Liên minh châu Âu vừa cam kết hỗ trợ “kiên định” cho chính phủ Ukraine, khi người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell bày tỏ những lo lắng lớn về việc chuyển quân của Nga lên biên giới với Ukraine.
Ông Borrell viết trên mạng sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba: “(Tôi đang) dõi theo với lo ngại nghiêm trọng về hoạt động quân sự của Nga xung quanh Ukraine”.“EU ủng hộ “kiên định” đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”
Ông Borrell nói sẽ tổ chức các cuộc hồi đàm thêm về vấn đề này với nhà ngoại giao hàng đầu của Kiev và các bộ trưởng ngoại giao 27 quốc gia EU tại một cuộc họp vào cuối tháng này, theo Guardian.
Ukraine vừa lên tiếng cáo buộc Nga bố trí hàng ngàn quân nhân ở biên giới phía bắc và phía đông cũng như trên bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ Moscow sáp nhập từ năm 2014.
Điện Kremlin không phủ nhận các hoạt động chuyển quân gần đây nhưng khẳng định rằng Moscow “không đe dọa bất kỳ ai”.
Các tin tức về việc chuyển quân đã xuất hiện trong bối cảnh leo thang của các cuộc đụng độ vũ trang dọc theo chiến tuyến giữa lực lượng Ukraine và lực lượng ly khai mà phương Tây nói được Nga hậu thuẫn.
Theo LHQ, cuộc xung đột âm ỉ ở miền Đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người kể từ năm 2014.
Các nhà lãnh đạo phương Tây trong đó có tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng họ đang đứng về phía Ukraine.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Cơ quan Liên bang Nga phụ trách các vấn đề Cộng đồng các quốc gia độc lập, kiều bào ở nước ngoài và Hợp tác nhân đạo quốc tế (Rossotrudnichestvo).
Kiev cũng trừng phạt Công ty Vận tải hàng không Volga-Dnepr và 77 công ty khác của Nga, theo hãng tin Tass.
Cùng với các công ty của Nga, các lệnh trừng phạt còn nhằm vào một số công ty Ukraine và nước ngoài. Theo Tổng thống Zelensky, lệnh trừng phạt cá nhân cũng được áp dụng đối với mười công dân Ukraine, những người bị nói là “mười kẻ buôn lậu hàng đầu Ukraine”.
Trước đó, Bộ trưởng Văn hóa Ukraine Alexander Tkachenko đã kêu gọi Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia xem xét việc hết hiệu lực của văn phòng hợp tác nhân đạo Nga tại nước này.
Sóng ngầm
"Quân đội Nga hiểu rõ tác hại của bất kỳ hành động nào làm nổ ra một cuộc xung đột nóng bỏng. Tôi rất hy vọng rằng họ sẽ không bị thúc giục bởi các chính trị gia, những người kích động phương Tây, dẫn đầu là Mỹ".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov
Rossotrudnichestvo thành lập văn phòng tại Ukraine từ năm 2007. Cơ quan này hoạt động theo thỏa thuận về các trung tâm văn hóa và thông tin được chính phủ Ukraine và Nga phê duyệt. Theo thỏa thuận này, Trung tâm Văn hóa Quốc gia của Ukraine hoạt động tại Moscow.
Duma Quốc gia (hạ viện) Nga sẽ thảo luận các biện pháp hỗ trợ người Nga sống ở Ukraine với các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga và Rossotrudnichestvo, chủ tịch Duma Vyacheslav Volodin cho biết hôm Chủ nhật.
“Chúng tôi sẽ thảo luận với Bộ Ngoại giao Nga về các biện pháp sẽ được thực hiện trong tình huống này để không khiến đồng bào của chúng ta và những công dân Ukraine muốn duy trì quan hệ với Nga không được hỗ trợ”, ông Volodin viết trên kênh Telegram.
Ông lên án các lệnh trừng phạt của Ukraine như một “ví dụ về việc bất chấp luật pháp quốc tế và lẽ phải”.
“Các lệnh trừng phạt nhằm vào một tổ chức nhà nước - Rossotrudnichestvo, với sứ mệnh phát triển hợp tác nhân đạo quốc tế - là một trường hợp chưa từng có tiền lệ”, ông Volodin viết.
Nga đã điều 4.000 quân tới biên giới Ukraine và cảnh báo rằng một cuộc xung đột ở khu vực Donbass có thể “hủy diệt” nước láng giềng.
Kiev đã đặt các lực lượng của mình trong tình trạng báo động cao với các cuộc tập trận gần Luhansk do quân ly khai kiểm soát và gần Crimea do Nga nắm giữ.
Kiev tuyên bố Nga có 28 tiểu đoàn tác chiến dọc biên giới Nga-Ukraine, ở Donbass, Crimea và dự kiến sẽ sớm bổ sung thêm 25 tiểu đoàn nữa.
Về phía Nga, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc Ukraine và phương Tây kích động “xung đột nóng”.
Ukraine cáo buộc Nga có 32.700 quân ở Crimea và chỉ đạo 28.000 lính ly khai ở miền đông Ukraine.