Báo The Times hôm 6-9 đã cho biết thông tin trên, giữa lúc Mỹ đã quyết định dỡ bỏ hạn chế về kích cỡ đầu đạn và tầm bắn của tên lửa đạn đạo Hàn Quốc, cho phép đồng minh này phát triển năng lực quân sự riêng để có thể trút bom phá boong-ke vào các căn cứ ngầm của nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Bình Nhưỡng.
Chính phủ Hàn Quốc trước đó theo đuổi cam kết gắn kết và đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Và quyết định tăng cường các lựa chọn quân sự hiện nay đang chứng tỏ một bầu không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ 6 của Bình Nhưỡng.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm 4-9 nói rằng ông Kim Jong-un đang "cầu xin chiến tranh" với những vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên tục.
Trong khi đó, báo giới Hàn Quốc hôm 5-9 cho biết Triều Tiên đang di chuyển tên lửa đạn đạo tiềm tàng khả năng tấn công lục địa Mỹ tới bờ biển phía Tây và việc di chuyển được tiến hành trong đêm để tránh sự phát hiện. Giới chức tình báo ở Seoul nói rằng Triều Tiên dường như đang chuẩn bị cho những vụ phóng tên lửa mới, có thể là vào ngày 9-9 tới nhân kỉ niệm ngày thành lập đất nước.
Một người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ông chủ Nhà Xanh đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4-9 về những "biện pháp mạnh mẽ và thiết thực" cần thiết để khống chế Triều Tiên.
Một biệt đội đã được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lập ra để vô hiệu hóa các hệ thống chỉ huy và kiểm soát ở Triều Tiên sẽ hoạt động chính thức vào tháng 12 tới.
Đội này sẽ làm việc cùng lực lượng SEALS Team 6 - biệt đội từng được phái tới Pakistan trong vụ tiêu diệt trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden năm 2011. Theo lời của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo, kế hoạch này đang trong quá trình vạch ra và đơn vị nói trên sẽ hoạt động vào ngày 1-12.
Tại sao ông Kim Jong-un muốn vũ khí hạt nhân?
Sau vụ thử bom nhiệt hạch hôm 3-9, Triều Tiên lại có dấu hiệu chuẩn bị phóng tên lửa mới.
Hàn Quốc cũng đang phản ứng rốt ráo với những màn phô diễn lực lượng. Lần này, Hải quân nước này tiến hành tập trận bắn đạn thật, thề rằng có thể nhấn chìm đất nước hàng xóm xuống biển.
Tuy nhiên, chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng vẫn đang tăng tốc. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh tiến hành 18 vụ thử tên lửa trong năm nay. Dù truyền thông phương Tây đã khắc họa một hình ảnh "giật gân" về nhà lãnh đạo Kim Jong-un, song theo nhận định của GS Andrei Lankov tại Trường ĐH Kookmin ở Seoul, ông Kim "không phải một kẻ điên rồ".
Vị chuyên gia này cho rằng ông Kim quyết liệt trong hành động bởi ý chí mạnh mẽ và những hành động đó không thể đến từ một kẻ non gan. Theo đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn có vũ khí hạt nhân để chế độ của ông không bị Mỹ lật đổ với sự trợ giúp của Hàn Quốc.
"Điều họ (Triều Tiên) muốn rất rõ ràng: Đó là giành chiến thắng cuối cùng, có nghĩa là thống nhất Triều Tiên với Hàn Quốc" - ông Daniel Pinkston, chuyên gia về chương trình vũ khí Triều Tiên nêu rõ, "Thứ hai, điều đó cũng có nghĩa là gạt Mỹ ra khỏi khu vực và họ tiếp tục phát triển các chiến lược mỗi ngày để đạt được các mục tiêu đó".
Trong khi không có chuyên gia nào đả động tới việc Triều Tiên sẽ tấn công phủ đầu vào Mỹ hay Hàn Quốc, một câu hỏi lớn hơn là Mỹ sẽ làm gì nếu Triều Tiên phóng thêm tên lửa qua Nhật Bản, một động thái được dự đoán là sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Không có chuyên gia nào nói tới chuyện Triều Tiên tấn công phủ đầu vào Mỹ và Hàn Quốc bởi đó là hành động tự sát. Thay vào đó, vũ khí chỉ mang ý nghĩa răn đe dù cho những cuộc khẩu chiến vẫn đang tiếp diễn.