Biểu tình dữ dội ở Kiev, Ukraine liệu có xảy ra Maidan 2.0?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Nhìn vào bề ngoài, những hình ảnh hiện tại trên quảng trường Rada ở thủ đô Kiev của Ukraine gợi nhớ đến những ngày đầu tiên của sự kiện Euromaidan năm 2013.

Cũng cách thức phản đối Tổng thống là tụ tập căng lều chiếm cả quảng trường và cũng nêu yêu sách đòi Tổng thống đương nhiệm từ chức.

Cũng thấy sự hiện diện của một số nhân vật, tổ chức và thậm chí cả đảng phái chính trị năm xưa vốn đã khởi xướng và lãnh đạo Euromaidan với sự khác biệt là lần này chỉ đóng vai trò ủng hộ. Sự khác biệt so với Euromaidan không chỉ ở nơi lần này diễn ra và nguyên do mà còn ở nhân thân của người lãnh đạo.

Quảng trường Rada là nơi có trụ sở Quốc hội Ukraine. Khi trước, chính biến bùng phát sau khi Tổng thống nước này Viktor Yanukovitch khước từ ký kết hiệp ước hợp tác liên kết với EU. Lần này, hoạt động phản đối nhằm vào tình trạng tham nhũng trong chính phủ của Tổng thống Petro Poroshenko.

Khi trước, Euromaidan do một số cá nhân và đảng phái, tập hợp lực lượng chính trị ở Ukraine khởi xướng và lãnh đạo. Lần này, người lãnh đạo là ông Mikheil Saakashvili. Ông này là cựu Tổng thống Grudia, đã từng phát động chiến tranh với Nga ở Nam Ossetia và Abkhazia, sau đấy bị thất sủng ở Grudia và bị truy tố về lạm quyền nên trốn ra nước ngoài.

Ông này sau được chính ông Poroshenko cho nhập quốc tịch Ukraine và bổ nhiệm làm Thống đốc vùng Odessa nhưng rồi vì chuyển sang chống đối ông Poroshenko nên đã bị ông Poroshenko quyết định tước quốc tịch Ukraine.

Biểu tình dữ dội ở Kiev, Ukraine liệu có xảy ra Maidan 2.0? - Ảnh 1.

Dòng người biểu tình trong sự kiện Euromaidan năm 2013 tại Kiev. Ảnh: Euromaidanpress.

Một người không phải công dân Ukraine mà công khai phát động phong trào chống chính phủ và Tổng thống ở Ukraine - chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ để thấy lần này khác biệt cơ bản như thế nào so với lần trước và không thể đưa đến được cùng kết cục như lần trước. Lịch sử sẽ không lặp lại vì chỉ như vậy thôi thì không thể đủ để lặp lại được ở đất nước này.

Lịch sử không lặp lại

Ông Poroshenko cùng chính phủ và bộ máy an ninh, cảnh sát cũng như toà án ở Ukraine không ngăn chặn ngay từ đầu và cũng chưa mạnh tay giải tán đám đông tụ tập ở quảng trường Rada cũng vì tin rằng lịch sử sẽ không lặp lại và vì ông Saakashvili "thâm thù không đội trời chung" với Nga nên vẫn còn có giá trị sử dụng đối với họ.

Lịch sử không lặp lại ở đây còn vì nhiều lý do khác nữa.

Biểu tình dữ dội ở Kiev, Ukraine liệu có xảy ra Maidan 2.0? - Ảnh 2.

Biểu tình ở Kiev tháng 10/2017. Ảnh: AP

Khi xưa, Euromaidan ngay từ đầu được Mỹ và EU khích lệ mạnh mẽ và hậu thuẫn thiết thực với mục đích là lật đổ ông Yanukovitch hoặc ít nhất thì cũng gây áp lực chính trị xã hội đủ mức để ông Yanukovitch xa lánh Nga mà ngả hẳn về phía Phương Tây.

Nhờ Euromaidan mà ông Poroshenko mới từ thương trường vươn tới đỉnh cao quyền lực nhà nước ở Ukraine. Hai hệ luỵ bất ngờ của Euromaidan là việc vùng Crimea gia nhập Liên bang Nga và vùng miền đông ly khai Ukraine.

Ông Poroshenko hiện được Mỹ, EU và NATO hậu thuẫn về mọi phương diện trong khi ông Saakashvili hiện tại chỉ nhận được sự hậu thuẫn của những phe phái, cá nhân và lực lượng chính trị bất đồng quan điểm và tranh giành quyền lực với ông Poroshenko.

Khi xưa, nguyên cớ mấu chốt khiến Euromaidan bùng phát và đưa đến thực trạng hiện tại ở Ukraine là mối quan hệ của nước này với EU và với Nga. Bây giờ, những vấn đề ấy không đóng vai trò gì mà nguyên cớ là chuyện chính trị nội bộ ở Ukraine.

Ông Poroshenko và cộng sự cho dù đến nay không đè bẹp được phe ly khai và không thể thu hồi về được vùng Crimea nhưng vị thế và nền tảng quyền lực ở trong nước vừa hợp pháp vừa vững vàng.

Biểu tình dữ dội ở Kiev, Ukraine liệu có xảy ra Maidan 2.0? - Ảnh 3.

Ông Saakashvili không phải là đối thủ của ông Poroshenko và phong trào của người này không thể lớn mạnh nhanh chóng trong thời gian ngắn để có thể đủ khả năng làm nên chính biến như ở Euromaidan.

Đất nước Ukraine hiện tại khác biệt cơ bản về mọi phương diện so với thời điểm bùng phát Euromaidan năm 2013. Ukraine đã ngả hẳn về phía EU và NATO cũng như trở nên thù địch với Nga.

EU và NATO sẽ giúp ông Poroshenko đối phó ông Saakashvili chứ không phải ngược lại vì nước này lại hỗn loạn về chính trị thì chỉ cùng với EU và NATO bị thêm bất lợi trong cả quan hệ với Nga lẫn đối phó phe ly khai ở vùng phía đông. Lịch sử sẽ không lặp lại vì ông Saakashvili hiện chẳng có được gì trong thiên thời, địa lợi lẫn nhân hoà.

Câu hỏi còn được đặt ra ở đây là tại sao ông Saakashvili lại cố đấm ăn xôi như vậy. Câu trả lời rõ ràng thật không dễ gì. Rất có thể tham vọng quyền lực của người này quá lớn nên lý trí và nhận thức tỉnh táo bị lu mờ. Cũng có thể có những thế lực nhất định nào đó ở trong cũng như ngoài Ukraine sử dụng người này để gây áp lực đối với ông Poroshenko.

Điều có thể chắc chắn được là ông Poroshenko chừng nào còn kiểm soát được tình hình thì chừng đó còn lợi dụng ông Saakashvili theo cách dân tuý của mình để khẳng định khả năng và bản lĩnh lãnh đạo, để xoa dịu tinh thần dân chúng và để đánh lạc hướng sự quan tâm chung hiện vẫn đang tập trung vào cuộc nội chiến dai dẳng với phe ly khai cũng như để tập hợp lực lượng chống Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại