Báo Nhật: Tuyên bố của Tập Cận Bình là lời nói dối
Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei, Nhật Bản) ngày 19/2 đưa tin, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Gen Nakatani tuyên bố không thể xem nhẹ "mục đích của Trung Quốc khi bố trí (trái phép) tên lửa ở quần đảo Hoàng Sa nhằm thay đổi cục diện khu vực".
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, chỉ trích hành động của Bắc Kinh trái ngược với cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du Mỹ tháng 9/2015, rằng nước này "tuyệt đối không quân sự hóa biển Đông".
Trong cuộc hội đàm giữa ông Nakatani và ông Harris, song phương đã cùng chỉ trích việc Trung Quốc đưa trái phép các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 lên đảo Phú Lâm của Việt Nam.
Đặc biệt, hai ông nhất trí khẳng định tuyên bố của ông Tập về việc Trung Quốc không có ý đồ xây dựng cứ điểm quân sự trên biển Đông "chỉ là lời nói dối không hơn không kém".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước đó cũng bày tỏ quan ngại về hành động của Bắc Kinh và nói rằng Washington sẽ trực tiếp lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi tương tự.
Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Trung Quốc huênh hoang rằng "việc bố trí trang thiết bị quân sự tương tự đã được tiến hành từ rất lâu", và đổi trắng thay đen khi tuyên bố trắng trợn "việc Bắc Kinh xây dựng cơ sở hạ tầng phòng thủ ở biển Đông là hợp tình, hợp lý và hợp pháp".
Hình ảnh tên lửa HQ-9 của quân đội Trung Quốc được đưa lên bệ phóng di động, chụp tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc tháng 11/2015. Ảnh: CNS
Trung Quốc sẽ tiếp tục "vươn vòi" trong thời gian ngắn
Nikkei bình luận, Trung Quốc đã "nhắm" đúng thời điểm nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ còn không đầy 1 năm, và nước Mỹ đang bận rộn với cuộc đua vào Nhà Trắng, để thực hiện những bước đi hung hăng của mình.
Giới cầm quyền ở Bắc Kinh nhận định nước Mỹ trong thời gian này "sẽ không tiến hành những hành động quân sự quyết liệt".
Do đó, quân đội Trung Quốc sẽ "vươn vòi" không chỉ ở biển Đông, mà còn trên biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương.
Cũng theo Nikkei, Hải quân Mỹ đang thảo luận về "hiện trạng nguy cơ" ở châu Á-Thái Bình Dương, và sẽ điều động lực lượng tàu sân bay mạnh nhất.
Hai tàu sân bay tấn công được Mỹ bố trí ở Đông Á, gồm USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan, sẽ được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Song song với việc Mỹ và Trung Quốc chạy đua leo thang sức mạnh quân sự mà không có dấu hiệu "hạ nhiệt", nguy cơ bùng phát xung đột quân sự giữa hai nước cũng bước vào giai đoạn "đếm ngược", tờ báo Nhật Bản đánh giá.
Nhà bình luận chính trị quốc tế nổi tiếng Fujii Imuki cho rằng, Mỹ nên có những hành động mạnh như vậy từ sớm hơn, bởi sự tăng cường sức mạnh quân sự của Washington ở Đông Á đã trở thành xu thế tất yếu.
Trước đây, ngay sau khi Tổng thống Obama khẳng định Mỹ "không phải là cảnh sát thế giới", Trung Quốc đã nhanh chóng bành trướng và liên tục làm gia tăng mối đe dọa về quân sự ở cả biển Đông và biển Hoa Đông.
"Nhật Bản nên nỗ lực hợp tác cùng Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á để cùng cảnh giác trước Trung Quốc trển biển Đông và các khu vực khác," ông Imuki nói.
Trong khi đó, tờ Yomiuri Shinbun (Nhật Bản) ngày hôm nay (20/2) cho biết, các nhà quan sát nước này sau khi phân tích tổng hợp các thông tin quân sự của Trung Quốc, đã nhận định Bắc Kinh rất có khả năng sẽ bố trí cả tên lửa chống hạm ở biển Đông.
Các hệ thống tên lửa đất đối không "bị phát hiện" mà Trung Quốc triển khai phi pháp trên đảo Phú Lâm "chỉ là một bộ phận của hoạt động bành trướng quân sự" mà nước này đang tiến hành.
Theo Yomiuri, quân đội Trung Quốc sẽ bố trí tên lửa chống hạm trong thời gian rất ngắn, chỉ cần có mệnh lệnh từ các lãnh đạo. Động thái này nếu trở thành sự thực trong tương lai gần, sẽ khiến khu vực biển Đông nhuốm "mùi thuốc súng".