Hình nộm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan được cho là do người Kurd tại Thụy Điển treo ngược lên bên ngoài tòa thị chính thành phố Stockholm hồi tuần trước đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận.
Cảnh sát Thụy Điển sau đó đã giải thích rằng họ không hề hay biết vụ việc cho đến khi nó diễn ra. Còn Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson thừa nhận, đây là hành động cực kỳ nguy hiểm và nó có thể phá hoại tiến trình gia nhập NATO của nước này vì sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ảnh minh họa: Leo Sellén
Dù Thụy Điển giải thích như vậy, đi kèm theo việc điều tra đang được tiến hành, song đến nay Thổ Nhĩ Kỳ dường như vẫn chưa hài lòng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua cho biết:
“Hiện tại chuyến thăm này của Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Andreas Norlen tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không diễn ra và nếu họ không can thiệp vào tình hình ở Thụy Điển, điều này có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa hai bên”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan cần làm nhiều hơn nữa trước các cuộc biểu tình chống đối Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra tại 2 quốc gia này. Ông đề nghị Thụy Điển hành động ngay lập tức để giải quyết các vấn đề liên quan đến cộng đồng khoảng 100.000 người Kurd tại nước này, cũng như thực hiện yêu cầu dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với khoảng 130 “phần tử khủng bố”.
Đến nay, hành động chống khủng bố của Phần Lan đang được Thổ Nhĩ Kỳ hài lòng hơn so với Thụy Điển. Chính phủ Thụy Điển cũng đã thắt chặt luật chống khủng bố, song thừa nhận sẽ không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều trường hợp yêu cầu dẫn độ sẽ không được thực hiện nếu Tòa án Thụy Điển không cho phép.
Với việc Thổ Nhĩ Kỳ mới đây tuyên bố sẽ phê chuẩn việc gia nhập NATO cho Thụy Điển và Phần Lan cùng một lúc, nên hai quốc gia này được cho sẽ không sớm gia nhập được NATO khi khoảng cách giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang là khá lớn.
Cuối tuần qua, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin xác nhận, việc phê chuẩn sẽ không kịp diễn ra trước thời điểm cuộc tổng tuyển cử ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào tháng Sáu tới.
Hồi tháng 5 năm ngoái, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Theo quy định, đơn này cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên của NATO. Hiện đã có 28 nước chấp thuận việc này. Hungary cho biết nước này dự kiến sẽ chấp thuận đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển vào tháng 2/2023. Tuy nhiên, thời điểm phê chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn là ẩn số, khi những yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ chưa được đáp ứng đầy đủ.
Giới phân tích cho rằng, với việc gây sức ép lên Phần Lan và Thụy Điển; ngoài những lợi ích chống khủng bố của quốc gia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thể hiện vị thế của mình trong NATO và nâng cao uy tín của Chính phủ đương nhiệm trước người dân của khi cuộc tổng tuyển cử đang tới gần./.