Mỹ có thêm đòn bẩy trước Bắc Kinh
Hãng Bloomberg bình luận, các cuộc biểu tình trên quy mô lớn ở Hồng Kông vừa qua trên thực tế thể hiện sự thiếu tin tưởng của người dân đặc khu đối với chính quyền trung ương.
Mao Mạnh Tĩnh, thành viên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (LegCo), nói "Vấn đề thực sự ở đây là người dân [Hồng Kông] không tin tưởng vào hệ thống tư pháp và luật pháp của Trung Quốc".
Theo Bloomberg, vấn đề về mức tín nhiệm của chính phủ Trung Quốc trên thực tế cũng là nội dung bản chất của chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là khi đối đầu thương mại đang leo thang những bất đồng trong lĩnh vực ý thức hệ.
Chính quyền tổng thống Trump cũng kêu gọi các đồng minh của Mỹ từ chối sử dụng thiết bị của Huawei với lý do sản phẩm của hãng viễn thông này kéo theo những rủi ro về an ninh. Vấn đề về Huawei dự kiến sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự của hội nghị G20 tại Nhật Bản diễn ra vào cuối tháng này, cũng như trong cuộc gặp có thể diễn ra giữa ông Trump với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 16/6 hé lộ, vấn đề Hồng Kông cũng sẽ được ông Trump nêu ra nếu có cuộc gặp với ông Tập.
"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có cơ hội gặp chủ tịch Tập trong vài tuần nữa tại hội nghị thượng đỉnh G20. Tôi chắc chắn điều này (vụ biểu tình Hồng Kông) sẽ nằm trong chương trình trao đổi", ông Pompeo nói trong chương trình Fox News Sunday.
Trong khi đó, tổng thống Trump khẳng định việc ông Tập có xuất hiện tại hội nghị G20 hay không cũng không phải là một vấn đề, đồng thời tin tưởng Bắc Kinh cuối cùng sẽ phải chấp nhận thỏa thuận với Washington.
"Nếu ông ấy đến [G20] thì tốt. Còn nếu ông ấy không đến thì trong thời gian tiếp theo, chúng tôi sẽ thu về thêm nhiều tỉ USD từ Trung Quốc," ông Trump trả lời Fox News hồi tuần trước.
"Cuối cùng họ sẽ phải ký thỏa thuận. Họ đang phải chi hàng tỉ USD. Tôi có 25% [thuế] trên 250 tỉ USD hàng hóa và họ đang thao túng tỷ giá tiền tệ để chi trả."
George Magnus, chuyên gia kinh tế từ Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford (Anh) đánh giá, việc lãnh đạo Hồng Kông phải tuyên bố tạm gác lại lịch trình sửa đổi luật pháp đặc khu không phải là tín hiệu tốt đối với Bắc Kinh.
Trung Quốc luôn là bên tổn thất
Bloomberg đánh giá, bất kể việc Hồng Kông sửa đổi các quy định liên quan đến đẫn độ tội phạm bị truy nã có sự tác động của trung ương hay không, thì Bắc Kinh vẫn sẽ luôn là bên phải chịu tổn thất bởi người dân Hồng Kông muốn duy trì cơ chế tự chủ.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt hôm 15/6 ca ngợi những người biểu tình ở Hồng Kông là "những công dân dũng cảm, giữ vững quyền con người".
Jean-Pierre Cabestan, giáo sư về quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học Baptist Hồng Kông, nhận xét "niềm tin vào chính phủ Trung Quốc [của dân chúng Hồng Kông] đã giảm, chứ không phải tăng, điều này thật khiến cho mọi người ngạc nhiên."
Theo Bloomberg, vẫn chưa rõ những tác động từ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đối với ban lãnh đạo trung ương. Tuy nhiên, thông điệp do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra sau khi Hồng Kông quyết định đình chỉ dự luật dẫn độ nói "sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông không chỉ phù hợp với lợi ích của Trung Quốc mà còn phù hợp với lợi ích của các quốc gia trên thế giới."
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố "các vấn đề của Hồng Kông hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không một quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào có quyền can thiệp".
Bloomberg cho hay, rất nhiều người trẻ ở Hồng Kông đã tham gia vào cuộc biểu tình lần này và họ cũng thiếu niềm tin vào Trung Quốc đại lục. Về lâu dài, điều này sẽ đặt ra nhiều rắc rối hơn đối với ban lãnh đạo Bắc Kinh.