Làn sóng biểu tình lan rộng trên toàn quốc
Từ đầu tháng 10/2019 đến nay, Iraq chứng kiến một làn sóng các cuộc biểu tình chống chính phủ của Thủ tướng Abdul Mahdi. Đây là đợt biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ khi Mỹ tấn công lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein năm 2003 đến nay, với sự tham gia của hàng triệu người trên toàn quốc, đặc biệt ở Thủ đô Baghdad và Basrah, thành phố cảng lớn thứ hai của Iraq.
"Vùng Xanh" là khu vực tập trung các cơ quan đầu não của chính phủ, Đại sứ quán Mỹ và các cơ quan ngoại giao nước ngoài được coi là an toàn nhất cũng đã phải hứng chịu nhiều đợt bắn tên lửa.
Thành phố Karbala phía Tây-Nam Baghdad cũng đã chứng kiến một đêm đẫm máu khác, hàng trăm người biểu tình đã xông vào đốt phá Lãnh sự quán Iran. Hàng chục người bị giết và bị thương trong các cuộc xung đột giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh.
Chính phủ của Abdul Mahdi đã điều nhiều đơn vị cảnh sát chống bạo động đến để bảo vệ an ninh và trật tự cho thành phố Baghdad và Basrah. Chính quyền đã cắt toàn bộ mạng Internet ở Baghdad và phía nam Iraq, đóng cửa một số hãng truyền hình của nước ngoài để ngăn chặn việc đưa tin về các cuộc nổi dậy tại Iraq. Đến nay các cuộc biểu tình ngày càng thu hút nhiều tầng lớp tham gia và có quy mô lớn hơn.
Các cuộc biểu tình đã làm ngưng trệ nhiều dịch vụ công. Cảng Basrah phải đóng cửa, ngừng tiếp nhận các tàu nước ngoài. Cảnh sát đã dùng vũ khí nóng, kể cả xe tăng và xe bọc thép để giải tán những người biểu tình. Theo các nguồn tin từ Baghdad, kể từ khi bùng nổ phong trào biểu tình đến nay đã có ít nhất 339 người bị thiệt mạng và 16 ngàn người khác bị thương trong các cuộc đối đầu với quân đội và lực lượng an ninh.
Người đứng đầu phái bộ Liên hợp quốc tại Iraq (UNAMI) Jenin Hennes-Blachart cho biết việc đổ máu ở Iraq là "kinh hoàng". Tổng thư ký Liên đoàn các học giả Hồi giáo thế giới Ali Mohieldin Karagaghi nói các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Iraq là "một cuộc cách mạng chống lại sự chuyên chế và bè phái".
Nguyên nhân nào dẫn đến bùng nổ phong trào biểu tình
Sau khi Mỹ và phương Tây can thiệp lật đổ chế độ cũ, các nước này đã hứa sẽ đem lại cho người dân Iraq một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đến nay đã gần 17 năm trôi qua, tình hình Iraq không những không được cải thiện mà ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Sau nhiều năm xung đột, người Iraq không thể chịu đựng thêm được nữa đã nổi dậy chống chính phủ.
Nguyên nhân chính của phong trào biểu tình là sự bất mãn đã lên đến tột độ của quần chúng nhân dân đối với sự điều hành yếu kém của chính phủ.
Iraq là một trong những quốc gia Ả Rập giàu có nhất, dân số chỉ có 37,2 triệu người, nhưng trữ lượng dầu mỏ lên tới 140,3 tỷ thùng, đứng thứ năm thế giới, sản lượng khai thác dầu đạt 4,45 triệu thùng/ngày, trong đó xuất khẩu hơn 3,6 triệu thùng/ngày. Riêng xuất khẩu dầu thô mỗi ngày cũng đã đem lại thu nhập cho ngân sách trên dưới 220 triệu USD.
Tổng thu nhập quốc nội GDP của Iraq tính theo sức mua tương đương (PPP) đạt 734 tỷ USD và GDP danh nghĩa đạt 250 tỷ USD. Ngoài ra, Iraq còn có nhiều tài nguyên thiên nhiên khác như khí đốt, phốt phát, lưu huỳnh, chà là...
Đất nước giàu có như vậy, nhưng tình hình kinh tế-xã hội luôn luôn ở trong tình trạng khủng hoảng, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn.
Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), ở Iraq tỷ lệ thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên lên tới hơn 40%, hơn 60% dân số sống ở mức nghèo khổ. Đó là lý do tại sao thanh niên là những người tham gia chính trong các cuộc biểu tình hiện nay ở Iraq.
Ngoài ra, các dịch vụ công cộng thiếu nghiêm trọng. Đến nay, người dân Iraq đang phải vật lộn với khó khăn để sinh tồn. Họ không được tiếp cận với nhiều dịch vụ công cộng tối thiểu như nước sạch, điện, khám chữa bệnh và giáo dục. Điện vẫn không đủ, phải cắt nhiều giờ trong ngày, người dân vẫn không được sử dụng nước sạch, điều kiện vệ sinh rất kém.
Nguyên nhân thứ hai và không kém phần quan trọng dẫn đến bùng nổ các cuộc biểu tình là nạn tham nhũng tràn lan ở Iraq. Tham nhũng đã cướp đi một phần đáng kể của ngân sách nhà nước. Iraq đang tiến hành điều tra hơn 5.000 vụ tham nhũng, trong đó phần lớn là các quan chức cấp cao trong Chính phủ.
Ủy ban Liêm chính - cơ quan chống tham nhũng của chính phủ hiện đang điều tra hàng nghìn vụ việc liên quan đến các bộ trưởng và quan chức cấp cao đã biển thủ công quỹ lên tới 600 tỷ USD từ 2003 đến nay. Tổ chức minh bạch quốc tế (ITO) xếp Iraq là một trong 12 nước tham nhũng nhất thế giới.
Từ yêu cầu cải thiện đời sống, chống tham nhũng đến các đòi hỏi chính trị, lật đổ chính phủ
Những người biểu tình gần đây không còn chỉ đòi hỏi cải thiện đời sống, các dịch vụ công cộng, tạo công ăn việc làm và chống tham nhũng nữa, mà đã đưa ra những yêu cầu về chính trị.
Phong trào biểu tình rầm rộ không ngớt trên đường phố Baghdad đòi lật đổ chế độ, đòi rút quân Mỹ và chấm dứt ảnh hưởng của Iran trong đời sống chính trị của Iraq.
Tổng thư ký của Phong trào Asaib Ahli Al-Haq, Qais al-Khazali, cho biết phong trào của ông phản đối sự hiện diện của Mỹ ở nước này dưới bất kỳ hình thức nào, lực lượng vũ trang hoặc căn cứ quân sự, bởi vì sự hiện diện này chỉ phục vụ cho lợi ích của Mỹ ở Iraq và khu vực.
Những người biểu tình cũng tỏ ra bất mãn về vai trò và ảnh hưởng của Iran ngày càng tăng trong đời sống chính trị tại Iraq. Mâu thuẫn giữa người Sunni và người Shiite âm ỉ từ lâu nay bùng nổ. Tại Iraq 70% người Hồi giáo theo dòng Shiite thân Iran và chỉ có 18% theo dòng Sunni, số còn lại theo các tôn giáo khác.
Trước đây, dưới thời Tổng thống Saddam Hussein, người Sunni và đảng viên đảng Ba’ath được nắm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của đất nước, nhưng năm 2003, chính quyền Sunni của Saddam Hussein ở Iraq bị lật đổ đã tạo cơ hội cho người Shiite nổi dậy.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018, các đảng phái theo dòng Shiites như khối Al-Ahrar và Liên minh Fatah có phe cánh trong hội đồng Đại diện Iraq đã giành thắng lợi. Họ bắt đầu giành lại các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính quyền. Người Shiite lên nắm quyền, đẩy người Sunni trở thành phe đối lập thiểu số bị gạt ra rìa, quyền lực tập trung vào tay người Shiite.
Hiện nay, 3/4 lãnh đạo cấp cao của Iraq theo dòng Shiite, trong đó có Tổng thống Bahram Salih và Thủ tướng A. Abdul Mahdi. Phần lớn các nhân vật này đã sống thời gian dài, được học tập và đào tạo tại Iran.
Những người biểu tình đã giương cao biểu ngữ đòi Thủ tướng Abdul Mahdi phải ra đi và thành lập một chính phủ với thành phần tham gia rộng rãi hơn. Đồng thời, họ cũng hô vang các khẩu hiệu ủng hộ đảng Ba'ath trước đây và cố Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ trong chiến dịch quân sự của Mỹ năm 2003.
Sau khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ, ảnh hưởng chính trị của người Sunni bị giảm thiểu, đó là một trong những lý do trong các cuộc biểu tình có đông đảo người Sunni tham gia và đòi Thủ tướng Abdul Mahdi và chính phủ của ông phải ra đi.
Tương lai Iraq sẽ đi về đâu?
Trước sức ép của quần chúng, chính phủ của Thủ tướng Adel Abdel Mahdi đã tiến hành cải cách trong một số lĩnh vực, nhưng vẫn không làm hài lòng những người biểu tình. Ông Abdul Mahdi cho biết, chính phủ của ông chấp nhận sửa đổi Hiến pháp và Quốc hội đồng ý đưa ra luật bầu cử mới để tạo cơ hội cho mọi đảng phái và tầng lớp xã hội tham gia.
Bộ Quốc phòng quyết định gọi hơn 45 ngàn binh sĩ trước đây bị sa thải trở lại quân ngũ, coi đây là bước đầu để đưa 108 ngàn binh sĩ trở lại phục vụ trong quân đội và một trong các biện pháp để giảm thất nghiệp, đáp ứng một phần yêu cầu của người biểu tình.
Thủ tướng Abdul Mahdi hứa thay đổi nội các, giảm lương của lãnh đạo cao cấp, đưa ra kế hoạch giảm tỷ lệ thất nghiệp và tuyên bố sẵn sàng từ chức, nhưng những người biểu tình đòi toàn bộ chính phủ phải từ chức.
Tướng Qasem Soleimani, Chỉ huy các lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran (IRGC) đã có một cuộc họp với các quan chức Iraq ở Baghdad nhằm giữ Thủ tướng Abdul Mahdi ở lại chính quyền.
Rất khó để Iran có thể chấp nhận tổ chức một cuộc bầu cử mới trong tình hình nhiều người Iraq đang công khai đòi chấm dứt ảnh hưởng của Tehran. Những người biểu tình ở quảng trường Giải phóng thuộc trung tâm Thủ đô Baghdad đã giương cao biểu ngữ "Chúng tôi sẽ không rời khỏi nơi này chừng nào các đòi hỏi của chúng tôi chưa được đáp ứng".
Iran có thể sẽ tìm cách sử dụng bạo lực để giải tán các cuộc biểu tình, nhưng sẽ không dập tắt được toàn bộ phong trào. Trong tình hình như vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng, không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc nội chiến trong tương lai.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.