Biểu tình lan rộng khắp Iran
Ngày 28/12/2017, hàng trăm ngàn người ở thành phố Mashhad lớn thứ hai của Iran đã xuống đường biểu tình và ngay sau đó các cuộc biểu tình đã lần rộng ra hầu hết các thành phố Iran - kể cả Thủ đô Tehran - để phản đối việc điều hành chính sách kinh tế yếu kém của chính phủ, nạn tham nhũng tràn lan, tình trạng thất nghiệp, lạm phát tăng phi mã, đời sống của đại bộ phận dân chúng khó khăn...
Những người biểu tình lúc đầu tập trung đưa ra những yêu sách về kinh tế, nhưng sau đó họ chuyển sang những khẩu hiệu mang tính chất chính trị đả kích chính phủ, công kích lãnh đạo Iran, kể cả giáo chủ Ayatollah Khamenei.
Lần đầu tiên người ta thấy các khẩu hiệu được giương lên công khai "Rouhani chết đi", "Nhà độc tài chết đi" (ý nói Ayatollah Khamenei). Các biểu ngữ khác còn viết "Hãy quên Syria đi và nhớ về chúng tôi".
Một số phần tử quá khích đã đốt phá nhiều cơ quan của chính phủ và xô xát với lực lượng an ninh. Đến nay đã có hơn 20 người chết và hàng trăm người khác bị thương.
Đồ đạc và phương tiện giao thông bị đốt trên đường phố Iran trong cuộc biểu tình. Ảnh: Mehr News Agency
Lực lượng an ninh đã bắt giữ 450 người. Tổng thống Hassan Rouhani đã họp khẩn cấp chính phủ và tuyên bố: "Người dân có quyền biểu tình để bày tỏ ý kiến, phê phán chính phủ một cách hoà bình, trong khuôn khổ luật pháp và không được có những hành động phá hoại các tài sản công cộng".
Sự yếu kém của chính phủ
Chính phủ hiện nay của Tổng thống Hassan Rouhani đã có nhiều cố gắng cải cách và mở cửa nền kinh tế. Thành tựu lớn nhất của chính phủ dưới thời ông Rouhani là đạt được Thỏa thuận hạt nhân lịch sử với các nước lớn P5+1 hồi tháng 7/2015.
Người dân Iran rất trông đợi Thoả thuận hạt nhân sẽ góp phần khôi phục mạnh mẽ nền kinh tế của đất nước và nhanh chóng cải thiện đời sống của họ. Tuy nhiên, hơn hai năm đã trôi qua, các vấn đề của Iran vẫn không thay đổi được bao nhiêu.
Mặc dù chính phủ của ông Hassan Rouhani đã thành công trong việc giảm tỷ lệ lạm phát từ 40% năm 2013 xuống 9% năm 2017, nhưng tỷ lệ thất nghiệp cùng kỳ lại tăng từ 11% lên 13%.
Đặc biệt đối với giới thành niên từ 20-24 tuổi, tỷ lệ này lên tới 32%. Chính phủ của ông Rouhani cũng thất bại trong việc giảm nghèo. Các con số thống kê chính thức của Iran cho biết gần một nửa trong số 80 triệu dân là người nghèo và 1/3 dân số đang sống dưới mức nghèo khổ. Đồng Rial của Iran trong vòng một năm qua bị mất giá 20%.
Biểu tình liên tiếp nổ ra tại Iran gây bất ổn đất nước. Nguồn: ABC News
Nhiều nguyên nhân khách quan khác cũng đã và đang làm cho nền kinh tế Iran vốn đã hết sức khó khăn trở nên ngày càng khó khăn hơn.
Là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ tư trên thế giới với 4,23 triệu thùng/ngày, việc giá dầu giảm mạnh từ 130 đô la xuống còn 40-50 đô la/thùng trong vài năm trở lại đây đã làm mất nguồn thu chính cho ngân sách của chính phủ.
Bên cạnh đó, một loạt các biện pháp cấm vận kinh tế của Mỹ - đặc biệt là lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ chỉ trong năm 2017 kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, đánh vào các cơ quan tài chính và các doanh nghiệp Iran - đã gây rất nhiều khó khăn cho các lĩnh vực kinh tế của Iran, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, dầu mỏ và ngân hàng.
Các biện pháp trừng phạt này đã đẩy kinh tế Iran vào một giai đoạn nguy ngập, một trong những lý do chính làm bùng nổ các cuộc biểu tình phản đối rộng khắp trên cả nước.
Ngoài ra, các hoạt động của Iran tại Iraq, Syria và Yemen đang tiêu tốn một khoản kinh phí không nhỏ. Tựu trung lại, các nguyên nhân kinh tế là một trong những nguyên nhân chính làm bùng nổ các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Người dân Iran cho rằng chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani đã không tạo ra được những chuyển biến tích cực trong việc cải thiện đời sống của họ sau Thỏa thuận hạt nhân.
Những cuộc biểu tình này còn phản ánh cuộc đấu tranh giữa nhóm cải cách do Tổng thống Hassan Rouhani đứng đầu, nhóm bảo thủ do ông Ibrahim Reisi - ứng cử viên Tổng thống thất cử trước ông Rouhani trong cuộc bầu cử năm 2016 - và chủ trương duy trì bản chất Hồi giáo của lãnh tụ tối cao Ayatollah Khomeini - người thành lập ra nước Cộng hoà Hồi giáo Iran.
Can thiệp của nước ngoài
Trong tình hình bất ổn hiện nay tại Iran không thể không có bàn tay của bên ngoài.
Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng việc gây sức ép nhằm gây bất ổn tại Iran nằm trong kế hoạch chiến lược của Mỹ, Israel và một số nước Ả Rập.
Tháng 5/2017, chuyến thăm Ả rập Xê út của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Liên minh Hồi giáo chống khủng bố thực chất là để tạo lập mũi nhọn nhằm vào Iran.
Ngay sau đó, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh xảy ra. Mười nước Ả Rập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar do nước này có quan hệ tốt với Iran.
Tháng 10/2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đề nghị hủy Thỏa thuận hạt nhân ký với Iran và mới đây nhất đã quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra khá gay gắt với thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Jpost
Không phải ngẫu nhiên mà các cuộc biểu tình phản đối tại Iran bùng nổ cùng lúc kênh truyền hình TV 10 của Israel hôm 28/12/2017 tiết lộ thông tin về một thỏa thuận bí mật giữa Mỹ và Israel.
Thỏa thuận được cho là nhằm chấm dứt "nguy cơ Iran" đã được soạn thảo trong cuộc họp giữa các quan chức tình báo Mossad của Israel và CIA của Mỹ ngày 12/12/2017 tại Nhà Trắng.
TV10 khẳng định đây là cuộc họp bí mật để thảo ra một kế hoạch chung của Israel và Mỹ nhằm thực hiện một số mục tiêu chiến lược của hai nước tại khu vực, trong đó có thỏa thuận nhằm đảm bảo việc biến những nguyên tắc được đưa ra trong diễn văn đặc biệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10/2017 về Iran thành "các bước đi thực tế".
Bản tin của TV10 cũng nêu rõ Israel và Mỹ sẽ thành lập bốn nhóm đặc nhiệm nhằm ngăn chặn các cố gắng của Iran trong lĩnh vực chế tạo vũ khí hạt nhân và mở rộng ảnh hưởng của Iran ở khu vực Trung Đông.
Khó có "Mùa xuân Iran"
Tôi không cho rằng làn sóng phản đối hiện nay sẽ dẫn đến việc thay đổi chế độ tại Iran.
Đây không phải lần đầu tiên bùng nổ làn sóng phản đối rầm rộ như vậy. Năm 2009, các cuộc biểu tình quy mô lớn hay còn được gọi là cuộc "Cách mạng Xanh" cũng đã bùng nổ trên khắp cả nước sau khi chính phủ bị tố cáo gian lận kết quả bầu cử Tổng thống ngày 12/6/2009, dẫn đến việc ông Mahmoud Ahmedinejad thắng cử nhiệm kỳ thứ hai.
Hàng trăm ngàn người đã xuống đường đòi hủy bỏ kết quả bầu cử.
Vào các năm 1992, 1994, 2001, 2015 cũng đã xảy ra các làn sóng phản đối tương tự. Trong tất cả các trường hợp, chính phủ đều giải quyết được một cách êm thấm, bởi vì người dân Iran được quyền tự do tổ chức biểu tình hoà bình chống các chính sách yếu kém của chính phủ, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng họ không muốn thay đổi chế độ và không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài.
"Mùa Xuân Ả Rập" đã tàn lụi rồi thì khó có thể nhìn thấy "Mùa Xuân Iran" ở đất nước Hồi giáo này.
Cộng hoà Hồi giáo Iran
Thủ đô: Tehran
Diện tích : 1.648.195 Km2
Dân số : 81 triệu người
Tổng sản phẩm quốc nội tính theo sức mua tương đương GDP (PPP): 1.551 tỷ USD
Thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương: 19.050 USD
Tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa GDP (Nominal): 438,3 tỷ USD
Thu nhập bình quân đầu người danh nghĩa: 5.383 USD.
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại