Để làm ra một bộ phim không hề dễ dàng. Để làm ra một bộ phim được đồng nghiệp khán giả xem xong và nói "coi được, đàng hoàng" còn khó gấp 1000 lần, nhất là trong bối cảnh làm phim Việt hên xui như mua vé số hiện nay.
Ở thể loại huyền bí tâm linh, có lẽ Người bất tử là phim "xem được" nhất trong vài năm trở lại đây. Nhưng để được khen một câu như thế, những người làm ra nó trải qua nhiều "trần ai khoai củ", như lời biên kịch Kay Nguyễn nói.
31 lần sửa kịch bản, hơn chục lần dựng và cái kết của Cục Điện ảnh
Có lẽ lâu lắm rồi điện ảnh Việt mới có một bộ phim hay như thế về đề tài có yếu tố tâm linh, huyền bí. Nhưng có vẻ cái kết đã làm khá nhiều người hụt hẫng?
Cái kết đó có thể được hiểu rằng tất cả mọi thứ đều xảy ra trong giấc mơ của An. Ngay cả chuyện Hùng lập mưu giết An cũng là giấc mơ và khi tỉnh dậy, An sợ hãi, tìm cho bằng được cái hang đó để đốt trừ hậu họa.
Tôi rất hài lòng với cái kết đó. Trong mọi sự có thể, cả tôi và anh Victor Vũ đều đã cố gắng hết sức. Ngay cả khi tất cả chỉ là giấc mơ thì nó cũng không hụt hẫng vì tất cả đã được cài cắm vào trong nội dung câu chuyện rồi.
Biên kịch Kay Nguyễn
Cái kết đó hoàn toàn là ý tưởng của Kay hay có sự can thiệp của đạo diễn Victor Vũ?
Chính xác là có sự can thiệp của Cục điện ảnh. Tôi và anh Victor Vũ có tới 5, 6 cái kết vì khi làm kịch bản, chúng tôi sửa tới 31 lần trong 3 năm. Hai anh em rất trăn trở và Người bất tử có khá nhiều phiên bản khác nhau.
Thậm chí là cho An đi vòng quanh thế giới, tới tận Bắc Cực, kiểu rất hoành tráng nhưng cuối cùng thì phải lượng lại cho vừa với thực tế.
Riêng về cái kết mà khán giả xem, chúng tôi rất hài lòng với ý của hội đồng thẩm duyệt. Câu chuyện huyền bí nên kết như vậy là hợp lý, bởi các tình tiết trong phim từ đầu cài cắm vào đã là An bị mộng du.
Cái kết đó vẫn nằm trong tính toán của chúng tôi, nên ngay cả khi thay đổi theo hướng này thì đoàn cũng không phải quay thêm bất kỳ phân đoạn nào.
Cái kết đó vẫn có sự duyên dáng của nó. Thậm chí bây giờ, có ai hỏi tôi và anh Victor Vũ kết như thế nào, quả thật là chúng tôi đã quên luôn cái kết mình làm. Vì chúng tôi vui, hài lòng, mãn nguyện với bản cuối này.
"Cô Ba Sài Gòn" ban đầu là kịch bản người khác viết nhưng không đạt. Kay là người được Ngô Thanh Vân mời vào để làm lại kịch bản. Sau vài chục lần chỉnh sửa mới có được hình hài Cô Ba Sài Gòn mà mọi người đã xem. Vậy còn Người bất tử?
Từ khi về nước anh Victor Vũ đã ấp ủ ý tưởng này nhưng mới chỉ viết được 1/3 câu chuyện. Nghĩa là thời điểm chúng tôi gặp nhau năm 2014, anh ấy đã ngâm kịch bản 8 năm rồi. Anh đưa bản thảo bằng tiếng Anh cho tôi đọc. Tôi dịch ra tiếng Việt và đắp tiếp 2/3 câu chuyện còn lại. Tôi ngồi làm việc với anh Victor gần 200 giờ để làm kịch bản trên giấy.
Trên phim trường Người Bất Tử
Đạo diễn Victor Vũ trên phim trường Người Bất Tử
Quá trình đó, tôi được học anh Victor Vũ rất nhiều. Bởi tôi chỉ có kinh nghiệm làm phim ở nước ngoài, với nhiều vị trí khác nhau. Còn anh Victor, cho tới thời điểm tôi hân hạnh được gặp anh 2014 anh đã làm 7 phim rồi.
Anh ấy rất quen và hiểu tình hình sản xuất ở Việt Nam và là đạo diễn hiếm hoi giữ được cái chất của mình nhiều nhất. Việc giữ được chất của mình trong showbiz rất khó vì mình phải nương theo rất nhiều bên: nhà sản xuất, nhà phát hành, diễn viên...
Sâu thẳm bên trong, trong 5 năm, 10 năm nữa, tôi muốn được như anh Victor Vũ. Tôi muốn những phim tiếp theo ra được là vì tôi muốn làm việc đó.
Đã làm nghề, không ai dám cast người quen
Lý do nào các bạn chọn Quách Ngọc Ngoan cho vai nam chính – Người bất tử?
Lý do chọn Quách Ngọc Ngoan chỉ anh Victor Vũ mới trả lời được bởi phim này, tôi chỉ tham gia phần kịch bản. Lúc cast, tôi đang ở Mỹ nên không tham gia nhưng theo tôi biết, anh Victor cast 2, 3 lần.
Thậm chí bạn B Trần, một diễn viên trẻ ở Hà Nội khá nổi tiếng được nhắm cho vai con nuôi ông Hùng – Người bất tử nhưng cuối cùng mất vai vì kịch bản đổi tới 31 lần.
Chủ trương của anh Victor Vũ là cast diễn viên chưa có tên tuổi nhiều hoặc các gương mặt mới. Bởi lẽ, diễn viên quá quen thuộc, khán giả biết trước về đời tư của họ nhiều, vô tình khiến diễn viên bị "mắc kẹt" trong đó. Thay vào đó mình tìm gương mặt mới nhưng diễn suất phải cực hay.
Nam chính Quách Ngọc Ngoan tranh thủ chợp mắt trong lúc đang được hóa trang.
Vậy còn Đinh Ngọc Diệp thì sao. Nhiều người nói, cô ấy có vai trong phim này vì là vợ của đạo diễn?
Tôi nghĩ do anh Quách Ngọc Ngoan diễn quá nổi bật nên làm lu mờ những người kia. Cá nhân tôi thấy Đinh Ngọc Diệp, Jun Vũ diễn hay.
Trong phim này, vai nào cũng cast hết. Đã làm nghề, không ai dám cast người quen. Bộ phim là tên tuổi của mình, bị chỉ trích hay được khen là từ bộ phim. Mà tên là sự nghiệp nên tôi không nghĩ có ai dám đặt cược rủi ro đó đâu, nhất lại là anh Victor Vũ.
Anh Victor không cả nể thân quen mà phá phim của mình. Anh ấy chọn Đinh Ngọc Diệp thì chắc chắn cô ấy phải hợp vai đó.
Làm Người bất tử có gian nan nhiều không?
Lẽ ra, dự định ban đầu là Người bất tử quay trước nhưng sau rất nhiều lần dự án bị trục trặc, hoãn lên hoãn xuống thì lúc quay bị trùng thời gian với Cô Ba Sài Gòn, mà phim đó tôi vừa là biên kịch vừa đồng đạo diễn.
Cô Ba Sài Gòn là phim bánh bèo, toàn phụ nữ, bối cánh dễ thương, câu chuyện vừa tay nên tôi tập trung làm. Còn Người bất tử, tôi tin anh Victor Vũ. Anh ấy là người rất bản lĩnh, thuộc top đạo diễn hiện nay và bản thân câu chuyện cũng nam tính.
Bối cảnh quay chủ yếu phải chèo đèo lội suối rất nhiều, tôi không theo được. Tôi nghe diễn viên đi phim về nói, ngâm nước lâu hỏng cả móng chân. Thanh Tú tắm xong, tóc ướt mà ra ngoài trời, chỉ 1 phút sau, tóc cứng ngắc lại.
Tuy lúc quay, tôi không ra hiện trường nhưng khi dựng thì tôi tới suốt với hơn chục lần chỉnh sửa. Một bộ phim sẽ chưa hoàn chỉnh cho tới bản dựng cuối cùng bởi việc dựng, chỉnh sửa có thể đổi toàn bộ câu chuyện.
Chèo đèo lội suối cũng không ngại ngần
Diễn viên lội nước nhiều tới hỏng cả móng chân.
Anh Victor kỹ nên những ngày cuối, chuẩn bị khóa hình ảnh tôi ngồi với anh Victor suốt cùng vài người bên nhà sản xuất, nhà phát hành để chắc chắn là mọi thứ tốt nhất có thể.
Nói chung, phim này làm trần ai khoai củ lắm. Từ chuyện lo thị trường Việt Nam chưa sẵn sàng đón nhận, kinh phí có thỏa mãn tầm nhìn kịch bản hay không. 3 năm viết kịch bản, 2 năm làm từ tiền kỳ tới hậu kỳ, cực vô cùng nhưng chỉ cần nghe lời khen của khán giả là chúng tôi quá sung sướng rồi.
Cảm ơn Kay Nguyễn đã chia sẻ!