Biển Đông xuất hiện 2 áp thấp nhiệt đới: Có nguy cơ mạnh thành bão và sáp nhập nhau không?

Trang Ly |

Dự báo, một áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão vào rạng sáng ngày 3/9, theo tin dự báo thời tiết từ Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương.

Biển Đông xuất hiện cùng lúc 2 áp thấp nhiệt đới

Có khả năng mạnh thành bão và sáp nhập nhau không?

Theo tin tức dự báo thời tiết mới nhất của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, tính đến 13 giờ ngày 2/9/2019, biển Đông xuất hiện cùng lúc 2 áp thấp nhiệt đới, trong đó có 1 áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Đối với áp thấp nhiệt đới gần bờ (1), tính đến 13 giờ ngày 2/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đảo Hải Nam, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo:

Trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 1 giờ sáng ngày 3/9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Đến 13 giờ ngày 3/9, vị trí tâm bão cách đất liền các tỉnh từ Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 150km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Đối với áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa biển Đông (2), tính đến 13 giờ 2/9, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo:

Vào 13 giờ ngày 3/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Vào 13 giờ ngày 4/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển phía Đông của đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo đặc biệt:

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có thể sáp nhập với cơn bão ở vùng biển phía Nam của đảo Hải Nam.

Trước đó, hồi đầu tháng 8/2019, khu vực Thái Bình Dương đã từng xuất hiện song bão, gồm siêu bão Lekima và bão Krosa. Trong đó siêu bão Lekima đã 'nuốt chửng' một áp thấp nhiệt đới trên biển Đông để gia tăng sức mạnh(đọc chi tiết).

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, áp thấp nhiệt đới và bão (mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới) có thể sáp nhập nhau để tạo thành cơn bão mạnh. Mọi chi tiết về dự báo thời tiết mới nhất về sự kiện này (có khả năng xảy ra), độc giả thường xuyên theo dõi trên các phương tiện truyền thông để có kế hoạch di chuyển hợp lý.

Mùa bão 2019 tập trung mạnh về Tây Thái Bình Dương

Dự báo của NOAA

Tính cho đến nay, nếu áp thấp nhiệt đới gần bờ có khả năng mạnh lên thành bão vào đêm nay (3/9) và đổ bộ nước ta thì đó sẽ là cơn bão số 6 trong mùa bão 2019 này. Chỉ tính từ cuối tháng 8 đến nay, nước ta đã trải qua liên tiếp 2 cơn bão (Số 4 Podul và số 5 Lingling), gây mưa lớn ở nhiều nơi.

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết: Mùa bão Thái Bình Dương bắt đầu từ ngày 1/6 và kéo dài đến ngày 30/11.

Dưới tác động của hiện tượng El Nino, các cơn bão năm 2019 có xu hướng di chuyển về phía Tây Thái Bình Dương nhiều hơn so với Đông Thái Bình Dương và trung tâm Thái Bình Dương.

Điều này có nghĩa, các quốc gia ở Đông Nam Á, Đông Á, Australia... đều có thể có khả năng chịu nhiều bão hơn so với các khu vực còn lại.

"Đang ở giữa mùa bão, do đó, người dân các nước hãy liên tục cập nhật thông tin dự báo thời tiết, đặc biệt là trong những ngày có bão đi qua để ứng phó kịp thời, an toàn nhất." - Chris Brenchley, Giám đốc NOAA, khuyến cáo.

Sự tàn phá về người và của từ các siêu bão mạnh là nỗi ám ảnh lớn của rất nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc đảo, quốc gia ven biển.

Bài viết sử dụng nguồn: Trung tâm Dự báo KTTV TW, NOAA

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại