Biển Đông: Vì sao Bắc Kinh không dám "học đòi" theo Nga, Iran?

Hải Võ |

Hôm 30/1, tàu khu trục tên lửa USS Curtis Wilbur của Mỹ đã tuần tra ở biển Đông, tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

So với những lần tàu chiến Mỹ tiến hành tuần tra quần đảo Trường Sa trên biển Đông năm 2015, việc quân đội Mỹ tiến vào quần đảo Hoàng Sa khiến Trung Quốc rất tức giận.

Hàng loạt cơ quan truyền thông nước này gọi hành động tuần tra gìn giữ hòa bình và tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế của biển Đông (mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp-PV) là "hành vi leo thang khiêu khích rõ rệt".

Biển Đông: Vì sao Bắc Kinh không dám học đòi theo Nga, Iran? - Ảnh 2.

Bộ quốc phòng Trung Quốc phản ứng "hiếu chiến" hơn so với Bộ ngoại giao về vụ tàu Mỹ vào Hoàng Sa. (Ảnh minh họa: Xinhua)

Dư luận Trung Quốc bất mãn với chính phủ

Trang Sohu (Trung Quốc) bình luận, phản ứng của Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng Trung Quốc trước sự kiện 30/1 "cứng rắn hơn so với các sự kiện tương tự ở quần đảo Trường Sa".

Đồng thời, thái độ của đại diện quân đội Trung Quốc cũng "hiếu chiến hơn so với cơ quan ngoại giao".

Khi tàu USS Lassen của Mỹ tiến vào tuần tra quần đảo Trường Sa ngày 27/10/2015, Bộ quốc phòng Trung Quốc nói rằng hành động của Mỹ "phi pháp" và "kiên quyết phản đối".

Trong khi đó, Sohu nhận xét, phản ứng của Bộ ngoại giao Trung Quốc về sự kiện tháng 10/2015 cũng khác với Bộ quốc phòng nước này.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại cho biết Bắc Kinh "tỏ thái độ kháng nghị mạnh mẽ", còn người phát ngôn Bộ quốc phòng Dương Vũ Quân tuyên bố quân đội Trung Quốc "kiên quyết phản đối và tỏ thái độ kháng nghị với phía Mỹ".

Với sự kiện tàu USS Curtis Wilbur, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân ngày 30 lớn tiếng "thúc giục Mỹ tôn trọng, tuân thủ pháp luật Trung Quốc, làm nhiều việc có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực".

Về phía Lầu Bát Nhất, ông Dương Vũ Quân ngang ngược tuyên bố: "Hành động của Mỹ là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp, phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự ở vùng biển liên quan, gây bất lợi cho hòa bình ổn định khu vực. Bộ quốc phòng Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động này."

Dương Vũ Quân gay gắt chỉ trích chiến hạm Mỹ tiến vào vùng biển và không phận biển Đông: "Phía Mỹ bất chấp sự phản đối của phía Trung Quốc, điều chiến hạm vào vùng biển liên quan của Trung Quốc, gây ra tiếp xúc quân sự ở cự ly gần trên biển và trên không.

Cách làm này rất không chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm đối với an toàn của sĩ quan, binh lính song phương, hậu quả hết sức nguy hiểm."

Trong khi Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết quân đội nước này phản ứng "bằng các biện pháp giám sát, phát loa... theo quy định", Lầu Bát Nhất lại tỏ ra hung hăng.

Bộ này khẳng định: "Binh sĩ giữ đảo (phi pháp) và tàu chiến Trung Quốc ngay lập tức có hành động đối phó, tiến hành nhận biết và xác thực tàu Mỹ, đồn thời cảnh cáo, trục xuất."

Theo Sohu, một lượng lớn dư luận trên các diễn đàn Trung Quốc tỏ thái độ không hài lòng và chỉ trích Bộ ngoại giao nước này "chỉ biết đánh võ mồm" khi tỏ thái độ "chẳng nóng chẳng lạnh".

Lý giải điều này, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Nhạc Ngọc Thành từng nói trước báo chí, không thể đơn giản dùng "cứng rắn" hoặc "mềm mỏng" để xác định vấn đề ngoại giao của Trung Quốc.

Ông Nhạc nói: "Trên trường quốc tế, đặc biệt là ở phương Tây, nhiều người chỉ trích Trung Quốc ngoại giao cứng rắn, không dễ 'nói chuyện' như trong quá khứ.

Nhưng một bộ phận khác lại cho rằng cách làm ngoại giao của chúng ta quá mề yếu, chủ trương đòi 'tuốt gươm', yêu cầu 'dạy dỗ' một số nước..."

"Trong ngoại giao cần tính đến ngắn hạn và dài hạn, cục bộ và tổng thể, lợi ích kinh tế và chính trị, xem xét đầy đủ về lợi ích, hình ảnh và trách nhiệm quốc gia," Nhạc Ngọc Thành giải thích.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam
Lê Hải Bình
Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa. Là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Điều 17). Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Khó chịu khi "nhìn vào Nga, Iran"?

Sohu cho hay, ngay sau sự kiện USS Curtis Wilbur, nhiều ý kiến từ người dùng mạng Trung Quốc đòi hỏi chính phủ và quân đội nước này "không thể chỉ nói miệng mà không động thủ", thậm chí muốn Bắc Kinh "nhìn vào Iran mà học hỏi".

Theo CNN (Mỹ), Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran hôm 12/1 đã tạm giữ 2 tàu tuần tra của Mỹ cùng 10 binh lính với cáo buộc "xâm nhập lãnh hải Iran". Một ngày sau đó, Tehran đã thả toàn bộ lính cùng tàu Mỹ.

Trang Sohu cho rằng, Iran đã rất cẩn trọng khi đưa ra quyết định "tạm giữ" tàu và quân nhân Mỹ chứ không "trục xuất".

Iran có thể tự tin rằng việc Mỹ đi đến thỏa thuận hạt nhân với nước này cho thấy Washington cũng muốn tránh khả năng xung đột quân sự song phương. Hành động của Tehran hôm 12/1 có thể xem là "trong phạm vi an toàn".

Những ý kiến trên các trang mạng Trung Quốc cũng lấy ví dụ trường hợp của Nga hồi tháng 5/2015, khi một chiếc Su-24 của Hạm đội biển Đen tiếp cận tàu khu trục USS Ross mà Nga cáo buộc "có hành động khiêu khích", buộc tàu Mỹ rời khỏi khu vực biển giáp lãnh hải Nga.

Dù vậy, Lầu Năm Góc sau đó tuyên bố, chiến hạm của họ "không có bất kỳ hành vi bất thường nào".

Biển Đông: Vì sao Bắc Kinh không dám học đòi theo Nga, Iran? - Ảnh 3.

Một bộ phận dư luận Trung Quốc "đòi" quân đội học theo Nga, Iran và "cứng" với Mỹ. Hình ảnh vụ Iran tạm giữ 10 quân nhân Mỹ hôm 12/1. Ảnh: AP

Nếu học theo Iran, Trung Quốc sẽ "gặp họa"

Trong khi phản ánh quan điểm từ dư luận, báo chí Trung Quốc đã không hề đả động đến nguyên nhân cốt lõi khiến cho hành động quân sự, nếu quân đội Trung Quốc "học theo Iran" trên biển Đông, sẽ là vi phạm luật pháp quốc tế.

Trên thực tế, những hành động của quân đội Nga hay Iran chỉ được thực hiện với tiền đề "tàu Mỹ tiếp cận hoặc xâm nhập lãnh hải" các nước này.

Trong khi đó, cái mà Trung Quốc gọi là "lãnh hải" hiện nay ở biển Đông cũng như tuyên bố chủ quyền "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh đưa ra đối với vùng biển bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là hoàn toàn vô giá trị, đồng thời không được quốc tế công nhận.

Thậm chí, Bắc Kinh còn đang gặp rắc rối ở Tòa thường trực quốc tế (PCA) trong vụ kiện mà Philippines là nguyên đơn, nhằm bác bỏ tuyên bố "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, chỉ cần các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc nổ súng nhằm vào tàu Mỹ, thì điều này ngay lập tức sẽ cho phép Washington và các đồng minh có đầy đủ lý do pháp lý khởi động hành động quân sự chống lại Bắc Kinh ở cả biển Đông và biển Hoa Đông.

Học giả Trần Hồng Du thuộc Đại học Đạm Giang, Đài Loan hôm 31/1 đánh giá: "Nếu Trung Quốc không thể kiềm chế mà phản ứng quyết liệt (với Mỹ) thì xung đột song phương là không tránh khỏi."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại