẹ con anh Đ. thuê trọ. Theo kết quả xét nghiệm, gia đình này hiện không có ai nhiễm Covid-19. Mâu thuẫn bắt đầu từ việc cô X. muốn được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, theo quy định, khi có người cách ly ở nhà y tế phường sẽ xuống dán bảng trước nhà. Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến gia đình của anh Đ. nên họ không đồng ý.
Hiện tại, chúng tôi đã giải quyết bằng cách đưa cô X. cách ly tập trung tại Bệnh viện Dã chiến. Chúng tôi cũng xác nhận không có việc hành hung của gia đình anh Đ. đối với cô X. Gia đình ấy hiện đã trở lại sinh hoạt bình thường".
Con trai của người chủ trọ là anh Đ. khẳng định không có việc đánh đập X. Đồng thời nói sẵn sàng đối mặt với công an để làm rõ sự việc.
Ngày 16/12, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đăng ký bổ sung thông tin cho 18.792 ca nhiễm trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Tây Ninh.
Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.
Cụ thể, những người đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp), liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19), thì thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú), tự theo dõi sức khoẻ trong 7 ngày tiếp theo.
CDC Hà Nội cho biết, hôm nay TP phát hiện thêm 1.330 ca, trong đó, 574 ca cộng đồng, 503 ca ở khu cách ly và 253 ca ở khu phong tỏa.
Đây tiếp tục là ngày thứ 2 liên tiếp, Hà Nội ghi nhận hơn 1.300 ca, song so với ngày hôm qua đã giảm hơn. Số ca cộng đồng hôm nay so với hôm qua cũng giảm hơn, tuy nhiên, vẫn ở mức cao hơn 500 ca.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 22.797 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 8.797 ca, số mắc là người đã được cách ly 14.000 ca.
Ảnh: Sơn Phượng
Từ 17h30 ngày 15/12 đến 17h30 ngày 16/12 ghi nhận 241 ca Covid-19 tử vong.
Trong đó, tại TP.HCM (65) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (3), Tiền Giang (2), Đồng Nai (1), Tây Ninh (1).
Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (26), An Giang (20), Tây Ninh (19), Tiền Giang (15), Bình Dương (14), Cần Thơ (12), Đồng Tháp (10), Kiên Giang (10), Sóc Trăng (9), Bình Thuận (7), Vĩnh Long (6), Long An (5), Trà Vinh (4), Bạc Liêu (4), Bình Định (3), Bình Phước (3), Cà Mau (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Hà Nội (2), Quảng Ngãi (1), Khánh Hòa (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 239 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 28.857 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Tính từ 16h ngày 15/12 đến 16h ngày 16/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.270 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 15.267 ca ghi nhận trong nước (giảm 255 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 9.888 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Cà Mau (1.339), TP.HCM (1.175), Tây Ninh (932), Bình Phước (880), Đồng Tháp (795), Bến Tre (760), Cần Thơ (728), Khánh Hòa (598), Vĩnh Long (597), Bạc Liêu (516), Đồng Nai (479), Hà Nội (423), Trà Vinh (421), An Giang (387), Bình Định (338), Sóc Trăng (334), Tiền Giang (330), Hải Phòng (330), Hậu Giang (313), Bình Dương (275), Kiên Giang (267), Bà Rịa - Vũng Tàu (260), Thừa Thiên Huế (253), Bắc Ninh (252), Đà Nẵng (212), Lâm Đồng (181), Quảng Ngãi (179), Thanh Hóa (157), Đắk Lắk (152), Bình Thuận (150), Gia Lai (128), Quảng Ninh (117), Quảng Nam (106), Lạng Sơn (95), Nghệ An (83), Phú Yên (75), Hà Giang (69), Long An (65), Thái Bình (52), Ninh Thuận (49), Quảng Bình (49), Hưng Yên (46), Thái Nguyên (39), Hòa Bình (34), Quảng Trị (31), Nam Định (29), Tuyên Quang (25), Sơn La (25), Đắk Nông (24), Phú Thọ (24), Vĩnh Phúc (21), Hà Nam (19), Bắc Giang (19), Hà Tĩnh (10), Lào Cai (7), Yên Bái (4), Kon Tum (4), Điện Biên (2), Bắc Kạn (2), Lai Châu (1).
Ảnh: Sơn Phượng
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.269 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.493.237 ca. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), ố ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.487.788 ca, trong đó có 1.061.644 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch 4: TP.HCM (491.610), Bình Dương (288.554), Đồng Nai (93.854), Tây Ninh (61.192), Long An (39.466).
Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh.
Trong đó có nội dung, kể từ 1/1/2022, người nhập cảnh tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi Covid-19, xét nghiệm PCR âm tính sẽ cách ly tại nơi nhà 3 ngày. Người nhập cảnh chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày.
Sở Y tế tỉnh Quảng Trị hôm nay cho biết trên Thanh niên, đến thời điểm này, lô vắc xin Covid-19 Comirnaty/Pfizer-BioNTech (số lô 124001) vẫn đang được bảo quản trong kho, chưa đưa vào sử dụng.
Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã bổ sung các giấy tờ liên quan, căn cứ pháp lý về việc tăng hạn sử dụng.
Tuần sau Sở sẽ tiến hành tiêm chủng và đối tượng tiêm lô vắc xin này không phải nhóm từ 12 - 17 tuổi.
UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế đề xuất tiếp tục hỗ trợ bổ sung lực lượng y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Theo thuật lại của Tuổi trẻ, trước tình hình dịch có chiều hướng gia tăng, tỉ lệ bệnh nhân nặng khá cao, UBND TP kiến nghị Bộ Y tế xem xét, tiếp tục hỗ trợ bổ sung lực lượng y tế cho TP, cụ thể là 1.000 bác sĩ và 2.000 điều dưỡng. Trong đó có 300 bác sĩ và 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức cấp cứu.
BS Kim Anh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ trên Vietnamnet, tính đến ngày 14/12, viện đang điều trị 178 F0. Trong đó, 20 F0 nặng tại tầng 3. Điểm chung của các F0 chuyển nặng, nguy kịch là người tuổi cao, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Trong 20 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch này, chỉ có 8 người tiêm 1 mũi vắc xin, còn lại đều chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19.
UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn gửi khẩn cấp đến Bộ Y tế, đề nghị hỗ trợ khẩn cấp thuốc kháng vi-rút: Molnupiravir 50.000 liệu trình (ca) điều trị; Favipiravir 20.000 liệu trình (ca) điều trị. Đồng thời cho phép khẳng định trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên.
Theo tỉnh, hiện nhiều trường hợp xét nghiệm test nhanh kháng nguyên dương tính, chỉ định xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR hầu hết đều dương tính. Để tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng phân tầng, cách ly điều trị F0 kịp thời và giảm tốn kém sinh phẩm, hoá chất cho việc sử dụng xét nghiệm PCR, Cà Mau kiến nghị Bộ Y tế cho phép tỉnh xét nghiệm khẳng định trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Tính đến ngày 14/12, Cà Mau có 18.273 ca mắc, có 76 ca tử vong.
Ảnh: báo Cà Mau
Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà (tỉnh TT-Huế) đã có văn bản báo cáo UBND thị xã Hương Trà, Sở Y tế TT-Huế, liên quan việc một phụ huynh phản ánh con họ bị tiêm cùng lúc 2 mũi vắc xin Covid-19.
Theo thuật lại của Tiền phong, đó cháu L.T.H (nữ sinh lớp 7 Trường THCS Hà Thế Hạnh, phường Tứ Hạ, Hương Trà) được tiêm chiều 2/12, tại Trường THCS Hà Thế Hạnh. Khi về, H. kể với mẹ được tiêm 2 mũi vắc xin trong cùng một buổi chiều.
Ông Ngô Văn Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hương Trà, khẳng định không tiêm hai mũi vắc xin cùng lúc cho nữ sinh này.
Ông nói, khi nhân viên đưa kim tiêm tiếp cận vị trí trên da vai, cháu H. vì lo sợ nên né lui khiến mũi kim trượt ra ngoài. Thao tác này gây chảy máu, tạo vết kim, nhưng chưa đưa được liều vắc xin vào cơ thể cháu H. Phải đến lần tiêm thứ hai, liều vắc xin mới được tiêm thành công cho cháu H.
"Ở đây chỉ có một bàn tiêm, do một người tiêm thực hiện, nên khó có sự nhầm lẫn dẫn đến tiêm hai mũi vắc xin cùng lúc cho một học sinh. Tuy nhiên, có sai sót về kỹ thuật. Khi chích lần đầu do cháu sợ nên lách ra, dẫn đến phải tiêm lần hai. Qua kiểm tra các chức năng gan, thận của cháu H., chúng tôi thấy bình thường. Đặc biệt, từ sau tiêm đến nay, sức khỏe cháu H. vẫn ổn định", Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hương Trà khẳng định.
Trung tâm Y tế Hương Trà. Ảnh: Tiền phong
Liên quan phản ánh việc 4 F0 tại một chung cư ở Hà Nội bị "bỏ rơi" 5 ngày vì "CDC Hà Nội chưa có dấu đỏ, hôm nay, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin trên Tuổi trẻ, sự việc này còn có một đơn vị khác làm xét nghiệm. Nếu CDC làm thời gian đảm bảo nhưng một số đơn vị khác làm thường sẽ chậm hơn.
Theo ông, khi TP đã cho điều trị F0 tại nhà, người dân nên bình tĩnh xử trí theo hướng dẫn. Đồng thời, các địa phương phải có phương án cụ thể để xử lý rác thải có nguy cơ chứa virus SARS-CoV-2 và rác thải sinh hoạt.
Cũng theo PGĐ CDC Hà Nội, ngành y tế đang phải xử lý mẫu xét nghiệm nhiều hơn so với trước đây. Đặc biệt có nhiều mẫu phải xét nghiệm tới lần thứ 2, 3 mới dám khẳng định, nên ít nhiều ảnh hưởng tới tiến độ trả kết quả.
Một lãnh đạo Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sáng nay cho biết, địa phương bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19 cho đối tượng là học sinh đủ 12 tuổi. Tuy nhiên, trong buổi tiêm đầu tiên, nhiều phụ huynh tại Trường THCS Phạm Hồng Thái đã phản ứng, không đồng ý cho con tiêm.
Theo vị lãnh đạo này, nguyên nhân là vì lô vắc xin dùng để tiêm được gia hạn thêm 3 tháng. Hạn sử dụng trên bao bì là 30/11/2021, được gia hạn đến ngày 28/2/2022. Trước tình hình này, ngành y tế đã cho dừng điểm tiêm này để tiếp tục tuyên truyền.
Một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk khẳng định, lô vắc xin nói trên không phải quá hạn. Đến nay, sau khi có nghiên cứu, các loại vắc xin này được tăng thời hạn sử dụng lên 9 tháng. Việc này đã được các tổ chức quốc tế thông qua. Việc người dân không đồng ý cho con tiêm là do chưa hiểu.
Trường THCS Phạm Hồng Thái.
Mời xem bài gốc tại đây
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, các địa phương cần linh hoạt trong việc cân đối thời gian và tổ chức tiêm mũi 3 cho người dân.
Theo đó, nhóm có nguy cơ cao gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch... có thể được ưu tiên rút ngắn thời gian tiêm mũi 3, không nhất thiết chờ đúng 6 tháng sau khi tiêm liều cơ bản.
"Chúng ta đã có nhiều bằng chứng cho thấy nhóm người có bệnh nền, người cao tuổi, suy giảm miễn dịch có nguy cơ chuyển nặng và tử vong cao hơn. Do đó, cần thiết ưu tiên mũi 3 để tăng thêm miễn dịch bảo vệ họ"
Tờ Dân trí dẫn thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho hay, với các trường hợp F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà trước hết cần chuẩn bị những việc sau:
- Lưu số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch; nhân viên y tế được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe.
- Thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm.
- Chuẩn bị các vật dụng tối thiểu như: Khẩu trang y tế dùng một lần; găng tay y tế sạch; dung dịch sát khuẩn tay/xà phòng; dụng cụ cá nhân: bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm - giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt), máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân.
- Về các thiết bị theo dõi y tế, F0 điều trị tại nhà cần có: nhiệt kế, máy đo độ bão hòa oxy đầu ngón tay (SpO2); máy đo huyết áp; điện thoại hoặc máy tính để liên lạc với nhân viên y tế; thùng rác thải y tế; túi thuốc điều trị tại nhà.
Nhân viên y tế phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 (TP.HCM) đến nhà cấp cứu cho bệnh nhân khó thở tại phường. Ảnh: Hoàng Hùng/Sài Gòn giải phóng
Tính trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.453.729 ca, trong đó có 1.060.611 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (490.435), Bình Dương (288.279), Đồng Nai (93.375), Tây Ninh (41.468), Long An (39.474).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.459.175. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.822 ca.
Theo báo Người lao động, Thanh tra Sở Y tế Bình Dương đã kiểm tra phòng khám đa khoa An Thuận (KP Thạnh Hòa, phường An Thạnh, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), liên quan vụ việc công nhân Công Ty TNHH Uchiyama Việt Nam - KCN VSIP I (phường Bình Hòa, TP Thuận An) bị trừ lương vào tiền xét nghiệm. Có người bị trừ đến 4,5 triệu đồng.
Nguồn trên nêu, Thanh tra Sở Y tế đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của phòng khám đa khoa An Thuận, gồm:
- Dù chưa được Sở Y tế cho phép thực hiện dịch vụ Xét nghiệm RT-PCR, chỉ thực hiện lấy mẫu gửi các phòng xét nghiệm thực hiện PCR đủ điều kiện, nhưng phòng khám đã thực hiện việc báo giá dịch vụ xét nghiệm PCR cho các công ty trên địa bàn, trong bảng báo giá không nêu rõ đơn vị gửi mẫu đủ điều kiện xét nghiệm PCR.
Cụ thể, phòng khám đã xuất trình 3 bảng báo giá test nhanh và lấy mẫu PCR như sau: Bảng báo giá ngày 12-7-2021: Test nhanh 350.000, PCR đơn 1.900.000; Bảng báo giá ngày 10-11-2021: PCR đơn 1.500.000; Bảng báo giá ngày 15-11-2021: PCR đơn 1.300.000.
- Phòng khám này chưa thực hiện việc công bố giá xét nghiệm Covid-19 về Sở Y tế theo văn bản chỉ đạo số 2545/SYT-KH-TC ngày 11/10/2021 về việc chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19.
- Bảng báo giá của phòng khám đa khoa An Thuận không nêu rõ đơn vị gửi mẫu đủ điều kiện xét nghiệm PCR, ngoài ra đơn vị này cũng không ký Hợp đồng xét nghiệm PCR với Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam.
Ảnh minh họa: Tiền phong
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh trước đó đã chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương làm rõ vụ trừ tiền lương của công nhân và phí xét nghiệm Covid-19.
Phản ánh của công nhân khi bị trừ tiền xét nghiệm với giá "cắt cổ".
Như đã thông tin, sau khi nhận lương vào đầu tháng 10, nhiều Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam tá hỏa khi bị trừ đến 1,9 triệu đồng (tương đương với 1 lần lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR), có người bị trừ 4,5 triệu đồng (3 lần xét nghiệm RT-PCR).
Bản tin của Bộ Y tế hôm qua cho biết có 283 ca Covid-19 tử vong trong ngày, nhiều nhất là ở TP.HCM
Theo Tuổi trẻ, đây là ngày nhiều ca tử vong nhất tính từ đầu tháng 10 đến nay.
Số ca tử vong đã liên tục tăng cao kể từ giữa tháng 11 đến nay, trung bình tuần qua, mỗi ngày ghi nhận 241 ca tử vong, trong khi tuần đầu tiên của tháng 12 là 202 ca/ngày và các tuần của tháng 11 đều dưới 200 ca.
Văn phòng Chính phủ có công văn 9136 ngày 14/12 thông báo ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức hội nghị với các chuyên gia, các nhà khoa học trong tháng 12-2021 để có giải pháp ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi các ca Covid-19 chuyển nặng và tử vong.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo thí điểm áp dụng biện pháp phòng, chống dịch với người nhập cảnh đường hàng không bản cập nhật ngày 15/12. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh phải tiêm đủ liều vắc xin Covid-19; xét nghiệm PCR âm tính sẽ cách ly tại nhà 3 ngày.
Ông Phạm Mạnh Cường (Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương) sáng nay thông tin trên Dân trí, đơn vị đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương).
Nguyên nhân ông Tuyến bị tạm đình chỉ là để phục công tác điều tra dấu hiệu vi phạm trong mua sắm vật tư xét nghiệm Covid-19, do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đang tiến hành điều tra, xác minh.
Trước đó, VOV cho hay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công An) đã mời ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương lên làm việc.
Để đảm bảo hoạt động của Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương, ông Nguyễn Phúc Thiện (Phó Giám đốc CDC Hải Dương) được giao điều hành hoạt động của Trung tâm kể từ ngày 13/12/2021 cho đến khi kết thúc quá trình điều tra, xác minh của lực lượng chức năng đối với ông Phạm Duy Tuyến.
Sáng nay, Hà Tĩnh thêm 14 ca mắc Covid-19, trong đó có 5 ca cộng đồng. Theo báo Hà Tĩnh, tổng số ca Covid-19 từ ngày 4/6 đến nay là 1.359 người. Hiện còn 121 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở, 124 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại nhà. Ngoài ra, có 76 bệnh nhân chuyển ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đến nay đã có 68 ca khỏi bệnh, 5 ca tử vong.
Hiện có 99,4% người dân Hà Tĩnh từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi và 64% đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19; 76% người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được tiêm mũi 1.
Chị Trịnh Thị Hồng Ánh, trú tại số nhà 97 ngõ Hoàng An, phường Trung Phụng, Quận Đống Đa, Hà Nội hôm qua phản ánh trên Infonet/Vietnamnet, mẹ chồng chị được xác định F0 và được đưa đi điều trị hôm 10/12.
Đến ngày 12/12, 3/6 người còn lại trong gia đình có kết quả dương tính tiếp. Trong 3 F0 có một bé 9 tuổi là con chị bị bại não, động kinh.
Có 3 F1 thì 1 bé 7 tháng, 1 bé 14 tuổi đều chưa được tiêm mà vẫn phải sống chung cùng F0.
"Với bệnh nền như vậy không có thuốc điều trị em sợ ảnh hưởng nhưng khi em gọi ra y tế phường rất nhiều lần thì chỉ được nói là chờ nơi tiếp nhận vì quá tải hết.
Trường hợp con nhà em, y tế phường cũng biết nhưng không biết làm thế nào vì tất cả quá tải rồi. Họ chỉ hướng dẫn gia đình bổ sung thuốc vitamin, tăng đề kháng, nước cam chanh hàng ngày, sốt thì cho hạ sốt", chị nói.
Cũng theo nguồn trên, Chủ tịch phường Trung Phụng cuối giờ chiều hôm qua đã liên hệ với gia đình chị Ánh. Chị nói hiện các F0 đã được thông báo chuẩn bị đồ để đưa đi.
Thông tin chị Ánh chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Infonet/Vietnamnet
Theo VOV, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công An) đã mời ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương lên làm việc.
Để đảm bảo hoạt động của CDC Hải Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương đã giao ông Nguyễn Phúc Thiện, Phó Giám đốc CDC Hải Dương điều hành hoạt động của Trung tâm kể từ ngày 13/12/202, cho đến khi kết thúc quá trình điều tra, xác minh của lực lượng chức năng đối với ông Phạm Duy Tuyến.
CDC Hải Dương. Ảnh: Người lao động
Theo Người lao động, chiều 9/12 vừa qua, lực lượng thuộc Bộ Công an phối hợp Công an phường Quang Trung, TP Hải Dương, thực hiện khám xét nơi làm việc của ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương.
Theo báo Đà Nẵng, bà N.T.T.N. kinh doanh thức ăn trên đường Âu Cơ (quận Liên Chiểu). Khi một người khách đến mua cháo, than phiền về tình hình sức khỏe và nói nghi ngờ mắc Covid-19, bà N. liền giới thiệu loại thuốc chữa được Covid-19 cho cả người lớn và trẻ em.
Đúng lúc bà N. thực hiện giao dịch 3 hộp thuộc cho khách hàng với giá 900.000 đồng thì bị Công an quận Liên Chiểu phát hiện. Công an thu giữ nhiều hộp thuốc ghi chữ nước ngoài, có hai màu đỏ và xanh.
Tại cơ quan công an, bà N. cho biết số thuốc trên được người cháu gửi từ TP.HCM ra Đà Nẵng để bà sử dụng. Theo bà N., đây là thuốc tốt, có công dụng chữa được Covid-19 nên giới thiệu cho một số người, trong đó gửi cho hàng xóm 2 hộp và trong lúc giao dịch 3 hộp tiếp theo cho khách thì bị phát hiện.
Công an đang tiếp tục làm rõ vụ việc.
Trong số 15.527 ca nhiễm mới mà Bộ Y tế công bố tối qua tại 61 tỉnh thành, thì TP.HCM, Cà Mau, Bến Tre, Hà Nội đều vượt 1.000 ca Covid-19. Cụ thể, TP.HCM (1.270), Cà Mau (1.072), Bến Tre (1.035), Hà Nội (1.024). Đây là lần đầu tiên tỉnh Bến Tre ghi nhận số ca nhiễm cao như vậy.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.274 ca/ngày.
Hàng rào cách ly trên phố Hàng Thiếc (Hà Nội). Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức
Theo Tuổi trẻ, ông Đoàn Tấn Bửu (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp) hôm qua ký công văn gửi Bộ Y tế về việc rút ngắn thời gian tiêm liều nhắc lại đối với vắc xin Covid-19 từ 6 tháng xuống 4 tháng, để chủ động ứng phó trước nguy cơ do biến thể Omicron trong giai đoạn tiếp theo.
"Khoảng thời gian từ mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung đến liều nhắc lại sẽ được rút xuống còn 4 tháng thay vì 6 tháng như hiện nay", văn bản của tỉnh nêu.
*Trong ngày 15/12, Đồng Tháp ghi nhận 732 ca mắc Covid-19, trong đó có 345 ca trong cộng đồng.
Tổng số ca dương tính cộng dồn 32.512 ca. Số bệnh nhân Covid-19 hiện đang điều trị là 8.910 ca, trong đó có 4.273 ca điều trị tại nhà, nơi cư trú.
Có 9 ca tử vong trong ngày, cộng dồn ca tử vong là 384.
"Trạm y tế lưu động" ở Đồng Tháp. Ảnh: báo Đồng Tháp
Từ ngày 5/10 đến 7h ngày 15/12, tỉnh Sơn La ghi nhận tổng cộng 251 ca Covid-19. Ca mắc mới trong ngày là 23. Hiện có 138 F0 đang được điều trị.
Theo tờ Sức khỏe&Đời sống, trong số 251 ca mắc mới có 83 F0 ghi nhận tại cộng đồng. Đặc biệt tại thị trấn Nông trường Mộc Châu - địa điểm du lịch nổi tiếng của huyện Mộc Châu thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp dương tính chưa rõ nguồn lây.
Hiện thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu) và xã Mường Bang (huyện Phù Yên) là 2 địa phương vừa điều chỉnh cấp độ dịch ở mức 3 (vùng cam).
Ảnh: Sức khỏe&Đời sống