Tướng Scott Berrier không hiểu vì sao Nga tập trung quân gần Ukraine.
Mỹ không hiểu người Nga
Tuần trước, Trung tướng Scott Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) Mỹ, nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng DIA không biết tại sao Tổng thống Nga Vladimir Putin lại điều động quân đội đến gần biên giới với Ukraine.
“Hiện tại chúng tôi không biết mục đích là gì”, ông nói. Với chuyên gia Rebekah Koffler - cựu sĩ quan tình báo của DIA, đây là câu trả lời đáng thất vọng, khi người đóng thuế Mỹ đã chi 23,1 tỷ USD cho tình báo quân sự chỉ trong năm 2020.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, dù thất vọng nhưng câu trả lời đó cũng không quá ngạc nhiên.
Với tư cách là cựu nhà phân tích tình báo cấp cao của DIA về học thuyết và chiến lược của Nga, Koffler hiểu cộng đồng tình báo Mỹ thậm chí còn thiếu cả tầm nhìn dài hạn về Nga, chứ không đơn thuần chỉ là không hiểu ông Putin “muốn gì lúc này”.
Điều đáng sợ là nhiều quan chức không hiểu được rủi ro mà kế hoạch của Nga gây ra cho Mỹ.
Về mặt chiến thuật, Nga đã bố trí lực lượng ở khu vực biên giới Ukraine để phục vụ cho động thái quân sự, kết hợp với chiến đấu cơ và vũ khí hạng nặng để đảm bảo hỗ trợ sức mạnh trên không cho các kế hoạch của mình.
Từ vị thế sẵn sàng nói trên, các lực lượng Nga có thể linh hoạt chuyển sang một cuộc tập trận quân sự hoặc có thể giảm leo thang đột ngột, như cách Nga thông báo rút quân bất ngờ cách đây vài hôm.
Với phương thức như vậy, Moscow sẽ khiến các cơ quan tình báo phương Tây bối rối và không đoán trước được những thay đổi liên tục trong cách điều động lực lượng, vì vậy Tổng thống Putin hoàn toàn có thể tấn công một cách bất ngờ nếu ông muốn.
Điều này có thể cảm nhận được qua thông điệp liên bang mới đây, khi ông Putin cảnh báo Mỹ và NATO không nên "vượt qua lằn ranh đỏ" bằng cách can thiệp nhân danh Ukraine. Ông tuyên bố sẽ có một "phản ứng dứt khoát, bất đối xứng và khắc nghiệt”.
Động cơ của Nga
Viết trên The Hill, chuyên gia Rebekah Koffler nhận định rằng, các mục tiêu chiến lược của Tổng thống Putin là tái lập vị trí thống trị về mặt địa chính trị của Nga ở Âu-Á và làm suy yếu các đối thủ chiến lược chính là Mỹ và NATO.
Ông chủ Điện Kremlin tin rằng các chính sách thúc đẩy dân chủ của Mỹ ở Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ là mối đe dọa sinh tử đối với an ninh của Nga. Sau khi hiện đại hóa quân đội và chiến lược quân sự trong thập kỷ qua, ông Putin cảm thấy tự tin về sự trở lại của Nga với tư cách là một “cường quốc”, ngay cả khi sự đối đầu với Washington luôn tiếp diễn.
Sự điềm tĩnh trong từng hành động khiến ông Putin trở thành chính khách khó đoán.
Nhà lãnh đạo Nga đã thể hiện mình là một người kín kẽ, khi để lộ rất ít cảm xúc có thể khiến người ngoài cuộc suy đoán được điều gì đang diễn ra. Việc Nga tăng cường quân và vũ khí tới ngưỡng cửa của Ukraine không phải là ngẫu nhiên. Tất cả đều là những yếu tố trong chiến lược cẩn trọng với Mỹ đã được hiệu chỉnh cẩn thận bởi Moscow.
Theo chuyên gia Koffler, Nga coi Ukraine là một phần trong vành đai an ninh của mình. Trong nhiều thế kỷ, Nga đã dựa vào cái gọi là "vùng đệm chiến lược" này để bảo vệ vùng đất trung tâm xoay quanh Moscow.
Nga không muốn Ukraine gia nhập NATO. Moscow tin rằng việc các nước vùng Baltic rơi vào tay NATO đã làm xói mòn an ninh của Nga, bởi vậy cần phải vạch ra "lằn ranh đỏ" cho phương Tây với Ukraine. Ông coi kết quả của cuộc đối đầu giữa Moscow và Washington về Ukraine là một cuộc cạnh tranh mà Nga phải giành chiến thắng.
Tổng thống Putin hiểu rằng Mỹ sẽ nỗ lực để kiềm chế Nga, bất kể ai là người ngồi trong Nhà Trắng. Điện Kremlin dường như cảnh giác, một ngày nào đó chiến tranh Mỹ-Nga là không thể tránh khỏi và đã thực hiện các bước chuẩn bị cho điều này.
Là một cựu điệp viên KGB, thành thạo judo, Tổng thống Putin kiên nhẫn chờ đợi thời cơ tung đòn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro vừa phải để khiến đối thủ choáng váng.
Nhận thức về một nhiệm kỳ tổng thống nhiều biến động dưới thời Joe Biden, với các chính sách bận tâm hơn đến Trung Quốc, ông Putin hiểu cần phải hành động ngay lúc này với mục tiêu đưa Ukraine ra khỏi quỹ đạo của Washington.
Các biện pháp "trả đũa" gần đây của Tổng thống Biden đối với các hành động của Nga sẽ không thay đổi suy nghĩ của Tổng thống Putin. Những phản ứng chiến thuật này sẽ không sắp xếp lại tư duy chiến lược hàng thế kỷ của Nga, vốn tâm niệm rằng cuộc đối đầu với phương Tây sẽ không bao giờ kết thúc.
Các biện pháp trừng phạt sẽ gây tổn hại cho Nga, nhưng nó cũng sẽ làm vững chắc thêm kết luận của ông Putin về việc Mỹ luôn tìm cách hủy hoại nền kinh tế Nga và coi đây là động lực củng cố hơn nữa lập trường chống trả Mỹ.
Hiểu được tư duy của Tổng thống Putin và động cơ đối đầu với Mỹ là điều kiện tiên quyết để đề ra một chiến lược phản công khả thi cho Mỹ. Đáng tiếc, cộng đồng tình báo Mỹ ngày nay lại không có đủ kỹ năng để làm được điều đó, Koffler kết luận.