Bố mẹ nào cũng mong mỏi con học giỏi, có thành tích học tập xuất sắc hơn chúng bạn. Tuy nhiên, không phải đứa con nào cũng có thể đáp ứng được nguyện vọng này, bởi sức học, sức tiếp thu của mỗi người có hạn.
Nhiều người thường đùa rằng, buổi họp phụ huynh là buổi "chia rẽ tình cảm gia đình" , khiến tình cảm bố mẹ - con cái "xuống dốc". Sở dĩ có sự so sánh này là bởi không ít cha mẹ sau khi biết được kết quả học tập của con, thấy không đúng với mức mình mong đợi liền trách mắng.
Thậm chí, không ít cha mẹ đem con ra so sánh với những bạn học giỏi trong lớp và nói nhiều câu khiến con tổn thương lòng tự trọng. Trong những trường hợp này, nếu không có ai để tâm sự, sẻ chia, các bạn học sinh rất dễ bị suy sụp tinh thần.
Mới đây, đoạn tin nhắn giữa một giáo viên chủ nhiệm lớp 10 và các phụ huynh đã được chia sẻ lên mạng. Cuộc nói chuyện xảy ra sau khi buổi họp phụ huynh kết thúc. Vì không hài lòng với kết quả học tập của con em mình mà nhiều phụ huynh về nhà đã quát mắng, chì chiết con.
Nhiều em vì không chịu được đã nhắn tin tâm sự với cô giáo. Sau khi biết được tình trạng của học trò, cô giáo chủ nhiệm đã quyết định gửi "tâm thư" của mình đến các bậc phụ huynh:
"Một lần nữa tôi đề nghị các phụ huynh nên động viên con mình. Không nên chì chiết mắng con. Mỗi con sẽ có 1 ưu và nhược điểm khác nhau. Quan điểm tôi đưa ra là giáo dục và như tôi đã nhận xét về cơ bản, các con 10A8 đều ngoan và có ý thức.
"Tâm thư" của cô giáo khiến nhiều người bật khóc.
Nhưng qua buổi họp phụ huynh đến giờ tôi thực sự rất buồn vì 1 số phụ huynh khi đi họp về là mắng nhiếc con mình. Thử hỏi xem bản thân chúng ta là cha mẹ cũng chưa được toàn diện. Vậy chúng ta không thể đòi hỏi các con toàn diện ngay được. Không phải cứ là cha mẹ thì có quyền mắng con cái thế nào cũng được.
Cha mẹ nên tâm sự chia sẻ cùng con. Coi con như một người bạn thì mới có kết quả. Và trước khi vào cuộc họp tôi cũng đã mong muốn và đề nghị phụ huynh không vì buổi họp hôm nay mà mắng mỏ con mình.
Tất cả mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Sao một số phụ huynh lại so sánh như vậy để làm khổ con mình?
Và tôi đề nghị. Các vị phụ huynh không nên làm như vậy. Một số con có thể trầm tính thì hơn ai hết tôi đều muốn các con hòa đồng, sôi nổi. Nhiều con sống nội tâm thì cha mẹ cũng cần biết để chia sẻ giúp con bạo dạn hơn.
Những lời tâm sự chân thành của cô giáo.
Báo cáo với các bậc phụ huynh, tối nay có những con đã đẫm nước mắt viết thư tâm sự với tôi là cha mẹ không hiểu, không thông cảm với con cái, sau buổi họp về mắng mỏ con thế này thế kia".
"Tâm thư" của cô giáo đã khiến nhiều phụ huynh và học sinh rơi nước mắt vì cảm động. Câu hỏi: "Chúng ta là cha mẹ cũng chưa toàn diện, vậy sao đòi con toàn diện" của cô khiến các bậc phụ huynh phải giật mình, tự nhìn lại cách giáo dục của con mình.
Mỗi đứa trẻ giống như một hạt giống. Muốn hạt giống trở thành cây cần có quá trình chăm bón, tưới tắm cẩn thận và không thể cắt xén công đoạn. Tương tự như vậy, muốn con học giỏi, xuất sắc, bố mẹ cần bồi dưỡng từ từ. Sự thúc ép đôi khi chỉ khiến con thêm áp lực và không đạt được thành tích như trông đợi.
Mong rằng các buổi họp phụ huynh về sau sẽ đơn giản là một buổi tổng kết, giúp thầy cô, phụ huynh và học sinh cùng nhau nhìn lại những ưu, khuyết điểm để sửa chữa, cố gắng trong học kỳ mới, thay vì một buổi "chia rẽ gia đình".