Biển Đông nóng lên trước Đối thoại Shangri-La

Bình Giang |

Khu vực biển Đông nơi Trung Quốc xây các đảo nhân tạo vi phạm luật pháp quốc tế lại nóng lên trước thềm Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn địa chính trị quan trọng hàng đầu của khu vực. Sự kiện năm nay diễn ra từ ngày 31/5-2/6.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều cử bộ trưởng quốc phòng đến Đối thoại Shangri-La 2019 tại Singapore, khiến sự kiện năm nay sẽ gây chú ý lớn.

Sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại Đối thoại năm nay cùng với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho thấy ban tổ chức đối thoại nỗ lực cân bằng, để các bên có cơ hội tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nghề cá và quản lý thiên tai ở biển Đông.

Trước thềm sự kiện này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước phản bác việc Thượng viện Mỹ đề xuất trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc tham gia các hoạt động “trái pháp luật và nguy hiểm” trên biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng một luật như vậy “vi phạm các quy tắc cơ bản của luật quốc tế và các quan hệ quốc tế”, và rằng Trung Quốc “thúc giục Mỹ không tiến hành quy trình đó để tránh tiếp tục gây trở ngại cho quan hệ Trung – Mỹ”.

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio, người đi đầu trong nỗ lực tạo ra luật đó, nói với báo Hong Kong South China Morning Post rằng một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng sẽ trình dự luật trừng phạt biển Đông và Hoa Đông vào ngày 30/5. Dự luật này sẽ buộc chính phủ Mỹ phải tịch thu tài sản tại Mỹ và thu lại hoặc từ chối cấp visa cho bất kỳ ai tham gia “các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” ở khu vực biển Đông tranh chấp.

Dự luật cũng quy định Bộ trưởng quốc phòng Mỹ phải nộp lên Quốc hội báo cáo định kỳ 6 tháng để xác định bất kỳ cá nhân hay công ty Trung Quốc nào liên quan đến hoạt động xây dựng hay phát triển ở biển Đông. Những hoạt động bị dự luật nhắm đến là bồi đắp cải tạo đảo, xây hải đăng và hạ tầng liên lạc di động.

Báo SCMP dẫn lời ông Andrew Thompson, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, nói rằng dự luật này “phản ánh sự giận dữ của lưỡng đảng trước các hành động của Trung Quốc trên những vùng biển lân cận, cũng như giận dữ phản ứng của chính quyền Trump mới dừng lại ở các hoạt động tự do hàng hải và lên án bằng mồm”.

Trước đó, tư lệnh Hải quân Mỹ cảnh báo Trung Quốc rằng lực lượng dân quân trên biển và hải cảnh của nước này sẽ bị đối xử như hải quân ở biển Đông. Hạm đội tàu cỡ lớn của hải cảnh Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi lên 130 chiếc trong 9 năm qua và trở thành lực lượng hải cảnh lớn nhất thế giới.

Đầu năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Trung Quốc đang ngăn chặn hoạt động khai thác năng lượng trên biển Đông bằng “các biện pháp cưỡng ép”, ngăn cản các nước Đông Nam Á tiếp cận nguồn tài nguyên trị giá hơn 2, 5 nghìn tỷ USD trên biển Đông.

Nhưng về lời lẽ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vẫn khẳng định nước này đang gia tăng nỗ lực để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với 10 nước Asean nhằm tranh xung đột trên biển Đông.

Chờ đợi phát biểu tại Shangri-La

Đây là lần đầu tiên trong gần chục năm qua Trung Quốc mới cử quan chức cấp bộ trưởng đến dự Đối thoại Shangri-La .

Theo Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược (IISS) trụ sở tại London, Tướng Ngụy Phượng Hòa năm nay sẽ có bài phát biểu về vị trí của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ông Ngụy sẽ trả lời trực tiếp các câu hỏi từ khán giả sau khi kết thúc bài phát biểu vào sáng 2/6.

Tổng giám đốc IISS John Chipman hoan nghênh sự hiện diện của ông Ngụy, rằng bài phát biểu sắp tới của người đứng đầu ngành quốc phòng Trung Quốc “rất được chờ đợi”, và nó “tạo cơ hội duy nhất cho những người tham dự được đối thoại với quan chức hàng đầu của quân đội Trung Quốc”.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan sẽ phát biểu vào ngày 1/6. Nhiều bộ trưởng quốc phòng châu Á và châu Âu sẽ phát biểu trong các phiên thảo luận từ ngày 1-2/6. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có bài phát biểu dẫn đề vào ngày 31/5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại