Hiện nay, vùng biển ngoài khơi Philippines đang tồn tại hai vùng áp thấp nhưng theo các chuyên gia, còn rất xa để nhận định về khả năng hình thành bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông từ các vùng áp thấp này.
Ngoài ra, trong nửa cuối tháng 9, trên Biển Đông có thể hình thành dải hội tụ nhiệt đới. Trên dải hội tụ nhiệt đới này có thể xuất hiện các nhiễu động mạnh lên thành bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, dự báo từ nay đến hết năm 2024 còn khoảng 6-8 cơn bão/ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 3-4 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Ông Khiêm cũng lưu ý, với ảnh hưởng của La Nina, những tháng cuối năm 2024, trên Biển Đông có thể xuất hiện bão dồn dập, dẫn đến mưa chồng mưa, lũ chồng lũ ở khu vực miền Trung nước ta, không loại trừ khả năng tháng 1/2025 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực nam Biển Đông.
Miền Bắc nước ta vừa hứng chịu cơn bão mạnh nhất 30 năm qua đổ bộ. Đến sáng nay, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão YAGI tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực tỉnh Sơn La, dự báo tan dần trong đêm nay.
Dù bão tan nhưng mưa lớn còn kéo dài ở miền Bắc, nhất là các tỉnh trung du, vùng núi phía Bắc. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng sâu và kéo dài ở nơi trũng thấp.
Thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn cung cấp trực tuyến tại địa chỉ http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở.