*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Hai trong số 3 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng sắp được cai máy thở, đang tập phục hồi chức năng. Riêng bệnh nhân nam phi công vẫn đang trong tình trạng nặng, tiến triển chậm.
Ngay trong sáng ngày 30/4, một chiếc xe khách được phép chở 46 người đã bị lực lượng CSGT Thanh Hóa phát hiện đang chở tới 80 người từ địa phương này ra tỉnh Hải Dương, bất chấp quy định về giãn cách phòng chống dịch Covid-19.
Chiều ngày 30/4, tin từ Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan này đã xử phạt vi phạm hành chính 51 triệu đồng 1 chiếc xe khách "nhồi nhét" chở tới 80 người (vượt 34 người) từ Thanh Hóa đi Hải Dương.
Chiếc xe khách 46 chỗ chở tới 80 hành khách bị CSGT Thanh Hóa phát hiện xử lý
Theo đó, vào lúc 8 giờ 45 phút ngày 30/4, trong khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại km số 286+500 thuộc địa phận Dốc Xây, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa tổ tuần tra kiểm soát do thiếu tá Lê Hồng Khanh làm tổ trưởng đã phát hiện, xử lý một xe ôtô khách chở người vi phạm chở quá số người quy định.
Tại thời điểm kiểm tra, xe ôtô khách chạy tuyến cố định Hải Dương - Thanh Hóa BKS 34B- 024.21 của Công ty ôtô vận tải hành khách Vân Thanh (có trụ sở tại tỉnh Hải Dương) do Bùi Anh Tuấn (SN 1985, ngụ huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) điều khiển chở tới 80 hành khách , vượt 34 hành khách so với thiết kế xe.
Ngay sau đó, lực lượng CSGT yêu cầu nhà xe bố trí phương tiện san chuyển hành khách tiếp tục hành trình, đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính, phạt tiền 51 triệu đồng và tước phù hiệu đối với nhà xe vì hành vi "nhồi nhét" khách.
Dù đã nới lỏng giãn cách xã hội nhưng hiện cả nước vẫn thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó phải tuân thủ các yêu cầu về giãn cách trên các phương tiện giao thông công cộng, vận tải hành khách.
Bài viết được dẫn từ nguồn https://nld.com.vn/thoi-su/bat...
Khác xa với những năm trước đây, cứ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, TP Hạ Long (Quảng Ninh) luôn ken đặc người từ trên bờ xuống đến biển. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các khu du lịch, nhà nghỉ, khách sạn đều đóng cửa im lìm, phố phường vắng người qua lại.
Sáng 30/4, theo ghi nhận của Tiền Phong, tại Bãi Cháy (trung tâm du lịch của Quảng Ninh) không khí ảm đạm, phố phường vắng vẻ, các khách sạn, nhà hàng đều đóng cửa. Thậm chí, bãi biển không có 1 bóng người.
Khu phố cổ dọc theo trục đường chính của trung tâm du lịch Bãi Cháy, TP Hạ Long không một bóng người, hàng quán im lìm khác xa cảnh náo nhiết, chen chúc thường thấy trong các dịp nghỉ lễ những năm trước đây.
Con đường chính dẫn ra đường bao biển Bãi Cháy bị chính quyền cho chặn kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 đến nay vẫn chưa được mở lại.
"Trong 20 năm sống và làm việc tại Hạ Long, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tượng này. Những năm trước đây, vào những ngày này đến nhà nghỉ cũng cháy phòng, háng quán bán buôn không ngớt khách ra vào. Bệnh dịch này đã gây ra thiệt hại khủng khiếp và không biết đến bao giờ du lịch Quảng Ninh mới trở lại được như ngày xưa" - ông Đinh Quang Mười, chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm tại khu du lịch Bãi Cháy nói.
Mới đây, Sở Du lịch Quảng Ninh ban hành kế hoạch về việc tiếp tục tạm dừng đón khách lưu trú du lịch, trong đó yêu cầu các cơ sở lưu trú thực hiện nghiêm chỉ đạo về phòng, chống dịch và tạm ngừng đón khách du lịch từ ngày 24/4 đến hết ngày 3/5.
Cùng kỳ năm ngoái, Quảng Ninh đón gần 600.000 lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan các danh thắng trên vịnh Hạ Long. Hiện tại, các danh thắng, điểm tham quan vẫn đóng cửa, hàng loạt tàu du lịch neo đậu chờ được hoạt động lại tại cảng tàu quốc tế Tuần Châu và cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Trước đó, ngày 6/4, UBND tỉnh ban hành công văn về việc thay đổi thời gian tổ chức các hoạt động tuần du lịch Hạ Long, Quảng Ninh và chương trình Carnaval Hạ Long 2020 có thể sẽ được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9.
Bài viết được dẫn từ nguồn https://www.tienphong.vn/van-h...
Tối 30/4 Bộ Y tế thông báo có thêm 1 bệnh nhân dương tính lại với SARS-CoV-2. Cùng ngày Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về một số kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, Thủ tướng đồng ý tạm dừng mua sắm thuốc điều trị cho tình huống 10.000 người nhiễm COVID-19. Các địa phương cần có cơ số dự phòng thuốc phục vụ điều trị phục vụ phòng, chống dịch; trường hợp khó khăn, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ giao Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ động quyết định một số đơn vị chưa đủ năng lực xét nghiệm hoặc có quá nhiều mẫu cần xét nghiệm được đặt hàng các đơn vị y tế khác có đủ năng lực (cả công lập và tư nhân) để thực hiện việc xét nghiệm COVID-19 đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Tối ngày 30/4 Bộ Y tế cho biết có thêm bệnh nhân 92 (BN92) dương tính trở lại với SARS-CoV-2. BN92 (du học sinh từ Pháp về) đã được Bệnh viện Dã chiến Củ Chi công bố khỏi bệnh ngày 14/4/2020. Sau đó bệnh nhân được ra viện và tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà theo quy định. Tuy nhiên, đến ngày 29/4, sau khi xét nghiệm lại cho kết quả dương tính trở lại. Hiện tại bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Dã chiến Củ Chi để tiếp tục theo dõi, cách ly và điều trị.
Bài viết được lược dẫn từ nguồn https://www.tienphong.vn/suc-k...
Hiện chưa có thông tin về người lao động của Việt Nam tại Nhật Bản nhiễm Covid 19. Tuy nhiên, việc làm của người lao động đang bị ảnh hưởng do nhiều nhà máy, công ty của Nhật Bản đang tiếp nhận lao động nước ngoài phải thu hẹp hoặc dừng sản xuất.
Bà Trần Thị Vân Hà, trưởng phòng thông tin và truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: "Theo báo cáo của các công ty phái cử và của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản cho đến nay chưa có thông tin gì về việc thực tập sinh và người lao động Việt Nam tại Nhật Bản nhiễm Covid 19. Đây cũng tín hiệu rất đáng mừng và ý thức phòng dịch của lao động Việt Nam hiện nay được đánh giá cao.
(Ảnh minh họa)
Cục quản lý lao động ngoài nước vì hiện nay vẫn tiếp chỉ đạo Ban Quản lý lao động tại Nhật Bản và các công ty phái cử theo dõi chặt chữ thông tin về tình hình sức khỏe của người lao động Việt Nam và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Nhật Bản để cập nhật thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh, sức khỏe người lao động và cập nhật các chính sách mới của Nhật Bản để khuyến cáo người lao động hạn chế di chuyển cũng như tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch của các cơ quan chức năng nước sở tại".
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà máy, công ty của Nhật Bản đang tiếp nhận lao động nước ngoài phải thu hẹp hoặc dừng sản xuất khiến nhiều thực tập sinh/lao động ngoài nước gồm cả lao động kỹ năng đặc định (trong đó có lao động Việt Nam) phải nghỉ việc, gián đoạn việc thực tập kỹ thuật.
Để hỗ trợ thực tập sinh, lao động kỹ năng đặc định người nước ngoài duy trì việc làm tại Nhật Bản, mới đây Bộ Tư pháp Nhật Bản đã thông báo chính sách hỗ trợ thực tập sinh và lao động kỹ năng đặc định nước ngoài bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Bài viết được lược dẫn từ nguồn
Sau 20 ngày hoạt động, chương trình phát gạo miễn phí tại cây ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội đã kết thúc trong sáng 30/4.
Mặc dù 8h sáng chương trình phát gạo mới bắt đầu nhưng ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người đã đến đợi xếp hàng lấy gạo trong ngày cuối cùng của chương trình.
Do khuôn viên khu vực phát gạo tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) không đảm bảo giữ khoảng cách an toàn do lượng người quá đông nên sân vận động Nghĩa Tân bên cạnh đó trở thành địa điểm xếp hàng chờ phát gạo.
Cô Liễu, một người lao động tự do cho biết: "Gia đình hoàn cảnh khó khăn, tôi vẫn thường qua đây lấy gạo trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Cũng biết hôm nay là ngày cuối cùng nhận gạo miễn phí, tôi đã đến xếp hàng từ lúc 3h30 sáng."
Thông báo phát gạo đến 10h00 sáng 30/4 đã được dán trước đó vài ngày.
Người dân luôn có ý thức giữ khoảng cách 2m để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Lượng người đông nhưng việc xếp hàng khá trật tự.
Trước khi vào lấy gạo người dân được sát khuẩn tay.
Cây ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội này đi vào hoạt động đã kịp thời hỗ trợ những người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Theo ghi nhận của phóng viên VOV.VN trong sáng 30/4, cây ATM gạo đã không còn nữa, gạo được đóng sẵn vào các túi giấy để phát cho người đến lấy.
Những người già, người khuyết tật thì gạo được mang tới tận nơi. Lực lượng thanh niên tình nguyện tích cực giúp đỡ những người khuyết tật đến lấy gạo.
Những phần gạo nhân ái này là món quà quý giá với những người khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 này.
Bài viết được lược dẫn từ nguồn https://vov.vn/tin-24h/hang-ng...
Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ sẽ ngưng hoạt động bởi tạm thời chưa có bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam tạm ổn định. Riêng TP.HCM chỉ còn 4 trường hợp tái dương tính đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và một ca bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Để không gây ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ, Sở Y tế cho phép Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ tạm ngưng hoạt động.
Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ đã tạm ngưng hoạt động. Ảnh: Phạm Ngôn.
Khi số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 vượt quá khả năng tiếp nhận của 3 bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 còn lại trên địa bàn thành phố (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM), Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ sẽ hoạt động trở lại.
Từ ngày 4/5, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ sẽ trả lại cơ sở vật chất của cơ sở một cho Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ và bàn giao cơ sở 2 cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM để làm khu cách ly tập trung.
Các phòng áp lực âm đã lắp đặt phục vụ việc điều trị Covid-19 tại đây sẽ được niêm phong, chỉ sử dụng trong trường hợp Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ hoạt động trở lại.
Cơ sở một của Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ chính thức hoạt động với quy mô 300 giường từ ngày 16/3. Ngày 28/3, cơ sở 2 cũng đi vào hoạt động với quy mô 300 giường.
Hai cơ sở của Bệnh viện Điều trị Covia-19 Cần Giờ được giao nhiệm vụ chuyên tiếp nhận cách ly điều trị cho những người nghi ngờ và trường hợp xác định do các bệnh viện thành phố, bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tư nhân và các khu cách ly tập trung chuyển đến.
Bài viết được dẫn từ nguồn https://zingnews.vn/tam-ngung-...
Đầu tuần tới, nhiều trường ĐH bắt đầu cho sinh viên và học viên trở lại trường học tập trung từ ngày 4/5 như: Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM…
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa có thông báo về việc học tập và thi kết thúc học phần các bậc học và hệ đào tạo sau thời gian nghỉ học tập trung kéo dài chống dịch Covid-19 .
Theo thông báo do GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng nhà trường ký, trên cơ sở kết luận của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19, trường thống nhất từ ngày 22/6 dự kiến tất cả sinh viên và học viên các bậc, hệ đào tạo sẽ học tập trung. Nếu tình hình phòng chống dịch Covid-19 có thay đổi trường sẽ thông báo đến người học trước một tuần.
Cổng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Trong thời gian từ nay đến trước ngày 22/6, sinh viên tất cả các hệ đào tạo (chính quy, văn bằng 2, liên thông chính quy, liên thông vừa làm vừa học) tiếp tục học tập trực tuyến. Trong thời gian học trực tuyến , nếu giảng viên và sinh viên có nhu cầu ôn tập, củng cố kiến thức theo hình thức tập trung thì đăng ký để trường bố trí đảm bảo giãn cách dạy và học theo quy định.
Cũng theo thông báo này, sinh viên và học viên sẽ thực hiện các hình thức thi trực tuyến cho các học phần có lịch thi trong tháng 5 và 6. Riêng với nghiên cứu sinh sẽ ưu tiên học tập trung bắt đầu từ ngày 8/5, các lớp học tập trung từ ngày 11/5.
Thông báo này nêu rõ, lộ trình học và thi này được thực hiện trên cơ sở Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ , Công văn 1490 của UBND TP.HCM về tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát vẫn ở mức cao.
Đồng thời với thông báo nghỉ học, trường ban hành bộ quy tắc ứng xử trong thực hiện phòng chống dịch Covid-19 .
Theo thạc sĩ Nguyễn Thiện Duy, Chánh văn phòng nhà trường, việc ban hành bộ quy tắc này nhằm nâng cao ý thức tự giác của người học, người lao động để từ đó có hành vi đúng đắn nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.
Trước đó, Trường ĐH Phú Xuân (Huế) cũng quyết định cho toàn bộ sinh viên nghỉ học tập trung tại trường đến hết tháng 8, chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn để phòng chống dịch Covid-19.
Bài viết được dẫn nguồn từ https://thanhnien.vn/giao-duc/...
Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến 18h00 chiều ngày 30/4, Việt Nam đã tròn 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Trong ngày có 1 ca khỏi bệnh, tuy nhiên cũng có 1 ca dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh
Số ca mắc
Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 30/4: 14 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 18h ngày 30/4: Việt Nam có tổng cộng 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 6h đến 18h ngày 30/4: 0 ca mắc mới.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 34.836 người, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 316.
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.700.
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 27.820.
Để tăng cường phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, đồng thời đảm bảo các hoạt động giao thông vận tải được an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cho các thành viên tổ bay, tiếp viên, nhân viên phục vụ và hành khách khi tham gia vận chuyển hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) yêu cầu các Hãng hàng không Việt Nam thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 29/4/2020 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) về các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch COVID-19.
Cục HKVN yêu cầu các Hãng hàng không Việt Nam thông tin tới hành khách về thủ tục khai báo y tế theo mẫu Tờ khai y tế do Bộ Y tế ban hành. Chỉ khai báo y tế khi không thực hiện được khai báo y tế điện tử.
Hành khách làm thủ tục check-in tại sân bay. Ảnh minh họa.
Việc sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên tàu bay tại khoang khách phổ thông phải tuân thủ đúng theo chỉ đạo của Bộ GTVT đảm bảo hành khách cách nhau một ghế.
Tuy nhiên, đối với khoang khách hạng Thương gia (có vách ngăn riêng biệt) và nhóm hành khách là thành viên sống trong cùng gia đình, những người trong nhóm bạn bè, đồng nghiệp cùng cơ quan, doanh nghiệp, cùng nhóm du lịch hoặc cùng mã đặt chỗ trên chuyến bay thì không cần phải giãn cách cách nhau một ghế.
Trong mọi trường hợp các hãng hàng không Việt Nam không được xếp khách quá 80% tổng số ghế trên tàu bay.
Các Hãng hàng không Việt Nam thông báo đến hành khách khuyến khích chủ động khai báo điện tử (check-in) tại nhà trước khi đến sân bay nhằm giảm thời gian chờ đợi làm thủ tục tại sân bay; tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch COVID-19;
Bài viết được dẫn nguồn từ https://suckhoedoisong.vn/khon...
7h, người dân thôn Chí Trung, xã Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên) đổ ra các con đường dẫn vào nhà văn hóa để nghe lãnh đạo huyện công bố quyết định dỡ phong toả.
Ông Ngô Văn Mai (75 tuổi) cho biết cùng bốn người trong gia đình dậy từ sáng sớm để chuẩn bị đi "ăn mừng ngày vui nhất của làng kể từ sau ngày Độc Lập".
Người dân đổ ra đường trong ngày hết cách ly. Ảnh: Gia Chính
"Suốt một tháng qua, ngoài lương thực chuẩn bị từ trước, gia đình cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ các nhà hảo tâm nên cuộc sống vẫn bình thường, không quá khó khăn", ông Mai nói.
Ông Mai cho biết đã được dỡ phong toả nhưng ông sẽ khuyến cáo các thành viên trong ra đình và dân làng hạn chế ra khỏi nhà và tránh tụ tập đông người.
Người dân đứng hai bên đường cầm cờ, hoa và hô vang khẩu hiệu "Chí Trung chiến thắng đại dịch".
Lực lượng chức năng dỡ rào chắn. Ảnh: Gia Chính
Ông Nguyễn Văn Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm, nhận định việc dỡ cách ly thôn Chí Trung là thành công bước đầu trong công tác chống Covid-19.
"Sau khi dỡ cách ly, cuộc sống người dân trở lại bình thường. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động của trạm y tế dã chiến, vẫn tổ chức đo thân nhiệt và khám sức khoẻ cho người dân trong 14 ngày tới".
Trước đó, ngày 2/4, tỉnh Hưng Yên phong toả thôn Chí Trung với 1.400 dân sau khi xác định được "bệnh nhân 219" dương tính. Trong 28 ngày cách ly, lực lượng y tế đã khám bệnh cho 285 ca, điều trị nội trú 10 ca và chuyển viện 9 ca.
Bài viết được dẫn từ nguồn https://www.tienphong.vn/xa-ho...
Block B2 chung cư 1A-1B đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, với 36 hộ dân bị phong tỏa, cách ly sau khi "bệnh nhân 92" sống ở đây tái dương tính nCoV.
Sáng 30/4, lực lượng công an, trật tự đô thị, dân phòng... phường Đa Kao, quận 1, chốt chặn lối đi giữa 2 block chung cư 1A-1B. Toàn bộ chung cư được các nhân viên y tế phun khử khuẩn.
Động thái này được đưa ra do " bệnh nhân 92 " - du học sinh 21 tuổi từ Pháp về, xuất viện ngày 14/4, sống ở block B2, có kết quả tái dương tính trở lại nCoV tối hôm qua. 36 hộ dân cùng hơn 90 người ở block này được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Do nam sinh từng 3 lần xuống mua thực phẩm ở siêu thị cách đó 100 mét nên 4 nhân viên ở đây cũng được giám sát, xét nghiệm.
Người dân chung cư được yêu cầu ở trong nhà. Lực lượng chức năng địa phương sẽ hỗ trợ tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm. Đến 13h30, hai ôtô biển xanh đến chở cư dân đi lấy mẫu xét nghiệm.
Trung tâm y tế quận 1 cho biết, sau khi tái nhiễm nCoV, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi. "Người dân không nên quá hoang mang. Việc phong tỏa, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm những người liên quan bệnh nhân là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất trong phòng chống dịch bệnh", đại diện trung tâm nói.
Hiện, TP HCM ghi nhận 4 ca tái nhiễm sau khi điều trị khỏi, gồm: bệnh nhân 207, 151, 224 và 92. Tuy nhiên, đây là lần đầu một block chung cư bị phong toả vì ảnh hưởng.
Thành phố chỉ còn một ca bệnh nặng là " bệnh nhân 91 " - phi công người Anh, đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Bài viết được dẫn nguồn từ https://vnexpress.net/chung-cu...
Ngày 30/4, bệnh nhân COVID-19 số 268 điều trị tại BVĐK huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số trường hợp điều trị khỏi ở nước ta là 220/270 người (chiếm 81% tổng số bệnh nhân).
BN 268: nữ, 16 tuổi, quốc tịch Việt Nam
Quá trình điều trị tại BVĐK huyện Đồng Văn, bệnh nhân được xét nghiệm và đã cho kết quả nhiều lần âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Bệnh nhân sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong những ngày tiếp theo.
Trước đó, Bộ Y tế công bố bệnh nhân 268 - người dân tộc Mông, trú tại một thôn hẻo lánh ở gần biên giới giáp Trung Quốc của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Gia đình bệnh nhân có 3 anh trai làm việc tự do bên kia biên giới. Ngày 7/4, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở và được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Bệnh nhân 268 được công bố khỏi bệnh.
* Ngày 29/4, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng đã có văn bản về việc kết thúc khoanh vùng cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 đối với BVĐK Đồng Văn, thị trấn Phó Bảng và xã Phố Là thuộc huyện Đồng Văn; Trạm y tế xã Thanh Thủy thuộc huyện Vị Xuyên từ 0h ngày 30/4/2020.
Các hoạt động khám, chữa bệnh nơi đây trở lại bình thường. Bên cạnh đó, huyện Đồng Văn tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát, phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Bài viết được dẫn nguồn từ https://suckhoedoisong.vn/benh...
Ngày 29/4, Tòa án nhân dân huyện Nghi Lộc (Nghệ An) xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Nữ Lan Na (SN 2001, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng, cuối tháng 1/2020, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu mua khẩu trang tăng cao, Na đã đăng lên tài khoản facebook "Trùm Sỉ Túi" hình ảnh túi xách và khẩu trang y tế để rao bán số lượng lớn, giá cả cạnh tranh để tạo niềm tin. Khi có người hỏi mua, Na yêu cầu họ chuyển trước tiền cọc vào tài khoản ngân hàng rồi chặn facebook, cắt đứt liên lạc.
Đối tượng Lê Nữ Lan Na
Cụ thể, ngày 30/1, chị N.T.O (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) liên lạc với facebook "Trùm Sỉ Túi" của Na để đặt mua 100 chiếc túi xách và 5 thùng khẩu trang y tế. Sau khi thỏa thuận số lượng và giá cả, Na yêu cầu chị O. hai lần chuyển tiền đặt cọc tổng cộng 4,6 triệu đồng rồi không chuyển hàng mà chiếm đoạt luôn.
Khi biết công an đang vào cuộc điều tra, Na đã chuyển trả cho chị O. số tiền 4,6 triệu đồng và đến Công an huyện Nghi Lộc đầu thú.
Tại phiên tòa, bị cáo Na thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình.
HĐXX nhận định, mặc dù bị cáo đã thể hiện sự ăn năn hối hận về hành vi của mình nhưng hành vi phạm tội của bị cáo đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, gây hoang mang dư luận, nhất là trong thời điểm cả nước đang tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Na 2 năm 6 tháng tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại điểm c, khoản 3, điều 174, Bộ luật hình sự.
Xác định tội phạm thường hoạt động mạnh vào những ngày nghỉ lễ, Công an TP HCM trực chiến 100% quân số, vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa nhắc nhở người dân thực hiện việc phòng chống Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 19 của Thủ tướng.
Các tổ tuần tra 24/24, được bố trí ở những điểm xung yếu, sẵn sàng xử lý các tình huống gây rối. Lực lượng hình sự tuần tra công khai kết hợp mật phục nhằm ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm.
CSGT Công an TP HCM ra quân phòng chống đua xe trước lễ 30/4. Ảnh: Công an cung cấp.
Trước đó, Phòng CSGT Công an TP HCM mở chuyên đề cao điểm phòng chống tụ tập, đua xe, gây rối; bố trí nhiều lực lượng trên các tuyến đường hay xảy ra đua xe như quốc lộ 1A, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh... hoặc hóa trang, ghi hình làm căn cứ xử lý.
Cảnh sát cũng xâm nhập các tiệm có dấu hiệu "độ xe", những nhóm trên mạng xã hội tổ chức lôi kéo, kích động tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng...
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, trên địa bàn thành phố đã có 4 bệnh nhân dương tính trở lại, bệnh nhân phi công 91 tiên lượng còn nặng.
Tính tới thời điểm ngày 30/4/2020, tổng số ca mắc bệnh tại TP.HCM là 54 trường hợp. Trong đó, đã có 51 trường hợp đã xuất viện (03 ca ban đầu, giai đoạn 1; 48 ca ở giai đoạn 2).
TP.HCM mới có thêm 1 trường hợp dương tính lại là bệnh nhân 92 (xuất viện ngày 14/4). Trước đó là các trường hợp bệnh nhân 207, bệnh nhân 151 (xuất viện ngày 18/4); bệnh nhân 224 (xuất viện ngày 20/4). Tất cả đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Trường hợp bệnh nhân 91 (phi công, quốc tịch Anh) đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, phổi phải xẹp vùng sau dưới, phổi trái đông đặc 1/2 dưới, kết quả XN PCR ngày 29/4 dương tính, tiếp tục thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO, tiên lượng còn nặng.
Bấm link để đọc bài viết nguồn
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã ký quyết định giao Thanh tra tỉnh Quảng Nam thanh tra đột xuất việc mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR tại tỉnh này.
Chiều 29/4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp để nghe Sở Y tế, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan báo cáo, làm rõ một số vấn đề xung quanh việc mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR trị giá 7,23 tỉ đồng đang bị nghi ngờ có giá quá cao so với thực tế (Thanh Niên đã thông tin).
Theo ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế, tỉnh đã xem xét cả 3 bộ hồ sơ dự thầu, thống nhất mua giá thấp nhất (7,56 tỉ đồng) do Công ty CP thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt bỏ thầu. Cuối cùng, qua đàm phán, nhà thầu giảm giá xuống còn 7,23 tỉ đồng.
Hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động giá 7,2 tỉ đồng được trang bị cho CDC Quảng Nam ẢNH: CDC QUẢNG NAM CUNG CẤP
Đến thời điểm này, Sở Y tế Quảng Nam chưa chuyển tiền, chưa nghiệm thu, chưa thanh lý hợp đồng mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR ; nhưng với tư cách Giám đốc Sở Y tế, ông xin nhận toàn bộ trách nhiệm có liên quan và "không đổ lỗi cho bất kỳ ai". Ông Hai cũng đề nghị trả lại máy cho nhà thầu, bởi sau quá nhiều rủi ro như vừa qua, không có ai dám ký nghiệm thu, nhận máy nữa.
Bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty CP thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt, công bố tổng giá trị gói thầu là 7,23 tỉ đồng, trong đó hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR đã chuyển bán cho Quảng Nam có giá 5,2 tỉ đồng (bằng giá do nhà nhập khẩu chào giá bán với công ty).
Ngoài ra, công ty bán kèm cho Quảng Nam hóa chất xét nghiệm (550 triệu đồng); chi phí kỹ sư, chuyên gia chuyển giao công nghệ , chi phí khác (ước tính 50 triệu đồng). Lợi nhuận sau thuế của công ty hơn 1 tỉ đồng, tức tỷ suất lợi nhuận 14,5%...
Đáng chú ý, tại cuộc họp, bà Tuyến chủ động đề xuất giảm hợp đồng cung cấp hệ thống xét nghiệm Realtime PCR cho tỉnh Quảng Nam xuống còn hơn 4,85 tỉ đồng vì 3 lý do: phía công ty nhập khẩu thiết bị đã đồng ý giảm giá bán cho Công ty CP thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt; sau quá trình thực hiện hợp đồng, các chi phí rủi ro thực tế liên quan đến hợp đồng thấp hơn so với dự kiến của công ty; công ty thống nhất giảm tỷ suất lợi nhuận xuống 0% (như một sự đóng góp với Quảng Nam trong quá trình chống dịch Covid-19).
Bài viết được lược dẫn từ nguồn https://thanhnien.vn/thoi-su/d...
Hội đồng Chuyên môn Các bệnh Truyền nhiễm hội chẩn trực tuyến hôm qua đối với "bệnh nhân 20" và 161 đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, "bệnh nhân 91" - phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM.
"Bệnh nhân 20", 64 tuổi, đã nằm viện 54 ngày, điều trị ở khoa Hồi sức tích cực (ICU) 44 ngày. Bà là bệnh nhân nCoV điều trị lâu nhất. Hội đồng chuyên môn đánh giá bệnh nhân đã vượt qua những giai đoạn khó khăn và hiện các biểu hiện lâm sàng như rối loạn đông máu, chụp X-quang phổi đều đã tốt lên. Bệnh nhân tiếp tục tăng cường dinh dưỡng, chăm sóc hô hấp, tập phục hồi chức năng và cai máy thở.
Các thành viên Hội đồng chuyên môn hy vọng bệnh nhân sẽ ra khỏi khoa ICU trong tuần tới.
"Bệnh nhân 161", 88 tuổi, bệnh lý nền vừa tai biến vừa cao tuổi, đã có những tiến triển khả quan. Các bác sĩ đang từng bước cai thở máy, xét bỏ máy; chăm sóc hô hấp, kết hợp phục hồi chức năng và bổ sung dinh dưỡng.
"Bệnh nhân 91", các bác sĩ đánh giá tình trạng nặng, tiến triển chậm. Bệnh nhân đã được mở nội khí quản, tiếp tục sử dụng ECMO và thở máy. Hội đồng chuyên môn dành nhiều thời gian thảo luận về các giải pháp từ sử dụng thuốc, các chỉ số sinh tồn, các vấn đề liên quan về xét nghiệm... cho bệnh nhân này.
Các thành viên hội chẩn đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và nhóm hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy xem xét vấn đề sử dụng thuốc, liều lượng thuốc của người bệnh; xét nghiệm theo dõi nhiễm trùng bệnh viện, cấy lại vi khuẩn, virus...
Tại buổi hội chẩn, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám chữa bệnh, yêu cầu các bệnh viện không được lơ là và chủ quan mà cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt trong dịp nghỉ Lễ 30/4 – 1/5.
Ông nhấn mạnh các ca âm tính nCoV sau khi ra viện trở về cộng đồng vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp cách ly sau điều trị. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Các địa phương chịu trách nhiệm theo dõi và xét nghiệm lại. Nếu cần thiết phải khẳng định xét nghiệm tại phòng thí nghiệm, tham chiếu kết quả xét nghiệm để khẳng định.
Sáng ngày 30/4, Bộ Y tế thông tin Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới, tổng ca nhiễm trong nước đang dừng ở con số 270 người.
Như vậy sau 14 ngày Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 30/4: Việt Nam có tổng cộng 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 42.057, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 323; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.643; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 35.091.
Tại Việt Nam đã có 219 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 11 bệnh nhân dương tính trở lại tiếp tục được điều trị trong bệnh viện; hiện có 51 bệnh nhân đang được điều trị tại 9 cơ sở y tế (trong đó: 10 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 1 lần, 04 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 2 lần trở lên).
Chỉ trong 3 tháng đầu năm, Covid-19 để lại cho Vietnam Airlines khoản lỗ 2.600 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận sau thuế của họ cả năm 2019.
Năm ngoái, Vietnam Airlines lãi khoảng 2.537 tỷ đồng của cả năm 2019, trong đó quý I lãi khoảng 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, riêng quý I năm nay, hãng hàng không này đã lỗ hơn 2.600 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính Vietnam Airlines vừa công bố. Doanh nghiệp này cho biết lỗ nặng do Covid-19 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không.
Trong quý đầu tiên năm nay, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines chỉ đạt khoảng 18.900 tỷ đồng, giảm hơn 6.800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ giảm là chủ yếu (khoảng 29,4%) tương đương 5.601 tỷ đồng. Doanh thu khách quốc tế giảm 34,4%, khách nội địa giảm 29,4% và thuê chuyến giảm 48,85%.
Do kinh doanh dưới giá vốn, hãng bay này lỗ gộp hơn 632 tỷ dồng trong hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 4.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn khó khăn, Vietnam Airlines đã cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn khoảng 398 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính của hãng tăng mạnh 43% lên 1.128 tỷ đồng.
So với đầu năm nay, tổng tài sản của Vietnam Airlines giảm khoảng 7,2% xuống còn hơn 70.935 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm 14,3% xuống còn hơn 15.900 tỷ đồng.
Bài viết được dẫn nguồn từ https://vnexpress.net/vietnam-...
Ngày 29/4, sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) tiếp tục đón 2 chuyến bay của hãng hàng không Korean Airlines chở 340 chuyên gia, kỹ sư thuộc các doanh nghiệp Hàn Quốc có trụ sở tại Việt Nam. Các hành khách này được đón tiếp theo một quy trình đặc biệt nhằm phòng tránh lây nhiễm Covid-19.
Sân bay Vân Đồn đón 340 chuyên gia Hàn Quốc hôm nay 29/4
Cụ thể, chuyến bay mang số hiệu KE9479 hạ cánh lúc 11 giờ 26 phút chở 234 chuyên gia và chuyến bay KE9483 hạ cánh lúc 15 giờ 28 phút chở 106 chuyên gia. Các hành khách đặc biệt này trước khi lên chuyến bay phải đảm bảo sức khỏe tốt, được cấp giấy xác nhận không dương tính với virus SARS-CoV-2 do cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc cấp và giấy này được Việt Nam chấp nhận, cũng như thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ đảm bảo an toàn trên suốt hành trình.
Như vậy, đây là chuyến bay thứ 8 và 9 chở các chuyên gia, kỹ sư Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc theo thỏa thuận của Chính phủ hai nước. Tuân thủ chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam về việc đón các chuyến bay quốc tế đến từ vùng dịch, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Hàn Quốc xuống sân bay Vân Đồn được đón tiếp theo quy trình khép kín, thực hiện các thủ tục khai báo y tế bắt buộc, thủ tục nhập cảnh, hải quan bên ngoài nhà ga. Sau đó hành khách được đưa về khu vực cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày theo quy định.
Bài viết được lược dẫn từ nguồn https://nld.com.vn/thoi-su/2-c...
BN 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh, hiện đang trong tình trạng nặng, tiến triển chậm. Bệnh nhân đã được mở nội khí quản, tiếp tục sử dụng ECMO và thở máy.
Tối 29/4, Hội đồng chuyên môn đã thảo luận về tất cả các giải pháp từ sử dụng thuốc, các chỉ số sinh tồn, các vấn đề liên quan về xét nghiệm….. Các thành viên hội chẩn cũng đề nghị BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và nhóm hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy xem xét vấn đề sử dụng thuốc, liều lượng thuốc của người bệnh; xét nghiệm theo dõi nhiễm trùng bệnh viện, cấy lại vi khuẩn…
Ngoài ra còn có 2 ca bệnh nặng cần hội chẩn là BN 19 và BN 161. Trong đó, BN 19 đã nằm viện được 54 ngày và nằm ở khoa Hồi sức tích cực (ICU) được 44 ngày.
Nghe báo cáo về trường hợp BN 19, Hội đồng chuyên môn đánh giá bệnh nhân đã vượt qua những giai đoạn khó khăn và hiện các biểu hiện lâm sàng như khi máu, XQ phổi đều đã tốt lên; Bệnh nhân cần tiếp tục tăng cường dinh dưỡng, chăm sóc hô hấp, tập phục hồi chức năng và cai máy thở. Các thành viên Hội đồng chuyên môn hy vọng bệnh nhân sớm được ra khỏi khoa ICU trong tuần tới.
Đối với BN 161, 88 tuổi vừa tai biến vừa cao tuổi, đã có những tiến triển khả quan. Các bác sỹ cũng đang từng bước cai thở máy, xét bỏ máy; chăm sóc hô hấp, kết hợp phục hồi chức năng và bổ sung dinh dưỡng.
Bài viết được lược dẫn từ nguồn https://suckhoedoisong.vn/suc-...