8X ở Kiên Giang “hô biến” vỏ tràm, bẹ chuối, vải jean cũ thành tranh độc lạ, khiến ai cũng trầm trồ.
Vốn là một kỹ sư nông nghiệp, nhưng anh Lê Hoàng Nhân (sinh năm 1982) ở xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang lại đam mê với việc ‘biến’ những thứ tưởng chừng như bỏ đi thành những bức tranh vô cùng đẹp mắt.
Từ vỏ tràm ‘biến’ thành tranh độc lạ
Một lần nhìn thấy những bức tranh vỏ tràm thông qua mạng xã hội anh lại nhớ đến tuổi thơ gắn bó với cây tràm. Hồi đó cả xã có 5.000-6.000 ha tràm, đi đâu cũng thấy tràm nên anh Nhân đã nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu của địa phương để thỏa đam mê.
Hình ảnh những bức tranh được anh Nhân làm từ vỏ tràm.
Bắt đầu từ năm 2004, anh Nhân bắt tay vào làm tranh vỏ tràm. Song, cái khó của anh là vừa là người không có chuyên môn về mỹ thuật, lại vừa tiếp cận nguyên liệu là thứ phế phẩm vỏ tràm, màu sắc không nhiều.
Bức tranh đầu tiên anh Nhân phải mất nhiều công sức, vừa làm vừa sửa, lại dán bằng hồ nên chưa được đẹp, độ bền chưa cao. Anh làm chủ yếu để tặng bạn bè, những người thích tranh. Chừng 2 năm sau, anh mới bán được bức tranh vỏ tràm đầu tiên với giá 350.000 đồng.
Đến năm 2010, khi anh tự chế được loại keo đặc biệt để dán tranh thì những bức tranh vỏ tràm này mới thực sự bền chắc. Loại keo này chống thấm nước nên khi bức tranh hoàn chỉnh có thể lấy bàn chải cọ rửa thoải mái nước cũng không ngấm vào tranh được. Độ bền của tranh vỏ tràm có thể lên đến 20 năm, không bị ẩm mốc.
Anh Nhân gửi tranh đi tham dự các làng nghề, hội chợ, triển lãm... Nhờ đó, tranh vỏ tràm của anh được nhiều người biết đến, bán khá chạy, mỗi tháng bán không dưới 100 bức tranh.
Đến nay, đã có trên 1.500 bức tranh vỏ tràm được bán cho khách hàng khắp mọi nơi. Mỗi bức tranh có giá từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng, tùy kích thước, độ khó từng bức tranh.
“Ngoài khâu sưu tập nguyên liệu, mỗi bức tranh vỏ tràm cần phải trải qua các bước như vẽ phác thảo mẫu tranh, dán các chi tiết lên bức tranh, định hình lại các vị trí của bức tranh, lấy nét cho đẹp hơn nữa và đóng khung tranh.
Quan trọng trong quá trình xé dán cần định hướng sẵn trong đầu phải dán miếng nào trước, miếng nào sau để thành bức tranh hoàn thiện luôn, không phải chỉnh sửa lại”, anh Nhân cho hay.
Chủ đề chính trong các bức tranh vỏ tràm của anh chủ yếu là tranh phong cảnh về quê hương, tĩnh vật, con vật... Thông qua những bức tranh, anh muốn khắc họa cảnh vật quê hương như gửi gắm tình yêu của mình vào những dòng sông, những tán dừa nước với cây cầu tre thơ mộng.
Anh Nhân cho biết, hiện tranh vỏ tràm đã có mặt ở nhiều nước như Nga, Nhật, Ấn Độ... thông qua khách hàng mua tặng quà cho các đoàn ngoại giao, khách mua tặng cho người thân ở nước ngoài.
Không ngừng sáng tạo, anh Nhân còn làm tranh vẽ chân dung bằng bút lửa trên nền vỏ tràm.
Đặc biệt, năm 2018, anh Nhân có thêm dòng tranh mới là tranh vẽ chân dung bằng bút lửa trên nền vỏ tràm. Tức là sử dụng cây mỏ hàn dùng trong sửa chữa điện tử để đốt, tạo nhiệt, tạo đường nét làm thành những bức tranh chân dung trên vỏ tràm.
“Ở An Giang có loại tranh lá thốt lốt và cũng sử dụng nhiệt tác động lên lá thốt nốt để tạo hình ảnh thành bức tranh, tôi nhận thấy lá thốt lốt và vỏ tràm cũng tương tự nhau nên tôi tự mày mò, làm theo và đến nay việc tạo hình ảnh trên vỏ tràm rất tốt.
Khách hàng gửi hình mẫu bất kỳ nào, tôi cũng sẽ ‘biến’ thành những bức tranh với chất liệu bằng vỏ tràm sống động”, anh Nhân nói.
... 'biến' bẹ chuối khô thành bức tranh có hồn
Chưa muốn dừng lại sự sáng tạo với các bức tranh, quan sát xung quanh mình thấy cây chuối được trồng khắp nơi, anh Nhân lại mày mò từ những bẹ chuối khô để tạo ra những bức tranh phong cảnh lạ mắt vào năm 2019.
Đây là một trong hơn 70 bức tranh làm bằng bẹ chuối khô được anh Nhân giới thiệu.
Theo anh Nhân, kỹ thuật làm tranh bằng bẹ chuối khô cũng giống như làm tranh vỏ tràm, chỉ là khác nhau ở nguyên liệu.
“Khác với vỏ tràm là phải đem về phơi khô rồi mới làm, còn với bẹ chuối thì phải sử dụng các bẹ chuối đã khô sẵn trên cây mới mang về sử dụng. Làm tranh bẹ chuối khó hơn tranh vỏ tràm bởi bẹ chuối ít màu, bẹ chuối chắc nên xé khá mỏi tay.
Mất nhiều thời gian, công sức hơn để tạo ra bức tranh hoàn chỉnh. Cũng chính vì thế, tuổi thọ tranh làm bằng bẹ chuối bền hơn tranh làm bằng vỏ tràm”, anh Nhân cho hay.
Cho đến nay, anh Nhân đã bán được trên 70 bức tranh bẹ chuối, trong đó có một khách hàng đặt mua đến 55 bức tranh bán cho một khách ở Hà Nội để chuyển đi nước ngoài.
Cũng là nguyên liệu từ tự nhiên nên chủ đề các bức tranh anh Nhân tạo ra cũng hướng chủ yếu đến phong cảnh làng quê, công trình kiến trúc đơn giản. Giá thành tranh làm bằng bẹ chuối được bán tương đương như giá tranh vỏ tràm.
Chàng trai 8X ở Kiên Giang tự hào là người đầu tiên có thể làm tranh bằng vải jean cũ.
Sang đầu năm 2020, anh Nhân tiếp tục sáng tạo những bức tranh bằng vải jean cũ khiến ai xem cũng ngỡ ngàng. Anh cho biết, vải jean có nhiều màu nên có thể chủ động lựa chọn màu sắc để tạo bố cục cho bức tranh. Hiện anh mới làm được khoảng chục bức tranh bằng vải jean cũ và đã bán được 4 bức tranh.
Chia sẻ thêm về kế hoạch sắp tới, anh Nhân nói sẽ tiếp tục nghiên cứu những vật liệu phế phẩm để mỗi năm sẽ cho ra đời một loại tranh mới. Chẳng hạn như lá cây khô, rơm rạ hay những loại cây gắn bó với đời sống hàng ngày như cây sậy, cây bồn bồn, cây năng…
Mục đích ‘biến’ tất cả những thứ đó thành sản phẩm có giá trị mỹ thuật, anh Nhân mong muốn mọi người có thể nhận thức được giá trị của các loại phế phẩm, cây cỏ trong đời sống.
Vốn có tình cảm đặc biệt với cây tràm, anh Nhân còn đang ấp ủ một ý tưởng kết hợp tranh với các loại hình du lịch. Trong tương lai, anh muốn tạo những tour du lịch cho khách tham quan rừng tràm để vừa có thể tham gia các trò bắt cá, coi gác kèo ong... vừa có thể tham gia hoạt động trải nghiệm, du khách sẽ được tự tay làm những bức tranh bằng vỏ tràm.