Giai thoại xưa truyền lại rằng, khi còn tại vị, Lý Thế Dân từ sớm đã tiên liệu được giang sơn nhà Đường có thể "đứt gánh giữa đường" vì một người phụ nữ họ Võ.
Thế nhưng vị vua ấy vẫn không hề ra tay diệt trừ Võ Mỵ Nương, thậm chí còn cho nàng lưu lại hậu cung của mình. Quả nhiên sau này, Võ Tắc Thiên soán ngôi nhà Đường, lập ra nhà Đại Chu.
Nhớ năm xưa, Đường Thái Tông Lý Thế Dân từng thẳng tay diệt trừ huynh đệ ruột thịt trong cuộc "binh biến Huyền Vũ Môn" để có được ngai vàng. Vậy đâu là lý do khiến cho vị vua ấy lại chẳng dám động tới cái "mầm tai họa" là Võ Tắc Thiên?
Lời tiên tri của bậc thầy tướng số về nữ đế họ Võ
Từ sớm đã biết mỹ nữ họ Võ là "mầm tai họa", nhưng Lý Thế Dân vẫn để Võ Mỵ Nương an nhàn trong hậu cung của mình vốn là việc có lý do. (Ảnh minh họa).
Từ cổ chí kim, ngoại hình xinh đẹp chính là một trong những thứ vốn liếng có thể làm thay đổi vận mệnh của một người phụ nữ.
Năm xưa, Dương phu nhân vợ của Võ Sĩ Hoạch thấy con gái của mình càng lớn càng diễm lệ, liền bắt đầu kế hoạch chấn hưng gia tộc họ Võ.
Lúc bấy giờ, cả gia tộc cũng đã có 2,3 nữ quyến đang làm phi tần của Thái Tông. Những người này ở trong cung bắt đầu truyền ra nhiều tin đồn về dung nhan tuyệt trần của con gái nhà họ Võ.
Tin đồn này chẳng mấy chốc đã đến tai Lý Thế Dân. Những năm tháng ấy, hậu cung của nhà vua cũng quá đỗi tịch mịch. Ông liền quyết định cho Võ Tắc Thiên vào cung làm Tài nhân.
Cứ như vậy, Võ Tắc Thiên danh chính ngôn thuận tiến vào hậu cung nhà Đường. Dù tài nhân là chức danh có địa vị thấp trong hàng ngũ phi tử, nhưng mỹ nữ họ Võ dù sao cũng đã trở thành người phụ nữ của Lý Thế Dân.
Phải chăng sự dè chưng của Đường Thái Tông đối với mỹ nữ họ Võ bắt nguồn từ một lời tiên tri? (Ảnh minh họa).
Kỳ thực, Lý Thế Dân từ sớm đã được cảnh báo là sẽ có một kẻ họ Võ tước đoạt giang sơn nhà Đại Đường. Nhưng vị Hoàng đế nổi tiếng cứng rắn ấy lại chưa bao giờ đụng đến cái mầm tai họa là Võ Tắc Thiên.
Lý giải về điều kỳ lạ này, dân gian lưu truyền một giả thuyết nổi tiếng về lời tiên tri của Lý Thuần Phong dưới thời Thái Tông.
Giai thoại kể lại rằng, năm ấy Thái Tông đã lớn tuổi, bên ngoài cung bắt đầu lưu truyền lời tiên đoán nói rằng Đường triều sau 3 đời vua sẽ bị một nữ đế họ Võ đoạt lấy thiên hạ.
Đây vốn chỉ là một tin đồn được thường dân bách tính truyền tai nhau nhưng chẳng mấy chốc đã lọt đến tai Lý Thế Dân.
Nhà vua nghe xong vô cùng khó chịu, liền bí mật triệu kiến Lý Thuần Phong. Vị quan họ Lý này bấy giờ đang đảm nhiệm chức Thái Sử Lệnh, chuyên quản chuyện thiên văn, lịch pháp.
Lý Thế Dân đem lời đồn này nói cho Lý Thuần Phong và hỏi ông liệu điều đó có trở thành sự thật hay không.
Lý Thuần Phong trả lời: "Thần có xem thiên tượng, phát hiện có 'thái bạch kinh thiên', đó là điềm báo có một nữ chủ sẽ nổi dậy. Trước đó, thần có tính toán một hồi, phát hiện người phụ nữ này đã xuất hiện trong cung của bệ hạ, là gia quyến của người.
Không tới 30 năm sau, người này sẽ thay thế bệ hạ, thống lĩnh giang sơn của người, mà còn tàn sát con cháu hoàng thất nhà Lý Đường".
Lý Thế Dân nghe xong càng thêm lo lắng: "Vậy trẫm nên làm thế nào? Nếu tiên tri và thiên tượng đã trùng khớp như vậy, tốt hơn hết là thà giết nhầm 3000 còn hơn để 1 người lọt lưới. Trẫm tốt nhất nên "dọn dẹp" hậu cung, phàm là người họ Võ hoặc kẻ có dính dáng tới họ Võ đều nên diệt trừ".
Nghe vậy, Lý Thuần Phong lắc đầu: "Bệ hạ làm như vậy cũng không ổn. Có câu vương sẽ không chết, ông trời nếu đã muốn phái xuống một người như vậy thì ắt sẽ bảo vệ cô ta. Chỉ e rằng bệ hạ muốn giết cũng không được, hơn nữa còn làm hại nhiều người vô tội, trời cao sẽ trách tội.
Hơn nữa, dù bệ hạ có giết được người đó, ý trời cũng không đổi, sẽ lại có một người như vậy xuất hiện.
Như thần đã xem, thì hiện tại người này đã ở trong cung của bệ hạ, là gia quyến của bệ hạ, đã là một người trưởng thành. 30 năm sau, cô ta sẽ trở thành một người già. Mà người già thì trái tim càng nhân từ, có thể nương tay với con cháu của bệ hạ.
Nếu bây giờ đem giết đi, thì sau này trời cao lại phái xuống một người khác. 30 năm sau người đó vẫn còn trẻ tuổi, lòng dạ ác độc, chỉ e đối với hậu duệ họ Lý sẽ thẳng tay hạ thủ mà chẳng lưu tình. Cho nên bệ hạ tốt nhất đừng giết".
Đường Thái Tông thấy Lý Thuần Phong nói quả thực có lý, liền quyết định thuận theo ý trời, nương tay với Võ Tắc Thiên. Nếu giai thoại này là sự thực, thì chính lời tiên tri của Lý Thuần Phong đã cứu Võ Tắc Thiên một mạng.
Võ Tắc Thiên may mắn thoát chết nhờ sự nhầm lẫn của Hoàng đế?
Ngoài giai thoại nổi tiếng kể trên, việc Đường Thái Tông không triệt hạ Võ Tắc Thiên còn có 2 cách giải thích khác.
Giả thuyết thứ nhất cho rằng, Lý Thế Dân biết có kẻ dính dáng tới họ Võ định soán ngôi nhà Đường của con trai ông, nhưng lại khăng khăng tin rằng đó là Lý Quân Tiễn chứ không ngờ rằng đó là Võ Tắc Thiên.
Bởi bấy giờ có lời đồn "Nữ chủ Võ vương", mà biệt hiệu của Lý Quân Tiễn là "ngũ nương tử" nên mới bị Hoàng đế nghi ngờ và trừ khử. Vì vậy nữ đế họ Võ năm ấy mới tránh được một kiếp nạn.
Giải thuyết thứ hai lại khẳng định, việc Võ Tắc Thiên không bị vua Đường thanh trừng là bởi bà chẳng hề phạm pháp.
Dù có nhiều giả thiết đặt ra tới đâu, thì sự thực không thể phủ nhận là Võ Tắc Thiên đã trụ vững trong hậu cung của hai vị vua nhà Đường trước khi lên ngôi Hoàng đế. (Ảnh minh họa).
Tháng 11 năm Trinh Quán thứ 11, Võ Tắc Thiên vừa tròn 14 tuổi. Đường Thái Tông nghe nói nàng xinh đẹp tuyệt trần, liền xung vào hậu cung, phong làm ngũ phẩm tài nhân, ban cho tên "Mỵ", hậu thế sau này thường gọi là Võ Mỵ Nương.
Võ Mỵ Nương mồ côi cha từ sớm, trước khi nhập cung, bà từng an ủi người mẹ họ Dương ở góa đã lâu của mình rằng: "Cớ chi mẫu thân lại bảo gặp được thiên tử không phải là phúc phận của con".
Đối với cuộc sống của Võ Tắc Thiên trong hậu cung dưới thời Thái Tông, sử cũ không miêu tả cặn kẽ, chỉ có câu chuyện được Võ Tắc Thiên kể về hồi ức năm xưa cùng Lý Thế Dân.
Khi đó, Thái Tông khi còn sống từng sở hữu một con ngựa tên là Sư Tử Thông. Con ngựa ấy sở hữu thân hình tuyệt đẹp, nhưng tính tình hoang dã, chẳng ai thuần phục được.
Võ Tắc Thiên bấy giờ đang hầu hạ bên người Hoàng đế, liền tâu rằng:
"Thiếp có thể khống chế ngựa, nhưng cần 3 món đồ. Một là roi sắt, hai là gậy sắt, ba là chủy thủ. Trước tiên dùng roi quất nó, nếu nó không phục thì lấy gậy sắt gõ đầu, nếu còn không được thì dùng chủy thủ cắt đứt cổ họng nó".
Đường Thái Tông nghe vậy, khen Võ Tắc Thiên là người có chí khí. Nhưng trong suốt những năm hầu hạ Lý Thế Dân, Võ Tắc Thiên cũng không được sủng ái, suốt 12 năm trời vẫn chỉ là Tài nhân.
Câu chuyện Võ Tắc Thiên thuần phục ngựa đã khiến Thái Tông nhìn ra sự cơ trí, thông minh và cứng rắn của người đẹp họ Võ. (Ảnh minh họa).
Đến khi Đường Thái Tông lâm bệnh nặng, Võ Tắc Thiên bắt đầu có quan hệ tình cảm với Hoàng tử Lý Trị.
Năm Trinh Quán thứ 23, Thái Tông băng hà. Võ Tắc Thiên theo quy định của hậu cung, buộc phải cùng những phi tử không con khác cắt tóc đi tu.
Sau khi lên ngôi, Cao Tông Lý Trị đón nàng về cung, sắc phong làm Chiêu nghi, sau thăng tới Thần phi và cuối cùng trở thành Vương hậu.
Sau khi Lý Trị qua đời, Võ Tắc Thiên lên làm Hoàng đế, lập ra nhà Đại Chu. Những sự kiện này xảy ra quả đúng như lời tiên đoán được lưu truyền từ thời Thái Tông còn sống…