Theo hãng tin Reuters, lường trước viễn cảnh sẽ diễn ra trong bốn năm tới khi ông Trump nắm quyền tại Nhà Trắng và đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện quốc hội, các nhà hoạt động chính trị đã bắt đầu chuẩn bị cho hoạt động "dài hơi" mà họ dự đoán sẽ là những cuộc biểu tình mạnh mẽ nhất kể từ phong trào Occupy Wall Street (Hãy chiếm lấy phố Wall) năm 2011.
Theo các nhà lãnh đạo phong trào biểu tình, các cuộc tuần hành phản đối đã được lên kế hoạch trong ngày thứ bảy (12-11) tại New York và Los Angeles, cùng một cuộc biểu tình dự kiến tổ chức tại Washington ngày 20-1 khi tỉ phú Trump tuyên thệ nhậm chức mới chỉ là những sự kiện mở đầu trong chuỗi chiến dịch dài hơi hơn.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn tuần này đã xảy ra tại hàng chục thành phố lớn ở Mỹ, trong đó có Boston, Baltimore và San Francisco.
Các cuộc biểu tình tại Portland, Oregon và Berkeley, California đã biến thành bạo lực khi người biểu tình đốt lửa và xung đột với cảnh sát.
Thoạt đầu ông Trump lên án những đám đông biểu tình trên mạng xã hội Twitter, gọi họ là "những người biểu tình chuyên nghiệp, đã bị truyền thông kích động", nhưng sau đó đảo ngược quan điểm, nói rằng ông ngưỡng mộ sự nhiệt thành của họ.
Anh T.J. Wells - người đã tình nguyện ủng hộ bà Clinton trong chiến dịch tranh cử cho biết quyết định tổ chức cuộc biểu tình đêm thứ năm (10-11) của anh phản đối ông Trump tại Khách sạn quốc tế Trump ở Washington gần Nhà Trắng là hoàn toàn tự phát.
Anh Wells nói: "Tôi chỉ chia sẻ ý định với một vài người bạn, và chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, đã có vài trăm người tập hợp".
Anh Wells cho biết anh hy vọng đây chỉ là cuộc đầu tiên trong nhiều những cuộc biểu tình tương tự nữa.
Khoảng 59,5 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu cho ông Trump, ít hơn so với 59,7 triệu người đã bỏ phiếu cho bà Clinton, tuy nhiên do giành được nhiều phiếu đại cử tri hơn tại các bang dao động - trong đó có Michigan nên ông Trump đã giành chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.