Biết là lừa đảo nhưng không báo cảnh sát, người đàn ông vẫn chuyển khoản 50.000 USD, rồi muốn chuyển thêm 200.000 USD, lý do gây ngỡ ngàng

Minh Tiến |

Sự thực phía sau chuyện lạ "người đàn ông tự nguyện chuyển tiền cho lừa đảo".

Gần đây, Trung tâm phòng chống lừa đảo thuộc thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc nhận được thông báo rằng ông Z (tên đã thay đổi), cư trú tại địa bàn, có khả năng bị lừa đảo qua hình thức đầu tư trực tuyến. Cảnh sát lập tức liên hệ qua đường dây nóng, nhưng cả ba cuộc gọi đều bị ông Z từ chối.

Qua phân tích và đánh giá, cảnh sát nhận thấy nguy cơ ông Z bị lừa đảo rất cao và buộc phải đến tận nơi để cảnh báo. Tối cùng ngày, sau nhiều nỗ lực, cảnh sát đã tìm thấy ông Z tại một khu dân cư thuộc một khu đô thị.

Tuy nhiên, khi đối mặt trực tiếp, ông Z không hợp tác, khẳng định mình “không bị lừa” và yêu cầu cảnh sát rời đi để “không lãng phí thời gian”. Bất đắc dĩ, cảnh sát phải đứng trước cửa nhà để lớn tiếng cảnh báo ông không được chuyển tiền cho kẻ lừa đảo.

Dù vậy, họ vẫn không từ bỏ. Cảnh sát cho biết: "Dựa trên kinh nghiệm và phân tích, chúng tôi tin rằng ông Z đã bị lừa, nhưng ông ấy lại phủ nhận. Có lẽ ông ấy đang che giấu điều gì đó, hoặc bị đe dọa…"

Sáng hôm sau, trước khi ông Z rời nhà đi làm, cảnh sát khu vực đã gặp ông lần nữa. Bằng cách giải thích chi tiết các thủ đoạn lừa đảo cùng những trường hợp thực tế, họ cố gắng giúp ông nhận ra vấn đề.

Sau hơn một giờ thuyết phục, ông Z cuối cùng thừa nhận: “Tôi biết rõ chúng là kẻ lừa đảo.” Ông Z giải thích: “Vợ tôi đang sống ở nước ngoài và bị lừa đảo qua một ứng dụng đầu tư trực tuyến. Bà ấy đã mê muội, không nghe lời khuyên của người thân. Không còn cách nào khác, hôm qua tôi đã chuyển hơn 400.000 NDT (khoảng 55.000 USD) cho kẻ lừa đảo.”

Sau khi biết rằng người bị lừa không phải là ông Z mà là vợ ông, cảnh sát tiếp tục thuyết phục ông không chuyển thêm tiền. Đồng thời, họ khuyên ông duy trì liên lạc với vợ, thuyết phục bà xóa ứng dụng và giảm thiểu thiệt hại.

Hóa ra, vợ ông Z, bà Lý, sống ở nước ngoài và đã đầu tư Bitcoin qua một ứng dụng có tên Serve. Ban đầu, bà chỉ thử đầu tư nhỏ và nhận được lợi nhuận nhanh chóng. Nhưng sau khi bà đầu tư số tiền lớn hơn, nền tảng yêu cầu bà phải nộp 1,5 triệu NDT (khoảng 200.000 NDT) nếu muốn rút vốn.

Thậm chí, kẻ lừa đảo còn đe dọa rằng nếu không trả tiền, bà sẽ phải đối mặt với những hậu quả không thể lường trước. Dù đã cố gắng cảnh báo và an ủi vợ tập trung chăm sóc con cái, nhưng bà Lý không nghe lời. Cuối cùng, vì quá yêu vợ, ông Z đành chuyển tiền theo yêu cầu của bà.

Ông Z nói: “Coi như mất tiền để tránh tai họa. Tôi vốn định chuyển thêm 1,5 triệu NDT nữa, nhưng may mà các anh đến kịp. Tôi sẽ cố gắng thuyết phục vợ báo cảnh sát và không chuyển thêm tiền cho bọn lừa đảo.”

Theo đó, cảnh sát khuyến cáo hãy cảnh giác với các hình thức dụ dỗ chơi xổ số, đầu tư hoặc quản lý tài chính trực tuyến. Thủ đoạn "cho nếm thử vị ngọt" trước khi lừa đảo tiếp vốn là dấu hiệu rõ ràng của kẻ gian. "Trên đời không có bữa ăn nào miễn phí." Những lời hứa hẹn "chi phí thấp, lợi nhuận cao" thường chỉ là cái bẫy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại