Các nhà khoa học vừa nghiên cứu thành công một phương pháp lọc nước hoàn toàn mới. Họ sử dụng các robot tí hon với số lượng hàng nghìn con. Chúng có kích thước rất nhỏ, nhỏ hơn một sợi tóc và có thể hấp thụ kim loại độc hại trong nước.
Trong thí nghiệm, những con robot tí hon này có thể loại bỏ 95% kim loại chì trong nước bị ô nhiễm chỉ trong một giờ. Ngoài ra, chúng còn có thể được tái sử dụng nhằm tiết kiệm chi phí.
Mô hình robot tí hon bơi trong nước.
Diana Vilela và Samuel Sanchez tại viện Max-Planck của Đức là những người đứng sau phương pháp độc đáo này.
Họ cho biết đây sẽ là bước đột phá trong cách thức loại bỏ chất độc hại mà không phải bổ sung hóa chất vào nguồn nước.
Trong những vùng sản xuất công nghiệp, ô nhiễm kim loại nặng là vấn đề khá nghiêm trọng. Việc loại bỏ những kim loại nặng như chì, asen, thủy ngân, cadmi và crom ra khỏi nước nguồn nước giúp duy trì nguồn lợi sinh vật và bảo vệ môi trường.
Nguồn nước ô nhiễm do các nhà máy công nghiệp.
Những robot tí hon này được thiết kế với ba lớp và có hình trụ tròn. Lớp ngoài cùng làm bằng oxit graphen (gốc cacbon) có nhiệm vụ hấp thụ chì.
Lớp ở giữa làm bằng niken giúp robot điều khiển được bằng từ trường. Lớp trong cùng bằng bạch kim hỗ trợ robot di chuyển khi chất xúc tác được thả vào nước.
Khi quá trình hấp thu chất độc hoàn tất, chúng sẽ được thu gom về bằng từ trường. Tất cả robot được xử lý bằng axit giúp loại bỏ oxit kim loại nặng. Robot và chất thải thu được sẽ được xử lý lần hai nhằm tái sử dụng.
Trong tương lai, các nhà khoa học hy vọng có thể điều khiển robot một cách tự động và hoạt động cho nhiều nhiệm vụ khác nhau.