Biển Đông: Kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc gieo rắc nỗi lo mới?

Hải Võ |

Philippines bày tỏ lo ngại về chương trình hạt nhân mà Trung Quốc định tiến hành trên biển Đông, như báo cáo do Bộ quốc phòng Mỹ công bố trước đó.

Phát ngôn viên của tổng thống Philippines, ông Harry Roque, ngày 23/8 cho biết nước này quan ngại về khả năng "bất kỳ hoặc tất cả các loại vũ khí hạt nhân" được đưa vào biển Đông và Đông Nam Á - khu vực mà các nước thành viên Asean đã ký hiệp ước tuyên bố là vùng phi hạt nhân.

Hồi tuần trước, Bộ quốc phòng Mỹ ra báo cáo thường niên, cảnh báo rằng Trung Quốc có thể triển khai vũ khí hạt nhân đến biển Đông. Ông Roque nói cảnh báo này chỉ là "quan sát của phía Mỹ", nhưng Manila phản đối bất kỳ hành động triển khai vũ khí hạt nhân nào trong khu vực.

"Điểm quan trọng cần nhấn mạnh là chúng tôi (Asean) có chính sách phi hạt nhân và cần áp dụng cho tất cả các nước, bao gồm Mỹ, bởi người Mỹ đã sử dụng vũ khí hạt nhân cũng như triển khai các chiến hạm có năng lực hạt nhân," phát ngôn viên Điện Malacanang nói.

"Lo ngại của chúng tôi nhằm tất cả các tàu từ tất cả các nước có khả năng mang hạt nhân."

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc lên tiếng chỉ trích báo cáo của Lầu Năm Góc là "đưa ra những bình luận vô trách nhiệm" về những thành quả quốc phòng của nước này.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói hôm 18/8, "Trung Quốc cam kết với con đường phát triển hòa bình và theo đuổi chính sách quốc phòng theo hướng phòng vệ. Chúng tôi luôn là người xây dựng hòa bình thế giới, người cống hiến cho phát triển toàn cầu và người bảo vệ trật tự quốc tế".

Ông Lục tuyên bố mọi hành động của Trung Quốc trên biển Đông "là hợp pháp và không thể tranh cãi".

Các tiền đồn hạt nhân

Lầu Năm Góc nêu rằng Trung Quốc có thể đưa sức mạnh hạt nhân tới các tiền đồn mà nước này chiếm đóng, cải tạo và phát triển trái phép trên biển Đông.

Theo cơ quan này, Bắc Kinh đã hoàn thành cơ sở hạ tầng trên bộ ở 4 tiền đồn chiếm đóng phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gồm đá Gạc Ma, đá Ken Nan, đá Ga Ven, và đá Châu Viên.

Sau khi Trung Quốc tuyên bố đã ngừng hoạt động bồi lấp và cải tạo trái phép (làm tăng thêm 12.94 km2 diện tích trên 7 thực thể chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Bộ quốc phòng Mỹ nói Bắc Kinh có thể đặt trạm hạt nhân để cấp năng lượng cho các thực thể này.

Lầu Năm Góc cho hay, kế hoạch này của Trung Quốc có thể sẽ khiến "nhân tố hạt nhân" hiện diện ở các khu vực tranh cãi.

"Năm 2017, Trung Quốc hé lộ kế hoạch phát triển có thể được tiến hành nhằm cấp năng lượng cho các đảo đá ở khu vực biển Đông thường gặp bão, thông qua các trạm điện hạt nhân nổi. Kế hoạch được cho là sẽ bắt đầu trước năm 2020," báo cáo của Mỹ viết.

Các tiền đồn phi pháp có thể hỗ trợ quân đội Trung Quốc trong các chiến dịch quân sự, nhưng Bộ quốc phòng Mỹ cho biết chưa quan sát thấy sự hiện diện dài hạn nào của hải quân và không quân Trung Quốc trên đảo nhân tạo.

"Sân bay, bến tàu và các cơ sở tiếp tế (trái phép-PV) sẽ cho phép Trung Quốc duy trì lực hải cảnh và quân sự hiện diện linh hoạt, thường xuyên hơn trong khu vực," báo cáo viết. Điều này làm tăng khả năng [Trung Quốc] xác định và phản ứng với thách thức đến từ các bên liên quan, mở rộng phạm vi hoạt động của các lực lượng Trung Quốc và giảm thời gian cần thiết để bố trí lực lượng.

Bắc Kinh áp đặt chủ quyền phi lý đối với phần lớn diện tích biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn" - cơ sở đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ trong phán quyết vụ kiện năm 2016, mà Philippines là nguyên đơn.

Mối lo từ kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc

Lầu Năm Góc cũng nêu trong báo cáo nói trên rằng Bắc Kinh đầu tư nguồn lực để duy trì và hiện đại hóa một lực lượng hạt nhân quy mô giới hạn nhưng đủ khả năng sống sót.

"Chính sách vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ưu tiên duy trì lực lượng hạt nhân có khả năng sống sót sau đợt tấn công đầu tiên [của đối thủ] và đáp trả với sức mạnh đủ để gây thiệt hại không thể chống đỡ đối với kẻ thù," báo cáo có đoạn.

Dù vậy, Trung Quốc có chính sách "không sử dụng [vũ khí hạt nhân] trước", hay chính sách NFU, nhấn mạnh nước này chỉ phát động lực lượng hạt nhân khi bị tấn công bằng hạt nhân. Bắc Kinh cũng không được sử dụng hạt nhân để đe dọa các nước không sở hữu hạt nhân hay những khu vực phi hạt nhân.

Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), có hiệu lực năm 1997, cấm các thành viên sản xuất vũ khí hạt nhân và đặt thiết bị nổ hạt nhân ở các vùng lãnh thổ có tranh chấp giữa các bên.

Hiệp ước vẫn "mở cửa" chờ đợi chữ ký từ Trung Quốc, Mỹ, Nga cùng các nước sở hữu vũ khí hạt nhân khác, nhưng những nước này vẫn chưa đặt bút.

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phát triển "bộ ba hạt nhân" gồm lực lượng tên lửa (PLARF), hải quân (PLAN) và không quân (PLAAF) - theo Lầu Năm Góc. Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của PLA có khả năng tấn công các mục tiêu trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cũng như ở biển Đông.

Các máy bay ném bom H-6K mà Trung Quốc điều động bay tuần tra qua các đảo đá ở biển Đông được cho là có thể mang vũ khí hạt nhân, thậm chí với sức mạnh gây thiệt hại trên toàn phạm vi Philippines.

Trước đây, chính quyền tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không đánh giá cao những báo cáo về khí tài tên lửa mà Trung Quốc đặt trái phép ở đảo nhân tạo trên biển Đông, với lý do Manila không cần lo ngại bởi cho rằng các tên lửa này không nhằm vào Philippines.

Lầu Năm Góc đưa ra lời cảnh cáo đối với hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại