LTS: Ông Peter Dunai - nhà báo của tờ Népszabadság (Tự do Nhân dân) và Hãng Thông tấn Hungary MTI tại Hà Nội - là một trong số ít các ký giả nước ngoài chứng kiến và đưa tin về giai đoạn ngay sau sự kiện tháng 2/1979. Ông đã dành cho chúng tôi bài viết cùng một số hình ảnh do ông ghi lại trong giai đoạn lịch sử này dưới góc nhìn của một ký giả.
---
Vào ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã phát động cuộc tấn công Việt Nam. Những người lính Việt Nam, những chiến binh thiện chiến, chỉ bằng khoảng 1/3 lực lượng Trung Quốc. Nhưng bộ đội Việt Nam được trang bị bằng những hệ thống vũ khí mà quân đội Mỹ và miền Nam Việt Nam bỏ lại khi miền Bắc chiến thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Các phương tiện truyền thông sau đó rất ít đề cập đến cuộc chiến kéo dài từ 17/2 đến 16/3/1979. Vào thời điểm đó, các phóng viên nước ngoài tại Hà Nội không có được thông tin chính xác từ nguồn khả tín hoặc chỉ có được thông tin hạn chế về những thiệt hại của cuộc chiến tranh.
Theo đa số các nhà phân tích quân sự phương Tây, quân đội Việt Nam được trang bị tốt hơn quân đội Trung Quốc khi đó. Điều này được minh chứng bằng thực tế rằng những kẻ tấn công từ phía Bắc không thể tiến xa hơn biên giới Việt Nam - Trung Quốc tối đa 35 đến 40 km.
Vào thời điểm tấn công Việt Nam, Trung Quốc không có kinh nghiệm thực chiến, khi cuộc giao tranh lớn gần nhất mà quân đội nước này tham dự là vào đầu những năm 1950 khi khoảng nửa triệu binh lính Chí nguyện quân Trung Quốc đứng về phe Bình Nhưỡng chiến đấu trong chiến tranh Triều Tiên.
"Các đồng chí đã trở về quê hương"
Quay lại sự kiện kéo dài từ tháng 2 - 3 năm 1979, các nguồn tin phương Tây, như Gerald Chan (Nhà xuất bản Đại học Oxford 1989) và Tạp chí Luật Quân sự Mỹ, Tập 119-122, cho biết công tác trao đổi tù binh (POW) giữa hai bên diễn ra vào khoảng từ tháng 5 - 6 năm 1979.
Vạch vôi trắng tượng trưng cho đường biên giới trong cuộc trao trả tù binh sau chiến tranh biên giới. Ảnh: Peter Dunai
Theo kinh nghiệm cá nhân đã quan sát khá nhiều cuộc trao đổi tù binh chiến tranh ở biên giới Việt Nam với tư cách là phóng viên, tôi có thể nói rằng ngay cả trong những năm 1982 - 1983, cũng có những cuộc trao trả tù binh. Một số trong số họ là gián điệp Trung Quốc đã xâm nhập vào Việt Nam sau ngày 16/3/1979.
Việc trao đổi tù binh diễn ra theo một nghi thức nghiêm ngặt. Một vạch vôi trắng được vẽ ra, tượng trưng cho đường biên. Cánh phóng viên được nhắc nhở bằng mọi giá đừng có bước lên đường biên, vì sẽ có cớ để bên kia coi như một sự khiêu khích.
Các tù binh được mặc đồng phục sạch sẽ, mỗi người cầm một túi nhỏ, trong đó là các món quà. Nhiều tù binh Trung Quốc, khi vừa bước qua biên giới, ngay lập tức vứt chiếc túi này đi. Hai y tá mặc áo choàng trắng tiến đến gần, ôm lấy, dìu tù binh đi như thể những người này bị ốm nặng - mặc dù thực tế là họ hoàn toàn khỏe mạnh, được ăn uống đầy đủ, điều mà không phải mọi người Việt Nam đều có được trong quãng thời gian khó khăn ấy.
Rồi sau đó đến lượt phía Trung Quốc trao trả những người Việt Nam mà họ bắt. Những người Việt Nam cũng mặc đồng phục sạch sẽ, nhưng cách cư xử của họ khác hẳn tù binh Trung Quốc. Ở phía Việt Nam, một sĩ quan trong Ủy ban đón tiếp ôm chầm lấy từng người, nói: "Các đồng chí đã trở về quê hương", rồi những người này lặng lẽ lùi ra sau để nhường chỗ cho người khác.
Trung Quốc không đạt được mục tiêu
Chiến tranh biên giới kết thúc vào ngày 16/3/1979, với thời gian cao điểm kéo dài một tháng, nhưng sau đó là một thập kỷ phía Trung Quốc xâm lấn liên tục vào biên giới Việt - Trung. Một thời gian dài các cuộc xung đột cường độ thấp (LIC) vẫn xảy ra. Phía Trung Quốc, phát động cuộc chiến vào ngày 17/2/1979, đã không đạt được mục tiêu của mình, mặc dù đã gây ra thiệt hại lớn cho miền Bắc Việt Nam.
Cửa khẩu Hữu Nghị, chỉ cách Đồng Đăng 5km về phía bắc, có lẽ là nơi nổi tiếng nhất ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Khi tôi ở đó, vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều đoạn Quốc lộ 1A gần biên giới, theo như tôi nhớ, phải phong tỏa do mìn còn sót lại sau chiến tranh, khiến con đường trở nên nguy hiểm. Vì vậy, chúng tôi đi bộ hàng km đến biên giới Việt-Trung, đến nơi trao trả tù binh (POW) trên một con đường nhỏ hơn về phía tây bắc.
Vào đầu những năm 1980, các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn ở biên giới. Tại Hà Nội, bộ phận báo chí của Bộ Ngoại giao, cùng với trụ sở quân sự khu vực có liên quan, thường xuyên tổ chức các chuyến đi cho các phóng viên nước ngoài và phóng viên địa phương đến thực địa. (Vào thời điểm đó, chỉ có rất ít phóng viên nước ngoài làm việc tại Hà Nội, chủ yếu đến từ các nước xã hội chủ nghĩa. Một phóng viên phương Tây thường trực duy nhất đến từ hãng tin AFP của Pháp).
Một bệnh viện ở Cao Bằng bị phá hủy vào năm 1982. Ảnh: Peter Dunai
Có chuyến đi, tôi ngủ lại một đồn biên phòng Việt Nam, cố gắng giữ ấm bằng một chiếc chăn cũ trong thời tiết lạnh giá vùng biên giới.
Quân đội Trung Quốc khi rút lui đã cho nổ hết nhà cửa, phá hủy tất cả những gì có thể ích lợi với cư dân: các toa tàu hỏa, đường ray, thiết bị trong nhà máy, đường xá, kênh đào... Không còn đường cho xe đi, chúng tôi xuống xe và tiếp tục đi bộ cho đến biên giới trên những con đường mòn hẹp tới mức chúng tôi phải đi theo hàng một.
Những người đi cùng chỉ cho chúng tôi thấy những miệng hố mới - những miệng hố ám khói xám sâu nửa mét trong lòng đất - do những quả đạn pháo từ phía Trung Quốc, tấn công vào những cánh đồng lúa và vườn cây. Một vài miệng hố vẫn còn bốc khói khi chúng tôi đến. Phía Trung Quốc đã tấn công dữ dội bằng cả súng cối và súng 122mm.
Những người Việt Nam đi cùng tôi cho biết, phía Trung Quốc đã bắn sang những viên đạn súng máy hạng nặng 12,7mm do Liên Xô sản xuất, được biết đến với tên gọi là Dushkas. Một mục tiêu của hỏa lực từ phía Bắc là phá hủy ruộng vườn của nông dân Việt Nam ở khu vực biên giới.
Từ năm 1981 - 1984, tôi làm cho tờ "Tự do Nhân dân" (Népszabadság) và Hãng Thông tấn Hungary MTI tại Hà Nội. Tôi thường xuyên di chuyển trên Quốc lộ 1A, chủ yếu từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn). Vào lúc đó, vẫn chưa có các chuyến bay thường xuyên, vì thế tôi thường lái chiếc xe Zhiguli của Liên Xô 1200 phân khối đã cũ để đi lại giữa Hà Nội và Sài Gòn. Có lẽ tôi là phóng viên Hungary đã di chuyển ở Việt Nam nhiều nhất bằng xe hơi. Vì lý do này, năm 1985, tôi đã đặt tên cuốn sách của mình là "Hành trình 1.500km của tôi ở Việt Nam".
Tôi còn nhớ, đầu những năm 80 thế kỷ trước, sau chiến thắng trước người Mỹ và cuộc chiến tranh vệ quốc trước quân đội Trung Quốc năm 1979, Việt Nam vô cùng khó khăn. Nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu lương thực. Năng lượng cũng thiếu. Câu tiếng Việt đầu tiên mà tôi được học là "Không có điện". Bởi lẽ đây cũng là câu tôi nghe được nhiều nhất từ Khiêm, người phiên dịch và cũng là một người bạn Việt Nam của tôi.
Người Việt Nam xứng đáng được hưởng hòa bình. Tôi đã dõi theo sự phát triển của Việt Nam và rất vui khi chứng kiến những tiến bộ mà các bạn đạt được. Đất nước của các bạn đã phát triển với tốc độ ánh sáng.
Tôi sẽ không bao giờ quên 4 năm làm việc ở Việt Nam. Mặc dù sau Hà Nội, tôi là phóng viên thường trú ở nhiều thành phố lớn khác trên thế giới như Moscow (Nga), Bắc Kinh (Trung Quốc), Berlin (Đức), Mỹ, Trung Đông… Tuy nhiên, Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Việt Nam là nhiệm kỳ thường trú nước ngoài dài hạn đầu tiên của tôi. Việt Nam đã ở trong tim tôi từ lúc đó và sẽ còn ở đó cho đến khi tôi qua đời.