50 - 60 năm nữa mới khôi phục được...
Trao đổi với chúng tôi, GS Đinh Văn Ưu, Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng, trong sự cố môi trường do Formosa gây ra vừa qua, cá chết đã đành nhưng nghiêm trọng hơn là các rạn san hô cũng chết theo.
"Mất rạn san hô, những loài sinh vật biển muốn sống cũng không có chỗ để mà sống. Bởi đối với hệ sinh thái biển thì các vùng rạn đá, san hô là nơi có chức năng tái tạo hệ sinh thái biển.
Các loài cá, cua, ốc… khi sinh sản tìm về các rạn đá, san hô vì vừa có nguồn thức ăn lại có nơi trú ẩn.
Khi rạn san hô ở vùng biển miền Trung do ảnh hưởng của các chất độc mà Formosa thải ra gây chết thì các loài tôm, cá, cua, ốc không còn nơi sinh sản đồng nghĩa với việc các loài hải sản sẽ không còn sinh sống ở đây. Từ đó dẫn đến hệ sinh thái bị mất đi", GS Ưu nói.
Còn trao đổi với chúng tôi, TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tìm nguyên nhân cá chết cho hay, qua kết quả khảo sát của các nhà khoa học thì đã có 50% diện tích san hô khu vực biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bị phá hủy.
Theo tính toán, đánh giá của các chuyên gia của Viện, tổng số diện tích san hô của 4 tỉnh miền Trung là vào khoảng 800ha, việc mất đi 50% có nghĩa, 400 ha san hô đã bị phá hủy.
"Theo tôi, phải mất hoảng 50 năm, các rạn san hô mới có thể phục hồi, vì đây là loài phát triển rất chậm, mỗi năm chỉ lớn lên 1-2 cm.
Các nhà khoa học tính toán, trong điều kiện phát triển bình thường, phải mất khoảng 50 năm, các rạn san hô, bãi san hô mới có thể phát triển được bằng thời điểm trước khi sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra", TS Lợi nói.
Ảnh: Tiền phong
GS Ưu cũng cho rằng, với hệ sinh thái bị mất đi như vậy thì sẽ phải mất một thời gian rất lâu, từ 50 - 60 năm, thậm chí có thể hơn mới có thể phục hồi được.
"Bởi thực tế, rạn san hô được hình thành rất chậm, có loài đến cả chục năm mới mọc ra được vài phân. Ở đây, chất độc do Formosa thải ra đã làm phá hủy rạn san hô rất rộng lớn, lên tới vài trăm ha nên như một số nhà khoa học đã nói thì phải mất 50 - 60 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới có thể phục hồi được.
Nhưng việc có thể trở lại được như cũ hay không thì còn nhiều vấn đề khác nữa cần phải bàn", GS Ưu nêu.
Đồng quan điểm đó, PGS. TS Trần Hồng Côn cũng nhấn mạnh, sẽ phải mất thời gian rất lâu thì mới có thể khôi phục lại được rạn san hô đã mất đi ở các tỉnh miền Trung.
PGS.TS Trần Hồng Côn.
"Thực tế, mức độ phá hủy là rất lớn và muốn biết được thời gian bao lâu để có thể khôi phục lại được hệ sinh thái biển ở các tỉnh miền Trung thì theo tôi cần phải có những đánh giá, nghiên cứu, khảo sát khoa học rất kỹ lưỡng.
Thêm vào đó một điều chắc chắn là dù chúng ta có dùng các biện pháp để khôi phục thì hệ sinh thái mới sẽ không thể nào trở lại như cũ, bởi, sẽ có những loài không thể phục hồi được.
Bên cạnh đó, kinh phí để thực hiện việc này sẽ rất lớn và chắc chắn, thủ phạm gây ra sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này", PGS Côn nhấn mạnh.
Giải pháp nào cho việc khôi phục?
Một vấn đề cũng được GS Ưu đặt ra, đó là, chất hỗn tạp giữa sắt và phenol, xyanua... làm chết cá do Formosa thải ra thông thường có thể tồn tại trong nhiều loại sinh vật biển khác nhau từ san hô cho đến các loại hai mảnh vỏ dưới đáy biển như sò, ốc...
"Nếu không tiêu hủy được các chất độc này đi thì chẳng may con người ăn phải những con hải sản này thì nguy cơ nhiễm độc, ảnh hưởng đến sức khỏe rất cao", GS Ưu nói thêm.
Để khôi phục rạn san hô ở biển miền Trung, theo GS Ưu, trước hết cần xử lý triệt để ô nhiễm biển, xử lý dưới đáy biển.
"Việc xử lý dưới đáy biển này không hề dễ, chất ô nhiễm sẽ nằm trong hang hốc san hô rất nhiều và sẽ rất tốn kém, mất thời gian. Thứ hai là phục hồi rạn san hô, việc này cũng sẽ cần phải có thời gian", GS Ưu chỉ rõ.
Vị GS này cũng nêu rõ, việc quan trọng hơn là cần lập một hệ thống giám sát kèm theo các công cụ tính toán, dự báo, cảnh báo khu vực ô nhiễm đến đâu, tồn tại bao nhiêu lâu.
"Ở đây, chưa thể nói là các chất độc do Formosa thải ra đã hết được, bởi có thể nó còn nằm ở tầng đáy và không di chuyển nhưng nếu chẳng may có cơn bão lớn hay gì đó, tác động đến tận đáy thì có thể khiến các chất độc này bị khuấy lên, gây ra tai họa.
Do đó, cần nghiên cứu kỹ hơn và đưa ra hệ thống cảnh báo bằng thiết bị chuyên dụng, hiện đại hơn", GS Ưu chia sẻ.
Còn theo TS Lợi, trong trường hợp các chất xyanua, phenol do Formosa thải ra ở vùng đáy biển không phân hủy hết, một giải pháp có thể được cân nhắc là hút trầm tích đáy biển. Với phương pháp này, sẽ phải huy động các tàu hút xuống biển.
Với dải biển dài 209 km, dự kiến hàng nghìn tấn trầm tích sẽ được hút lên. Sau đó phải tiến hành các công đoạn xử lý, chôn lấp an toàn.
"Phương pháp này từng được sử dụng trong quá trình làm sạch vịnh Minamata ở Nhật Bản, nơi xảy ra thảm họa môi trường Minamata và thu được hiệu quả tốt", ông Lợi cho biết thêm.