"Các thế lực ngoại bang" đang muốn khiến cho Trung Quốc tổn thương bằng cách gây hỗn loạn tại Hong Kong khi xúi giục làn sóng biểu tình mới nhất tại khu vực này, Reuters trích dẫn lập luận trong một bài xã luận của tờ Trung Hoa Nhật Báo.
Chiều ngày Chủ nhật (9/6) vừa qua, hàng trăm nghìn người biểu tình tại Hong Kong đã xuống đường phản đối một dự luật dẫn độ sang Trung Quốc mới - một động thái được báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hong Kong) miêu tả là "cuộc tuần hành đoàn kết nhất tại Hong Kong trong vòng một thập kỷ qua".
Sau 7 giờ tuần hành liên tiếp, phía tổ chức đã ước tính có hơn 1 triệu người tham gia hoạt động này, con số lớn hơn nhiều so với phong trào biểu tình tại Hong Kong năm 2003.
Một bài xã luận được đăng tải trên tờ Trung Hoa Nhật Báo vào sáng ngày hôm nay (10/6) đã ủng hộ dự luật này. Trong đó có đoạn:
"Bất cứ ai có suy nghĩ không thành kiến sẽ thấy rằng dự luật sửa đổi này là điều luật hợp pháp, đúng đắn và hợp lý; và nó sẽ giúp củng cố hệ thống luật pháp, đem lại công bằng cho Hong Kong.
Thật không may là một bộ phận người dân tại Hong Kong đã bị các phe đối lập và các đồng minh ngoại bang của họ lừa gạt, lôi kéo họ tham gia phong trào biểu tình chống dẫn độ".
Bài xã luận này cho rằng một số người biểu tình đã hiểu lầm về những đề xuất trong dự luật mới, và một bộ phận khác thì đang cố thúc đẩy một nghị trình chính trị.
"Một số thế lực ngoại bang đang nắm lấy cơ hội thúc đẩy chiến lược riêng của họ nhằm gây tổn thương cho Trung Quốc, bằng cách gây ra hỗn loạn ở Hong Kong", bài xã luận trên khẳng định. Tuy nhiên bài xã luận này không nêu đích danh "thế lực ngoại bang" có thể là những ai.
Trong khi đó, một tờ báo khác của nhà nước Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn cầu, cho rằng các nhóm đối lập tại Hong Kong và "những người ủng hộ" các phe phái này đã "thổi phồng chính trị" hoạt động lập pháp thông thường của Hong Kong.
Hàng trăm nghìn người biểu tình xuống đường ở Hong Kong
Chính quyền Hong Kong cho biết, dự luật này được thiết kế nhằm lấp lỗ hổng trong luật hiện hành, bằng cách cho phép Hong Kong quyết định trên cơ chế từng vụ việc xem liệu có nên dẫn độ các nghi phạm tới những khu vực lãnh thổ mà Hong Kong không có thỏa thuận dẫn độ chính thức hay không - ví dụ như Đài Loan, Macau và Trung Quốc đại lục.
Theo NYTimes, giới phân tích cho rằng dự luật mới sẽ khiến tất cả những ai ở Hong Kong đứng trước nguy cơ bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vì lý do chính trị hoặc sơ suất vi phạm về kinh doanh, đồng thời làm tổn hại tới hệ thống pháp lý của Hong Kong. Nhiều người lại lo ngại về sự công bằng và minh bạch của tòa án Trung Quốc đại lục.
Chuyên gia của SCMP thì lo ngại dự luật mới sẽ gây tổn hại tới cơ chế "một quốc gia, hai chế độ" mà Hong Kong đang áp dụng.