Mỗi dịp hè về, các bố mẹ lại háo hức cho con đi học bơi như một trải nghiệm vô cùng thú vị. Thế nhưng, không phải phụ huynh nào cũng lường hết được những hiểm nguy từ hoạt động này để đề phòng tai nạn cho trẻ.
Câu chuyện mới đây của cậu bé Khôi Nguyên (12 tuổi, hiện đang sống ở Đà Nẵng) dù biết bơi rất giỏi từ năm 6 tuổi nhưng vẫn bị đuối nước ở bể bơi, dẫn đến suýt mất mạng, để lại hậu quả nghiêm trọng đã khiến nhiều bố mẹ phải giật mình.
Chị Xuân Thu (41 tuổi) – mẹ Khôi Nguyên đã chia sẻ lại tai nạn của con trai như một lời cảnh tỉnh đến các bố mẹ khác, rằng không thể lơ là bỏ mặc con ở hồ bơi dù con đã biết bơi tốt đi nữa.
Cậu bé Khôi Nguyên (đeo kính, đứng bên trái) và em trai trước khi xảy ra tai nạn.
Con đang bơi thì bỗng nhiên biến mất dưới hồ nước
Mỗi năm đến hè là chị Xuân Thu lại cho hai cậu con trai Nguyên và Dũng (9 tuổi) đi luyện bơi. Mặc dù cả hai bạn nhỏ đã bơi tốt nhưng chị Thu vẫn muốn cho học để nâng cao thêm.
Buổi sáng cách đây khoảng hơn 2 tuần, Nguyên và Dũng được ba chở đến bể bơi. Ba ngồi trên bờ đợi con bơi.
Gần đến giờ ra về, ở lượt bơi cuối cùng, thầy giáo bảo hai bạn bơi về và thầy rảo bước trên bờ. Nhưng đến gần cuối hồ, thầy chỉ thấy Dũng, còn Nguyên thì không thấy đâu.
“Khi ấy Dũng trả lời vu vơ chắc anh trai đi nhà vệ sinh. Thầy giáo đảo mắt đi tìm, còn Dũng lặn xuống dưới hồ, hoảng hốt khi thấy anh trai đang ở thư thế đứng giơ 2 tay lên trời. Ngay lập tức, Dũng đã túm tóc anh kéo lên và bơi vào.
Lúc đó ba ngồi ghế đá chỉ cách con 2m, thầy đứng gần chỗ ba ngồi, thấy em kéo tóc anh còn tưởng Dũng đùa anh. Phát hiện ra Nguyên không có phản ứng gì, mọi người chạy đến thì Nguyên đã ngừng thở”, chị Thu kể lại.
Khôi Nguyên khi nằm ở khoa cấp cứu của bệnh viện.
Khi Nguyên được đưa lên bờ, các thầy dạy ở xung quanh đó đều cấp tốc chạy lại hô hấp nhân tạo cho cậu bé.
Sau hơn 10 phút sơ cứu, Nguyên mới có phản ứng, ọc được một chút nước ra ngoài và được xe cấp cứu đưa sang bệnh viện cách bể bơi khoảng 5km. Đến viện, tình trạng của cậu bé đã chuyển sang tím tái, mất mạch.
Các bác sỹ phải dùng kích điện để kích tim, lấy nhịp thở cho Nguyên, thở oxy và chuyển rất nhiều loại máy móc thiết bị đến để chụp não, phổi.
Những cơn co giật, hoảng loạn vô thức trên giường bệnh
“Từ lúc lấy được nhịp tim cho đến 5h chiều, Nguyên trải qua rất nhiều cơn co giật, hoảng loạn vô thức.
Con vốn có thể trạng to khỏe, cao 1m55, nặng 55kg nên khi hoảng loạn, con quẫy đạp mạnh đến mức 5 bác sỹ, y tá và cả bố mẹ nữa cũng không giữ được.
Con quậy vô thức như thế, không kiểm soát được hành vi nên bị trật hết ven. Cuối cùng bác sỹ, y tá phải cột hết chân, tay và quàng cả ngang bụng mới giữ yên được con”, chị Thu kể lại.
Trải qua thời gian nguy kịch, các bác sỹ đã cứu được Nguyên khỏi lưỡi hái tử thần.
Nhưng cuối cùng, tình trạng nguy kịch, cơn hôn mê sâu cũng đi qua. Đến 5h30 chiều, Nguyên tỉnh lại và nhận biết được ba mẹ mình.
Bác sỹ thăm hỏi để kiểm tra trí nhớ của Nguyên, cậu bé nhớ được hầu hết, nhưng lại không biết chuyện gì vừa xảy ra với mình.
“Nguyên nói là con đang bơi bình thường mà sao giờ lại ở đây. Sau đó, bác sỹ nói với gia đình: “Phải theo dõi qua 48 tiếng mới chắc chắn được”. Và dù mừng vì con tỉnh lại, nhưng cả nhà vẫn còn rất lo lắng”, chị Thủy kể thêm.
May mắn với Nguyên là sau đó cậu bé đã ở trạng thái ổn định. Nguyên được chuyển sang nằm khoa cấp cứu hồi sức tích cực thêm 3 ngày để theo dõi thêm và được chuyển ra phòng ngoài để điều trị trong 2 ngày nữa.
Cuối cùng sau 6 ngày nằm viện, khi đã chắc chắn cứu con được khỏi lưỡi hái của tử thần, chị Thu và gia đình quyết định xin cho con về điều trị ngoại trú. Thế nhưng, chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó.
Trí nhớ chậm, thường xuyên đau đầu do não thiếu oxy, gan - thận suy...
Chia sẻ về tình trạng sức khỏe hiện tại của Nguyên, chị Thu cho biết: “Sức khỏe và thể trạng cháu tốt nên phục hồi nhanh.
Hiện tại, cháu đã tạm ổn định và quay lại lớp học thêm được. Thế nhưng, dù vẫn ăn chơi, học bình thường, trí nhớ Nguyên vẫn chậm hơn, không nhanh nhạy bằng trước”.
Cậu bé còn thường xuyên đau đầu do não thiếu oxy, thận và gan đều bị suy, hiện đang được điều trị thêm bằng sinh hoạt và vận động.
Nguyên vốn là một cậu bé có thể trạng rất tốt nên đã có thể phục hồi nhanh nhưng não vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. (Ảnh gia đình chụp trước tai nạn ít tháng).
Khôi Nguyên đã bị ảnh hưởng não nghiêm trọng sau tai nạn.
Tuy nhiên điều đáng buồn là não của Nguyên - theo lời bác sỹ - phải điều trị mất 2 năm nữa mới hy vọng về được bình thường, chứ không thể nhanh hơn.
“Bác sỹ bảo nếu trước kia cháu học được 10 điểm thì giờ chỉ còn được 5-6 điểm thôi.
Ảnh hưởng não là nghiêm trọng và mất thời gian nhất, không thể vội được. Hiện tại cháu vẫn đang điều trị thuốc uống 20 ngày/1 đợt trong vòng 3 tháng”, chị Thu chia sẻ thêm.
Kết thúc năm lớp 6, Nguyên đạt học sinh giỏi và xếp thứ 5/44 bạn trong lớp. Sau tai nạn, vừa đi học lại ít hôm nhưng chị Thu có kiểm tra và theo dõi thì nhận thấy các biểu hiện, phản xạ của con trai chậm hơn trước rất nhiều.
Chị và gia đình vẫn đang cố gắng theo dõi sát sao để đảm bảo những điều tốt đẹp nhất cho Nguyên. Dẫu vậy, chị Thu cho biết rằng chị vẫn sẽ tiếp tục duy trì cho các con tập bơi, chứ không phải là bỏ hẳn, chỉ là sẽ theo dõi sát, cẩn thận hơn.
Chia sẻ về tai nạn nghiêm trọng của con trai, chị Thu muốn gửi một lời cảnh tỉnh đến các bố mẹ khác: “Mọi chuyện đều có thể xảy ra với các con. Biết bơi giỏi chưa hẳn đã không bị đuối nước bởi rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào.
Vậy nên các bố mẹ cho con đi bơi dù ở bể bơi hay bất cứ nơi đâu cũng phải theo sát con từng li từng tí, đừng chủ quan nghĩ rằng biết bơi là sẽ không bao giờ bị đuối nước”.