Nếu ở lại với Mai cho đến đoạn credit hiện lên, khán giả sẽ thấy cái tên Bình Bồng Bột xuất hiện với tư cách biên kịch, xếp ngay dưới đạo diễn Trấn Thành. Đây là dự án anh viết 34 lần, mất 3 năm để hoàn thiện. Dù vậy, Bình Bồng Bột luôn nghĩ bản thân đơn thuần chỉ là người được Trấn Thành chọn để chấp bút cho kịch bản ấy. Nhân dịp phim ra mắt, biên kịch có nhiều chia sẻ với chúng tôi về quá trình làm phim cũng như quan điểm về sự nghiệp viết lách.
Anh từng tiết lộ viết kịch bản Tiệc Trăng Máu trong một tuần, sao lần này lại mất tới gần ba năm cho kịch bản phim Mai?
"Tiệc trăng máu" là một kịch bản remake từ Perfetti Sconosciuti. Tác phẩm gốc của Italia giữ kỷ lục Guinness cho bộ phim được làm lại nhiều nhất lịch sử điện ảnh. Sau khi lần lượt tham khảo bản gốc và các bản remake của Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp… tôi nhận thấy đa số đều giữ nguyên cấu trúc vốn gần như hoàn hảo của phim gốc, chỉ áp văn hóa của từng quốc gia vào.
Vốn là một dịch giả, lại có thâm niên sử dụng ngôn ngữ bản địa để… biên tút câu like, tôi không gặp khó khăn nào trong việc chuyển thể. Chính anh Nguyễn Quang Dũng (đạo diễn Tiệc Trăng Máu) từng nói là khi nhận dự án này, nhắm mắt lại cũng thấy tôi sẽ là biên kịch cho nó.
Còn Mai là một kịch bản nguyên gốc, và là một câu chuyện rất khó kể. Trấn Thành cũng… nhắm mắt mà chọn tôi thôi. Đây là một canh bạc thật sự vì trước đó Thành chưa từng đọc bất kỳ kịch bản nào tôi viết. Khi làm Bố già, anh Diệp Thế Vinh (đạo diễn hình ảnh) đã gợi ý tên tôi cho vị trí biên kịch nhưng lúc ấy duyên chưa tới. Sau khi "Bố già" thành công vang dội, Thành lại hỏi anh Vinh ai sẽ là biên kịch cho Mai, anh Diệp Thế Vinh lại… nhiệt liệt bán tôi tiếp.
Thế là Thành gọi điện cho tôi. Tôi vẫn nhớ lúc ấy đang đi qua cầu Băng Ky ở gần nhà, tôi gần như không thể tin người gọi cho tôi là người giữ kỷ lục phòng vé Việt Nam qua mọi thời đại. Anh nói: "Bình ơi, Trấn Thành đây. Không biết Bình rảnh không? Có chuyện này muốn rủ rê Bình". Lúc đó tôi cũng muốn giả vờ bận để nâng giá mình lên lắm (cười), nhưng tôi chỉ có thể nói ngay ừa, gặp nhau thôi. Hôm ấy là một ngày hè năm 2021.
Trấn Thành từng nói sẵn sàng trả hai tỷ cho một kịch bản. Đây phải chăng là nhuận bút của anh trong lần hợp tác này?
Lúc Thành nói câu này trên truyền hình thì tôi đã ký hợp đồng mất rồi, tiếc ghê (cười). Nhưng câu nói ấy viral lắm, thành ra trong giới đồn là Bình viết kịch bản giá cao lắm. Kết quả là từ sau đó số lời mời tôi viết kịch bản ít hẳn đi. Nếu nói tôi nghèo đi vì Thành thì cũng không ngoa, haha.
Sao anh không cải chính?
Vì Thành nói đúng, sao lại cải chính? Chúng ta đang sống trong một thời đại mà những câu nói rất hay bị cắt khỏi văn cảnh, nhất là khi nó xuất phát từ những người nổi tiếng như Thành. Hôm ấy Thành nói sẵn sàng trả 2 tỷ, miễn là biên kịch ấy phải giỏi và kịch bản phải xuất sắc. Và tôi tin không chỉ riêng Thành, các nhà làm phim Việt Nam sẵn sàng trả con số ấy nếu họ nhận được một kịch bản xuất sắc.
Vậy Mai có phải là một kịch bản xuất sắc của anh?
Mai không phải là kịch bản của tôi. Mai là kịch bản của Thành, tôi chỉ là người được Thành chọn để chấp bút cho kịch bản ấy. Nói cho đúng là thế này: từ một ý tưởng ban đầu, Mai đã lần lượt được thêm da đắp thịt bởi rất nhiều bộ não sáng tạo khác. Đây là kịch bản của cả ê kíp, và tôi biết ơn vì tất cả đã có những góp ý rất hay, khiến cho công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Dễ dàng mà tốn gần ba năm? Công chúng sẽ rất tò mò là anh đã phải sửa bao nhiêu lần mới ra được kịch bản đi quay?
Sáng tạo là một lao động đặc thù, không thể lấy thời gian mà đong đếm. Trên thế giới, có những kịch bản phải trải qua cả chục năm phát triển rồi mới bấm máy được. Hạnh phúc nhất của một biên kịch theo tôi không nằm ở việc anh ta tốn bao lâu để sửa tác phẩm, bán được bao nhiêu mà nó có đến được với công chúng hay không. Và một yếu tố nữa: anh ta có vui khi làm việc không? Tôi đã hạnh phúc trong suốt thời gian làm việc.
Có những lúc bốn giờ sáng, Thành gọi điện và nói ông Bình ơi tui vừa nảy ra cái ý này hay lắm, thế là tôi ngồi bật dậy, dựng cái laptop lên, canh lại đường dây và hai anh em cùng nhau "rang tôm" (brainstorm, thuật ngữ chỉ việc thảo luận sáng tạo). Thành làm việc rất ngẫu hứng, có thể họp tám tiếng đồng hồ không biết mệt. Nhưng anh cũng là người "buông bỏ" rất nhanh. Hôm trước tôi viết ra một bản đầy cảm xúc và đọc thấy rất ưng ý, ngay hôm sau anh nói thôi giờ mình làm lại từ đầu. Lần cuối cùng gửi kịch bản, tôi nhớ nó là bản thứ 34!
Một kịch bản viết ba mươi bốn lần, vậy mà anh không quạo, anh cũng giỏi "buông bỏ" đó chứ.
Chúng tôi gặp nhau ở một điểm: nếu sự thay đổi làm kịch bản hay hơn thì nhất quyết không bám chấp cái cũ. Kịch bản này đã từng có bốn cái tên khác nhau, có hơn mười đường dây khác nhau. Các nhân vật trong phim trừ hai vai chính đều thay đổi.
Nhà sản xuất cũng thấy tội tôi, lúc nào cũng nói thôi Bình ráng lên, có người đùa hay mình đổi tên phim thành "Hôm Nay" đi chứ phim "Mai" coi bộ lâu quá. Nhưng tôi chưa từng than phiền về việc mình mất quá nhiều thời gian. Tôi trân quý từng cuộc họp trong hàng trăm cuộc họp từ khi khởi đầu dự án, xuyên qua mấy đợt giãn cách vì dịch. Thành phải tạm nghỉ để quay Nhà Bà Nữ rồi sau đó quay lại làm Mai. Và khi anh quay lại, những người cùng anh sáng tạo phim Mai vẫn ở đó. Chúng tôi đã thực sự yêu dự án này.
Trước khi khai tử Facebook Bình Bồng Bột, anh nói Mai sẽ là dự án cuối cùng anh làm biên kịch?
Tôi nói Mai là phim cuối cùng Bình Bột Bột đứng ở vị trí biên kịch. Sau này viết kịch bản, tôi sẽ dùng tên thật của mình.
Vì sao anh lại khai tử một cái tên là giúp anh có được độ nhận diện cao, khai tử luôn một hot Facebooker được nhiều bạn đọc quan tâm? Có người nói quyết định xóa Facebook, rút khỏi các dự án mới là quyết định bồng bột nhất của anh.
Tôi không rút khỏi các dự án đã tham gia. Chính việc muốn tiếp tục làm các dự án giải trí, văn hóa mà tôi phải xóa đi cái bút danh mà tôi rất yêu đó. Vì khi nhìn vào bản giới thiệu các dự án, tôi thấy chữ "bồng bột" không còn phù hợp khi đứng cạnh những vị đáng kính như tiến sĩ hay nghệ sĩ nhân dân.
Tôi muốn bày tỏ sự "nghiêm túc" trong mọi thứ mình làm. Và tôi cũng muốn tự ám thị mình, rằng từ nay mình phải thận trọng trong mọi phát ngôn. Thú thật là sau khi thấy tên mình trên báo, tôi mới phát hiện ra mình cũng là người có chút ảnh hưởng. Và một lần nữa, tôi mong mọi người bỏ qua cho những sai lầm trong phát ngôn của tôi.
Vậy những dự án tiếp theo, sau Mai, của anh là gì?
Tôi đang viết một kịch bản với anh Charlie Nguyễn. Kịch bản này thậm chí còn… lâu hơn cả Mai. Nó được chấp bút bởi bốn biên kịch của Hàn Quốc, vài biên kịch của Việt Nam trước khi đến tay tôi. Hiện nó ở draft… 18, và chưa biết sẽ về đích khi nào. Nhưng tôi biết ngày nó tới được với công chúng, tôi sẽ hạnh phúc hệt như lúc này.
Ngoài kịch bản này, tôi còn có một cuốn sách dịch, một cuốn sách đang viết, tôi còn bạo gan mở một công ty sáng tạo chuyên cung cấp kịch bản để rủ rê các bạn sáng tạo xúm vô "rang tôm" cùng tôi. Mai đã dạy cho tôi một điều: sáng tạo phải có "team" (đội ngũ) thì mới hiệu quả và đi xa được.
Gần ba năm chiến đấu với Mai của Trấn Thành, anh được gì và mất gì?
Tôi mất… nhiều job, vì ai cũng nói Bình giờ làm phim với Trấn Thành rồi nên cao giá lắm, haha. Đùa thôi. Tôi không thấy mình mất gì. Còn cái được thì nhiều quá. Tôi hạnh phúc vì Mai từ trên trang giấy đã hiện lên thật sống động với các diễn viên tài năng và quan trọng hơn là hợp vai. Tôi có được những bài học sáng tạo vô giá từ anh Diệp Thế Vinh, từ Thành và các thành viên trong ê-kíp. Tôi có thêm những người bạn để chơi điện tử cùng là Tuấn Trần và Lương Nghiêm Huy. Cuối cùng, tôi có một sản phẩm tự hào trong hành trang sáng tạo của mình.
Vậy đây có phải là tác phẩm anh tự hào nhất?
Không. Tác phẩm tôi tự hào nhất sẽ luôn là tác phẩm mà tôi đang viết.